Vietnamese English
Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2017

4/9/2018 7:15:00 AM

Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2017; Quốc gia nào gây ô nhiễm đại dương lớn nhất?; Hàn Quốc phải hoãn 3 trận đấu bóng chày vì ô nhiễm bụi mịn; Cứu các loài thú quý hiếm bằng thiên văn học; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong ngày.

 Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2017


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa công bố 
hiện trạng rừng toàn quốc năm 2017. Đến ngày 31/12/2017, diện tích rừng trên toàn quốc có 14.415.381ha, trong đó, rừng tự nhiên có 10.236.415ha; rừng trồng có 4.178.966 ha. Diện tích rừng đủ tiêu chuẩn để tính độ che phủ toàn quốc là 13.717.981 ha, độ che phủ tương ứng là 41,45%. Sau khi công bố hiện trạng rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp thiết lập cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng quốc gia theo quy định tại Quyết định số 1439/QĐ-BNN-TCLN về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp.


Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu rừng, đất 
lâm nghiệp trên phạm vi toàn quốc và của từng địa phương. Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao Ủy ban Nhân dân cấp huyện, xã thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng theo quy định. Các tỉnh sử dụng số liệu hiện trạng rừng để rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng hằng năm; làm cơ sở để cập nhật diễn biến rừng các năm tiếp theo. Đối với các địa phương có diện tích rừng tự nhiên giảm trong năm 2017, làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định.

Quốc gia nào gây ô nhiễm đại dương lớn nhất?

Tháng 12/2017, một nhóm nghiên cứu bao gồm các chuyên gia tới từ Mỹ và Úc, do Jenne Jambeck – một kỹ sư 
môi trường tại Đại học Georgia (Mỹ) – dẫn đầu, đã phân tích lượng rác thải nhựa (plastic) bình quân tại các đại dương trên khắp thế giới. Kết quả cho thấy, Trung Quốc và Indonesia chính là hai nước xả rác thải nhựa như chai lọ, bao bì và các loại rác khác lớn nhất, làm tắc nghẽn nhiều tuyến đường biển toàn cầu. Hai quốc gia này, cùng với nhau chiếm hơn 1/3 tổng lượng rác thải, vụn nhựa tại các nguồn nước của thế giới – theo thông tin từ Tạp chí Phố Wall.

Số liệu của năm 2010 cũng chỉ rõ, Trung Quốc thải ra tới 8,8 triệu tấn rác thải nhựa [không được kiểm soát, xử lý] ra đại dương, trong khi Indonesia là 3,2 triệu tấn. Nước Mỹ cũng phải chịu trách nhiệm về việc làm ô nhiễm nguồn nước do rác thải nhựa, nhưng thấp hơn nhiều so với Trung Quốc – mỗi năm chỉ có khoảng 0,3 triệu tấn rác thải nhựa lênh đênh trên biển tới từ Mỹ. Việt Nam xếp thứ tư trong bảng xếp hạng này với 1,8 triệu tấn 
rác thải nhựa mỗi năm.

Hàn Quốc phải hoãn 3 trận đấu bóng chày vì ô nhiễm bụi mịn

Theo thông tin trên TTXVN, ngày 6/4 vừa qua 3 trận đấu bóng chày, môn thể thao được ưa thích số 1 ở Hàn Quốc, trong khuôn khổ giải đấu của Tổ chức Bóng chày Hàn Quốc (KBO) đã phải hoãn lại do 
không khí bị ô nhiễm bụi mịn. Đây là lần đầu tiên sự việc này diễn ra tại Xứ sở Kim chi. Trên thực tế, ngày càng có nhiều người tiêu dùng lo ngại về mức độ bụi mịn trong không khí, nhưng nhờ đó, thị trường máy làm sạch không khí tại Hàn Quốc lại trở nên sôi động.

Giới chức Hàn Quốc thông báo sẽ cho lắp các thiết bị làm sạch không khí tại tất cả các nhà trẻ, trường mẫu giáo, tiểu học và cơ sở đặc biệt trong vòng 3 năm tới càng khiến thị trường mặt hàng đặc chủng này phát triển. Theo các nhà phân tích thị trường, doanh số bán ra mặt hàng này sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới. Từ con số 500.000 máy làm sạch không khí được bán trong năm 2014, thị trường Hàn Quốc đã tiêu thụ tới 1,4 triệu chiếc năm 2017. Dự đoán, doanh số bán loại thiết bị này trong năm nay có thể lên số 2-3 triệu chiếc.

Cứu các loài thú quý hiếm bằng thiên văn học

Các nhà khoa học Anh đang sử dụng kỹ thuật nghiên cứu các vì sao xa trong thiên văn học để khảo sát những loài động vật đang gặp nguy hiểm. Nhóm khoa học gia này đang phát triển một hệ thống nhận diện tự động các loài thú bằng cách sử dụng camera gắn vào một thiết bị bay không người lái (drone). Hệ thống này có thể nhận diện các loài thú từ sức nóng do chính chúng tỏa ra, thậm chí vẫn có tác dụng khi bị cây cối cản đường. Chi tiết của hệ thống này đã được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội thiên văn học châu Âu ở thành phố Liverpool, Anh.

Ý tưởng này được phát triển bởi tiến sĩ Serge Wich, một chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn tại đại học John Moores ở Liverpool, và tiến sĩ Steve Longmore, một nhà vật lý học thiên thể cũng đang công tác tại đại học này. Tiến sĩ Wich cho biết hệ thống này có tiềm năng cải thiện đáng kể mức độ chính xác của việc giám sát những loài đang gặp nguy hiểm và vì thế sẽ giúp con người cứu được chúng. Hiện tại, các chuyên gia bảo tồn ước tính số lượng những loài đang gặp nguy hiểm bằng cách đếm từng con hoặc thông qua những dấu hiệu chúng để lại. Đây là một cách làm khoa học không chính xác vì các con thú có thể sống ở những vùng mà người quan sát không tiếp cận được, hoặc nếu các loài thú đã di cư sang khu vực khác so với thời điểm thống kê trước đó.

Microsoft đạt thỏa thuận về năng lượng mặt trời lớn nhất lịch sử Mỹ

Microsoft đã tăng gấp đôi các sáng kiến xanh của mình bằng cách ký thỏa thuận về năng lượng mặt trời lớn nhất của một công ty tại Mỹ. Microsoft thông báo rằng họ đã mua 315MW điện từ một dự án năng lượng mặt trời ở Virginia. Được gọi là Pleinmont I và II, các dự án này là một phần của dự án phát triển 500MW thuộc sở hữu của sPower. Theo công ty, thỏa thuận mới này cho phép Microsoft có được thương vụ về năng lượng mặt trời lớn nhất trong lịch sử của Mỹ. Vào đầu năm 2016, Microsoft cam kết sử dụng năng lượng tái tạo và các hoạt động bền vững. Vào thời điểm đó, khoảng 44% lượng điện trung tâm dữ liệu của công ty đến từ các nguồn năng lượng mặt trời, gió và thủy điện.

Microsoft cho biết họ đang hy vọng đạt được mục tiêu vượt quá 50% vào cuối năm 2018 và tăng lên 60% vào năm 2020. Nhanh chóng chuyển tiếp gần hai năm, Microsoft vẫn cam kết với mục tiêu đó. Các dự án vẫn chưa hoạt động, nhưng sẽ có hơn 750.000 tấm pin mặt trời trên 2.000 mẫu Anh (acre) khi chúng được đưa ra sử dụng, hai nhà máy này sẽ sản xuất khoảng 715.000MWh mỗi năm. Các dự án sẽ được đặt tại bang Virginia, khi toàn bộ hệ thống 500MW hoạt động, Pleinmont I và II sẽ sản xuất ra nhiều năng lượng tái tạo bằng tất cả các dự án năng lượng mặt trời hiện đang hoạt động trên toàn bộ bang Virginia. Những dự án này cũng được đánh giá là dự án thiết lập năng lượng mặt trời lớn thứ năm ở Hoa Kỳ.

Mai Anh (moitruong.com.vn/TH)

Lượt xem : 2401