Vietnamese English
Công bố chất lượng nước biển các bãi tắm miền Trung

5/4/2016 1:46:00 PM

Qua so sánh, đối chiếu kết quả quan trắc với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển (QCVN 10-MT:2015/BTNMT) cho thấy, chất lượng nước biển tại các bãi tắm trên đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước.

Việc lấy mẫu quan trắc chất lượng môi trường nước biển ven bờ được triển khai tại 22 bãi tắm thuộc địa bàn 4 tỉnh, gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên - Huế. Thời điểm quan trắc mẫu nước biển 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều. Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên & Môi trường, mẫu nước biển ven bờ được lấy ở các bãi tắm, trong phạm vi cách bờ không quá 1,5 km, nằm cách độ sâu cách mặt nước từ 0,3 m đến 0,5 m – theo VietnamPlus.


Cụ thể, tại tỉnh Hà Tĩnh có 6 bãi tắm được chọn lấy mẫu quan trắc chất lượng môi trường nước, bao gồm: Bãi tắm Xuân Thành; bãi tắm Xuân Hải; bãi tắm Thạch Hải; bãi tắm Thiên Cầm; bãi tắm Kỳ Ninh; bãi tắm Mũi Đao. Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 4 điểm lẫy mẫu: Bãi tắm Vũng Chùa, huyện Quảng Trạch; bãi tắm Đá Nhảy, huyện Bố Trạch; bãi tắm Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới; bãi tắm Hải Ninh, huyện Quảng Ninh. Tỉnh Quảng Trị có 3 điểm lẫy mẫu: bãi tắm Mũi Si, huyện Vĩnh Linh; bãi tắm Gio Hải, huyện Gio Ninh; bãi tắm Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng. Nhiều nhất là tỉnh Thừa Thiên - Huế với 9 điểm bãi tắm, bao gồm: Bãi tắm Cửa biển Lăng Cô; bãi tắm Lăng Cô; bãi tắm Cảnh Dương; cửa biển Vinh Hiền; bãi tắm Vinh Thanh; bãi tắm Thuận An; cửa biển Thuận An; bãi tắm Quảng Ngạn; bãi tắm xã Điền Lộc.

Công bố kết quả xử lý đất nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng

VietnamPlus đưa tin chiều 3/5, tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đã công bố kết quả xử lý thành công đất nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ dự án do Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) quản lý. Tại buổi lễ công bố thành công giai đoạn 1 dự án, diện tích đất và bùn ô nhiễm dioxin đã xử lý được đại diện Chính phủ Việt Nam chính thức tiếp nhận.

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam sẽ sử dụng diện tích đất đã xử lý thành công dioxin để xây dựng đường lăn và bãi đỗ máy bay mới nằm trong kế hoạch mở rộng Sân bay quốc tế Đà Nẵng, phục vụ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2017 (APEC 2017). Hoa Kỳ và Việt Nam đã khởi động dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng từ tháng 8/2012. Quá trình xử lý đất nhiễm dioxin giai đoạn 1 bắt đầu từ năm 2014. Giai đoạn 2 cũng là giai đoạn xử lý cuối sẽ bắt đầu vào cuối năm nay. Theo đó, các bên sẽ tiến hành xử lý khoảng 45.000m3 bùn, đất nhiễm dioxin.

Hơn 200 cá thể động vật hoang dã được cứu hộ, bảo tồn

Lãnh đạo Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, Trung tâm đang cứu hộ, bảo tồn 219 cá thể và 4 kg rắn. Riêng trong tháng 4/2016, Trung tâm đã tiếp nhận 8 vụ với 32 cá thể, gồm: 1 cá thể Gấu ngựa, 16 cá thể rắn hổ mang chúa, 3 cá thể rùa cổ dài, 1 cá thể rùa cá sấu, 1 cá thể chim yểng, 7 cá thể khỉ đuôi dài, 1 cá thể khỉ mặt đỏ, 1 cá thể khỉ vàng và 1 cá thể khỉ mốc.

Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục duy trì công tác vệ sinh, phòng dịch; Chăm sóc tốt số động vật đang cứu hộ, bảo tồn tại Trung tâm, đặc biệt một số loài quý hiếm thuộc nhóm IB, IIB như: Hổ, gấu, mèo rừng, vượn, khỉ… Đồng thời, Trung tâm thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật cứu hộ động vật hoang dã; duy trì tốt khẩu phần thức ăn cho đàn động vật, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Chủ động theo dõi tình hình thời tiết, kịp thời có phương án chống rét cho đàn động vật, đảm bảo tuyệt đối an toàn – theo Kinh Tế & đô Thị.

Thủ đô Mexico đóng cửa nhiều cây xăng do ô nhiễm không khí

Trước tình trạng báo động cấp 1 về ô nhiễm không khí, chính quyền thủ đô Mexico ngày 3/5 đã tạm dừng hoạt động nhiều cây xăng trong thành phố. Một trong những biện pháp mới của nhà chức trách nước này nhằm giảm ô nhiễm không khí, được triển khai từ ngày 5/4 đến hết tháng 6/2016, là những cây xăng không được lắp đặt hệ thống khôi phục hơi nước sẽ phải tạm dừng hoạt động. Ủy ban môi trường thành phố Mexico City (CAMe) cho biết trong trường hợp báo động cấp 2 về ô nhiễm không khí được đưa ra, một nửa số cây xăng tại thành phố này sẽ phải tạm đóng cửa. Trước đó, ngày 2/5, CAMe đã đưa ra báo động cấp 1 về ô nhiễm không khí khi nồng độ Ozon (O3) lên đến 161 điểm theo Chỉ số chất lượng không khí đô thị (Imeca) - gấp 1,6 lần mức độ cho phép.

Trước tình hình này, chính quyền thành phố Mexico City đã quyết định cấm 40% lượng xe ôtô (tương đương 2,2 triệu xe) lưu thông nhằm giảm lượng khí thải. Cùng với đó, các lĩnh vực công nghiệp như ximăng, dược phẩm, hóa chất, xăng dầu và sản xuất điện năng phải giảm từ 30-40% lượng khí thải ra môi trường. Hiện, thủ đô của Mexico đang áp dụng một loạt biện pháp chống ô nhiễm môi trường, trong đó có việc siết chặt kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông và cấm tất cả các loại ôtô, xe máy lưu thông một ngày làm việc trong tuần và một ngày thứ Bảy trong tháng tại 16 quận và 18 huyện của bang Mexico – theo VietnamPlus.

Ford bị phạt 1 triệu USD do vi phạm quy định về môi trường

Cơ quan công tố liên bang về bảo vệ môi trường Mexico đã ra án phạt 1 triệu USD đối với chi nhánh của nhà sản xuất xe hơi Mỹ Ford tại nước này. Lý do được đưa ra là do hãng Ford đã bán 4.690 xe chưa có chứng nhận tuân thủ các quy định về môi trường. Theo Cơ quan công tố liên bang về bảo vệ môi trường Mexico, các dòng xe Ford đời 2015 và 2016 được nhập hay sản xuất tại Mexico rồi bán ra thị trường chưa có giấy chứng nhận đạt chuẩn về môi trường.

Cụ thể là về lượng khí thải và tiếng ồn trong giới hạn cho phép. Trước đó, vào tháng 2/2016, cơ quan chức năng Mexico đã đưa ra mức phạt 8,9 triệu USD đối với hãng xe Volkswagen của Đức do hãng này bán ra thị trường hơn 45.000 xe đời 2016 chưa qua kiểm định xem số xe này có đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường hay không – theo VTV.

Brazil kiện công ty khai thác mỏ gây ô nhiễm 44 tỷ USD

Công tố viên liên bang Brazil ngày 4/5 khởi kiện công ty sở hữu mỏ khai thác quặng sắt Samarco số tiền 44 tỷ USD do vụ vỡ đập khiến 19 người chết và làm ô nhiễm cả con sông lớn. Vụ vỡ đập xảy ra hồi đầu tháng 11/2015 tại làng Bento Rodrigues, bang Minas Gerais. Ước tính hơn 60 triệu m3 bùn đất chứa các chất thải độc hại sau quá trình khai thác quặng sắt đã bị tràn ra ngoài, nhấn chìm cả một ngôi làng khiến 19 người thiệt mạng – theo News.zing.

Con sông lớn Doce gần đó cũng bị ô nhiễm trên diện rộng đến hơn 500 km, đe dọa cuộc sống của các loài động, thực vật và ảnh hưởng tới nguồn nước uống của khoảng 250.000 người. Tập tài liệu của công tố viên đưa ra ngày 4/5 dày 359 trang, với chi phí số tiền đòi bồi thường đối với 2 công ty sở hữu mỏ Samarco, Vale SA và BHP Billiton là 44 tỷ USD. Con số này được tính toán dựa trên nghiên cứu từ vụ tràn dầu của giàn khoan thuộc BP tại Mỹ hồi năm 2010, theo Reuters. BHP cũng đề cập đến một vụ kiện khác mà Samarco, Vale và BHP đã tự dàn xếp riêng với chính phủ Brazil hồi tháng 3. Theo đó, các công ty sẽ thanh toán trước 20 tỷ real (hơn 5,6 tỷ USD) để khắc phục hậu quả.

Theo Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 1976