Cộng đồng địa phương bày tỏ lo ngại về nguồn lợi thủy sản ở Tuyên Quang
12/17/2009 9:38:00 AM
Tại cuộc gặp mặt mới đây với Đại diện chính quyền địa phương, người dân xã Đà Vị, huyện Na Hang đã bày tỏ mối lo ngại về sự thay đổi sinh thái và sự giảm sút nguồn lợi thuỷ sản ở khu vực thượng nguồn sông Gâm từ khi thủy điện Tuyên Quang được xây dựng.
Người dân Na Hang lo ngại về sự giảm sút nguồn lợi thủy sản ở Tuyên Quang
|
Một thành viên trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội thảo |
Ngày 6/12/2009, người dân ở xã Đà Vị, huyện Na Hang đã gặp mặt và chia sẻ các kết quả nghiên cứu về nguồn lợi thủy sản trên sông Năng, một nhánh của sông Gâm, tỉnh Tuyên Quang. Đại diện chính quyền địa phương cũng có mặt để lắng nghe người dân bày tỏ mối lo ngại về sự thay đổi sinh thái ở khu vực thượng nguồn sông Gâm từ khi thủy điện Tuyên Quang được xây dựng.
Nhóm nghiên cứu bao gồm những người dân địa phương được cộng đồng đề cử dựa trên kiến thức phong phú của họ về nguồn lợi thủy sản trong vùng. Với sự tài trợ của Quỹ đối tác về các hệ sinh thái trọng yếu (CEPF), Trung tâm bảo tồn và phát triển tài nguyên nước (WARECOD) đã tiến hành tập huấn cho nhóm nghiên cứu này để xác định và thu thập thông tin về đa dạng sinh học nước ngọt trên sông Năng.
Trong buổi hội thảo, nhóm nghiên cứu đã trình bày kết quả điều tra về 53 loài thủy sinh và 14 dụng cụ đánh bắt được người dân sử dụng phổ biến trên sông Năng. Họ cũng lưu ý đến một diện tích đất lớn bị ngập nước sau khi xây dựng hồ chứa của thủy điện Tuyên Quang. Một báo cáo nghiên cứu trước của WARECOD đã chỉ ra sự suy giảm rõ rệt về số lượng của 32 loài thủy sinh vật và một số bãi đẻ của chúng ở phía hạ lưu và cho rằng một phần nguyên nhân là do việc xây dựng đập thủy điện Tuyên Quang.
Sông Năng sau khi xây dựng đập thủy điện Tuyên Quang
Các đại điện của UBND xã Đà Vị, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nà Hang và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang cũng tham gia hội thảo và chia sẻ ý kiến. Nhóm nghiên cứu địa phương bày tỏ mối quan ngại về việc người dân tiếp tục sử dụng các công cụ đánh bắt trên sông mang tính hủy diệt như kích điện và tình trạng ngày càng có nhiều người dân sống phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản do chương trình tái định cư để xây dựng thủy điện chưa thật sự phù hợp. Đất canh tác bị thu hẹp và nhiều trường hợp đất đền bù chỉ đủ để xây dựng nhà ở nên việc kiếm sống dựa vào hoạt động đánh bắt thủy sản ngày càng tăng. Các đại biểu tham dự hội thảo đề nghị chính quyền địa phương tích cực trợ giúp người dân trong quá trình tìm kiếm sinh kế thay thế bền vững, đặc biệt đối với những người đã bị thu đất và hỗ trợ quản lý hiệu quả nguồn lợi thủy sản bằng việc tăng cường thực thi pháp luật hiện hành và ủng hộ việc đưa ra các quy định mới phù hợp cho địa phương.
WARECOD (www.warecod.org.vn) là một tổ chức phi chính phủ trong nước được thành lập năm 2006 với mục tiêu thúc đẩy việc sử dụng bền vững tài nguyên nước của Việt Nam. Trung tâm đã tiến hành nhiều dự án nghiên cứu và các hoạt động nâng cao nhận thức về việc cải thiện cuộc sống của cộng đồng sống ven sông, thúc đẩy việc sử dụng một cách cân bằng nguồn tài nguyên nước và cảnh báo những tác động tiêu cực của các dự án phát triển như các công trình xây dựng thủy điện không được lập kế hoạch phù hợp.
CEPF là sáng kiến chung của Cơ quan Phát triển Pháp, Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, Quỹ Môi trường Toàn cầu, Chính phủ Nhật Bản, Quỹ John D. và Catherine T. MacArthur và Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu cơ bản của chương trình là thu hút sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học.CEPF triển khai kế hoạch đầu tư trị giá 9,5 triệu USD trong 5 năm ở khu vực Đông Dương bằng việc lựa chọn BirdLife International là Nhóm thực hiện cấp vùng. Thông tin chi tiết được đăng tải trênwww.cepf.net hoặc www.birdlifeindochina.org/cepf
###
Tác giả ảnh: Nguyễn Hoàng Long-BirdLife International in Indochina
Liên hệ thông tin báo chí:
Trần Thanh Hương, BirdLife International in Indochina;
N6/2+3, ngõ 25, Láng Hạ, Hà Nội, Việt Nam
ĐT: +84 (0) 4 3514 8904, máy lẻ 28; mobile: +84 (0) 989 532 642;
Lượt xem : 2059