Cùng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ và đẩy mạnh các hoạt động chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VIII Hội BVTN&MT Việt Nam
6/29/2023 11:26:00 AM
(VACNE) - Ngày 28/6, các vị lãnh đạo Hội BVTN&MT Việt Nam ở cả 3 miền: Bắc-Trung-Nam đã họp, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, tổng kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 và xác định các hoạt động chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VIII của Hội thành công rực rỡ.
Theo báo cáo: nhờ biết tổ chức, tập hợp lực lượng, phân công rành mạch và bổ sung kip thời các giải pháp linh hoạt, nên hầu hết các nhiệm vụ mà Hội đề ra cho 6 tháng qua, đều đã hoàn thành đúng tiến độ.
Từ thành lập các đơn vị Tổ chức mới dành riêng cho Đại hội, họp báo cáo, xin ý kiến các cấp có thẩm quyền, tới việc Phát động phong trào thi đua, hướng tới kỷ niệm 35 năm thành lập Hội và lập thành tích chào mừng Đại hội lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023-2028) đều được phân công cụ thể, có kế hoạch và có sự đôn đốc thường xuyên của lãnh đạo và các Ban, Hội đồng.
Những nhiệm vụ chính của Hội như: Tư vấn, giám định và phản biện xã hội; Giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường; Nghiên cứu khoa học… đều có tín hiệu khởi sắc. Đặc biệt là hoạt động Bảo tồn Cây Di sản (hoạt động đặc thù của VACNE) được xã hội đánh giá cao. Hoạt động Đối ngoại nhân dân và Thi đua khen thưởng cũng được duy trì tốt trong thời gian qua.
Phát huy thế mạnh của đơn vị và đáp ứng kịp thời yêu cầu của đời sống xã hội, từ đầu năm tới nay, rất nhiều chuyên gia, các vị lãnh đạo VACNE đã trực tiếp viết bài, trả lời phỏng vấn của các đài phát thanh truyền hình trung ương và địa phương về ô nhiễm làng nghề, kinh tế tuần hoàn, rác thải nhựa, đa dạng sinh học,…Các GS.TSKH: Đặng Huy Huỳnh, Phạm Ngọc Đăng, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, GS.TS Đặng Kim Chi: các PGS.TS: Trịnh Thị Thanh, Phùng Chí Sỹ, Lê Văn Thăng, Nguyễn Chu Hồi và các TS: Nguyễn Ngọc Sinh, Trần Văn Miều, Hoàng Dương Tùng,…còn tích cực tham gia và đóng góp báo cáo tham luận tại các hội thảo quan trọng của các cơ quan chức năng, tại các Hội thảo “Tổng kết 10 năm công tác thông tin, tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2013 - 2023”; “Xã hội hoá nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”. Đặc biệt, cuốn cẩm nang về “Doanh nghiệp thương hiệu Xanh cho phát triển bền vững” do GS.TS.NGND Trần Hiếu Nhuệ và TS. Nguyễn Ngọc Sinh đồng chủ biên, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật phát hành cũng chính thức ra mắt bạn đọc vào đầu tháng 6/2023.
Rất nhiều chuyên gia khác trong hệ thống của VACNE, tại các Hội địa phương cũng tích cực tham gia vào các Hội đồng đánh giá các báo cáo ĐTM, báo cáo đề nghị cấp Giấy phép môi trường (GPMT) và nghiệm thu kết quả thực hiện các đề tài, nhiệm vụ NCKH. Hầu hết các vị trong Ban Thường vụ, nhiều vị trong BCH đều tích cực thực hiện nhiệm vụ truyền thông môi trường thông qua các hình thức phù hợp.
Sau đợt phát động thi đua Kỷ niệm 35 năm thành lập VACNE (tháng 3/2023) các nhà báo, phóng viên của: Tạp chí điện tử “Thiên nhiên và Môi trường”, Bản tin tinmoitruong.com, trang web Hội,… đều tăng cường tác nghiệp, có tin, bài và ảnh đăng trên ấn phẩm của mình. Chương trình Vì môi trường xanh quốc gia 2023 cũng đã được khởi động và đã có những thành quả bước đầu về mặt truyền thông trong lứa tuổi Thanh, Thiếu nhi. Kết quả này, thể hiện rất rõ qua số lượng “lượt xem”. Ví dụ như trang Web của Hội trong tháng 5. Có tới 522.881 Lượt truy cập. Riêng trang tiếng Việt, có ngày cao nhất (19/5) có tới gần 27.000 lượt..
Mới hơn 1 năm ra mắt bạn đọc, nhưng Tạp chí điện tử “Thiên nhiên và Môi trường” của Hội (TMO) đã thu hút nhiều người quan tâm. Và gần đây, Tạp chí đã phối hợp với các đơn vị của tỉnh Thanh Hóa tổ chức rất thành công Lễ phát động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023, tại Quảng trường Lam Sơn, thành phố Thanh Hoá.
Một số đề tài, nhiệm vụ, hợp đồng NCKH của Hội đang triển khai cũng rất thuận lợi và theo đúng kế hoạch. Cụ thể như: hợp đồng NCKH về rác thải sinh hoạt và tái chế chất thải nhựa (với Bộ TNMT). “Nghiên cứu đề xuất các kiến nghị phát triển Du lịch Hải Tiến – Thân thiện Môi trường phục vụ xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa” đã hoàn thành và chuyển giao kết quả cho địa phương áp dụng vào đầu năm 2023.
Đề tài NCKH về “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của hóa chất nông nghiệp và đốt lộ thiên đối với biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học ở Việt Nam” do các chuyên gia của Hội phối hợp với các nhà khoa học trong nước đang triển khai, không chỉ là thỏa thuận hợp tác NCKH với Liên minh Sức khỏe và Ô nhiễm Quốc tế (GAHP), mà còn là hoạt động Đối ngoại nhân dân. Hoạt động này, vẫn được VACNE tiếp tục duy trì với Hội Đánh giá Tác động môi trường Hàn quốc và Diễn đàn Con người và Môi trường (HEF). Ngoài ra, VACNE còn kết nối hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường, Nông nghiệp và Thực phẩm Vương quốc Anh trong kiểm soát ô nhiễm không khí.
Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động đặc thù “Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam” của Hội không chỉ tiếp tục duy trì, mà có nhiều tín hiệu rất tích cực. Có thêm gần 100 cây cổ thụ tại gần 30 địa điểm ở: Cao Bằng, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Long An, Hòa Bình, Quảng Nam, Hà Nội, Hà Nam,… được công nhận Cây Di sản Việt Nam và được các địa phương tổ chức vinh danh theo các hình thức rất đa dạng, phong phú và hiệu quả cao. Một số cụm cây được công nhận trước đây cũng cũng được Văn phòng Hội; Tiểu Ban Truyền thông; CLB Đạp xe Môi trường kết nối CDS phối hợp với Hội Bảo vệ Môi trường TP Hải Phòng và Quận Đồ Sơn tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, bảo vệ vào giữa tháng 5 với nội dung hoạt động chào mừng 35 năm VACNE./.
PV. VACNE
Lượt xem : 1118