Vietnamese English
Cua huỳnh đế - món sành điệu gây hại cho hệ sinh thái rạn san hô

8/31/2012 10:17:00 PM

(VACNE) - Mỗi con cua huỳnh đế được giới sành ăn lắm tiền hiện nay mua với giá 1 (một) tấn thóc ! Điều đó kích thích đánh bắt cạn kiệt dần loài cua này. Vốn là sinh vật sống trong vùng đáy cát ở rạn san hô, việc săn bắt quá mức cua huỳnh đế sẽ làm mất cân bằng sinh thái rạn, rất có thể sẽ góp phần suy thoái rạn san hô, sẽ là tai họa khôn lường trước hết là cho ngành thủy sản.

Nguyễn Đình Hòe - VACNE

 

Món cua huỳnh đế
 

1.Cua huỳnh đế còn được gọi là cua Vua (King crab), cua Ếch đỏ (Red Frog Crab) hoặc cua Mỏ lết (Spanner Crab); tên khoa học là Ranina ranina (Linnaeus, 1758). Giống cua Ranina chỉ có duy nhất 1 loài cua huỳnh đế. Một số nhà sinh học dựạ vào hình dạng đã chia Ranina ranina thành một số loài khác nhau nhưng cách phân loại này chưa được chấp nhận[i].

Cua huỳnh đế tuy cũng được gọi là cua nhưng khác hẳn các loài cua thông thường khác (ta vẫn gọi là cua bùn, cua biển, cua xanh,…) ở chỗ ngoài 2 càng như cua thông thường, nó chỉ có 6 cẳng  chứ không phải 8 cẳng như cua thường; ngoài ra cái yếm của cua huỳnh đế khá dài và không quặp vào bụng như cua thường mà cứ để dài lê thê như đuôi tôm, vì thế nhiều người còn gọi cua huỳnh đế là loài “đầu cua đuôi tôm”.

Tên Việt của loài cua này là huỳnh đế có lẽ do người miền Nam đặt vì ở nước ta loài này gặp ở vùng biển Nam Trung Bộ (từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận). Cua huỳnh đế vùng Tuy Phong, Bình Thuận nằm trong hệ sinh thái nước trồi giàu dinh dưỡng nên ngon hơn cả. Loài cua này to lớn đẫy đà (thông thường xấp xỉ 1 kg/con, ở nhiều nước ôn đối những con lớn có thể đạt 2 kg/con, thậm chí đôi khí lớn đến 5 – 7 kg/con), càng chân nguềnh ngoàng, bộ giáp dày có gai sắc lẹm màu nâu đỏ như áo bào đôi khi tô điểm bằng những đốm trắng, rất hoành tráng, nước ngoài gọi là cua Vua (King crab) nên người Việt cũng gọi là cua Hoàng đế. Dưới thời vua chúa nhà Nguyễn, để tránh tên tục của chúa Nguyễn Hoàng, chữ hoàng phải đổi sang huỳnh. Thế là cua hoàng đế thành cua huỳnh đế.

 

 

Cua huỳnh đế ở Việt Nam

2.Cua Huỳnh đế phát triển đàn đông đảo vào mùa cuối đông đầu xuân, khoảng từ tháng 12 đến tháng 3 âm lịch ở Việt Nam. Thông thường những tháng này, vùng biển Nam Trung Bộ trở  gió nồm, êm sóng, nên hợp với mùa sinh sản và đi tìm thức ăn của cua. Cua huỳnh đế ăn tạp, thức ăn của nó là các động vật nhỏ thuộc nhóm cầu gai, thân mềm, giáp xác, giun biển và cá.  Do đó chúng thường phù hợp với sinh cảnh đáy cát vùng rạn san hô vì nơi đó giàu thức ăn. Cũng khác với bọn cua thường, huỳnh đế non không cần vào vùng cửa sông nước lợ đào hang lột xác – nó chỉ sống ở biển.

Ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, cua huỳnh đế có thể sống cả ở vùng nước lạnh sâu đến 70 m như ở biển New Zealand, miễn là có đáy cát để nó vùi thân. Cua huỳnh đế có tập tính sống vùi thân trong cát nên nó không có 2 cái mái chèo để bơi như cua thường. Vào cuối đông đầu xuân là lúc cua huỳnh đế phát dục. Con cái thường mang 2 túi trứng, mỗi túi chứa chừng 120.000 trứng. Con cái bắt đầu trưởng thành vào khoảng 2 năm tuổi với chiều dài mai cua khoảng 7,0 – 7,5 cm, nặng chừng 150 gr/con. Cua huỳnh đế của New Zealand cũng to cỡ cua huỳnh đế Việt Nam, con cái có chiều dài mai khoảng 11 cm, con đực to hơn chút ít , khoảng 14 cm. Để đạt được kích thước như vậy, chúng cần sống 10 năm. Ở Úc và New Zealand, cua huỳnh đế thương mại thường là cua đực vì người ta để cua cái sống còn sinh đẻ [ii], , không như người Việt mình chỉ thích ăn con cái (cua trứng, cá trứng, gà mái, heo nái…)

4.Ở các tỉnh ven biển Nam Trung bộ trước đây, cua huỳnh đế không phải là món ăn gì xa xỉ. Người dân cũng ít ăn cua này. Theo người dân địa phương thì cua huỳnh đế không ngon bằng cua hay ghẹ, nó trông hoành tráng và nặng ký nhưng ít thịt, vỏ lại sắc lem lẻm khi ăn thường hay bị đứt tay. Và cũng chỉ làm được món hấp hay nấu cháo vì vỏ của nó rất dày khó thấm gia vị khi làm các món khác (ví dụ cua rang me hay rang muối). Hiện nay cua huỳnh đế trở thành mốt của các thực khách lắm tiền và dần trở nên đặc sản. Vốn hiếm gặp vì không nuôi được (lại chậm lớn) chúng được nâng giá trên trời, khiến cho chỉ có những đại gia giàu có mới có cơ hội thưởng thức món ăn cao cấp này tại những nhà hàng sang trọng.. Gần đây một vài siêu thị Hà Nội nhập cua Huỳnh đế từ Nhật loại 2 kg /con được bán với giá 5 (năm) triệu đồng / con, nếu quy ra thóc, một con cua huỳnh đế ở Hà Nội ngang với cả tấn thóc[iii]. Tại Phan Rang, Phan Thiết, Nha Trang, Phú Yên, Bình Định…, hiện nay giá cua huỳnh đế bản địa loại từ 1 kg đến 2 kg một con khoảng 500.000- 800.000 đồng/kg. Hiện rất hiếm loại cua từ 800 gr trở lên, loại 200 gr đến 500 gr một con có giá bán là 450.000 đồng/kg”. Cua trái mùa, mức giá 2,5 triệu đồng/kg “không phải là quá đắt” theo quan điểm khách lắm tiền. Có nhiều thời điểm, hàng khan hiếm, giá còn đội lên cao hơn, nhất là với loại cua 1,5- 2kg/con[iv]. Ơn trời là giới bình dân nước ta lâu nay chưa bao giờ cần đến cua huỳnh đế !

 

Cua Huỳnh đế Nhật được bán ở siêu thị Unimart Hà Nội
 

 Vốn là sinh vật rộng cảnh nhưng hay sống trong vùng đáy cát của rạn san hô, lại rất chậm lớn (một con nặng cỡ 1 kg phải ít nhất 5 năm tuổi) việc săn bắt quá mức cua huỳnh đế để thỏa mãn thị trường sẽ làm mất cân bằng sinh thái rạn. Rạn san hô suy thoái sẽ là tai họa khôn lường, trước hết là cho ngành thủy sản.



[iv] Loạn giá cua Hoàng đế made in Viet Nam. Tài liệu đã dẫn

Lượt xem : 2925