Vietnamese English
Có liên quan gì giữa sụt lở trên đường Lê Văn Lương với hoạt động nứt đất ngầm do trượt êm không động đất của đứt gãy địa chất?

8/21/2012 9:46:00 AM

Hoạt động nứt đất ngầm do sự trượt êm không không động đất của các đứt gãy địa chất dưới sâu cũng cần được xem xét trong xác định nguyên nhân xuất hiện “hố tử thần”

Nguyễn Đình Hòe - VACNE


“Hố tử thần”  trên đường Lê Văn Lương (ảnh Báo Tuổi Trẻ)
1.      Hiện trạng sự cố
Tại đoạn qua Khu đô thị Văn Phú - Hà Đông đường Lê Văn Lương nối dài đã xảy ra vụ sụt lở nghiêm trọng từ khoảng 7h30 sáng 19/8/2012. “Hố tử thần” tiếp tục sụt lở rộng, tính đến tối 19/8, hố đã có chiều dài 30m, chiều rộng 20m, sâu 5 m – 7 m (3.000 – 4000 m3) và sụt lở vẫn chưa dừng. Cho đến trưa 20-8, hố tử thần đã lan sang 1/3 làn đường chiều Hà Nội – Hà Đông. Tại làn đường chiều Hà Đông - Hà Nội đã xuất hiện hàm ếch ăn sâu dọc theo đường cống thoát nước chạy dọc dưới nền đường [i].Theo người dân thì trước khi sụt lở “nước phọt lên từ nền đường”.[ii]
Hiện còn đang tranh luận nguyên nhân gây ra sự cố này là do con đường được xây dựng ẩu hay do công trình nhà cao tầng kế bên đào tầng hầm gây ra. Tuy nhiên có 1 hiện tượng ít được chú ý là: chỉ từ sáng 19 đến chiều 20/8 (36 giờ), một hố sâu có dung tích 3000 – 4000 m3 đã xuất hiện. Ngần đó vật liệu (đất, cát) đã trôi đi đâu với tốc độ trung bình trên dưới 100 m3 /giờ? Một khi đã không thấy chúng trôi ngang sang vị trí lân cận thì chỉ có thể là chúng chui xuống lòng đất mà thôi. Khả năng này thường xảy ra trong các sự cố nứt đất ngầm. Một loại nứt đất liên quan đến chuyển động trượt êm không động đất do các đứt gãy địa chất dưới sâu tạo ra [iii].
Vùng Tây Nam Hà Nội nằm trong đới phá hủy của Hệ đứt gãy sâu Sông Hồng - Sông Chảy, nhiều năm qua đã gắn với các sự cố nứt đất ngầm[iv], [v]. Hệ đứt gãy này vẫn hoạt động mạnh trong giai đoạn hiện đại tạo ra đới phá hủy trên mặt rộng vài chục km [vi]. Nhiều vụ nứt đê và công trình cứng đã được ghi nhận dọc theo đới phá hủy này [vii].

Một vài đứt gãy địa chất phần Tây Nam Hà Nội vẽ theo
di thường  thủy văn (ảnh Google Earth)
2.      Dị thường thủy văn và hoạt động đứt gãy hiện đại vùng Tây Nam Hà Nội
Vùng Tây Nam Hà Nội (gần Hà Đông) là đồng bằng phù sa. Tầng trầm tích hiện đại bở rời dày cả trăm mét[viii]. Trong điều kiện đó, các dòng sông lẽ thường phải có dạng sông già, uốn lượn quanh co và tạo ra hàng loạt hồ móng ngựa. Tuy nhiên trên ảnh vệ tinh Google thấy rất rõ sông Nhuệ và các chi lưu có mạng lưới dòng chảy rất dị thường : xen với những đoạn uốn khúc già nua là những đoạn thẳng, quay ngoặt vuông góc hay tạo thành góc nhọn với phần thượng lưu (xem ảnh). Cấu trúc thủy văn này trong Địa chất Môi trường được gọi là dị thường thủy văn do hoạt động đứt gãy hiện đại tạo ra.[ix]
Hiện tượng nứt ngầm do đứt gãy trượt êm không động đất bao giờ cũng phát triển từ dưới sâu lên phía bề mặt. Từ mặt đứt gãy trong móng địa chất cứng dưới sâu, các tuyến nứt tỏa dần lên trên mặt đất theo dạng cành cây, tạo ra một đới phá hủy không liên tục trên mặt đất rộng thậm chí hàng chục km. Chúng có thể phá hủy các đường cống ngầm, làm sụp đổ trần các hang động ngầm, làm xuất hiện các dòng nước ngầm phun vọt lên mặt đất, kích động hiện tượng cát sôi, cát chảy, hay dẫn nước chui mất tăm khiến có khi hồ chứa bên trên bỗng nhiên cạn khô.…Do vận động của đứt gãy mà trong đới phá hủy của hệ khe nứt thường có nhiều hang hốc ngầm, khiến đới phá hủy trở nên rỗng xốp, trở thành kênh dẫn mọi thứ vật liệu nhỏ mịn xuống sâu trong lòng đất, nhất là khi có dòng nước chảy ngầm trong đới phá hủy (ví dụ vỡ ống cống ngầm dẫn nước). Khi đó, những rãnh nứt sâu, những dãy hố tử thần có thể xuất hiện trên mặt đất như là một kết quả tất yếu.
Những hiện tượng trên vẫn thường gặp ở nhiều vùng trên đất nước ta trong các đới đứt gãy đang hoạt động (ví dụ tuyến đứt gãy đường 18 Đông Triều - Quảng Ninh, tuyến đứt gãy Sông Hồng – Sông Chảy tại Hà Nội, Hà Nam, Nam Đinh, Lào Cai, tuyến đứt gáy sông Hương vùng Hương Hồ và nội thành Huế, Tuyến đứt gãy Sông Mã khu vực Hàm Rồng – Sầm Sơn, tuyến đứt gãy Sông Cả tại Nghi Lộc v.v.)[x], [xi]
Liệu sự cố sụt lở tạo ra “hố tử thần” trên đường Lê Văn Lương có sự tham gia gì của hoạt động nứt đất ngầm hay không? Có lẽ cũng cần tính đến lý do này trong việc tìm hiểu nguyên nhân xuất hiện “hố tử thần”. Việc xác minh sự có mặt của phá hủy đứt gãy  tại khu vực có “hố tử thần” rất dễ dàng nếu dùng phương pháp đo địa vật lý. Nếu như nứt đất ngầm không có vai trò gì trong sự cố lần này thì cũng không thể loại trừ việc chúng có thể gây sự cố trong tương lại, như dự báo mà các khoa học gia địa chất đã chỉ rõ từ nhiều năm trước [xii],[xiii].


[i] Hố tử thần ở Hà Nội: Đổ lỗi trách nhiệm.. Báo Tuổi Trẻ (20/8/12) http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/507658/Ho-tu-than-o-Ha-Noi-do-loi-trach-nhiem.html
[ii] Hố tử thần tại Hà Đông: vẫn tranh cãi và đổ lỗi trách nhiệm Báo ANTĐ..(21/8/12) http://www.anninhthudo.vn/Xa-hoi/Ho-tu-than-tai-Ha-Dong-Van-tranh-cai-va-do-loi-trach-nhiem/461147.antd
[iii] Nguyễn Cẩn và Nguyễn Đình Hòe.(2005) Tai biến Môi trường. NXB ĐHQG Hà Nội
[iv] Nguyễn Trọng Yêm và nnk. 1985. Chuyển động hiện đại và sự thành tạo khe nứt hiện đại trũng Sông Hồng. Báo cáo tổng kết Đề tài 48.02.03 Bộ KHCN và MT
[v] Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Cẩn, Đỗ Tuyết và Trần Đức Thạnh (1995). Địa động lực hiện đại Hà Nội – Hải Phòng.Báo cáo tổng kết Đề tài Địa chất đô thị Hà Nội – Hải Phòng thuộc chương trình Địa chất đô thị. Cục Địa chất Việt nam
[vi] Nguyễn Trọng Yêm và nnk (1985). Tài liệu đã dẫn
[vii] Nguyễn Trọng Yêm và nnk (1985). Tài liệu đã dẫn
[viii] Nguyễn Đình Hòe và nnk (1995). Tài liệu đã dẫn
[ix] Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Thế Thôn (2000). Địa chất Môi trường. NXB ĐHQG Hà Nội
[x] Nguyễn Trọng Yêm và nnk(1985) Tài liệu đã dẫn.
[xi] Nguyễn Đình Hòe (1998) Tai biến tiềm ẩn ở các vùng đất thấp ven biển từ Hải Phòng đến Huế. Báo cáo tổng kết Đề tài QT 96 – 09. ĐHQG Hà Nội.
[xii] Nguyễn Cẩn và Nguyễn Đình Hòe (2005) Tài liệu đã dẫn.
[xiii] Nguyễn Trọng Yêm và nnk (1985). Tài liệu đã dẫn
 

Lượt xem : 1372