Cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường
11/4/2009 10:58:00 PM
LTS: Vừa qua tại Phú Thọ, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã tổ chức hội thảo: “Nâng cao vai trò cộng đồng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”. Có thể nói, tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay đang ở mức báo động đỏ, bảo vệ môi trường đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Bảo vệ môi trường không phải chỉ là việc của các cơ quan nhà nước mà tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm vì cuộc sống của chính mình.
Duy Hữu
Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, các hoạt động kinh tế đã đem đến mặt trái của nó, đó là môi trường ngày càng bị tàn phá. Để đạt được những con số ấn tượng trong tăng trưởng kinh tế, chúng ta đã huỷ hoại thiên nhiên một cách tàn bạo: Nhiều cánh đồng màu mỡ bị san lấp làm khu công nghiệp, nhiều dòng sông trong xanh trở thành nơi xả chất thải công nghiệp, huỷ hoại cảnh quan, sinh vật. Nhiều cánh rừng bị đốn hạ,v.v. Hậu quả của nó là nhiệt độ trái đất tăng cao, nước biển dâng gây ngập lụt nhiều vùng duyên hải, thu hẹp không gian sống của con người, bão lũ xảy ra thất thường và với cường độ mạnh gây hậu quả nghiêm trọng về người và của. Do ô nhiễm môi trường mà sức khoẻ của con người cũng bị giảm sút đáng kể, bệnh tật ngày càng gia tăng và khó chữa trị. Do vậy có thể nói bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chính mình. Để công tác bảo vệ môi trường có hiệu quả thì cộng đồng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, bởi sức mạnh của cộng đồng sẽ được nhân lên nhiều lần khi có sự đồng thuận và thống nhất với nhau. Sự tham gia của cộng đồng là sự tham gia của tập thể, của nhiều người, do vậy phạm vi ảnh hưởng của nó rất lớn. Muốn huy động rộng rãi các cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường thì chúng ta phải xác định bốn nguyên tắc cơ bản là: Tăng quyền lực của cộng đồng, cụ thể các cơ quan quản lý khuyến khích, tạo điều kiên thuận lợi và trao quyền tự chủ cho cộng đồng trong những lĩnh vực hoặc hoạt động cụ thể, như tăng cường sự kiểm soát và tiếp cận của cộng đồng trong giải quyết một số vấn đề môi trường. Sự tăng quyền lực sẽ giúp xây dựng nguồn lực và khả năng của cộng đồng để quản lý và giải quyết có hiệu quả những vấn đề môi trường của địa phương họ theo cách bền vững nhất. Nguyên tắc thứ hai là tạo ra sự công bằng, nghĩa là tạo sự bình đẳng giữa mọi cá nhân và tổ chức đối với những cơ hội có được trong việc xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường. Mọi người đều có quyền như nhau trong việc tiếp nhận thông tin, quyền được hưởng lợi ích do việc triển khai các mô hình bảo vệ môi trường đem lại. Nguyên tắc thứ ba là phải phát huy được kiến thức bản địa, bởi kiến thức truyền thống, bản địa có những giá trị nhất định trong việc xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường. Sở dĩ như vậy vì những kiến thức của người dân ở một khu vực nào đó thường là đúc rút kinh nghiệm từ nhiều đời, thích hợp với đặc điểm sinh thái, văn hoá, xã hội của nơi đó, do vậy nó dễ được người dân hiểu và vận dụng trong đời sống hàng ngày. Thứ tư là nguyên tắc về tính hợp lý về sinh thái và sự phát triển bền vững. Những hoạt động được thực hiện phải tính đến ngưỡng chịu đựng của nguồn tài nguyên và hệ sinh thái. Sự phát triển bền vững đòi hỏi phải cân nhắc, nghiên cứu trạng thái và bản chất của môi trường tự nhiên khi phát triển kinh tế mà không làm hại đến lợi ích của tương lai.
Có một thực trạng là hiện tại việc cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường còn rất hạn chế. Theo ông Trần Văn Miều, Trưởng ban truyền thông của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam thì đa số người dân có biết về tình trạng ô nhiễm môi trường và tình trạng tài nguyên bị suy kiệt, có nhận thức được rằng cần thiết phải tham gia bảo vệ môi trường, nhưng không hiểu phải làm gì, không hiểu ở địa phương mình, đơn vị mình, tập thể mình có những vấn đề môi trường bức xúc gì, nguyên nhân do đâu. Nhất là người dân thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm tham gia bảo vệ môi trường. Từ trước đến nay, các tổ chức quần chúng đã thực hiện nhiều cuộc vận động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân, nhưng nhận thức của người dân chưa biến thành thái độ cũng như hành vi tích cực tham gia bảo vệ môi trường. Một số tổ chức quần chúng nhân dân thực hiện việc tập huấn để trang bị kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng vận động nhân dân cho đội ngũ cán bộ của mình, nhưng qua khảo sát cho thấy phần lớn các lớp tập huấn do làm ít ngày, tài liệu và phương tiện thiếu thốn, không có các chuyên gia có kinh nghiệm tham gia giảng dạy nên kết quả rất hạn chế. Mặt khác, các lớp tập huấn vẫn giảng dạy theo phương pháp cũ, chưa theo phương pháp cùng tham gia nên học viên rất thụ động không nắm được kinh nghiệm cũng như kỹ năng tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường.
Các phong trào do tổ chức quần chúng phát động như thu gom và xử lý rác thải, trồng rừng và bảo vệ rừng, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, vệ sinh môi trường các làng nghề,v.v, tuy có thu được một số kết quả bước đầu song tính hiệu quả còn thấp do chưa thường xuyên, liên tục và đều khắp. Chưa có sự phối hợp và lồng ghép giữa phong trào bảo vệ môi trường với các phong trào khác, chưa kết hợp chặt chẽ giữa các tổ chức quần chúng với nhau. Đó là chưa kể đến phần lớn các phong trào không có tiêu chí cụ thể để bình xét và xếp loại, chưa có sự kiểm tra, đánh giá.
Để việc tham gia của cộng đồng ngày càng tích cực hơn trong công cuộc bảo vệ môi trường, trước hết chúng ta phải xây dựng được lực lượng nòng cốt trong quần chúng, đây là điều quyết định tới sự thành công hay thất bại. Cộng đồng không thể nói chung chung mà phải có con người và do con người cụ thể tổ chức thực hiện. Cộng đồng có thể là một làng bản, thôn, xóm, trong đó có người đứng đầu là già làng, trưởng bản, trưởng thôn, trưởng xóm được trao trách nhiệm vận động quần chúng. Người trưởng này sẽ huy động thêm lực lượng nòng cốt là thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh... thành lập một nhóm công tác làm nhiệm vụ kêu gọi đông đảo nhân dân tham gia. Tiếp theo, cần phải giúp cho các cộng đồng xác định vấn đề, lựa chọn ưu tiên, xây dựng tiêu chí của mô hình bảo vệ môi trường địa phương mình. Xem tại địa phương mình vấn đề môi trường nào là vấn đề nổi cộm, bức xúc, gây tác hại tới cuộc sống của nhân dân thì tập trung giải quyết. Lấy ví dụ một xã nào đó có nghề dệt, vậy thì ô nhiễm chủ yếu sẽ là tiếng ồn, cần phải tập trung giải quyết tình trạng này. Nơi khác có nghề chăn nuôi quy mô công nghiệp, vấn đề chất thải của vật nuôi sẽ là ô nhiễm chủ yếu...
Để cộng đồng bảo vệ môi trường đạt hiệu quả còn cần phải lựa chọn được mô hình tổ chức. Mô hình đó là tổ, đội hay hợp tác xã, nếu phải góp kinh phí thì mức đóng góp bao nhiêu, có khả năng tài trợ hay hỗ trợ không. Sau khi có được mô hình tổ chức rồi thì phải xây dựng được kế hoạch hành động, phải soạn thảo văn bản mang tính “pháp quy”, quy định hoạt động của mô hình. Văn bản đó có thể là “Hương ước”, “Cam kết”, “Quy định” hoặc “Quy chế”. Trong văn bản này phải nêu đầy đủ và cụ thể hình thức tổ chức mô hình, các nội dung hoạt động, đảm bảo tài chính, nhân lực, hình thức quản lý, chế độ tài chính, chế độ trách nhiệm của các bên liên quan, hình thức khen thưởng, xử lý vi phạm, hiệu lực thi hành,v.v.
Có được tổ chức rồi, phải tiến hành huy động nguồn lực, đảm bảo tài chính cho mô hình hoạt động. Nguồn tài chính có thể là từ đóng góp của nhân dân, phải xác định mức đóng phù hợp, nếu quá mức chịu đựng của cộng đồng thì mô hình sẽ thất bại. Sự đóng góp có thể dưới hình thức là phí, lệ phí theo đầu người. Ngoài ra nên tiến hành huy động các nguồn lực từ bên ngoài, có thể là tài trợ của các tổ chức quốc tế, hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp. Sau khi hình thành được tổ chức và hội đủ các điều kiện cần thiết về nhân sự, trang thiết bị, tài chính... phải tiến hành hoạt động, có đánh giá định kỳ rút kinh nghiệm, có thế mới nâng cao uy tín trong nhân dân và đảm bảo cho sự bền vững của mô hình.
Nguồn: Báo Khoa học& Tổ quốc, tháng 10/2009
Lượt xem : 7001