Vietnamese English
Có thể xuất hiện băng giá ở miền Bắc

12/15/2015 9:05:00 AM

Ngày 14/12, không khí lạnh kèm mưa đã tràn xuống miền Bắc, khiến nền nhiệt giảm 5-7 độ C so với hôm qua. Hôm nay nhiệt độ giảm tiếp, vùng đồng bằng còn 12-13 độ C, vùng núi dưới 10 độ C. Những đỉnh núi cao như Sa Pa, Mẫu Sơn có thể chỉ còn 1-3 độ C. Đêm 16 và 17/12, một số điểm núi cao ở miền Bắc như Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn) có thể xuất hiện băng giá.

Sang ngày 16/12, nền nhiệt miền Bắc sẽ không vượt quá 17 độ C và hình thái thời tiết này duy trì sang cả ngày 17. Tại Hà Nội, nhiệt độ thấp nhất trong hai ngày này có thể xuống dưới 13 độ C, cao nhất trong ngày chỉ khoảng 16-17 độ C. "Những nơi núi cao có khả năng xuất hiện băng giá trong các đêm 16-17/12", chuyên gia khí tượng được Báo Điện tử VnExpress dẫn lời nhận định.


Do tác động của không khí lạnh, từ đêm nay ở vịnh Bắc Bộ và Bắc biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, tương đương cấp gió của áp thấp nhiệt đới. Từ chiều 15/12, vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, khu vực giữa biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, biển động. Để ứng phó với gió biển mạnh trên biển, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Thuận thông báo cho tàu thuyền biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn.

Thành lập Hội Giáo dục và bảo vệ môi trường Hạ Long

Sáng 13/12, Hội Giáo dục và bảo vệ môi trường Hạ Long đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2015-2020. Đại hội đã thông qua Điều lệ của Hội và hiệp thương bầu Ban chấp hành, Ban thường vụ và các vị trí lãnh đạo của Hội. Ông Lê Hùng Sơn, Phó Bí thư Tỉnh đoàn được bầu làm Chủ tịch Hội Giáo dục và bảo vệ môi trường Hạ Long. Hoạt động vệ sinh môi trường vào ngày “Thứ 7 tình nguyện” và ngày “Chủ nhật xanh” hàng tuần là một trong những hoạt động được duy trì thường xuyên – theo Báo Đầu Tư.

Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ công tác của Hội trong nhiệm kỳ 2015-2020 cũng đã được cụ thể, như: tham mưu, xây dựng được cơ chế, điều kiện cụ thể để tổ chức thực hiện công tác giáo dục và bảo vệ môi trường: hàng năm, vận động từ 50.000 - 60.000 thanh thiếu nhi và nhân dân tham gia các hoạt động ra quân vệ sinh môi trường trên địa bàn; đến năm 2020, duy trì và thành lập mới ít nhất 10 câu lạc bộ, hội, nhóm, kết nối các câu lạc bộ chưa thuộc tổ chức Hội; tập hợp 10.000 tình nguyện viên bảo vệ môi trường; khai thác từ 01 đến 02 dự án hành động bảo vệ môi trường Hạ Long;…

Xử lý 127 container tồn đọng là nhựa phế liệu, đồ điện tử cũ

Cục Hải quan Hải Phòng đang xem xét, xử lý 23 lô hàng gồm 127 containers hàng hóa là nhựa phế liệu, đồ điện tử đã qua sử dụng, giấy, thiết bị văn phòng… tồn đọng tại Cảng PTSC Đình Vũ. Theo Cục Hải quan Hải Phòng, các lô hàng trên do các hãng tàu EVERGREEN, YANGMING, MSC, GMD/ANL tại Việt Nam làm đại lý vận chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam- theo Báo Hải Quan.

Hàng hóa đã theo tàu nhập về cảng Hải Phòng từ năm 2011 đến năm 2012 nhưng đến nay không có doanh nghiệp đến làm thủ tục nhận hàng. Theo Cục Hải quan Hải Phòng, đến đầu tháng 10-2015, trên địa bàn còn khoảng 4.400 container hàng tồn đọng, trong đó phần lớn là hàng hóa tồn đọng từ năm 2013 trở về trước, trong đó có gần 2.200 container hàng hóa là cao su, lốp ô tô đã qua sử dụng.

TP.HCM chỉ định nhà đầu tư chống ngập cho 6,5 triệu dân

PL TP HCM đưa tin ngày 14/12, tin từ Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết UBND TP đã ban hành quyết định về duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư dự án “Giải quyết ngập triều cho TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” theo hình thức đối tác công tư (PPP), thông qua hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) được chỉ định làm chủ đầu tư thực hiện dự án này.

Dự án chống ngập nói trên có tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỉ đồng, hình thức thanh toán bằng quỹ đất. Dự án có các công trình chính như xây tuyến đê kè xung yếu chạy dọc sông Sài Gòn cùng nhiều cống điều tiết ngăn triều lớn ở các cửa sông, kênh rạch. Địa điểm thực hiện dự án gồm các quận 1, 4, 7, 8, các huyện Bình Chánh và Nhà Bè. Theo Trungnam Group, dự án sẽ được thực hiện trong vòng ba năm, sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ giải quyết ngập cho vùng lõi rộng 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân sinh sống ở khu vực trung tâm TP.

New York ấm kỷ lục, nhiều ông già Noel phải mặc áo phông

Thành phố New York (Mỹ) vừa trải qua ngày 13/12 ấm nhất trong gần 100 năm qua, khi nhiệt độ trong ngày lên đến 19 độ C, phá vỡ kỷ lục cùng ngày trước đó vào năm 1923 là 17,8 độ C. Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) cho biết nhiệt độ tăng cao bất thường tại thành phố đông dân nhất nước Mỹ này sẽ còn kéo dài trong suốt tuần, trong khi nhiệt độ trung bình của ngày 13/12 hàng năm chỉ là 3,3 độ C. Đợt tăng nhiệt độ bất thường này cũng được ghi nhận vào ngày 6/11 khi nhiệt độ tăng lên 23,9 độ tại sân bay LaGuardia và 23,3 độ tại Công viên trung tâm – theo TTXVN.

Diễn biến thời tiết phức tạp xảy ra vào giữa mùa Đông tại nước Mỹ khi mà chỉ còn 12 ngày nữa là đến kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, thời điểm thường lạnh nhất trong năm và đi kèm với hiện tượng băng giá và tuyết rơi. Nhiệt độ tăng cao, nắng ấm giữa mùa Đông đã khiến hàng nghìn người tham gia lễ hội Giáng sinh thường niên của thành phố mang tên "SantaCon" không thể mặc trang phục lễ hội, thậm chí những ông già Noel chỉ mang trang phục áo phông và quần đỏ thay vì những bộ trang phục bằng bông ấm áp. Trái với hiện tượng thời tiết ấm áp của năm nay, trung tuần tháng 11 năm ngoái, nước Mỹ phải đối mặt với đợt lạnh giá bất thường khi mà nhiệt độ tại 50 bang đều giảm mạnh, trung bình là 0 độ C hoặc thấp hơn.

Sau Trung Quốc, đến lượt Ấn Độ bị cảnh báo ô nhiễm nghiêm trọng

Cách đây hai tuần, chính quyền New Delhi đã công bố một đạo luật mới nhằm giảm thiểu mức độ ô nhiễm không khí trong thành phố bằng cách hạn chế phương tiện cá nhân trên đường theo biển số xe. Hôm 12/12, Chủ tịch hội đồng bộ trưởng TP. New Delhi, ông Arvind Kejriwal vừa đăng tải hình ảnh so sánh về một lá phổi lành lặn của một người 55 tuổi sống tại bang Himachal Pradesh nằm ở phía Bắc Ấn Độ (bên trái) và bên còn lại là lá phổi của một người dân sống tại thủ đô New Delhi (bên phải), theo Mashable cho biết.

Bức ảnh một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo và thúc giục thay đổi nhận thức cho không chỉ người dân Ấn Độ nói riêng mà còn người dân các nước trên thế giới nói chung về mức độ ô nhiễm không khí đang ngày càng gia tăng do quá trình công nghiệp hóa gây ra. Theo số liệu thống kê của WHO, thủ đô New Delhi của Ấn Độ đang là thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất trên thế giới. Không khí trong thành phố luôn tồn tại nồng độ cao các hạt vật chất độc hại, đặc biệt là các hạt bụi PM2.5 có thể dễ dàng xâm nhập vào phổi của người dân. Nếu tiếp xúc lâu dài có thể gây nên tình trạng khó thở, suy giảm chức năng phổi và các bệnh về tim mạch – Theo Vnreview.

ASEAN hành động tập thể để giải quyết nạn ô nhiễm khói mù

Tạp chí Diễn đàn Đông Á số ra mới đây đã có bài viết đề cập tới cuộc khủng hoảng khói mù ảnh hưởng tới khu vực phía Nam Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hồi giữa năm nay, đồng thời đưa ra các đề xuất để các nước ASEAN giải quyết triệt để vấn đề này. Tác giả bài viết chỉ ra rằng sau cuộc khủng hoảng khói mù năm 1997, Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới đã được thông qua vào năm 2002, coi đây là “giải pháp thiết yếu để đạt được hành động tập thể nhằm ngăn chặn ô nhiễm khói mù xuyên biên giới” nhưng cho tới nay, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để dù đã có dấu hiệu giảm dần.

Ngày 22/11/2015, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025” phác thảo tầm nhìn và sứ mệnh của Khối trong việc xây dựng giai đoạn tiếp theo của Cộng đồng ASEAN. Một cam kết mới và hành động hợp tác nghiêm túc để ngăn chặn khói mù - vấn đề môi trường xuyên biên giới nghiêm trọng nhất trong khu vực - sẽ tạo ra sự tự tin hơn trong ASEAN với vai trò như một cộng đồng – theo TTXVN.

Thế giới cần 16.500 tỷ USD để hiện thực hóa Thỏa thuận Paris

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 13/12 công bố nghiên cứu cho rằng thế giới sẽ cần phải chi 16.500 tỷ USD trong vòng 15 năm tới để thực hiện thành công các mục tiêu khổng lồ chống biến đổi khí hậu vừa đạt được hôm 12/12 tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) ở Paris, Pháp. Thử thách cam go nhất của sứ mệnh chống biến đổi khí hậu xuất hiện khi các nhà phân tích bắt đầu tính toán xem các mục tiêu mới về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính có ý nghĩa như thế nào trên thực tế - TTXVN cho biết.

Nghiên cứu của IEA cho thấy phần lớn trong số tiền chi phí "khủng" nêu trên là để thay thế các nhà máy điện sử dụng than đá và khí đốt bằng các nguồn năng lượng không phát thải CO2 như gió, Mặt Trời và hạt nhân. Một phần chi phí lớn khác cần có là để cải thiện hiệu quả năng lượng nhằm giảm tổng lượng điện sử dụng trong các hộ gia đình và doanh nghiệp trên toàn cầu. Bên cạnh cam kết giảm lượng khí thải CO2 từ hơn 175 nước trên thế giới, Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu còn bao gồm các mục tiêu khá khó khăn, là hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp, và sẽ cố gắng đưa con số này về mức 1,5 độ C, đồng thời loại trừ khí thải CO2 một cách hiệu quả trong nửa sau của thế kỷ 21.

420.000 người chết mỗi năm vì thực phẩm bẩn

Gần 600 triệu người, tương đương 10% dân số thế giới bị ngộ độc sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm mỗi năm. Trong số này, có 420.000 người chết, trong số đó có 125.000 trẻ em dưới 5 tuổi. Đây là báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, WHO và được công bố trên Tạp chí Plos ONE. WHO cho biết một trong những gánh nặng thực phẩm toàn cầu vẫn là nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm bị ô nhiễm và các tác hại của nó đến sức khỏe cộng đồng – theo PetroTimes.

Báo cáo cho hay trong khi trẻ dưới 5 tuổi chỉ chiếm 9% dân số toàn cầu, nhưng có đến gần 30% ca tử vong do nhiễm độc thực phẩm rơi vào trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở khu vực có thu nhập thấp. Hơn 50% các bệnh có liên quan đến tiêu chảy, gây bệnh cho 550 triệu người và khiến 230.000 người tử vong mỗi năm. Tiêu chảy ảnh hưởng đến 220 triệu trẻ em, giết chết 96.000 trẻ. Tiêu chảy thường do ăn thịt sống hoặc thịt nấu chưa chín, trứng, các sản phẩm sữa và các sản phẩm tươi sống bị nhiễm virus noro, trùng xoắn Campylobacter, khuẩn salmonella và khuẩn lị E.coli.

Theo Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2367