Tiếp theo Hội nghị Stockholm, các tổ chức bảo tồn như Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (WWF) đã đề xuất “Chiến lược bảo tồn thế giới” (1980) với 3 mục tiêu chính: (i) Duy trì những hệ sinh thái cơ bản và những hệ hỗ trợ sự sống (như cải tạo đất, tái sinh các nguồn dinh dưỡng, bảo vệ an toàn nguồn nước); (ii) Bảo tồn tính đa dạng di truyền; và (iii) Bảo đảm sử dụng một cách bền vững các loài và các hệ sinh thái.
Trong báo cáo này, lần đầu tiên khái niệm PTBV được đề cập tới nhưng nhấn mạnh từ góc độ sinh thái học - khái niệm “Phát triển hợp sinh thái” (Eco-development) được đưa ra với chủ trương bảo vệ môi trường, tôn trọng môi sinh, quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thực hiện công bằng và ổn định xã hội.
Đề nghị này đã bị các nước phát triển chống đối và vì vậy Hội nghị chỉ thống nhất được quan điểm cho rằng có mối quan hệ qua lại giữa cách sống của con người và môi trường, giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo tồn tài nguyên...
Định nghĩa của khái niệm PTBV được chính thức đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất về Môi trường & Phát triển tai Rio de Janeiro, Brazin năm 1992: “PTBV là sự phát triển nhằm thoả mãn các nhu cầu hiện tại nhưng không tổn hại đến khả năng của các thế hệ tương lai đáp ứng nhu cầu của chính họ”. Đây là một hướng đi dung hoà của hai chủ trương “Phát triển giới hạn hay không tăng trưởng” (của Câu lạc bộ Rome) và “Phát triển hợp sinh thái”.
Theo đó, ở nhiều nước, trong rất nhiều các lĩnh vực của đời sống xã hội, tên của nhiều tổ chức đều theo xu hướng có tính từ bền vững (sustainable), xanh (green, blue) hoặc sinh thái (eco-) với hàm ý phát triển hợp sinh thái (ecologically sustainable development): phát triển xanh/tăng trưởng xanh/kinh tế xanh, năng lượng xanh, lối sống xanh, cơ quan xanh, xí nghiệp xanh, đô thị xanh, cộng đồng xanh, đô thị thân thiện môi trường, đô thị sinh thái, cộng đồng sinh thái...
Nội hàm của các thuật ngữ này có sự thay đổi theo các ngữ cảnh khác nhau, nhưng hàm ý trước tiên hướng tới là BVMT, bảo tồn thiên nhiên, và gần đây là giảm phát thải KNK/giảm nhẹ BĐKH, sống hài hòa với tự nhiên.
Nhiều cộng đồng trên thế giới ở nông thôn cùng như đô thị muốn xây dựng thành các cộng đồng xanh (Green Communities).
Những lợi ích mà phong trào này đem lại như phát triển giao thông bền vững, sử dụng năng lượng tái tạo, tái chế rác thải, cung cấp nước sạch, trồng cây xanh…làm cho cộng đồng sạch đẹp hơn, đáng sống hơn (more liveable) đồng thời cũng góp phần giảm nhẹ BĐKH toàn cầu, tạo lên một phức hợp/ma trận của cộng đồng xanh – tái điều chỉnh, tái xây dựng, tái hỗ trợ (Remediating, Repurposing, Reinvigorating). Nói cách khác là làm cho cộng đồng từ nâu (bị ô nhiễm - brown) và xám (có chỗ bị bỏ hoang - gray) sang xanh.
Cộng đồng sinh thái, trong một số trường hợp còn gọi là cộng đồng xanh, nhưng trong nhiều trường hợp thì có nghĩa rộng và sâu hơn. Một cách khái quát có thể nói Trái Đất nguyên là tổ hợp của các HST tồn tại trong trạng thái cân bằng với nhau.
Khi có sự can thiệp của con người, đặc biệt là với số lượng ngày càng gia tăng làm cho các HST mất cân bằng, thậm chí suy thoái. Cộng đồng sinh thái được quy hoạch, thiết kế và triển khai nhằm tạo lại sự cân bằng cho HST (hay chính xác hơn là hệ sinh thái-xã hội - HST mà con người là trung tâm).
Theo nghĩa gốc, đó là sự tái cân bằng của các HST tự nhiên. Nhưng dần dần thuật ngữ này được thay thế bằng thuật ngữ Văn hóa bền vững (permaculture) dùng cho bất kỳ một hệ thống tự nhiên, chính trị hoặc văn hóa có thể được tái cấu trúc đề lâu bền hơn, chặt chẽ hơn và chống chịu hơn với các tác động từ bên ngoài. Văn hóa bền vững được sử dụng để chỉ hệ thống sinh thái nhân văn bền vững, và cũng chính là cộng đồng sinh thái/xanh.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, các cộng động sinh thái nhỏ ở nông thôn và cả đô thị được dùng với thuật ngữ “Làng sinh thái – Ecovillage”. Làng sinh thái có nhiều định nghĩa khác nhau:
Một cách khái quát nhất, làng sinh thái được định nghĩa là một khu vực dân cư/quần cư vừa phải trong đó các hoạt động của con người gắn kết một cách hài hòa với nhau và với thế giới tự nhiên, đảm bảo cho sự phát triển của con người một cách lành mạnh/khỏe mạnh và lâu bền (Robert Gilman, 1991), Gần đây Gilman nhấn mạnh thêm rằng LST phải là những trung tâm đa dạng của những sáng kiến.
Một định nghĩa khác cho là làng sinh thái là một khu vực dân cư có mục tiêu phát triển một cách bền vững hơn về mặt kinh tế, xã hội và sinh thái. Số dân cư có thể từ 50-150 gia đình, tuy nhiên cũng có thể nhiều hơn tới 2000 gia đình (gồm những tiểu cộng đồng nhỏ hơn).
Làng sinh thái là những cộng đông nông thôn hay đô thị được tái thiết lập tất cả các hệ thống có tính tuần hoàn ở tất cả các mức độ trong xã hội cũng như trong tự nhiên.
Kosha Joubert, Chủ tịch Mạng lưới Làng Sinh thái Toàn cầu, gần đây đã đưa ra định nghĩa về làng sinh thái: LST là một cộng đồng truyền thống hay mới thành lập, được thiết kế do chính những người dân của cộng đồng, trong đó những giá trị đích thực của người dân được hỗ trợ bởi các đổi mới về công nghệ để làm cho cuộc sống của họ trở nên bền vững hơn và toàn bộ quá trình phát triển của Làng đều do người dân tự quản lý.
Mục đích của LST là cải tạo môi trường tự nhiên và xã hội một cách hài hòa. Theo nghĩa đó thì đạt được sự bền vững chưa phải là đã đủ, mà quan trọng hơn còn phải phát triển cấu trúc môi trường và xã hội của cuộc sống trong cả 4 hợp phần của sự bền vững, bao gồm Xã hội, Môi trường, Kinh tế và Văn hóa.
(Còn nữa)