COP15: Thông qua khung đa dạng sinh học toàn cầu
12/23/2022 7:32:00 AM
Ngày 19/12, tại Montreal, Canada, Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) đã thông qua Khung đa dạng sinh học toàn cầu Kunming – Montreal. Đây là thành tựu nhằm định hướng công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên toàn cầu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
COP15 đã kết thúc sau khi thông qua các mục tiêu toàn cầu mới cho năm 2030
Khung đa dạng sinh học toàn cầu Kunming – Montreal bao gồm 4 mục tiêu tổng quát và 23 mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Khung đa dạng sinh học toàn cầu nhấn mạnh: “Đến 2050, đa dạng sinh học được thừa nhận, bảo tồn, phục hồi và sử dụng khôn khéo, thúc đẩy các dịch vụ hệ sinh thái, duy trì một hành tinh khỏe mạnh và mang lại lợi ích thiết yếu cho tất cả mọi người”.
Xoay quanh tầm nhìn đến 2050, các mục tiêu tổng quát của Khung đa dạng sinh học toàn cầu hướng đến sự toàn vẹn, kết nối và phục hồi của các hệ sinh thái, dừng lại sự tuyệt chủng gây ra bởi con người đến các loài nguy cấp, duy trì sự đa dạng của các nguồn gen; đồng thời đa dạng sinh học phải được sử dụng, quản lý và đảm bảo đóng góp của thiên nhiên cho con người không chỉ hiện tại mà trong cả tương lai.
Thêm vào đó, Khung đa dạng sinh học toàn cầu cũng hướng đến các cơ chế tài chính, tăng cường năng lực thực thi, hợp tác khoa học kĩ thuật, chuyển giao công nghệ nhằm đảm bảo thực hiện thành công Khung đa dạng sinh học toàn cầu.
Các mục tiêu cụ thể đến 2030 tập trung vào việc giảm thiểu các mối đe dọa đến đa dạng sinh học ở cả 03 cấp độ hệ sinh thái, loài, nguồn gen; đáp ứng nhu cầu của con người thông qua sử dụng bền vững và chia sẻ lợi ích liên quan đến việc sử dụng các giá trị của đa dạng sinh học; và đảm bảo các công cụ và giải pháp cho việc thực hiện và lồng ghép Khung đa dạng sinh học toàn cầu.
Một trong những điểm mới tham vọng và cũng gây tranh cãi trong quá trình đám phán Khung đa dạng sinh học toàn cầu là mục tiêu bảo tồn "30x30". Khung đa dạng sinh học toàn cầu kêu gọi 30% diện tích đất và biển của trái đất được bảo tồn thông qua việc thành lập các khu bảo tồn và các biện pháp bảo tồn khác ngoài khu bảo tồn. Đồng thời, Khung đa dạng sinh học toàn cầu cũng đặt ra mục tiêu phục hồi hiệu quả ít nhất 30% diện tích các hệ sinh thái bị suy thoái.
Các tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học cũng được Khung đa dạng sinh học toàn cầu nhắm tới nhằm loại bỏ 500 tỷ đô la mỗi năm đồng thời tăng cường các biện pháp khuyến khích tích cực cho việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; giảm một nửa lượng chất thải thực phẩm toàn cầu và giảm đáng kể việc tiêu thụ quá mức và tạo ra chất thải đồng thời giảm một nửa lượng chất dinh dưỡng dư thừa và rủi ro tổng thể do thuốc trừ sâu và hóa chất độc hại cao gây ra.
Với nhiều nỗ lực của các quốc gia, Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Kuming – Montreal đã được thông qua với mục tiêu tham vọng nhằm khẩn trương đảo ngược lại quá trình mất đa dạng sinh học đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu trong vài thập kỉ vừa qua. Vấn đề quan trọng nhất là các quốc gia cần gấp rút triển khai các nội dung của Khung đa dạng sinh học toàn cầu phù hợp với bối cảnh của quốc gia mình.
Nguồn: Baotainguyenmoitruong
Lượt xem : 1039