Ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng đã và đang là một trong những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch của Việt Nam, mặt khác làm gia tăng các chi phí cải thiện môi trường. Đặc biệt là làm phát sinh xung đột về lợi ích các nhóm xã hội trong khai thác và sử dụng tài nguyên môi trường.
Theo các thống kê, nền kinh tế Việt Nam đã mất 3,9 tỷ USD trong 71 tỷ USD của GDP trong năm 2007 và khoảng 4,2 tỷ USD ước tính trong 76 tỷ USD của GDP trong năm 2008; đồng thời mỗi năm thiệt hại 780 triệu USD trong các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường.
Điều tra của Tổng cục Môi trường tại hai tỉnh Phú Thọ và Nam Định cho thấy ước tính thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí tác động đến sức khỏe người dân tại hai địa phương này mỗi năm là 295.000 đồng/người. Còn tổng chi phí của những người mắc bệnh về đường hô hấp ở nội thành Hà Nội mỗi ngày lên tới 1.538 đồng/người.
“Nếu chúng ta không hành động, suy thoái môi trường quá mức sẽ trở thành lực cản cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, và suy thoái môi trường có thể đi đến điểm không thể đảo ngược, nghĩa là không thể phục hồi chức năng môi trường dù có đầu tư chi phí rất lớn”, TS Nam nhấn mạnh.
Cộng đồng và môi trường
Theo Viện trưởng Viện Chính sách Tài nguyên&Môi trường – Bộ Tài nguyên&Môi trường, nền kinh tế Việt Nam đang dựa vào khai thác tài nguyên là chính, trong khi phân bổ và sử dụng “nguồn vốn tự nhiên” kém hiệu quả. Trong khi đó, công nghệ sản xuất lạc hậu, chậm được đổi mới nên tiêu tốn nhiều năng lượng, nước, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm suy thoái môi trường, phát thải khí nhà kính cao…
Trước thực trạng ấy,
kinh tế xanh được xem là giải pháp bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và ngăn chặn ô nhiễm môi trường, nóng lên toàn cầu, cạn kiệt nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường.
Ông Nam cho rằng cộng đồng có thể đóng góp cho nền kinh tế xanh và phát triển bền vững thông qua tiêu dùng bền vững. Người dân, bằng cách thay đổi hành vi tiêu dùng của mình, có thể đóng góp cực kỳ to lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên thiên nhiên.
“Chẳng hạn trong sinh hoạt hàng ngày, nếu người dân giảm tiêu dùng các loại thịt đỏ, thay thể bằng thức ăn có nguồn gốc từ thực vật, tiết kiệm điện, sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay vì dùng xe cá nhân thì sẽ góp phần to lớn trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gây ấm nóng toàn cầu”, ông Nam nói.
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020 đặt ra mục tiêu hướng tới một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, với chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu kinh tế đang mở ra cơ hội phát triển kinh tế xanh,
tăng trưởng xanh phù hợp với điều kiện nước ta.
Hướng phát triển chung theo khung nền kinh tế xanh là chuyển dịch nền kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả năng lượng, đầu tư sử dụng năng lượng tái tạo, hạch toán giá trị môi trường và hệ sinh thái vào quyết định đầu tư và tiêu dùng.
Phát triển dựa trên hệ sinh thái, lợi thế về vốn tự nhiên, phát triển carbon thấp, phát triển ít chất thải là ba trọng tâm cho phát triển xanh tại Việt Nam. Theo đó, các hướng tiếp cận chính của Việt Nam là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thu hẹp khu vực kinh tế nâu, mở rộng sang khu vực kinh tế xanh, hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, thúc đẩy đổi mới
công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các ngành kinh tế xanh, khuyến khích sử dụng hàng hóa dịch vụ thân thiện với môi trường.
Mạnh Cường
(MTX)