Vietnamese English
Có một dòng sông "chết lâm sàng"

9/17/2009 6:42:00 AM

Như một quy luật, mỗi thành phố có bề dày lịch sử - văn hóa thường gắn liền với tên của một dòng sông. Phải chăng, những dòng sông đẹp chính là mẹ của những thành phố kỳ mỹ đó.

09:29-16/09/2009


 
Chúng ta vẫn thường nghe những cái tên gắn với nhau như sông Hoàng Phố gắn liền với Thượng Hải, sông Chao Phraya chảy qua Bangkok, sông Hằng (Ganga) và các phụ lưu gắn với nhiều thành phố linh thiêng (Delhi, Allahabad, Kanpur, Kara, Calcutta, Dacca…), sông Neva chạy khắp Saint Petersburg, sông Danube tạo nên cả một nền văn hiến Trung và Đông Âu dọc theo những tên tuổi lẫy lừng (Vienna, Bratislava, Budapest, Belgrade…), sông Seine của Paris “kinh đô ánh sáng”, sông Thames của London cổ kính, sông Hudson ở New York “chọc trời”…

Như một quy luật, mỗi thành phố có bề dày lịch sử - văn hóa thường gắn liền với tên của một dòng sông. Phải chăng, những dòng sông đẹp chính là mẹ của những thành phố kỳ mỹ đó.

Vậy, con sông của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi có tên là gì? Đó chính là dòng sông Tô Lịch?
Sông Tô Lịch, ngày xưa là thế này:
Sông Tô nước chảy trong ngần,
Con thuyền buồm trắng chạy gần chạy xa.
Thon thon hai mũi chèo hoa
Lướt đi lướt lại như là bướm gieo.
 

TỪ SÔNG TÔ LỊCH LINH THIÊNG XƯA…

Trước đây Tô Lịch là một phân lưu của sông Hồng, đưa nước từ sông Hồng sang sông Nhuệ.
Đại Nam nhất thống chí có ghi rằng:

Sông Tô ở phía Đông tỉnh thành là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đông Xuân, huyện Thọ Xương, chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu chảy vào sông Nhuệ.

Sông Tô xưa có hai cửa thông với sông Hồng. Cửa Thiên Phù ở phía bắc Hồ Tây, đón nguồn nước từ sông Hồng chảy vào. Cửa Hương Bài (giữa Chợ Gạo và Ô Quan Chưởng), còn gọi là Giang Khẩu sau đổi là Hà Khẩu, là cửa chảy ra. Trải qua bao biến cố lịch sử sông Tô Lịch mang nhiều tên gọi: Tô Lịch, Lai Tô, Hương Bài, Địa Bảo. Theo sách Việt điện u linh tập, Tô Lịch là tên một người hiền tài quê ở Thăng Long có nhiều công đức giúp dân làng nên khi mất dân thờ kính phong ông là Long Đỗ thần hoặc Tô Lịch Giang thần.


Vào thế kỷ VIII và IX, dọc bờ Nam sông Tô thuộc vùng đất nội thành Thăng Long có thành Giao Châu còn gọi là Đại La Thành, có cửa mở ra phía sông Hồng gọi là Đông La Môn. Có Tử Thành tức Thành con. Đến năm 858, Tử Thành được mở rộng. Về đời nhà Lý, ở phía Tây Bắc La Thành có chợ Hồng Tân xưa tức chợ Bưởi hiện nay. Sông Tô Lịch chảy qua đây, giao lưu với sông Thiên Phù. Nơi đây cũng có bến Hồng Tân sầm uất, thuyền bè xuôi ngược chở các nông sản ở các vùng quê ngoại thành ra; các loại nguyên vật liệu, lâm sản, đặc sản núi rừng theo thuyền bè từ miền ngược về; hàng hóa của phố xá kinh kỳ theo thuyền buồm, thuyền thoi từ bến Nứa chở đến. Nhánh sông này chảy qua các làng Thụy Chương (Thụy Khuê), đền Voi Phục (thờ Linh Lang đại vương con vua Lý Anh Tông đã có công đánh tan giặc Tống trên sông Như Nguyệt).

Theo dọc bờ sông có 3 làng làm giấy dó cổ truyền: Hồ Khẩu, Đông Xã, Yên Thái. Dọc các làng đó có nhiều đình, đền thờ các thần dân có công với nước và các nhà thờ dòng họ khoa bảng nổi tiếng. Bên sông có chùa Láng thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chảy về phía Nam thành Thăng Long sông đi qua xã Kim Lủ là quê hương của các danh nhân văn hoá Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Công Thế, Nguyễn Trọng Hợp. Ở các xã Thanh Liệt, Quang Liệt, Tam Hiệp có võ tướng Phạm Tu nổi tiếng trong cuộc khởi nghĩa của Lý Bí, có nhà giáo Chu Văn An uyên bác đời Trần đã từng dâng "thất trảm sớ" xin chém đầu bọn quan đại thần tham nhũng.

Đoạn sông từ phố Cầu Gỗ đến đường Bưởi nay đã bị lấp (nguyên nhân ban đầu là do người Pháp e sợ nạn lụt lội xuất phát từ sông Hồng), chỉ còn lại một vài dấu tích như ở Thụy Khuê. Và do đó, Tô Lịch không còn thông với sông Hồng nữa. Dòng chảy của đoạn sông đã bị lấp này theo lộ trình sau: Từ Cầu Gỗ ngược lên (cống Chéo) Hàng Lược, men theo đường Phan Đình Phùng (phía ngoài mặt bắc thành Hà Nội), rồi chảy dọc theo hai phố Thụy Khuê và Hoàng Hoa Thám ra đến đường Bưởi (gặp đoạn sông Tô Lịch ngày nay).

Tô Lịch là vị thần của sông Tô Lịch (Tô Lịch Giang thần). Nhiều khi vị thần này được đồng nhất với thần Long Đỗ - tức vị thần của núi Long Đỗ (núi Nùng); cả hai đều được phong là Thành hoàng của đất Thăng Long xưa. Hai chữ Tô Lịch lần đầu tiên được sử sách ghi chép là vào thế kỷ VI, trong các sách Lương thư, Trần thư của Trung Quốc có nói vắn tắt về sự kiện Nam Việt đế Lý Bí cho đắp dựng một tòa thành bên một dòng sông xưa trên đất Hà Nội cổ (545), được gọi là “Tô Lịch Giang thành” (Thành sông Tô Lịch). Vậy là vào thế kỷ VI, Tô Lịch là tên sơ khai của thành Hà Nội.
Rất nhiều câu chuyện được sử sách chép lại cho thấy sông Tô Lịch có một vị trí hết sức đặc biệt trong tâm linh người Hà Nội. Trong các sách cổ như Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên thế kỷ XVI, trong Lĩnh Nam chích quái, hay trong các thư tịch cổ hơn như Báo cực truyện và Giao Châu Ký đều có nhắc đến sông Tô Lịch như là một chốn trú ngụ linh thiêng của vị thần bảo trợ cho đất nước. Chẳng hạn chuyện sông Tô Lịch, hay chuyện Cao Biền xây thành Đại La năm 866, gặp vị thần xưng Tô Lịch nên đặt tên sông là Tô Lịch, hoặc dị bản khác là chuyện thần sông Tô Lịch khiến cho Cao Biền kinh hãi khâm phục “xứ này có nhiều thần linh dị”… Còn có chuyện khi Lý Thái Tổ dời đô (1010), ngài thường nằm mơ thấy một ông lão râu bạc đến bên bệ rồng hô vạn tuế chúc mừng nhà vua. Vua cười hỏi: “Tôn thần cũng giữ được hương lửa trăm năm hay sao?” Ông liền đáp: “Mong muốn hoàng đồ như Thái Sơn bàn thạch, thánh thọ vô cương, trong triều ngoài quận thái hòa, bọn thần không chỉ hương hỏa một trăm năm mà thôi.” Sau khi tỉnh dậy, bèn sai quan Thái chúc đem rượu tế, phong thần làm Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương.


Triển lãm “Gương? Nếu dòng sông biết nói” trong khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam giới thiệu kết quả của dự án do người dân và thanh niên phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội gửi đến công chúng thông điệp về môi trường sông Tô Lịch.
Tham gia dự án có 19 đoàn viên cùng các chuyên gia nghệ thuật cộng đồng Paul Zetter đến từ nhóm Đào tạo và Phát triển Sáng tạo, Trung tâm Hành động vì đô thị. Dự án được Quỹ Môi trường SIDA tài trợ.

Đến niên hiệu Trùng Hưng năm đầu (1285), Trần Nhân Tông sắc phong cho thần Tô Lịch hai chữ "Bảo quốc"; năm Trùng Hưng thứ tư (1288) lại gia phong hai chữ "Hiển linh". Năm Hưng Long thứ 21 (1313), Tô Lịch được phong thêm hai chữ "Định bang".

Đấy là sử sách nói vậy. Còn các nhà phong thủy thế kỷ XX nói gì?

Theo lời cụ Cao Minh Bạch (1912 - 2001), một nhà địa lý - phong thủy nổi danh Đông Nam Á, người đã từng làm phong thủy cho Hoàng cung Thái Lan, thì việc Cao Biền xây thành Đại La là cả một kỳ công với những sáng tạo độc đáo về khoa học phong thủy. Vốn được phong là đệ nhất thiên hạ về phong thủy, và quả không hổ danh, Cao Biền đã thiết kế thành Đại La theo định hướng tạo thế phát triển thành một quốc gia độc lập. Ngay từ thế kỷ IX trong đêm dài Bắc thuộc, họ Cao, dù là người Hán, đã có cái “nhã ý” thoát khỏi vòng kiềm tỏa của phương Bắc, muốn làm vua riêng một góc trời ở phương Nam này vậy.

Có thể tóm tắt cái “quy hoạch tổng thể” của thành Đại La thế này: Sau khi thăm thú khắp nơi Cao Biền thấy nơi đây có cái thế lý tưởng để xây dựng một kinh đô cho một quốc gia độc lập. Thành Đại La có tay “long” vươn đến dãy Đông Triều - Yên Tử, tay “hổ” vươn đến Tam Đảo, thế là thuộc cách “long bão hổ” quý vô cùng. Họ Cao lại tìm ra những thế rất hiểm và cao tay. Thứ nhất, ông cho kinh thành tựa vào Hồ Tây, một điều khó có thầy địa lý nào dám làm vì người ta thường chọn thế tựa vào đất hay núi cao, nhưng Cao Biền đã dựa vào “não thủy” Hồ Tây để làm thành cách “hậu đầu xung thủy xuất thần tiên”, đảm bảo cho xứ này “hào kiệt thời nào cũng có”. Để giữ được cách này thì Hồ Tây không được phép thu hẹp và ý tưởng làm đường giao thông ngầm xuyên lòng Hồ Tây như tôi đã đọc trên các báo là cực kỳ tai họa. Thứ hai, Cao Biền cho làm một con đường xuyên thẳng vào giữa thành (đường Lê Duẩn bây giờ), ai trông cũng tưởng là hung họa ghê gớm nhưng có ai biết đó là cách “hồng tiễn xuyên tâm” kích thích nội lực cho thế đất. Ông còn lập “tứ trấn” để bảo toàn an ninh cho kinh đô. Đặc biệt, toàn bộ thiết kế phong thủy của ông đều dựa trên “long mạch” xuất phát từ núi Nùng của thần Long Đỗ chạy theo hướng tây-tây bắc và sự điều tiết tổng thể của thần sông Tô Lịch. Hỡi ôi, những địa danh ấy nay thật thảm hại mà sao chưa có người lo xây đắp lại? Như vậy, có thể các thần thiêng đất Thăng Long không dung chứa họ Cao nhưng lịch sử không thể không ghi nhận công lao tạo dựng Đế Kinh cho đất nước này của ông.

Như thế Tô Lịch chính là “long mạch” không những của thủ đô mà còn của cả đất nước này. Và nguồn linh khí ấy đến giờ ra sao thì ai cũng biết.

CỨU DÒNG SÔNG ĐANG “CHẾT LÂM SÀNG”:
CẦN NỐI LẠI VỚI SÔNG HỒNG?


Sau bao năm lấp và phá, “long mạch” mang uy thần Tô Lịch giờ đây như một cái cống hôi thối, bẩn thỉu, ô nhiễm vô cùng.

Trước đây, người Pháp lấy cớ sông Hồng hung dữ thường dẫn nước vào sông Tô gây nên cảnh lụt lội để lấp sông này. Rồi vào nửa sau thế kỷ XIX người Pháp san phẳng Thành nội, phá điện Kính Thiên, “giải tỏa” tháp Báo Ân, đổ bê tông lên để xây “phố Tây”, khu nhà binh, sân vận động Mangin (nay là CLB Quân đội) và thế là sông núi ấy giờ ra như thế.

Về mặt địa lý - phong thủy cũng như đời sống xã hội và giá trị lịch sử, sông Tô Lịch đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ với thủ đô này. Dòng sông bị chặn lấp rồi chết dở sống dở vào thời Việt Nam mất nước vào tay người Pháp không biết có phải là vô tình? Trải qua hơn trăm năm tù đọng, dòng sông vẫn như một vết nhơ, hay chính xác hơn, một vết thương dài lở loét mưng mủ, trên mặt thủ đô.

Vì vậy tôi cũng đã thường nghĩ chúng ta phải làm sao để trả về cho dòng sông cuộc sống trước đây. Phải chăng chỉ có cách là hãy khai thông và nối lại Tô Lịch với sông Hồng, để cho rồng lại là rồng? Với trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay thì chắc chắn rằng chúng ta không phải lo gì chuyện lũ lụt trên sông Tô Lịch.

Dù để những đề xuất này được lưu tâm và thực hiện là vô cùng khó khăn, nhưng tôi nghĩ chắc chắn là mình không đơn độc. Các bạn trẻ trong một tập hợp vì môi trường lấy tên là “Go Green” đã từng đưa ra ý định tổ chức một cuộc “Bơi tiếp sức trên sông Tô Lịch” với mục đích đưa ra thông điệp: Đừng bắt chúng ta phải bơi trong những dòng sông như thế này.

Và cũng đã có những hành động cụ thể hết mình. Từ năm 2004 Trung tá Đào Văn Hà, công tác tại PA36 Công an Hà Nội đã dành trọn những ngày nghỉ để đi đến với những mương nước đen, những con sông đang bốc mùi hôi thối ở Hà Nội để đo đạc, tính toán. Từ đó anh nảy sinh ý tưởng đào kênh đưa nước sông Hồng vào sông Tô Lịch.

Ngoài ra, còn có lời rao bán ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch của tác giả Nguyễn Văn Huân đăng trên mạng. Anh có ý định tạo ra một dòng chảy từ đầu nguồn đến cuối nguồn sông Tô Lịch tạo nên một hệ thống chảy ra sông Hồng. Nhờ đó, nước thải của thành phố từ các khu dân cư đưa ra các cống sẽ được thải nhanh nhất.

Giữa năm 2007, trong đề án “Cải tạo môi trường, cảnh quan, xây dựng các cơ sở dịch vụ công cộng, du lịch trên sông Tô Lịch” của Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, do Nguyễn Như Hà làm Chủ tịch HĐQT, cũng có hạng mục nối sông Tô Lịch với sông Hồng. Dù không trùng khớp về vị trí nối giữa hai con sông nhưng các ý tưởng trên đều đề xuất nối sông Tô Lịch với sông Hồng. Với dự trù kinh phí 240 tỷ đồng, đề án trên còn đưa ra ý định tận dụng bề mặt các tuyến mương hở của Hà Nội để xây dựng các cơ sở dịch vụ công cộng .

Tất nhiên, việc “đậy nắp” sông Tô khó mà được mọi người đồng tình, chưa nói đến những vấn đề khoa học phong thủy khác. Vả lại, đã từng có nhiều nước “đậy” sông rồi lại phải mở ra. Sông không là cống bao giờ. Vì, một khi dòng sông đã được khai thông, chắc rằng ai cũng muốn con sông của đất kinh đô lại được trở về với cảnh như trong ca dao xưa:

Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh…

Tôi cũng mơ được như vậy quá.

Chỉ có khoảng 250 tỷ là xong bước một mà tại sao bao lâu nay không ai tính đến việc này? Trong khi hằng năm thành phố này ngốn biết bao nhiêu tiền của của quốc gia (với những dự án khủng khiếp kiểu như “con đường đắt nhất hành tinh” Kim Liên - Ô Chợ Dừa đã tiêu hết hơn 800 tỷ đồng cho 1000m đường, cỡ 600 tỷ đồng lại sắp được chi cho đoạn đường hơn 500m Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, và vô vàn những công trình đắt giá khác). Còn cái gọi là “giai đoạn tiếp đó” (nối thông sông Hồng với sông Tô Lịch) sẽ được thực hiện vào khi nào để cứu con sông của linh thần nước Việt đang dặc dài thảm nạn trong tình trạng “chết lâm sàng”?
 
 
Đặng Thân

 
 Nguồn: Tia Sáng, 16/9/2009

Lượt xem : 2212