Vietnamese English
Cơ hội lớn từ OCOP

4/20/2021 7:25:00 AM

Trải qua một chặng đường gần ba năm triển khai trên diện rộng, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của nhiều địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn, từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín. Song, để OCOP thật sự trở thành hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế ở nông thôn, vẫn còn nhiều vướng mắc cần phải tháo gỡ, trong đó, điều cốt lõi chính là nhận thức.

 


Nhanh, nhưng nhiều hạn chế
 
 Theo tổng kết mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), từ mô hình thành công tại Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 490/QĐ-TTg, ngày 7-5-2018, phê duyệt Chương trình OCOP. Sau gần ba năm triển khai, đến nay tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã đăng ký triển khai Chương trình OCOP. Có 4.469 sản phẩm đạt từ ba sao trở lên. Các địa phương đã tổ chức 66 hội chợ về sản phẩm OCOP (cấp tỉnh, huyện) với hơn 10 nghìn gian hàng; 1.016 hợp đồng, bản ghi nhớ hợp tác giữa các chủ thể OCOP và đơn vị thương mại đã được ký kết. Trong đó, 354 chủ thể có sản phẩm được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị. Tìm hiểu ở nhiều địa phương, Chương trình OCOP đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có tốc độ phát triển mạnh mẽ, trong đó người dân đóng vai trò là chủ thể, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng nông sản sạch gắn với chuỗi giá trị. Chương trình đã góp phần phát triển các sản phẩm chủ lực cấp địa phương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
 
 Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chương trình cũng gặp không ít khó khăn, như sự chủ động vào cuộc ở một số địa phương còn hạn chế, bên cạnh đó một số địa phương lại có biểu hiện chạy theo thành tích, chưa đi vào thực chất, đặc biệt là chưa xác định đúng thế mạnh của các sản phẩm đặc trưng. Nhiều nơi chưa quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP, nhất là giải pháp nâng cao năng lực về tổ chức, quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm. Ở nhiều địa phương, công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội và đặc sắc để tạo hình ảnh, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm, thương hiệu OCOP Việt Nam.

Cơ hội lớn từ OCOP -0

 Làng nghề Lưu Thượng (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội).Ảnh: Anh Sơn

 Như tại Vĩnh Phúc, đến nay tỉnh vẫn chưa ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình. Theo Sở NN và PTNT Vĩnh Phúc, đây là chương trình mới, cho nên cán bộ ở một số xã còn đứng ngoài cuộc do chưa nhận thức rõ về ý nghĩa và vai trò của Chương trình, cán bộ thực hiện tại một số huyện chưa có kinh nghiệm, kiến thức về OCOP còn hạn chế. Đó là chưa kể đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân chưa tiếp cận hoặc thờ ơ không tham gia.
 
 Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước, với 1.350 làng nghề và làng có nghề. Tổng sản phẩm OCOP giai đoạn 2019 - 2020 là 1.054, trong đó 306 sản phẩm hạng ba sao, 731 hạng bốn sao, 17 sản phẩm hạng tiền năm sao. Thế nhưng, số xã có sản phẩm thật sự độc đáo, có uy tín trên thị trường lại chưa nhiều. Hơn hai năm qua, thành phố tập trung thực hiện chương trình OCOP với kỳ vọng tạo sức bật cho các làng nghề. Từ giữa năm 2019, UBND thành phố Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành từ cấp thành phố đến cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, theo ông Trần Sỹ Tiến, Phó Chi cục trưởng Phát triển nông thôn Hà Nội, việc thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, như: Vấn đề xin phép sử dụng địa danh để hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể mất rất nhiều thời gian và chưa hiệu quả; việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ còn khó khăn; thiếu kế hoạch sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường; việc sản xuất vẫn nhỏ lẻ, chưa ứng dụng hết thế mạnh của khoa học công nghệ… “Trong quá trình làm việc, chúng tôi thấy nhiều chủ thể không dám đứng ra bảo đảm chất lượng sản phẩm. Tôi lấy thí dụ, sản phẩm da giày của làng Phú Yên (huyện Phú Xuyên), nếu chứng minh được tính ưu việt, giá thành chỉ bằng một nửa các loại da giày khác, nhưng độ bền như nhau, thì người dân sẽ đổ xô mua giày da Phú Yên”, ông Tiến nhấn mạnh.
 
 Là lãnh đạo ở địa phương, ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai (Hà Nội) cũng băn khoăn, mặc dù huyện đã hoàn thiện hồ sơ theo hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Hà Nội, cán bộ sở cũng đã xuống làm việc trực tiếp. Song Sở KHCN vẫn chưa trình UBND thành phố Hà Nội ban hành cho phép sử dụng địa danh đối với một số làng nghề. Khi “kêu” thì Sở KHCN Hà Nội ra văn bản, yêu cầu chung chung phải hoàn thiện hồ sơ, mà không chỉ ra là thiếu loại giấy tờ gì. Huyện Thường Tín cũng gặp khó khăn tương tự.
 
 Hành trình thực chất và sáng tạo
 
 PGS, TS Trần Văn Ơn, Trưởng bộ môn Thực vật (Trường đại học Dược Hà Nội) - Tư vấn Chương trình OCOP quốc gia cho rằng, ở nhiều địa phương chưa nhận thức hết tầm quan trọng trong phát triển sản phẩm OCOP. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm được đầu ra thì các địa phương không nên khoán hết cho ngành nông nghiệp, mà phải coi đây là việc liên ngành và là công việc không có điểm kết thúc. Đồng thời phải bố trí nguồn lực tương xứng, đánh giá chất lượng sản phẩm khách quan và công bằng.
 
 Theo Bộ NN và PTNT, trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu của Chương trình OCOP phấn đấu có ít nhất 10 nghìn sản phẩm được công nhận đạt chuẩn từ ba sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt năm sao; Phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, gắn với vùng nguyên liệu ổn định.
 
 Để đạt được mục tiêu đề ra, có rất nhiều việc phải làm, trong đó, điều quan trọng là các địa phương cần huy động sự vào cuộc liên ngành của các cơ quan chức năng để xây dựng các giải pháp mang tính thực tế, tránh hình thức, phô trương. Các địa phương cần tập trung đánh giá chính xác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đặc biệt là tiềm năng về nguyên liệu tại chỗ, ngành nghề đặc trưng ở nông thôn, du lịch cộng đồng để có chính sách, giải pháp phù hợp, thúc đẩy phát triển hệ thống sản phẩm OCOP có bản sắc riêng, chất lượng. Các bộ, ngành trung ương cần hỗ trợ đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, hướng dẫn các địa phương, chủ thể áp dụng các quy định liên quan đến chất lượng, an toàn thực phẩm và sở hữu trí tuệ.
 

 Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam:
 
 Phải thu hồi giấy chứng nhận đạt sao nếu chủ thể hoặc doanh nghiệp sản xuất không bảo đảm tiêu chuẩn về chất lượng. Đồng thời, 100% số sản phẩm đều phải dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc để góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu cho sản phẩm.
 
 Tổ chức chuyên đề: Ngô Phương Thảo, Nguyễn Văn Học

Trọng Huấn/Nhandan

Lượt xem : 1387