Vietnamese English
Có thể hợp tác quốc tế tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt

4/25/2016 2:56:00 PM

Phó Thủ tướng Chính phủ gợi ý các bộ, ngành có thể hợp tác với các chuyên gia quốc tế, các đơn vị uy tín, có nhiều kinh nghiệm để sớm xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt ở tỉnh Hà Tĩnh.

Theo Trung tâm quan trắc Môi trường và bệnh Thủy sản miền Bắc, nguyên nhân cá chết hàng loạt tại vùng biển huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh là do ô nhiễm nguồn nước. Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, ngày 24/4 Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến thăm hỏi ngư dân, kiểm tra tình trạng nuôi trồng thủy sản tại xã Kỳ Hà, kiểm tra thiệt hại tại phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh. Sau khi kiểm tra thực địa, Phó thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh. Kết luận cuộc làm việc, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ khó khăn, thiệt hại với bà con ngư dân Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung do cá chết bất thường trong những ngày qua – theo Tuổi Trẻ.


Để sớm khắc phục hậu quả, ổn định và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra để làm rõ nguyên nhân trên cơ sở khoa học, thận trọng nhưng phải nhanh nhất, sớm nhất theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. “Nếu nguyên nhân được xác định là do các tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân gây ra, thì sẽ tiến hành điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo pháp luật, không loại trừ bất kỳ trường hợp nào” - Phó thủ tướng chỉ đạo.

Lễ công nhân Cây đa Đá Bạc là cây di sản Việt Nam

Sáng 23/04, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam phối hợp với UBND huyện Phú Lộc (TT-Huế) đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây đa Đá Bạc, ở tổ dân phố Đá Bạc, thị trấn Phú Lộc. Theo tài liệu của cơ quan chức năng, cây đa Đá Bạc nằm cạnh QL1A có tuổi đời từ 200 - 300 năm, cây đa to lớn với chu vi 18m, tán lá rộng khoảng 35m, rễ chính và rễ phụ cây đa ôm vào 06 hòn đá hoa cương kết thành khối có chu vi khoảng 27m, chiều cao tảng đá chừng 3m.  

Dưới gốc cây đa hiện có miếu thờ Bà Thủy của ngư dân làng Đá Bạc được xây dựng hơn 120 năm trước,  đây là nơi hương khói tín ngưỡng của người dân địa phương và du khách khi viếng thăm cây đa Đá Bạc. Cùng với Ngã ba Ràng Bò, bến cây đa Đá Bạc, hiện thuộc địa bàn thị trấn Phú Lộc cũng là nơi ghi dấu ấn của lịch sử đấu trang cách mạng từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp; nằm trên 2 tuyến đường giao thông huyết mạch là đường sắt và đường bộ nên tại đây đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa quân ta và địch.

Hơn 3.000 người chạy vì cuộc sống xanh sạch đẹp

Sáng 24/4, Trung tâm Truyền hình Thông tấn – Thông tấn xã Việt Nam (Vnews - TTXVN) tổ chức chương trình “Chạy vì cuộc sống xanh sạch đẹp 2016” tại Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chương trình “Chạy vì cuộc sống xanh sạch đẹp 2016” được tổ chức nhằm mục đích hưởng ứng Ngày Mẹ Trái Đất 22/4 hàng năm của Liên hợp quốc cũng như phong trào thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe của tập thể Cán bộ nhân viên Thông tấn xã Việt Nam.

Đến với chương trình “Chạy vì cuộc sống xanh sạch đẹp 2016” tại Hà Nội lần này, người dân, các tổ chức và doanh nghiệp có thể tham gia trải nghiệm một sân chơi lành mạnh và thiết thực. Hàng ngàn người tham gia ngày chạy sẽ cùng chung tay tạo nên những giá trị có ích cho xã hội và lan tỏa thông điệp tốt đẹp của chương trình đó là cùng nhau hướng đến cuộc sống xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn trong tương lai – theo VietnamPlus.

Hơn 1.800 con hổ được nuôi trong công viên để ngâm rượu

Trong một rạp xiếc thú xập xệ với những chỗ ngồi bằng nhựa đã vỡ, giữa tiếng nhạc chói tai, một diễn viên xiếc thú cầm chiếc roi sắt điều khiển một con hổ đi thăng bằng trên một quả bóng nhựa lớn. Ở gần đó, ba con hổ khác nằm dửng dung trên những bục sắt. Rồi lần lượt, chúng làm những trò nhào lộn, nhảy qua vòng và đứng lên ngồi xuống trước khi trở lại trong lồng nhốt. Khung cảnh trên diễn ra vào 14h30 chiều hàng ngày ở công viên Xiongsen, tỉnh Quế Lâm, Tây Nam Trung Quốc – theo VietnamPlus.

Công viên này từng là một trong những điểm tham quan thu hút khách du lịch, nhưng những năm gần đây đã trở nên ế khách và trông như một vườn thú lỗi thời. Tuy nhiên, tỷ lệ nghịch với số lượng khách giảm dần, số lượng hổ được nuôi nhốt ở đây lại bùng nổ lên đến hơn 1.800 con. Theo số liệu gần nhất, trên toàn thế giới chỉ có 3.890 con hổ đang sống trong điều kiện hoang dã. Nếu chỉ dựa vào tiền bán vé cho khách tham quan, công viên không thể nuôi sống được một phần số hổ này. Nhưng thực tế, khung cảnh ảm đạm chỉ là vỏ bọc che giấu mục đích thật sự của công viên - phối giống hổ để làm nguyên liệu chế biến rượu hổ cốt tại một nhà máy ngầm cách đó 300km ở tỉnh Quảng Tây. Số rượu này sau đó được đóng thành chai và bán với giá từ 320-4.000 nhân dân tệ (khoảng 49-615 USD) cho nửa lít.

Gần 300 người tử vong do nắng nóng kéo dài ở Ấn Độ

Số người thiệt mạng do nắng nóng ở Ấn Độ tiếp tục tăng cao. Theo thống kê, riêng trong ngày 23/4, ở bang Orissa đã có ít nhất 79 người chết do nắng nóng, trong khi ở bang Telangana là 49 người, nâng tổng số người tử vong do nắng nóng trên toàn Ấn Độ lên gần 300 người. Bang Orissa chứng kiến nhiệt độ không khí tăng cao, lên tới 48 độ C. Đây cũng là bang có số người tử vong do nắng nóng cao nhất ở Ấn Độ cho đến nay, với 125 người – theo VietnamPlus.

Theo báo cáo của Bộ Khoa học Trái Đất (MoES) của Ấn Độ, nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng cao trong những ngày tới và dự báo năm 2016 có thể là một trong những năm nóng nhất trong hàng thế kỷ qua tại nước này. Cục Khí tượng học Ấn Độ (IMD) cho rằng nắng nóng bất thường do tác động của El Nino, hiện tượng thời tiết cực đoan từng khiến hoạt động gió mùa suy yếu hồi năm ngoái. Hai đợt gió mùa yếu kém liên tiếp vừa qua đã gây hạn nặng tại khu vực Marathwada thuộc bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ.

Châu Á thải nhiều thủy ngân nhất

Số liệu của chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho thấy, Đông Á và Đông Nam Á chiếm đến 37% lượng phát thải thủy ngân toàn thế giới. Theo một báo cáo trên website của Sáng kiến năng lượng Viện Công nghệ Massachussets (Mỹ), châu Á thải ra 1.770 tấn thuỷ ngân mỗi năm - gấp đôi con số ước tính trước đây. Việc đốt than đá làm trầm trọng thêm tình trạng thải thuỷ ngân. Khi bị thải vào không khí từ ống khói các nhà máy năng lượng, thuỷ ngân có một đường đi phức tạp và thậm chí khi đã xuống đất hay chìm xuống biển, nó vẫn có thể quay lại bầu khí quyển, kết hợp với luồng thải mới từ các ống khói, kéo dài tác động của thuỷ ngân lên môi trường đến nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, lượng thủy ngân bị đưa ngược trở lại khí quyển không cao.

Các nhà khoa học ước tính, khoảng một nửa lượng thủy ngân trong khí quyển Trái đất xuất phát từ các nguồn tự nhiên như núi lửa. Số còn lại là do các hoạt động của con người, trong đó 65% từ hoạt động đốt cháy nhiên liệu (quan trọng nhất là việc đốt than ở các nhà máy điện - chiếm 40% số lượng khí thải thủy ngân ở Mỹ năm 1999); 11% từ sản xuất vàng, 6,8% từ sản xuất kim loại màu, 6,4% từ sản xuất ximăng. Ngoài ra, việc xử lý chất thải, hỏa táng, sản xuất xút, gang thép… cũng làm phát thải thủy ngân ra môi trường.

Ấn Độ, Pháp phát động chương trình quang năng trị giá 1.000 tỷ USD

VietnamPlus cho biết Ấn Độ và Pháp đã phát động một chương trình đầy tiềm năng trị giá 1.000 tỷ USD, để giúp các nước đang phát triển khai thác đầy đủ nguồn năng lượng Mặt Trời của mình vì một tương lai sử dụng năng lượng sạch. Tại một cuộc họp ở trụ sở Liên hợp quốc của Liên minh Năng lượng Mặt Trời quốc tế (ISA) với sự tham dự của đại diện đến từ hơn 25 nước, trong đó có Mỹ, Brazil, Bangladesh và Nga, Bộ trưởng phụ trách về điện, than và năng lượng tái tạo của Ấn Độ Piyush Goyal và Bộ trưởng Môi trường Pháp Segolene Royal tuyên bố chương trình này nhằm hỗ trợ các thành viên của ISA.

Bộ trưởng Goyal cho rằng ngoài cung cấp năng lượng sạch và đối phó với biến đổi khí hậu, việc khai thác được năng lượng Mặt Trời có ý nghĩa về an ninh năng lượng. Ông đồng thời khẳng định chương trình này sẽ giúp làm giảm giá thành, thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu và phát triển, đồng thời giúp triển khai rộng rãi hơn các công nghệ về năng lượng Mặt Trời. ISA là liên minh được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Pháp Francois Hollande thiết lập tại Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tổ chức tại Paris cuối năm 2015.

Mỹ phát triển thiết bị khai thác năng lượng sóng biển

Theo Science Alert, để khai thác nguồn năng lượng tiềm năng này, các nhà nghiên cứu từ công ty Oscilla Power chuyên về năng lượng tái tạo, đã tạo ra một thiết bị có tên Triton gồm một loạt các máy phát nổi trên mặt biển, được giữ với nhau bằng các sợi cáp đặt dưới nước. "Khi sóng tương tác với thiết bị, có một sự chuyển đổi các cực từ được tạo ra bên trong kim loại, được sử dụng để phát điện", theo tác giả Meagan Parrish. Năng lượng sẽ được hấp thụ nhờ các sợi cáp nối linh hoạt. Những sợi cáp này được nối với một đĩa nâng bất đối xứng bằng kim loại (heave plate) đặt dưới biển.

Khi nước biển chuyển động truyền tới, đĩa này sẽ chuyển động và truyền năng lượng lên máy phát điện theo các sợi cáp. Triton là thiết bị độc nhất có thể khai thác năng lượng từ các loại chuyển động nâng lên hạ xuống, lắc ngang, quay dọc và quay ngang. Triton đang được thử nghiệm ở quy mô nhỏ để đảm bảo nó có thể chịu được các lực xô đẩy lớn trong lòng đại dương trên thực tế. Mặc dù còn sớm, nhưng các báo cáo chỉ ra rằng, nếu nhóm nghiên cứu thành công với thiết kế của mình, Triton có thể đáp ứng một phần ba nhu cầu năng lượng của Mỹ và 15% nhu cầu thế giới. Cụ thể, mỗi máy phát sẽ có công suất 600 kW, trong khi năng lượng sinh hoạt gia đình trung bình tại Mỹ vào khoảng 911 kWh (1,26 KW) mỗi tháng, nghĩa là mỗi máy phát sẽ cung cấp đủ điện cho khoảng 500 hộ gia đình – theo VnExpress.

Trung Quốc phát triển thành công phôi động vật trong vũ trụ

Trung Quốc vừa trở thành nước đầu tiên phát triển thành công phôi động vật có vú trong vũ trụ. Theo Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), với việc phát triển thành công hơn 6.000 phôi chuột trong một vệ tinh nghiên cứu khoa học được phóng lên vũ trụ, Trung Quốc đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới thành công trong việc phát triển phôi động vật có vú trong không gian – theo TGVN.

Trước đó, ngày 6/4, vệ tinh SJ-10 được phóng lên vũ trụ, mang theo hơn 6.000 phôi chuột. Các phôi được đặt dưới một máy ảnh có độ phân giải cao, chụp ảnh với tần suất 4 giờ/lần và gửi hình ảnh về Trái Đất. Những bức ảnh cho thấy, phôi chuột đã phát triển khoảng 72 giờ sau khi vệ tinh được phóng lên. Thời gian này là phù hợp với quá trình của phôi chuột ở Trái Đất. Các nhà khoa học sẽ tiến hành so sánh các phôi này với mẫu phôi trên Trái Đất và thực hiện phân tích sâu hơn về các giai đoạn phát triển ban đầu của phôi trong không gian sau khi vệ tinh quay trở lại Trái Đất. Theo Tân Hoa Xã, vệ tinh SJ-10 đã hạ cánh ở vùng Nội Mông, chiều 19/4.

Theo Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2139