Chuyện về Người Trưởng nhóm tự nguyện bảo tồn voọc gáy trắng trên mảnh đất quê hương
Ngày 24/6/2021, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1247-QĐ/BTNMT phê duyệt kết quả xét chọn Chương trình Vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010 - 2020.
Trong số 8 tổ chức, 13 cá nhân được vinh danh lần này, bên cạnh những nhà khoa học và các tổ chức đã cùng góp phần tạo nên một thập kỷ đa dạng sinh học với hàng loạt nghiên cứu, phát hiện loài mới và sáng kiến, giải pháp bảo tồn hiệu quả, câu chuyện về người cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tú dẫn dắt nhóm tự nguyện bảo tồn voọc gáy trắng tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình nổi lên như một tấm gương điển hình trong việc cộng đồng cùng tham gia bảo vệ động vật hoang dã.
Quảng Bình nằm ở khu vực Bắc miền Trung, là một trong những địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất toàn quốc (chiếm 68%). Nơi đây có những cánh rừng nguyên sinh bao la và được bảo vệ nghiêm ngặt, hệ thống hang động lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nổi tiếng với hang Sơn Đoòng - hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Đặc biệt, Quảng Bình còn là quê hương của loài linh trưởng quý, hiếm là voọc Hà Tĩnh (hay còn vọi là voọc gáy trắng). Trò chuyện với Trưởng nhóm tự nguyện bảo tồn Vọoc gáy trắng Nguyễn Thanh Tú hay còn được người dân yêu mến gọi là “Tú voọc”, chúng tôi được biết, voọc đen gáy trắng có tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis, thuộc họ khỉ, bộ linh trưởng, nằm trong nhóm IB của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm ưu tiên bảo vệ tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, được xếp vào mức nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới; nằm trong Phụ lục II của Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp. Đây là loài linh trưởng đặc hữu của vùng núi đá vôi Việt Nam, thường sống theo từng đàn từ 2 - 15 cá thể.
Ông Nguyễn Thanh Tú dùng ống nhòm quan sát loài voọc
Nói về cái duyên với những đàn voọc gáy trắng, ông Tú cho biết, năm 2012, trong một lần lên núi, ngả người trên tảng đá nghỉ ngơi, ông bất chợt nhìn thấy một đàn linh trưởng đang chuyền mình giữa các cành cây. Sau một hồi quan sát, với kinh nghiệm của người lính biên phòng, ông Tú nhận ra đây chính là đàn voọc gáy trắng quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Từ ngày phát hiện đàn voọc gáy trắng, ông Tú đi núi nhiều hơn, len lỏi vào các lèn đá với mong muốn tìm thêm được những đàn voọc khác; đồng thời theo dõi, ngăn chặn những người đến săn bắn loài linh trưởng quý này. Để bảo vệ đàn voọc, chỉ sức của mình là chưa đủ, ngoài việc "đi tuần" tìm kiếm, ngăn chặn thợ săn, ông Tú còn đến nhiều nhà dân sống gần núi đá để tuyên truyền, vận động cùng chung sức bảo vệ voọc. Cũng từ đây, “Nhóm tự nguyện bảo tồn voọc gáy trắng” được thành lập, với 15 thành viên đủ mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, công việc. Đặc biệt, có những người từng là thợ săn khét tiếng song nhờ sự khuyên ngăn và cảm hóa của ông Tú đã từ bỏ công việc, trở thành đội viên tích cực của đội bảo vệ voọc như ông Hồng, ông Sửu…
Sau khi biết có đàn voọc đen gáy trắng xuất hiện tại địa bàn, người cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tú đã báo cáo và đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh về điều tra, khảo sát để có biện pháp bảo vệ. Đồng chí Phạm Hồng Thái, Phó giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình lúc bấy giờ đã trực tiếp về điều tra, xác minh và công nhận vùng dãy núi đá vôi với tổng diện tích 174 ha, có đàn voọc gáy trắng đang sinh sống. Sau đó, nhận được đề nghị của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, Bộ NN&PTNT đã cử cán bộ về nghiên cứu, tiến hành kiểm đếm và xác định có 86 con voọc gáy trắng đang sinh sống ở nơi đây. Cuối tháng 12/2018, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định quy hoạch ba loại rừng, trong đó chuyển 509 ha rừng trên núi đá vôi ở huyện Tuyên Hóa có voọc sinh sống thành rừng đặc dụng để bảo vệ nghiêm ngặt nhằm tạo môi trường sống an toàn cho loài linh trưởng quý này. Gần đây nhất, ngày 11/6/2021, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định phê duyệt bổ sung 710 ha rừng đặc dụng trên địa bàn xã Đồng Hóa (huyện Tuyên Hóa) vào khu vực cấm hoạt động khoáng sản để bảo vệ loài voọc gáy trắng. Đây là diện tích rừng trên núi đá vôi đã giao cho Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu và xây dựng Cosevco 1 để khai thác vật liệu xây dựng. Vì thế, UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan bàn phương án, bố trí nguồn kinh phí để đền bù thiệt hại cho Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu và xây dựng Cosevco 1 theo quy định. Sở TN&MT tham mưu thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho doanh nghiệp trên. Việc cấm hoạt động khai thác khoáng sản và bổ sung rừng đặc dụng ở xã Đồng Hóa để bảo vệ loài voọc gáy trắng nhận được sự hưởng ứng và đồng thuận của nhân dân địa phương trong việc tạo hành lang, môi trường sống an toàn cho đàn voọc quý, đồng thời góp phần BVMT sinh thái. Quyết định này cũng là bước đi quan trọng của tỉnh Quảng Bình trong việc tiến tới thành lập khu bảo tồn loài voọc đen Hà Tĩnh quý, hiếm tại huyện Tuyên Hóa.
Có thể nói, chính nhờ những hành động dũng cảm, hăng hái, nhiệt tình của ông Nguyễn Thanh Tú cùng nhóm tự nguyện bảo tồn voọc gáy trắng đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan chức năng cũng như cộng đồng trong công tác bảo tồn loài, đem lại cơ hội hồi sinh, phát triển về tổng lượng đàn. Theo kết quả điều tra của Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức thực hiện trong khuôn khổ Dự án Quản trị đất đai khu vực sông Mê Kông tài trợ, hiện nay, có 22 đàn và 156 cá thể voọc gáy trắng đang sinh sống tại 3 khu vực chính là xã Đồng Hóa, Thạch Hóa và Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa). Trong đó, xã Thạch Hóa là khu vực ghi nhận nhiều nhất với 12 đàn và 91 cá thể; khu vực Đồng Hóa có 9 đàn và 57 cá thể; xã Thuận Hóa có 1 đàn với 8 cá thể. Đặc biệt, năm 2020, số lượng con non được sinh ra khá cao so với các năm trước là 14 con. Từ chỗ chỉ có một đàn với khoảng hơn 10 con mà ông Tú tìm thấy ở núi Cây Gạo vào năm 2012, đến nay, hầu như tất cả núi đá tại đây đều có sự xuất hiện của những đàn voọc.
Không chỉ bảo vệ loài voọc khỏi sự săn bắn, đánh bẫy của các thợ săn, ông Tú và những cộng sự của mình còn chăm sóc những chú voọc hết sức kỹ lưỡng. Hàng ngày, họ kiên trì đi quanh các lèn đá để canh giữ, chăm sóc đàn voọc, thường xuyên ghi chép, đếm số lượng đàn và cá thể để theo dõi sự phát triển của loài. Vào thời điểm hạn hán khốc liệt, lo ngại đàn voọc khát nước, nhóm của ông Tú mỗi ngày đều xách từng can nước leo lên các lèn đá, đổ vào các hốc lèn, duy trì nước uống cho đàn voọc. Nhờ thế, loài linh trưởng đặc biệt quý, hiếm này tránh được nguy cơ bị tận diệt và đang sinh sôi một cách kỳ diệu. Những hành động “khác người” của nhóm tự nguyên bảo tồn vọoc gáy trắng dần dần được người dân trong vùng hiểu ra, từ chỗ dèm pha “vác tù và hàng tổng”, họ thêm yêu hơn những nghĩa cử cao đẹp của các ông và không biết từ lúc nào đã hình thành nên cộng đồng dân cư cùng chung tay bảo vệ đàn voọc quý.
Voọc đen gáy trắng nghỉ ngơi trên các tảng đá là hình ảnh thường gặp tại vùng rừng núi huyện Tuyên Hóa
Trưởng nhóm tự nguyện bảo tồn voọc gáy trắng Nguyễn Thanh Tú chia sẻ, việc ngắm, chụp ảnh đàn voọc ở lèn núi đá vôi Tuyên Hóa nay dễ dàng hơn nhiều, khách đến ngày nào cũng có thể quan sát đàn voọc. Thường nếu trời nắng gắt thì cứ tầm 5h sáng là đàn voọc đi kiếm ăn, đến 7h sáng là đàn voọc về hang nghỉ ngơi, buổi chiều khoảng 16h lại ra khỏi hang để tìm kiếm thức ăn, khi nhá nhem tối chúng lại về, còn mùa đông thì chúng ra khỏi hang muộn hơn và về sớm hơn. Việc đàn voọc gáy trắng quý, hiếm sinh tồn, phát triển trên núi đá vôi bên cạnh cộng đồng dân cư, thân thiện với con người ở huyện Tuyên Hóa là vô cùng độc đáo. Có được điều đó là nhờ sự đóng góp rất lớn của ông Nguyễn Thanh Tú và các cộng sự đang ngày đêm miệt mài bảo vệ sự bình yên cho đàn voọc phát triển. Ghi nhận những đóng góp đó, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Bình đã tặng Bằng khen cho ông. Với tình yêu dành cho loài voọc gáy trắng, Trưởng nhóm tự nguyện bảo vệ đàn voọc Nguyễn Thanh Tú mong muốn sớm có một quy hoạch và xây dựng đề án bảo tồn loài và sinh cảnh đối với quần thể voọc gáy trắng bởi loài đang phải đối mặt với những thách thức lớn về vùng sống, nguồn thức ăn, các tác động gây ảnh hưởng trực tiếp như săn bắn, xâm lấn sinh cảnh, khai thác đá, củi... Cùng với đó, xác định rõ cơ sở pháp lý cũng như có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các thành viên của nhóm tự nguyện bảo vệ đàn voọc, góp phần thúc đẩy hiệu quả công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã.
Đỗ Hương