Vietnamese English
Công nghệ Nhật làm sạch sông Tô Lịch: Bài học Nhiêu Lộc

7/29/2019 12:10:00 PM

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chính là bài học và cũng là động lực để Hà Nội giải quyết vấn đề ô nhiễm của sông Tô Lịch.

 Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chảy qua nhiều quận trung tâm của TP.HCM với số dân đông đúc. Trước đây, dòng kênh nổi tiếng về độ ô nhiễm, hôi thối của TP trong hàng chục năm trời.

Tuy nhiên, thời gian gần đây hình ảnh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) hiện lên với dòng nước trong xanh, khung cảnh bên bờ kênh thơ mộng khiến không ít người cảm thấy bàng hoàng và đặt ra câu hỏi: Đến bao giờ sông Tô Lịch mới được như vậy?.

Trao đổi với Đất Việt chiều 26/7, một chuyên gia về môi trường (xin được giấu tên) cho rằng, sở dĩ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở nên sạch đẹp là nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ của người dân và chính quyền TP. Hàng loạt dự án làm sạch lên tới hàng ngàn tỷ đồng đã phát huy nhiệu quả.

Cong nghe Nhat lam sach song To Lich: Bai hoc Nhieu Loc
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè khoác lên mình "bộ áo mới". Ảnh: VNN

"Có 2 giải pháp được thực hiện trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã thực sự phát huy hiệu quả. Thứ nhất đó là việc mở rộng lòng kênh, đóng cừ bê tông kè hai bên bờ kênh và nạo vét hàng triệu tấn bùn lưu cữu. Cách này giúp kênh như được "thay áo mới".

Thứ hai, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã giải quyết được bài toán nước thải bằng cách xây dựng tuyến cống bao (có đường kính 2,5 - 3m) dài gần 9 km nằm dọc kênh.

Hệ thống cống bao tập kết nước thải xung quanh lưu vực kênh rồi đổ ra sông Sài Gòn. Điều này giúp cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không bị ảnh hưởng bởi nước thải của hàng triệu hộ dân sinh sống xung quanh nó và trở nên sạch hơn", vị chuyên gia phân tích.

Cũng theo vị chuyên gia, trong tương lai nếu như lượng nước thải của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (thông qua cống bao đổ trực tiếp ra sông Sài Gòn) được xử lý thì vấn đề ô nhiễm của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ toàn vẹn hơn.

Cùng chia sẻ với PV về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Linh - Chuyên gia về cấp thoát nước và xử lý nước thải cho rằng, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chính là bài học và cũng là động lực để Hà Nội giải quyết vấn đề ô nhiễm của sông Tô Lịch.

Theo ông Linh, cũng giống như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chỉ cần sông Tô Lịch giải được bài toán nước thải thì dòng sông sẽ không còn ô nhiễm. Không giải quyết được bài toán nước thải thì sông Tô Lịch sẽ không bao giờ hết ô nhiễm.

"Nếu như nước thải dọc sông Tô Lịch được thu gom bằng hệ thống cống bao (giống như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) rồi đưa về các nhà máy xử lý nước thải ở hạ lưu con sông thì vấn đề ô nhiễm có thể được giải quyết một cách triệt để.

Tôi cho rằng đây là biện pháp hữu hiệu nhất, thực tế nhất mà Hà Nội có thể làm để thanh tẩy sông Tô Lịch. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều chuyên gia xử lý nước thải cũng nhất trí với quan điểm này", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Cá nhân TS. Nguyễn Văn Linh rất trân trọng ý tưởng làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano của các chuyên gia người Nhật và mong muốn dự án sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, ông vẫn giữ quan điểm của mình đó là, chỉ khi giải quyết vấn đề nước thải mới có thể "hồi sinh" sông Tô Lịch.

"Theo tôi được biết, công nghệ nano của Nhật đang được thí điểm tại Sông Tô Lịch sẽ phát huy tác dụng trong điều kiện tĩnh, không gian đóng, không có dòng chảy thường xuyên. Trong khi đó, sông Tô Lịch lại là con sông thoát nước chính của Hà Nội. Vì vậy rất khó có thể giải quyết triệt để được vấn đề ô nhiễm của con sông này", TS. Linh nói.

Mới đây, ông Nguyễn Tuấn Anh -  Chủ tịch HĐQT công ty JVE cho biết việc xả nước hồ Tây (một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả thí điểm công nghệ nano làm sạch sông Tô Lịch) vào mùa mưa để đảm bảo phòng chống ngập úng là theo đúng chủ trương và chỉ đạo của UBND thành phố.

Vì vậy, Công ty JVE và đoàn chuyên gia Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm xử lý và kéo dài thêm 2 tháng (tới ngày 17/9). Mọi chi phí thử nghiệm tiếp theo sẽ do phía tổ chức Nhật Bản hỗ trợ.

Để đảm bảo an toàn về mặt công nghệ khi tiếp tục thực hiện thí điểm công nghệ Nano, nhất là khi Hà Nội đang trong mùa mưa, công ty JVE và các chuyên gia Nhật đã tìm ra cách khắc phục, bất chấp việc xả nước hồ Tây.

(Baodatviet.vn)

Lượt xem : 1556