Hội nghị lần thứ 21 Công ước Khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP21) tại Paris là nơi khởi đầu cho những sáng kiến trị giá nhiều tỷ nhằm phát triển công nghệ sạch và giúp các nước nghèo phát triển "xanh", bảo vệ Trái Đất trước hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Liên hợp quốc phát động sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày 30/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã cùng 13 cơ quan Liên hợp quốc phát động sáng kiến mới nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các nước dễ bị ảnh hưởng nhất trên thế giới. Sáng kiến thích ứng khí hậu mang tên "Dự báo, Thích ứng và Tái định hình" trước tình trạng biến đổi khí hậu đã được công bố tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (
COP21) đang diễn ra tại thủ đô Paris của Pháp.
Cụ thể, sáng kiến này nhằm tăng cường năng lực của các nước trong việc dự báo các nguy cơ, thích ứng với tình huống bất ngờ, và phục hồi sự phát triển nhằm giảm bớt các nguy cơ về biến đổi khí hậu. Trong vòng 5 năm tới, sáng kiến sẽ giúp huy động tài chính và kiến thức, thiết lập và tổ chức các nhóm cộng tác ở các cấp, phối hợp hoạt động nhằm đạt kết quả rõ ràng, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Sáng kiến sẽ giúp giải quyết nhu cầu của gần 634 triệu người, tương đương 1/10 dân số thế giới, đang sống tại những khu vực duyên hải chỉ cách mực nước biển vài mét, cùng những cư dân tại các khu vực có nguy cơ hạn hán và ngập lụt.
Các nước giàu cam kết nhiều tỷ USD cho những sáng kiến về khí hậu
Dự án đầu tiên do lãnh đạo 20 nước trong đó có Tổng thống Mỹ, Tổng thống Pháp, và ông chủ Tập đoàn Microsoft Bill Gates khởi xướng, có tên gọi "Sứ mệnh Công nghệ mới."
Ngân hàng Thế giới cũng tuyên bố lập quỹ 500 triệu USD hỗ trợ các nước đang phát triển cắt giảm khí thải nhà kính. Một Quỹ có tên "Cơ sở Chuyển hóa khí carbon" sẽ hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, giao thông, sử dụng năng lượng hiệu quả và các thành phố có lượng khí carbon thấp. Đức, Na Uy, Thụy Điển và Thụy Sĩ sẽ là những nhà tài trợ chính cho quỹ này.
Trước thềm hội nghị, Nội các mới của Canada đã cam kết góp 2,65 tỷ USD vào Quỹ khí hậu Xanh của Liên hợp quốc, trong khi Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản cam kế mỗi nước đóng góp 1 tỷ USD. Quỹ này được thành lập năm năm trước đây để huy động 100 tỷ USD từ nay cho đến năm 2020 trợ giúp các nước nghèo thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu.
Trung Quốc kêu gọi các nước phát triển tôn trọng cam kết tài chính
Trung Quốc đã kêu gọi các nước giàu tôn trọng các cam kết tài chính đã đưa ra hồi năm 2009, theo đó bắt đầu từ năm 2020 phải cung cấp cho các quốc gia đang phát triển 100 tỷ USD/năm để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Phát biểu ngày 30/11 tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21
Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại thủ đô Paris (Pháp), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ các quốc gia giàu có nên gánh vác phần trách nhiệm hơn nhằm hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu, hỗ trợ các nước nghèo thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu nghiêm trọng.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước phát triển cần chuyển giao các công nghệ thân thiện với môi trường cho nước đang phát triển. Tại Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2009 tại Copenhagen (Đan Mạch), các nước công nghiệp phát triển đã cam kết bắt đầu từ năm 2020 sẽ dành 100 tỷ USD mỗi năm hỗ trợ các nước nghèo đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu cũng như hỗ trợ tài chính lớn hơn cho các nước này sau đó. Số tiền này sẽ được sử dụng để giảm lượng phát thải khí CO2 cũng như đối phó với tình trạng nước biển dâng cao, khắc phục hậu quả hạn hán và các thảm họa thiên nhiên khác.
Phát động Liên minh Năng lượng Mặt trời quốc tế
Ngày 30/11, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng tham gia phát động Liên minh Năng lượng Mặt trời quốc tế, do các chính phủ Ấn Độ và Pháp thiết lập. Theo ông, liên minh này sẽ "giúp các quốc gia phát triển vốn giàu
năng lượng mặt trời có thể khai thác tối đa nguồn tài nguyên dồi dào và không tốn kém này."
Tổng Thư ký kêu gọi các quốc gia phát triển phối hợp với Liên minh Năng lượng Mặt trời quốc tế bằng cách cung cấp sự hỗ trợ công nghệ, đào tạo và tài chính cho những quốc gia kém phát triển.
Trung Quốc nói không hy sinh kinh tế để chống biến đổi khí hậu
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng các biện pháp
đối phó với biến đổi khí hậu không nên làm ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế các nước, theo The Guardian. Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu toàn cầu tại Paris hôm 30/11, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu cao vấn đề phân biệt giữa trách nhiệm và mục tiêu phát triển đất nước. Theo đó, ông cho rằng đây là cuộc đám phán quan trọng về khí hậu, giải quyết “sự khác biệt về kinh tế giữa các nước và cho phép từng nước có giải pháp riêng trong việc đối phó trái đất nóng lên”, theo Reuters.
Tại hội nghị lần này, các vấn đề về khí hậu và phân bổ trách nhiệm giảm thiểu khí thải sẽ được bàn thảo. Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định hội nghị lần này “quyết định đến tương lai của hành tinh”, và ông xem việc biến đổi khí hậu cũng quan trọng như cuộc chiến chống khủng bố. Thủ tướng Đức Angela Merkel trong khi đó nhắc lại sự cam kết của các nước về việc viện trợ 100 tỉ USD mỗi năm cho các nước nghèo để chống lại biến đổi khí hậu vào năm 2020. Bà cũng nhận định rằng “hàng tỉ người đang trông đợi vào những gì chúng ta đang làm tại Paris”.
Đa số người dân Mỹ ủng hộ hiệp định toàn cầu bảo vệ Trái Đất
Trong một dấu hiệu phản ánh rõ tính chất cấp bách của việc cùng ngăn chặn các nguồn khí thải độc hại gây tác động tới môi trường sống của nhân loại, đa số người dân Mỹ bày tỏ ủng hộ hiệp định toàn cầu về biến đổi khí hậu dự kiến sẽ được ký kết tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đang diễn ra tại Paris (Pháp).
Kết quả thăm dò chung của CBS News/New York Times, công bố ngày 30/11, cho biết đa số trong số hơn 1.000 người Mỹ trên khắp cả nước được phỏng vấn ngẫu nhiên qua điện thoại cho rằng Mỹ cần phải tham gia vào một hiệp định có tính ràng buộc toàn cầu về biến đổi khí hậu. Cụ thể có 63% số ý kiến ủng hộ áp đặt những quy định và biện pháp nhằm cắt giảm khí thải độc hại từ các nhà máy điện so với 31% số người phản đối. Có 49% người ủng hộ và 45% ý kiến phản đối việc hạn chế khoan thăm dò dầu khí ở các vùng đất công. Cũng có một tỷ lệ ủng hộ tương tự đối với việc áp đặt các thứ thuế mới đối với việc sử dụng điện và xăng dầu.
Lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc thúc giục hành động vì môi trường
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại thủ đô Paris (Pháp), ngày 30/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội đàm về nhiều vấn đề quan trọng từ quan hệ hợp tác song phương đến biến đổi khí hậu. Tổng thống Obama nêu rõ là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới và là hai nước có lượng khí thải lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc đều có trách nhiệm phải hành động. Ông đánh giá vai trò tiên phong của Washington và Bắc Kinh trong vấn đề này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc và Mỹ nên duy trì đúng hướng việc xây dựng các mối quan hệ nước lớn kiểu mới, tăng cường trao đổi thực tiễn và hợp tác ở cấp độ song phương, khu vực và toàn cầu; thúc đẩy các nỗ lực để đạt được các mục tiêu chung tại COP21. Mục tiêu chính của COP21 là thông qua một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2020, gọi là Thỏa thuận Paris 2015, với sự cam kết của các nước cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1990.
Cơ hội cuối cùng của nhân loại
Hội nghị lần này diễn ra sau gần hai tuần đàm phán nhằm chấm dứt hai thập kỷ tranh cãi về một hiệp ước giới hạn phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu. Lãnh đạo khoảng 150 nước bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đã tề tựu tại Paris trong bối cảnh an ninh ở thủ đô nước Pháp được siết chặt sau vụ khủng bố khiến hơn 130 người thiệt mạng.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu không hành động sớm, nhân loại sẽ phải hứng chịu các hậu quả khắc nghiệt hơn bao giờ hết như hạn hán sẽ dẫn đến xung đột và mực nước biển dâng cao sẽ nhấn chìm các quốc đảo nhỏ. Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu rằng mục tiêu của hội nghị là đúc kết một cơ chế của Liên Hiệp Quốc và một cơ chế đánh giá để thu hẹp khoảng cách giữa tác động của các biện pháp cam kết đối với tình trạng
Trái đất ấm dần lên và các giải pháp bắt buộc để kiềm chế nhiệt độ gia tăng.