Cộng đồng hãy cùng nhau bảo vệ cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam
6/29/2011 10:26:00 AM
Việc tổ chức công nhận vinh danh và gắn Bia Cây di sản Việt Nam là sự kiện mới mẻ nhằm góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen quý hiếm, bảo vệ màu xanh trong các xóm làng, trong các thành đô, trong các đền chùa, công sở... và bảo vệ đa dạng sinh học của nước nhà đồng thời đánh dấu một mốc quan trọng mang ý nghĩa khoa học và nhân văn cao trong sự nghiệp bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường Việt Nam.
Đặng Huy Huỳnh, Nguyễn Ngọc Sinh
Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam
1. Tầm quan trọng và ý nghĩa của cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam.
Trong thiên nhiên trên hành tinh nói chung và Việt Nam nói riêng giới thực vật là một thành phần cơ bản tạo nên tính đa dạng sinh học vô cùng phong phú. Sự đa dạng của hệ thực vật không những về thành phần loài, về cấu trúc, về vùng phân bố địa lý mà còn có sự khác nhau về dạng sống và tuổi đời, có những loài cây có tuỏi đời rất ngắn chỉ một năm, một số năm. Nhưng cũng có các loài cây sống đến hàng trăm năm thậm chí hàng nghìn năm tuổi chẳng hạn như cây Bách "El arbol" tại quảng trường của thành phố Tule ở Mexico có tuổi thọ trên 2000 năm tuổi với chu vi gốc đạt 58 mét, cây Moabi trong rừng già Châu Phi có tuổi thọ đến 2500 năm, quần thể cây Thông trong sa mạc White Mountains ở California có tuổi thọ hơn 4000 năm tuổi tương đương cái tuổi của Kim Tự Tháp ở Ai Cập, đặc biệt có cây già nhất thế giới là cây "Mathusalem" có tuổi đời 4771 tuổi, người ta đếm số vòng trên thân cây là 4950 vòng tuổi. Ở Việt Nam có cây Chò (Terminalia myriocorpa) đã sống trên 1000 năm đang hiện hữu ở khu rừng ẩm thường xanh mưa mùa nhiệt đới tại vườn Quốc gia Cúc Phương - Ninh Bình; Cây Sa mu dầu (Cunninghamia Konishii hayata) trên 1000 năm tuổi cao trên 50 mét trong khu rừng nguyên sinh ở Khe Bu tại VQG Pù Mát - Nghệ An, cây Nghiến (Burretio dendron hsienmu) trên 1000 năm tuổi ở bản Lũng Tùng, huyện Hạ Long, tỉnh Cao Bằng rất đẹp, xanh tốt quanh năm, quần thể cây Ruối (Streblus asper) ở dọc đường vào xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, hay cây Đa chùa Viên Giác, xã Cẩm Phô, Hội An đã tồn tại trên vùng đất đầy sóng gió của Cửa Đại, Quảng Nam; cây Dã Hương ở Tiên Lục - Bắc Giang cũng trên nghìn tuổi đang chống chọi với thiên nhiên và đang đứng vững trên vùng đất quan họ thật kỳ vỹ hoành tráng, đây là một trong hai cây Dã Hương cổ nhất trên thế giới đã có tên trong từ điển Bách khoa của Pháp năm 1932 (Larouse Lecamphrier de Tiên lục, deuxieme Camphriere du monde).
GS. Chu Tuấn Nhạ, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu
dưới gốc cây Di sản Việt Nam
Thực vậy thiên nhiên Việt Nam nhờ sự đa dạng về địa hình về yếu tố khí hậu nên đã hình thành, tồn tại và phát triển nhiều loài cây gỗ quý có giá trị kinh tế cao lại có khả năng sống lâu năm trong các khu rừng nhiệt đới. Bên cạnh những giống, loài có trong các hệ sinh thái tự nhiên thì cũng có hàng ngàn, vạn cây được khối óc và bàn tay của con người ở các thế hệ khác nhau trong các vùng miền của đất nước vun trồng chăm sóc trong các đền, chùa, lăng tẩm, làng xã qua các triều đại của đất nước. Dù là cây sống trong rừng hay do con người trồng có khả năng sống lâu năm đều được dân gian Việt Nam phong tặng cho cái tên cây "cổ thụ". Như chúng ta đều biết cây sống trong rừng hay cây do bàn tay của con người trồng không chỉ phụ thuộc các yếu tố môi trường đất, nước, khí hậu, kỹ thuật chăm sóc bảo vệ, mà còn phụ thuộc vào khối lượng CO2 để tăng trưởng đồng thời còn phụ thuộc vào khối lượng nitrogen để phát triển lâu dài mà theo các nhà khoa học, các hỗn hợp nitrogen hoàn hảo nhất chỉ có được từ vi khuẩn Lan Cyanobacteria cư trú trong các mảng rêu xanh bám trên thân cây có tuổi thọ cao, thường cây phải có từ 100 tuổi trở lên thì mới có được các mảng rêu "già lão" bao phủ đầy thân, là một trong các yếu tố giúp cây khỏe mạnh sống trường tồn. Đã là cây cổ thụ thường có dáng đứng độc đáo trông rất hoành tráng, kỳ vỹ, rất yên bình. Chính vì thế những nơi có cây cổ thụ hiện hữu ở các giếng nước, sân đình, sân chùa, trong đường làng hẻm phố là nơi lui tới của bà con để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên và tận hưởng không khí mát mẻ trong lành dưới bóng cây xum xuê xanh tốt nhất là trong những ngày hè nắng nóng oi bức, nhiều khách quốc tế khi đến Việt Nam đều ca ngợi là một đất nước có nhiều cây cổ thụ tươi đẹp phân bố các khu rừng tự nhiên trong các làng quê, đặc biệt trong các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội...
Thực vậy nếu có dịp bạn đi vòng quanh một lãnh thổ với dáng hình chữ "S" thì bạn sẽ chiêm ngưỡng các vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ của các quần thể cây cổ thụ Việt Nam với hàng ngàn vạn cây vẫn được cộng đồng người Việt chung tay bảo vệ. Chỉ tính riêng vùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến theo thông tin của Trung tâm Giáo dục truyền thông môi trường thuộc LHHKHKT Việt Nam đã thống kê được khoảng trên 725 cây cổ thụ với 62 loài thuộc 30 họ thực vật bậc cao có mạch, nếu tính Hà Nội mở rộng thì có đến hàng ngàn cây cổ thụ đang giang tay chào đón khách thập phương.
Xin nêu một số cây làm ví dụ:
Bảng một số loài cây cổ thụ ở Hà Nội và một số vùng ở Việt Nam.
TT
|
Loài cây
|
Tuổi
|
Địa điểm
|
1.
|
Cây đa tía
|
700
|
Chùa Gia Cốc, thôn Long Quy - Gia Lâm - Hà Nội
|
2.
|
Cây muỗn
|
700
|
Đền Voi Phục - phường Thụy Khê - Q.Tây Hồ - Hà Nội
|
3.
|
Cây Thị
|
300
|
Đền Quán Thánh - Hà Nội
|
4.
|
Cây ruối
|
300
|
Đền Quán Thánh - Hà Nội
|
5.
|
Cây roi
|
300
|
Đền vua Bà Láng Thượng
|
6.
|
Cây đa
|
300
|
Sân Tòa báo nhân dân quận Hoàn Kiếm - Hà Nội
|
7.
|
Cây mít
|
200
|
Sân đình Cự Chính - Hà Nội
|
8.
|
Cây đại
|
200
|
Chùa Một cột - Ba Đình - Hà Nội
|
9.
|
Cây thị
|
900
|
Thôn Nhuận Trạch, xã Vạn Thắng - Ba Vì - Hà Nội
|
10.
|
Cây ruối
|
1400
|
Xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây - Hà Nội
|
11.
|
Cây đa
|
1400
|
Xóm Rùa, xã Văn Hòa, Ba Vì, Hà Nội
|
12.
|
Cây lộc vừng
|
100
|
Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội
|
13.
|
Cây sanh
|
200
|
Đền chùa Hà Nội
|
14.
|
Cây gạo
|
200
|
Bảo tàng lịch sử Việt Nam
|
15.
|
Cây bồ đề
|
200
|
Chùa Kiêu Kỵ, thôn Sùng Phúc - Gia Lâm - Hà Nội
|
16.
|
Cây bồ đề
|
200
|
Đền chùa Hà Nội
|
17.
|
Cây lim
|
800
|
Đền Cao, xã An Lạc - Chí Linh - Hải Dương
|
18.
|
Cây gạo
|
300
|
Thành phố Hải Phòng
|
19.
|
Cây chò
|
1000
|
VQG Cúc Phương, Ninh Bình
|
20.
|
Cây bàng
|
222
|
Chùa cổ Hưng Long, làng Thư Điền, X. Ninh Nhất, Ninh Bình
|
21.
|
Cây sa mu dầu
|
1200
|
VQG Pù Mát, Nghệ An (Thượng nguồn Khe Bu - xã Châu Khê, huyện Con Cuông)
|
22.
|
Cây Đa
|
300
|
Chùa Viên Giác, xã Cẩm Phổ, Hội An, Quảng Nam
|
23.
|
Cây nghiến
|
1000
|
Bản Lũng Túng, xã Kim Loan, H. Hạ Long, Cao Bằng
|
24.
|
Cây nghiến
|
500
|
Khu Di tích Hang Pắc Bó, Cao Bằng
|
25.
|
Cây Dã Hương
|
1000
|
Xã Tiên Lạc, Lạng Giang, Bắc Giang
|
26.
|
Cây thị
|
312
|
Phường Thủy Xuân, Thành phố Huế
|
27.
|
Cây đa
|
100
|
Phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ
|
28.
|
Cây vù hương
|
1000
|
VQG Cúc Phương
|
Trên đây xin nêu một số cây sống trong tự nhiên cây trồng để minh chứng cho cuộc sống trường tồn của một sốtrong một số loài thực vật trên một đất nước có 4000 năm dựng nước và giữ nước.
Nếu được điều tra thống kê đầy đủ thì chắc rằng địa phương nào cũng có được các cây sống lâu năm như thế. Đây là một nguồn tài nuyên, một quỹ gen vô cùng quý giá của đất nước mà thiên nhiên đã ban tặng cùng với sự vun trồng bảo vệ của các tiền bối qua các thế hệ.
2. Sự kiện ra đời cây di sản (Heritage tree) Việt Nam: Nhằm hưởng ứng năm quốc tế về đa dạng sinh học 2010, TS Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam và cũng là người có sáng kiến đề xướng việc tổ chức, điều tra phát hiện và thẩm định để vinh danh Cây di sản Việt Nam với mục đích bảo tồn, duy trì phát triển nguồn gen thực vật quý hiếm này. Đây là một sáng kiến, một chủ trương có ý nghĩa không những đối với chiến lược bảo tồn phát triển bền vững ĐDSH của Việt Nam mà còn có ý nghĩa khơi dậy lòng yêu quý thiên nhiên của cả cộng đồng, lòng biết ơn các bậc tiền bối đã dày công bảo vệ. Để thực hiện chủ trương đó các chuyên gia thực vật trong tổ kỹ thuật của Hội đồng Cây di sản thuộc Hội BVTNMT Việt Nam đã bàn bạc, thảo luận đề xuất một số tiêu chí để công nhận vinh danh cây DSVN. Các tiêu chí cần và đủ để xác định là cây di sản Việt Nam. Cây di sản phải là cây gỗ hoặc thân gỗ đơn lẻ hoặc quần thể mọc tự nhiên hoặc được trồng trong các vùng miền của đất nước có tuổi đời 100 tuổi đối với cây trồng và trên 200 tuổi đối với cây có trong tự nhiên, là những cây không những có chức năng sinh thái cảnh quan quan trọng mà còn có giá trị đặc biệt về thẩm mỹ, văn hóa, lịch sử, khoa học và về nguồn gen quý của đất nước.
2.1. Các loài cây cổ thụ hiện hữu chỉ được công nhận gắn Bia vinh danh là cây di sản Việt Nam khi có một số tiêu chí sau đây: Đối với cây sống ngoài tự nhiên phải có tuổi từ 200 năm trở lên, cây có dáng hình cao, to hùng vĩ, chiều cao khoảng trên 30 - 40 mét, chu vi cây gỗ đơn thân phải từ 6m trở lên, riêng đối với các cây có bạnh ở gốc như các loài cây si, đa thuộc chi ficus chu vi phải trên 15 mét, hình dáng của cây thể hiện tính độc đáo, là nguồn gen tự nhiên quý, hiếm.
2.2. Đối với cây được con người trồng phải đạt tuổi 100 năm, thân hình cây cao khoảng từ 20 - 30m, chu vi thân phải từ 3 - 5m đối với cây gỗ đơn thân và chu vi trên 10m đối với cây đa, si... hình dáng phải đảm bảo đẹp, đặc sắc, ưu tiên loài có giá trị cảnh quan môi trường, văn hóa và lịch sử.
2.3. Ngoài ra cũng cần phải chú ý những cây có giá trị đặc biệt về khoa học, về lịch sử, văn hóa và mỹ quan.
2.4. Cây được vinh danh là cây di sản Việt Nam phải là những cây có chủ sở hữu rõ ràng (là cá nhân, dòng họ, doanh nghiệp, chính quyền...) phải đảm bảo các điều kiện chăm sóc bảo vệ và phải thực hiện đúng các thủ tục đăng ký với Hội BVTN&MT Việt Nam tại Hà Nội, hoặc Hội BVTNMT ở địa phương.
2.5. Sau khi thẩm tra xác định đáp ứng đầy đủ các tiêu chí Hội BVTN và MT Việt Nam sẽ ra quyết định công nhận và phối hợp với đơn vị sở tại địa phương tổ chức lễ gắn Bia vinh danh cây di sản Việt Nam.
Với chủ trương đúng đắn không những phù hợp với nguyện vọng chính đáng của cộng đồng mà còn thể hiện tính sáng tạo thiết thực hưởng ứng năm Quốc tế ĐDSH 2010 và năm Quốc tế về Rừng 2011. Trong thời gian qua Hội BVTN&MT Việt Nam đã phối hợp với một số địa phương như: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Hải Dương, Hải Phòng, Cao Bằng, đã tổ chức thành công lễ gắn Bia vinh danh một số quần thể cây di sản Việt Nam như: Quần thể 9 cây Muỗm đại thọ (Mangifera foetida lour) ở Đền Voi Phục, phường Thụy Khê, Quận Tây Hồ một di sản lịch sử văn hóa quốc gia. Để tưởng nhớ công ơn của hoàng tử Linh Lang là con vua Lý Thái Tông đã từng chỉ huy một đạo thủy quân đánh giặc Tống trên sông Như Nguyệt buộc quân giặc phải rút lui. Ngài đã anh dũng hy sinh, làng xã đã lập đền thờ để nhớ công ơn to lớn của ông. Thông thường ngay sau khi xây dựng đền thờ, đình, chùa người Việt Nam thường trồng những loài cây có tán lá rộng, có tuổi thọ cao để tạo không gian cảnh quan mát mẻ - xunh quanh đền Voi Phục - Thụy Khê các bậc tiền nhân đã trồng 9 cây muỗm, với ước vọng về sự trường tồn của công trình - Quần thể 18 cây Ruối (Streblus asper) gần lăng Ngô Quyền, làng Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Theo các cụ trưởng lão trong làng kể lại vào đầu thế kỷ X Ngô Quyền đã sử dụng hàng ruối này để buộc đàn voi chiến, cho đến nay quần thể 18 cây ruối đã gần 1400 tuổi nhưng vẫn xum xuê xanh tốt, vẫn là nơi bà con nông dân trong làng thường lui tới viếng thăm, chăm sóc, bảo vệ để thụ hưởng không khí trong lành nhất là những ngày nắng oi bức; quần thể 54 cây Lim (Erythrophloeum fordii oliv) trên núi Thiên Bồng, thôn Đại, xã An Lạc, Chí Linh, Hải Dương nơi gắn với di tích lịch sử đền Cao được xây dựng cách đây hơn một nghìn năm để thờ 5 vị tướng là 5 anh em ruột họ Vương đã có công giúp vua Lê Đại Hành đánh giặc Tống (981) theo ngọc phả đền Cao rừng lim này còn gắn với sự ra đời của 12 dòng họ của vùng đất Giao Chỉ lúc bấy giờ tuy tuổi đã cao. Những cây lim vẫn phát triển ra hoa vào mùa hạ, kết trái vào mùa thu, xanh tốt quanh năm và gieo những hạt giống từ cây mẹ đảm bảo cho sự kế tiếp thế hệ của quần thể lim, một loài thực vật cận đặc hữu của Việt Nam.
Cây Thị (Diosphyros decamdra lour) trên 312 tuổi (1677 - 1758) do ngài thủy tổ phái dòng họ Thân Văn trồng tại làng Nguyệt Biểu (nay là phường Thủy Biểu, thành phố Huế) trải qua hơn 300 năm, qua 9 thế hệ con cháu hậu duệ nối tiếp nhau bảo vệ xanh tốt mặc dù cây thị cùng con cháu trong dòng họ Thân cũng đã trải qua bao phong ba bão táp, qua tàn khốc của các cuộc chiến tranh. Nhưng được sự chăm sóc, bảo vệ của con cháu dòng họ, cây thị vẫn xanh tốt trong khuôn viên của ngôi từ đường dòng họ Thân Văn. Để tỏ lòng thành kính nhớ công ơn các bậc tiền bối đã trồng cây, các vị trưởng lão trong tộc như Trần Thân Mỹ đã có dòng thơ ca ngợi sự trường tồn của cây thị.
Xanh cao lồng lộng một vùng trời,
Di sản quốc gia, cổ Thị ơi.
U sẹo mà thân vươn đứng thẳng ,
Vết thương nhưng gốc vững bền tươi.
Chứng nhân biến đổi bao thời đại,
Biểu tượng tồn sinh lắm phận đời.
Tiên tổ tộc Thân hằng ước muốn,
Thiên nhiên, dòng họ, vững muôn đời.
Sự ngưỡng mộ quý trọng công ơn của các bậc tiền nhân đã trồng, chăn sóc cây thị nên bà con dòng họ Thân cùng bà con khu phố kể cả các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã không ngại khó khăn vượt qua mưa to gió lớn của xứ Huế đã tề tựu đông đảo tại khuôn viên từ đường dự lễ vinh danh gắn Bia cho cây Thị là cây di sản Việt Nam. Đặc biệt sự hiện diện của đồng chí Nguyễn Khoa Điềm nguyên ủy viên Bộ chính trị của BCN TW Đảng cộng sản Việt Nam đã làm cho buổi lễ càng thêm long trọng, đầm ấm thân mật tại dòng họ Thân tròn 1000 năm tuổi.
Đặc biệt ngày 15-16/8/2011 Ban chấp hành TW Hội BVTN&MT Việt Nam phối hợp với Hội BVTN&MT tỉnh Cao Bằng và lãnh đạo địa phương đã tổ chức lễ gắn Bia vinh danh Cây Nghiến (Burretiodendron hsienmu) gần 1000 tuổi tại bản Lũng Tùng, xã Kim Loan, huyện Hạ Long, Cao Bằng lễ vinh danh diễn ra với sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con các dân tộc Cao Bằng cùng với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của nhà nước, của tỉnh, của huyện. Cây Nghiến mọc trong khu rừng thiêng đã được bà con dân tộc Tày Nùng bảo vệ nghiêm ngặt theo hương ước của buôn làng, ai chặt phá sẽ bị "Thần rừng" trừng phạt, đây là quy ước có tính tâm linh của đồng bào Tày để bảo vệ rừng, bảo vệ cây cổ thụ.
Việc tổ chức công nhận vinh danh và gắn Bia Cây di sản Việt Nam là sự kiện mới mẻ nhằm góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen quý hiếm, bảo vệ màu xanh trong các xóm làng, trong các thành đô, trong các đền chùa, công sở... và bảo vệ đa dạng sinh học của nước nhà đồng thời đánh dấu một mốc quan trọng mang ý nghĩa khoa học và nhân văn cao trong sự nghiệp bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường Việt Nam. Thiên nhiên trên hành tinh nói chung và Việt Nam nói riêng luôn tiềm ẩn những điều kỳ diệu mà con người khó có thể khám phá hết được. Vì vậy việc bảo vệ gìn giữ, chăm sóc cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam dù hiện hữu bất kỳ ở đâu trên lãnh thổ Việt Nam là những cây không những có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa mà còn là điểm đến cho khách thập phương, là phòng thí nghiệm sinh động cho hoạt động nghiên cứu khoa học, là nơi giáo dục lòng yêu thiên nhiên, yêu quê hương tổ quốc Việt Nam, là nơi để chúng ta hồi tưởng, biết quý trọng sức lao động sáng tạo của các bậc tiền bối đã dầy công chăm sóc. Hình ảnh các cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam đã trở thành một biểu tượng cho sự trường tồn bởi sức thích nghi cao với môi trường trước sự uy hiếp phong ba bão táp của thiên nhiên cũng như vượt qua bao gian truân khắc nghiệt của các cuộc chiến tranh. Rõ ràng các quần thể cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam đang hiện hữu quanh các đền, chùa, lăng mộ hay trên đường làng, ngõ phố đều là nhân tố sinh thái quan trọng tạo nên cảnh quan yên bình, hài hòa duy trì hệ sinh thái xanh trong đường làng, ngõ phố. Với ý nghĩa và giá trị to lớn của cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam đối với cuộc sống thường nhật hiện tại và tương lai, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam hiện nay. Song một điều đáng lo ngại tình trạng cây cổ thụ ở Việt Nam bị mất dần do các hoạt động thiếu ý thức của con người. Với tình trạng đô thị hóa không chỉ ở các thành phố lớn mà ngay cả ở những thị xã thị trấn nhỏ ở nông thôn, việc mở mang các khu đô thị mới, các khu chung cư, các khu công nghiệp, nhà nghỉ, khu du lịch người ta sẵn sàng chặt phá những cây có bóng mát, cây cổ thụ để làm hàng quán, bãi đỗ xe, gửi xe... Một số người trong cộng đồng thiếu ý thức gìn giữ bảo vệ cây cổ thụ, cây bóng mát trên đường làng hẻm phố, trong các công viên, trong vườn hoa họ sẵn sàng tự do phóng uế, xả rác thải... vào các gốc cây, khắc tên vào thân cây ghi số điện thoại, đóng đinh treo biển quảng cáo một cách tự do, đóng đinh căng dây làm trụ treo dẫn cáp điện hoặc khoanh vùng để giữ xe... Gần đây cây cổ thụ được đào tận gốc vận chuyển đem bán qua biên giới. Đó là những hành vi thiếu văn minh, thiếu thân thiện với môi trường cái nơi mà nó đem lại giá trị cho cuộc sống của chúng ta. Nhân năm Quốc tế về Rừng 2011 tất cả chúng ta cần ý thức việc chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ cây rừng, cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam, chính là bảo vệ dòng chảy diệu kỳ nuôi dưỡng, sự sống của mỗi một con người, cho mỗi một dòng họ, cho làng xóm quê hương, đất nước, cây cối nói chung và cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam nói riêng, dẫu đã trải qua thăng trầm của lịch sử cùng đất nước - ngày nay nông thôn Việt Nam đang từng bước xây dựng nông thôn mới đi lên trên con đường hiện đại, văn minh thì hình bóng cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam vẫn gợi cho chúng ta những xúc cảm rất đỗi thân thương về quê hương xứ sở, cây cổ thụ cây di sản Việt Nam dù đứng ở đâu cũng đều là "máu", đều là "thịt" là kỳ quan thiên nhiên sâu thẳm trong tâm hồn của các thế hệ 54 cộng đồng của dân tộc Việt Nam. Hãy cùng nhau gìn giữ bảo vệ để thế hệ hôm nay và con cháu mai sau được chiêm ngưỡng những điều kỳ thú mà tạo hóa đã hoài thai qua mỗi một cành cây, qua từng chiếc lá, qua mỗi một bông hoa - trên đường làng ngõ phố.
Bảo vệ và chăm sóc từng cái cây, từng khu rừng trong đất liền, trên các vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc chính là thiết thực hưởng ứng năm Quốc tế về rừng 2011.
Lượt xem : 2609