Vietnamese English
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Bảo vệ môi trường

12/12/2020 8:13:00 AM

Sáng 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 7 Luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV; trong đó, có Luật Bảo vệ môi trường

Cùng với Luật Bảo vệ môi trường, có 6 Luật khác được công bố gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng – chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Cư trú; Luật Biên phòng Việt Nam.


Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì buổi họp báo.

Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường 2020 với 16 Chương, 171 Điều. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022; riêng Khoản 3, Điều 29 về đánh giá sơ bộ tác động
môi trường có hiệu lực thi hành từ 1/2/2021.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính từ 20 – 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định. Đồng thời, thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào 1
giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.

“Lần đầu tiên, Luật thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về
bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế – xã hội”, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân khẳng định tại họp báo.

Luật có nhiều chính sách mới đột phá như: Lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT; tăng cường công khai thông tin, tham vấn và phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời, được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT; thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với các dự án đầu tư theo các
tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường… Luật Bảo vệ môi trường 2020 được doanh nghiệp, cộng đồng và người dân mong đợi, kỳ vọng sẽ tạo được nhiều đột phá, thúc đẩy hiệu quả công tác bảo vệ môi trường và hỗ trợ quá trình hội nhập quốc tế của nước ta.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng – chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã sửa đổi, bổ sung 15 Điều và bãi bỏ 2 Điều. Một số nội dung mới cơ bản như: bổ sung các đối tượng được thông báo kết quả HIV dương tính và tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV; mở rộng các đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; Luật hóa các biện pháp can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV… Để triển khai thi hành Luật kịp thời, hiệu quả, Chính phủ sẽ tập trung xây dựng kế hoạch, xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật; ban hành thông tư hướng dẫn liên quan và tổ chức phổ biến chính sách, triển khai tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên y tế, các tổ chức cộng đồng… triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS trên phạm vi toàn quốc.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 Điều (trong đó, có 16 Điều sửa đổi, bổ sung toàn diện), sửa kỹ thuật 11/142 Điều, bổ sung mới 4 Điều, bãi bỏ 3 Điều.

Luật Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất với Hiến pháp năm 2013 và các Luật được Quốc hội ban hành gần đây. Cùng với đó, bảo đảm hội nhập quốc tế, hướng đến các tiêu chuẩn lao động quốc tế và nội luật hoá các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Luật Thỏa thuận quốc tế gồm 7 Chương, 52 Điều đã bổ sung một số nội dung mới và có những sửa đổi quan trọng. Luật đã mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc ký kết thỏa thuận quốc tế của các chủ thể chưa được quy định trong Pháp lệnh năm 2007; bổ sung điều khoản quy định rõ tính chất thỏa thuận quốc tế để phân biệt với điều ước quốc tế và các hợp đồng, thỏa thuận về giao dịch dân sự, kinh tế, tài chính, đầu tư. Luật cũng bổ sung chương mới quy định trình tự, thủ tục rút gọn với tiêu chí, điều kiện cụ thể áp dụng trong trường hợp cần xử lý gấp do yêu cầu về chính trị, đối ngoại, cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh…

Luật Cư trú năm 2020 có 7 Chương, 38 Điều và có một số nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013). Để triển khai thi hành Luật, từ nay đến ngày 1/7/2020, Chính phủ cần ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ ban hành các Thông tư quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật…

Luật Biên phòng Việt Nam được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ tăng cường hiệu lực trong xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; đồng thời là cơ sở xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng bộ đội biên phòng nói riêng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia trong tình hình mới. Luật Biên phòng Việt Nam có 6 Chương và 36 Điều. Chính phủ sẽ ban hành 2 Nghị định, Bộ Quốc phòng ban hành 2 Thông tư quy định chi tiết thực hiện Luật.

Theo Baotainguyenmoitruong

Lượt xem : 1291