“Khi diện tích rừng ngày càng giảm dần, dân số và nhu cầu sử dụng thực phẩm từ động vật hoang dã gia tăng, buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới trở thành một vấn đề cấp thiết”, ông nói.
Các nhà báo đóng góp ý kiến trong việc chống buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới trong buổi tập huấn tại Móng Cái (từ 17/03 - 19/03/2010)
Việt Nam là một trong những quốc gia nổi lên như một mắt xích quan trọng trong mạng lưới buôn bán động vật hoang dã trên toàn thế giới. Đặc biệt Việt Nam là nước đầu mối cung cấp da trăn cho thị trường châu Âu. Mỗi năm, trung bình có một vụ lớn buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia được phát hiện với trị giá lên tới hàng chục tỷ đồng.
Năm 2008, hơn 20 tấn tê tê bị bắt giữ tại Việt Nam trên tuyến đường Indonesia – Trung Quốc. Gần đây nhất là vụ sáu tấn ngà voi được trịch thu có nguồn gốc từ châu Phi.
Theo số liệu thống kê của Cục Kiểm lâm (2009), số lượng thú bắt giữ được trong các vụ buôn bán giảm dần kể cả số vụ lẫn số con bắt được. Nếu như năm 2002, lực lượng chức năng bắt được 2051 vụ (tương đương với 90.000 con) thì năm 2006 còn 1528 vụ, 2008 bắt được 1406 vụ và năm 2009 chỉ còn 1042 vụ vi phạm.
Điều đáng nói là lực lượng kiêm lâm, thanh tra giám sát tốt hơn dẫn đến các vụ vi phạm ít hơn hay do lượng thú rừng giảm đi một cách trông thấy, không còn thú nữa để mà bắt và buôn bán?
Trong khi đó, số lượng thống kê kiểm tra bắt giữ trên chỉ chiếm 20 phần trăm các vụ buôn bán bất hợp pháp trên thực tế.
Nếu trước đây, việc săn bắt thú rừng chỉ mang tính đơn lẻ, chủ yếu nhằm cung cấp thực phẩm nuôi sống gia đình thì giờ đây, săn bắt thú trở thành thương mại hoá.
Theo TS Scott Roberton, hiện nay, với những phương tiện săn bắt hiện đại, thâm độc, thú rừng đang bị tận diệt một cách không thương tiếc từ hổ, khỉ, tê giác, hươu nai, lợn rừng, ba ba, cho đến tê tê, cá sấu…
Thậm chí, một số vùng còn săn bắt, tận diệt bằng cách rải thuốc độc xuống đất rừng cho thú ăn phải. Khắp các miền rừng núi đều có vết dấu của những cuộc săn bắn truy tìm thú hoang dã. Nhiều loài đã bị diệt gọn hoặc còn ít đến nỗi người ta cho vào loài đã bị tiệt chủng.
Những con thú được săn bắt nhanh chóng rơi vào tay những chủ buôn, đến các nhà hàng hoặc buôn lậu xuyên biên giới với những lô hàng lớn, đủ các chủng loại thú khác nhau.
Khi được hỏi các chủ nhà hàng lớn chuyên thịt thú rừng, không ai đưa ra đươc một con số cụ thể về số lượng thú tiêu thụ mỗi ngày. Có nhà hàng cho rằng khoảng 23kg/ngày, nhà hàng khác lại nói chỉ 5kg/ngày.
Mặt khác, chúng ta cũng không thống kê hết có bao nhiêu nhà hàng có sử dụng, chế biến thịt động vật hoang dã, để thấy được số liệu trung thực mỗi ngày lượng động vật hoang dã được bắt giết thịt và tiêu thụ trên cả nước lớn đến mức nào, ông nói.
Nhận thức còn khá xa vời
Có một thực tế, những người càng có thu nhập và nhận thức cao càng hay tiêu thụ thực phẩm từ động vật hoang dã. Họ chỉ cho rằng chúng có lợi cho sức khoẻ, sử dụng như một trao lưu và thể hiện đẳng cấp. Tuy nhiên, họ không nhận thức được những tác động lên môi trường và hệ sinh thái từ buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã.
TS Scott cho rằng, thật khó để đưa một dẫn chứng sát thực để mọi người hình dung được hậu quả của việc sử dụng và buôn bán động vật hoang dã ngay tức thì. Nhưng một con thú là một mắt xích của hệ sinh thái và khi hệ sinh thái bị sụp đổ thì cuộc sống con người sẽ bị đe doạ và sụp đổ theo.
Văn hoá và xã hội loài người phát triển song song với các loài động vật hoang dã. Từ hình ảnh các loại thú làm biểu tượng cho các nền tính ngưỡng cho đến nghệ thuật, âm nhạc…Một khi thú bị tuyệt chủng thì văn hoá của chúng ta cũng biến mất, ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cho đến nay, nhận thức của công chúng về thảm hoạ buôn bán động vật hoang đã còn khá xa vời, kể cả tiếng nói của giới truyền thông cũng chưa có tác dụng nhiều đáng kể.
Theo thống kê mới nhất của Trung tâm Con người&Thiên nhiên (PanNature), vấn đề chống buôn bán động vật hoang dã được báo chí nhắc đến chỉ chiếm 17 phần trăm trong số những lĩnh vực khác được để ý đến, trong đó, phản ánh trên báo chí khoảng 10 phần trăm so với số vụ vi phạm buôn bán động vật hoang dã trên thực tế và hầu hết là tập trung vào những vụ lớn, cách tiếp cận nhỏ lẻ, thưa thớt. Hầu hết báo chí chỉ đưa tin hoặc đưa bài ngắn, rất ít bài phóng sự điều tra dài kỳ có tiếng vang lớn.
Nhà báo Dương Thanh Tùng, báo Thanh tra Chính phủ, cho hay, giới truyền thông không những chỉ đưa tin mà còn phải có nhiệm vụ giúp các ngành chức năng điều tra ngăn chặn nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã. Tuy nhiên, đến nay, sự hợp tác giữa các ban ngành có liên quan với báo chí còn hạn chế.
Trong khi mọi người chỉ chạy theo cái lợi nhuận tức thì và pháp luật với quá nhiều lỗ hổng, loay hoay với những biện pháp manh mún, không đồng bộ thì những loài động vật quý hiếm vẫn ngày ngày bị tàn sát và đường dây vận chuyển động vật xuyên biên giới vẫn ngang nhiên diễn ra.
Nếu một ngày, việc ngăn cấm buôn bán động vật hoang dã được thực thi triệt để như luật đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông thì lúc đó tương lai động vật hoang dã ở Việt Nam mới được cứu vãn, TS Scott Roberton nhấn mạnh.