Vietnamese English
Cù Lao Chàm – đảo xanh không rác thải nhựa

12/24/2020 7:49:00 AM

Sau hơn 10 năm phát động thực hiện cuộc vận động “Nói không với túi nilon”, giảm thiểu sử dụng túi nilon (từ năm 2009), đến nay xã đảo Tân Hiệp (TP. Hội An) không chỉ trở thành điểm sáng trên cả nước mà còn tạo được tiếng vang, tạo nên thương hiệu đặc trưng so với mạng lưới các Khu sinh quyển trên thế giới.

 
Cù Lao Chàm đang ngày một xanh sạch đẹp hơn.

Nhớ lại, cách đây hơn 10 năm, vấn nạn túi nilon vốn đã nghiêm trọng đối với đời sống của con người trên toàn cầu lại càng nghiêm trọng hơn với Cù Lao Chàm – một xã đảo đặc thù, tách biệt với đất liền. Nguồn rác thải sinh hoạt của người dân đổ bừa bãi ra môi trường xung quanh “từ trên rừng xuống biển”. Rác từ hoạt động du lịch, khai thác hải sản, từ đất liền mang ra với đủ loại túi nilon theo con sóng tấp đầy trên các bãi biển, kè đá làm ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan biển đảo. Túi nilon còn được tìm thấy trong lòng đại dương, trong các rạn san hô, thảm cỏ biển... âm thầm hủy diệt nguồn lợi thủy sản vùng biển đảo nơi đây.

Trước ngày Cù Lao Chàm – Hội An được Tổ chức Con người và Sinh quyển Liên Hiệp Quốc (MAB) vinh danh là di sản thế giới (ngày 26.5.2009 tại đảo Jeru – Hàn Quốc), từ ý tưởng của đồng chí Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy lúc bấy giờ, lãnh đạo thành phố và xã đảo Tân Hiệp chính thức phát động nhân dân trên đảo thực hiện cuộc vận động “Nói không với túi nilon” vào ngày 22.5.2009. Ngay sau khi phát động, một tổ công tác “đặc nhiệm” của địa phương đã được thành lập, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân thực hiện.

Chính quyền còn bố trí lực lượng tình nguyện viên túc trực đảm nhận cấp phát các loại giỏ, túi được làm bằng các chất liệu thân thiện với môi trường do các doanh nghiệp, tổ chức xã hội tài trợ ủng hộ để thay thế túi nilon cho người dân và cả du khách đến tham quan, lưu trú.

Từ những lúng túng, ngỡ ngàng ban đầu nhưng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, Ban quản lý Khu sinh quyển, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, các ban ngành, đoàn thể của thành phố, Cù Lao Chàm đã từng bước đẩy lùi được vấn nạn túi nilon. Ý thức chấp hành của người dân được nâng cao, phần đông người dân đã dần hình thành thói quen không dùng túi nilon, sử dụng giỏ nhựa để đi chợ, dùng các loại túi thay thế để đựng thực phẩm. Các doanh nghiệp du lịch cũng thể hiện trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện, nhắc nhở du khách tham gia thực hiện. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong và ngoài thành phố còn nhiệt tình đóng góp tài trợ các loại túi sinh thái thay thế túi nilon với số lượng lên đến hàng ngàn chiếc.

Cộng đồng dân cư cũng sáng tạo, tìm ra những sinh kế phù hợp như làm túi giấy, túi lưới, túi dây 3 cước hay một số vật liệu thân thiện với môi trường như giấy báo, lá cây để gói sản phẩm, đựng hàng hóa phù hợp bán cho khách hàng. Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết “Trải qua chặng đường 10 năm, Cù Lao Chàm từ 1 hòn đảo đối diện với nguy cơ ô nhiễm cao, môi trường bị suy thoái đã trở thành 1 địa điểm xanh – sạch, 1 địa điểm nghỉ dưỡng không thể bỏ lỡ trên tuyến đường du lịch miền Trung. Hòn đảo không túi ni lon đã trở thành thương hiệu đầy tự hào, thể hiện nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương”.

 Từ thành công của phong trào “Nói không với túi nilon”, ngày 26/5/2018 UBND thành phố và Ban quản lý Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An tiếp tục phát động nhân dân cam kết thực hiện “Nói không với ống hút nhựa” và ngày 27/3/2019 vừa qua tiếp tục triển khai chương trình truyền thông hưởng ứng chiến dịch “Giảm thiểu rác thải nhựa”, tuyên truyền rộng rãi cho cán bộ, nhân dân, học sinh và du khách về tác hại cũng như hậu quả nặng nề của túi ni-lon, ống hút nhựa, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần đối với môi trường, các hệ sinh thái, đời sống sinh vật cả trên cạn lẫn dưới nước. GS,TS Nguyễn Hoàng Trí – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam đánh giá rất cao tác động và sức lan tỏa của các cuộc vận động “Nói không” từ túi nilon đến các sản phẩm nhựa dùng một lần ở Cù Lao Chàm “Điều rất quan trọng của Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An, đó là một trong những Khu sinh quyển vùng biển đảo của mạng lưới 686 Khu sinh quyển trên toàn thế giới hiện nay, một Khu sinh quyển đầu tiên đã nói không với túi nilon, đã nói không với các sản phẩm nhựa tổng hợp dùng một lần. Điều ấy đã được đưa lên công bố với báo chí trong hệ thống các Khu sinh quyển trên toàn thế giới”.
 Thực hiện “Nói không” với túi nilon và ống hút nhựa dùng một lần với những thành công bước đầu là khởi sự đầu đầy lạc quan trên hành trình đẩy lùi các sản phẩm nhựa dùng một lần ra khỏi đời sống con người, rất cần những nỗ lực kiên trì, những giải pháp, mô hình thiết thực, hữu hiệu hơn nữa để xử lý và quản lý rác thải bền vững, giữ cho Cù Lao Chàm mãi là “Đảo xanh huyền thoại”. Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban quản lý Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, cho biết "Câu chuyện của Cù Lao Chàm 10 năm trước là một tín hiệu vui, một điểm sáng về một cộng đồng biết tôn trọng thiên nhiên và cùng chung tay bảo vệ môi trường. Và vì lẽ đó, chúng tôi rất mong muốn viết thêm một chương trình hành động mới “Nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần” tại xã đảo Tân Hiệp – Cù Lao Chàm”.

Tôi mong muốn mỗi người dân, mỗi du khách đến với xã đảo hãy tích cực và kiên quyết “Nói không với sản phẩm dùng một 4 lần”. Sẽ cần nhiều thời gian để tiếp nhận sự thay đổi nhưng với những thành quả đã đạt được tôi có một niềm tin vào tương lai rằng, Cù Lao Chàm sẽ hoàn toàn sạch bóng các loại rác thải nhựa và hướng đến mô hình hòn đảo không rác thải đầu tiên tại Việt Nam”) Thực hiện thành công việc “Nói không” với túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần là tiếp tục tạo nên và làm vang xa hơn thương hiệu đặc trưng của Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An và là nền móng hướng tới một Khu sinh quyển xanh, sạch, đẹp luôn được bè bạn 5 châu yêu thích.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem : 1662