Cứu cây Di sản nghìn tuổi của Hà Nội đang nguy kịch
5/29/2017 6:33:00 PM
(VACNE) - Cây Trôi (Mangifera Sp.) 1.000 tuổi ở thôn Quýt Giữa, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức được gắn bia Cây Di sản Việt Nam cuối năm 2014, bị sâu bệnh xâm hại đang được cộng đồng địa phương cấp cứu, theo tư vấn của chuyên gia Hội BVTN&MT Việt Nam.
Các chuyên gia VACNE thăm khám bệnh cây
Đây là cây Trôi thứ 3 của nước ta (sau cây Trôi ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc và cây Trôi ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã quá già, bị suy kiệt và bị sâu bệnh tấn công, được các chuyên gia Hội BVTN&MT Việt Nam tư vấn chăm sóc chữa bệnh.
Nhận được thông tin của địa phương gọi về Văn phòng, lãnh đạo Hội BVTN&MT Việt Nam đã nhanh chóng mời các chuyên gia (đã từng công tác tại các viện nghiên cứu Lâm nghiệp và Bảo vệ thực vật) về địa phương trực tiếp khảo sát và tư vấn cho người dân khẩn cấp cứu cây.
Sau khi trực tiếp khảo sát tại chỗ và nghe các vị đại diện địa phương trình bày về quá trình chăm sóc, bảo vệ và những diễn biến sức khỏe của cây trong thời gian gần đây, các chuyên gia của Hội BVTN&MT Việt Nam khẳng định: cây Trôi này đã quá cao tuổi, đang ở giai đoạn suy kiệt và bị côn trùng (ấu trùng bọ cát đinh) cùng một số loài nấm tấn công hơn một năm nay. Hiện tại, thân cây bị mục rỗng từ gốc tới đoạn phân cành, phần gỗ và vỏ cây đang bị ấu trùng bọ cát đinh đục khoét dữ dội. Rất nhiều cành cây đang bị héo và rụng lá. Vì thế, chính quyền và nhân dân địa phương phải khẩn cấp phun các loại thuốc trừ sâu nội hấp và phân bón vi sinh (như đơn của chuyên gia và cách sử dụng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất) để cứu cây.
Đại diện Hội BVTN&MT Việt Nam đánh giá rất cao sự quan tâm của cộng đồng địa phương với cây Di sản, đã phát hiện kịp thời sâu bệnh; đồng thời khẳng định: cây bị suy kiệt do tuổi quá cao và bị sâu bệnh xâm hại là điều khó tránh khỏi, nhưng nếu biết chăm sóc đúng cách và chữa bệnh kịp thời, vẫn có thể kéo dài tuổi thọ cho cây.
Trao đổi và hướng dẫn cho địa phương cách phun thuốc và chữa trị bệnh cho cây
Ông Phùng Thế Nhâm, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tuy Lai và ông Phùng Văn Tịch, trưởng thôn Quýt đại diện cho nhân dân địa phương, bày tỏ sự biết ơn đối với Hội BVTN&MT Việt Nam và mong muốn các nhà khoa học hỗ trợ cứu Cây Di sản bằng mọi giá. Bởi cây Trôi này không chỉ là địa điểm râm mát - nơi nghỉ chân của những người nông dân sau những giờ lao động cực nhọc trên đồng ruộng, mà còn là chứng nhân lịch sử, là chòi canh tự nhiên trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, che chở đạn bom cho bộ đội, du kích chống giặc Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược. Cây Di sản này còn là niềm tự hào của nhân dân địa phương, là báu vật này của quê hương, phải cố gắng giữ gìn cho hậu thế. Hiện tại, điạ phương cũng đã ươm nuôi được 1 cây Trôi mới, kế tục cho Cây Di sản Việt Nam
Được biết, sau khi được các chuyên gia Hội BVTN&MT Việt Nam tư vấn chữa bệnh, cây Trôi nghìn tuổi ở thôn Dẫn Tự, xã Tân Cương, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã phục hồi và xanh tốt trở lại; còn cây Trôi Di sản trong khuôn viên trường THCS Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đã bị chết, chuẩn bị trồng cây mới thay thế./.
Bọ cánh cứng hại cây được tìm thấy tại cây trôi
Văn phòng VACNE
Lượt xem : 3623