Thỏa thuận đạt được tại hội nghị lần thứ 21 Công ước Khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP21) tại Pháp hôm 12/12 được đánh giá là bước ngoặt lịch sử và có thể nói cơ hội cứu hành tinh đã đến với sự đồng thuận của 195 nước cùng cam kết kiểm soát mức tăng nhiệt độ Trái Đất.
Thỏa thuận đạt được tại COP21được đánh giá là bước ngoặt lịch sử và có thể nói cơ hội cứu hành tinh đã đến với sự đồng thuận của 195 nước cùng cam kết kiểm soát mức tăng nhiệt độ Trái Đất.
Sau 13 ngày đàm phán căng thẳng với nhiều cuộc thương lượng kéo dài từ ngày 30/11 đến 12/12, thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đạt được sự đồng thuận, theo đó, các nước đang phát triển mỗi năm sẽ nhận được 100 tỷ USD. Việt Nam và nhiều nước lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận được coi là cơ hội cứu hành tinh này.
“Chỉ bằng một cái búa nhỏ, chúng ta có thể mang lại những điều lớn lao”- Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius phát biểu trong lúc đóng dấu đồng thuận, chấm dứt hai tuần đàm phán căng thẳng tại COP21 ở Paris.
Ngày 13/12, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình được Báo Tiền Phong dẫn lời cho biết, Việt Nam vui mừng và hoan nghênh thỏa thuận này, cho rằng đây là bước mở đầu cho một giai đoạn mới về ứng phó biến đổi khí hậu và là một bước tiến hết sức quan trọng trong nỗ lực chung nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu - một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất trong
thế kỷ 21.
Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc Xie Zhenhua cho rằng, kế hoạch Paris không lý tưởng, nhưng “không ngăn chúng ta tiến những bước đi lịch sử về phía trước”.
Cơ hội cứu hành tinh
Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi Thỏa thuận Paris là “bước chuyển của cả thế giới” và là “cơ hội tốt nhất chúng ta có được để cứu hành tinh”. Cho rằng thỏa thuận không hoàn hảo, nhưng ông Obama dự đoán văn kiện này sẽ thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch và giảm lượng phát thải carbon làm tăng
nhiệt độ toàn cầu.
Đại diện gần 200 quốc gia đã tham gia vào những cuộc đàm phán căng thẳng tại thủ đô của Pháp trong suốt hơn 2 tuần, và cuối cùng nhất trí một thỏa thuận mà tất cả các quốc gia phải cắt giảm khí phát thải. Thỏa thuận một phần có tính ràng buộc pháp lý này sẽ được thực hiện từ năm 2020.
Thỏa thuận quy định, đến năm 2018, các nước phải có đánh giá về tác động toàn diện trong ngăn chặn sự tăng nhiệt toàn cầu, và đệ trình những kế hoạch cụ thể về cắt giảm khí carbon khi thỏa thuận COP21 có hiệu lực vào năm 2020.
Sau thời gian này, cứ mỗi năm năm, tính từ năm 2023, các quốc gia sẽ rà soát lại các mục tiêu đã đề ra. Cho đến nay, một vài nước đã đưa ra mục tiêu về lượng khí thải cắt giảm vào năm 2025, thậm chí đến năm 2030, trong lộ trình đầu tiên.
Về trách nhiệm của các bên, thỏa thuận đã đề cập tới việc các quốc gia phát triển phải đóng vai trò đầu tàu trong việc giảm khí thải. Trong khi các nước đang phát triển được khuyến khích nhanh chóng nỗ lực giảm sử dụng năng lượng hóa thạch và giảm dần lượng khí thải với sự hỗ trợ của các nước giàu.
Quy định về nghĩa vụ tài chính cũng là một nội dung quan trọng đạt được trong thỏa thuận. Theo đó, các quốc gia phát triển sẽ cung cấp tài chính giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, cũng như tăng cường khả năng ứng phó với các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra, như hạn hán hay lũ lụt.
Cụ thể, các nước phát triển cam kết sẽ chi tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm cho nội dung này, tính từ năm 2020, sau đó sẽ được tăng dần lên và hai năm sẽ báo cáo một lần về mức đóng góp của mình. Thỏa thuận cũng khuyến khích sự hỗ trợ tự nguyện của các nền kinh tế mới nổi, như Trung Quốc.
Thỏa thuận Paris này sẽ bắt đầu được ký vào ngày 22/4/2016 (Ngày Trái đất) và có hiệu lực khi nhận được chữ ký của 55 quốc gia chiếm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu – theo Khám Phá.
Đây có thể coi là bước đột phá của cộng đồng quốc tế và LHQ trong nỗ lực kéo dài suốt hơn 2 thập kỷ qua nhằm thuyết phục các Chính phủ hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm mà các nhà khoa học cho rằng đang khiến nhiệt độ của Trái đất tăng lên.
Mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 2 độ C
Trong bản thỏa thuận cuối cùng, 195 quốc gia thành viên COP21 đã nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp, và sẽ cố gắng đưa con số này về mức 1,5 độ C. Đây là điểm quan trọng nhất về mục tiêu cần đạt được của COP21 – theo TTXVN.
Để đạt mục tiêu này, thỏa thuận cũng nêu rõ rằng
thế giới phải nhanh chóng giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính với mức nhiều nhất có thể. Tiến độ cụ thể được đặt ra là tới giữa thế kỷ này (khoảng sau năm 2050), thế giới phải đạt cân bằng giữa lượng khí phát thải do hoạt động của con người với khả năng hấp thụ của Trái Đất (nhờ sự hấp thu của rừng và đại dương) cộng với công nghệ “thu gom khí thải."
Giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 2 độ C chính là mục tiêu chủ chốt của COP21, nhưng để đạt được mức hạn chế này không phải là việc đơn giản, theo giới khoa học.
Một khi thất bại trong việc giữ mức tăng nhiệt độ ở 2 độ C, thế giới sẽ chứng kiến những hậu quả tàn khốc từ biến đổi khí hậu: Các đợt siêu hạn hán, hiện tượng El Nino thường xuyên hơn, sự tuyệt chủng của một số loài động vật và thực vật, lũ lụt bất thường và mức nước biển gia tăng khiến cho nhiều vùng đất và đảo bị xóa sổ - theo thông tin trên Báo Đại Đoàn Kết…
Ngoài ra, giới khoa học và chuyên gia chính sách nói rằng, để đạt được mức giới hạn 2 độ C thì thế giới cần phải loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch kể từ năm 2050 cho đến cuối thế kỷ. Và để đạt mức tham vọng hơn, 1,5 độ C, thế giới sẽ cần phải giảm hoàn toàn lượng khí thải trong khoảng từ năm 2030 đến 2050.
Còn nhiều việc cần phải làm
Dù cho Thỏa thuận đã được ký kết, nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm trước khi nó thực sự đi vào hiệu lực. Thỏa thuận này được chấp nhận dựa trên “sự nhất trí chung” của các vị Ngoại trưởng trong vòng họp cuối ở Paris. Điều này có nghĩa là, chưa hẳn 196 quốc gia tham gia ký kết sẽ thông qua nó.
Mỗi quốc gia riêng biệt sẽ cần phải thông qua Thỏa thuận này. Thêm vào đó, Thỏa thuận này cũng không thể đi vào hiệu lực khi chưa được ít nhất 55 quốc gia phê chuẩn, trong khi các quốc gia này chiếm tới 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của toàn thế giới. Điều này có nghĩa là, nếu các quốc gia xả thải lớn nhất thế giới không thông qua thỏa thuận này, việc thực thi nó có thể là một thách thức lớn.
Ví dụ như Trung Quốc và Mỹ, lần lượt có mức xả thải chiếm 24% và 14% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Như thế giới từng chứng kiến trước đây, khi Mỹ rút lại sự ủng hộ của họ đối với các biện pháp đối phó biến đổi khí hậu sau khi ký kết Nghị định thư Kyoto hồi năm 1997. Lúc bấy giờ, chính quyền Tổng thống Bill Clinton đã ký kết thỏa thuận, nhưng sau đó không trình lên Thượng viện để phê chuẩn.
Một khúc mắc mà thỏa thuận này không thể giải quyết được, chính là cách thức trừng phạt các quốc gia không thực hiện đúng cam kết. Giới quan sát còn cho hay, vấn đề này chưa bao giờ xuất hiện trên bàn nghị sự ở COP21. Thay vào đó, Thỏa thuận kêu gọi thành lập một ủy ban gồm các chuyên gia để đánh giá các bước thực thi và thúc đẩy việc làm theo thỏa thuận, dù không có quyền lực để trừng phạt những bên làm sai.
Mặt khác, theo các nhà quan sát, dù cho khoản tiền bồi thường có được chi trả cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu dù không có hành động gì khiến mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính gia tăng hay không. Thỏa thuận này kêu gọi các nước phát triển hỗ trợ khoản tiền ít nhất là 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển. Điều này đã khiến các thành viên thuộc một số tổ chức hoạt động vì môi trường và khoa học tỏ ra lạc quan theo nhiều mức độ khác nhau.