Theo báo cáo của Sở Tài nguyên & Môi trường TP Hà Nội, TP đang phải đối mặt với những thách thức khác về
môi trường, như chỉ tiêu Benzen trong không khí tăng do phương tiện cá nhân tăng cao dẫn đến gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng); tình trạng ô nhiễm nước mặt với các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét…; Các bãi chôn lấp rác thải rắn tập trung sắp lấp đầy, dự báo đến năm 2020, tổng lượng chất thải của TP là 14.150 tấn/ngày đêm, đến năm 2050 là 25.380 tấn/ngày đêm; tình trạng ô nhiễm nông nghiệp do sử dụng không hợp lý phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật; suy giảm đa dạng sinh học…, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, phát triển – theo Báo Pháp Luật Việt Nam.
Để kiểm soát môi trường, hiện TP có 2 cụm quan trắc nước mặt trên lưu vực sông Nhuệ và sông Đáy, do Tổng cục Môi trường mới đầu tư và vận hành, đang chuẩn bị bàn giao cho Sở TN&MT; 6
trạm quan trắc không khí cố định (4 trạm do Trung ương quản lý, 2 trạm do Tổng cục Môi trường quản lý), nhưng thực tế chỉ có 2 trạm do Trung ương quản lý còn hoạt động tại 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên và tại số 8 Pháo Đài Láng, quận Đống Đa… Hà Nội đã đầu tư xe quan trắc không khí lưu động và trạm quan trắc nước thải tự động tại các khu xử lý chất thải rắn tập trung của TP (khu Nam Sơn, huyện Sóc Sơn và khu Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây); đang tiến hành thủ tục tiếp nhận 20 trạm quan trắc không khí tự động cố định do Chính phủ Pháp tài trợ. Dự kiến, từ năm 2017 đến năm 2020, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đầu tư các trạm quan trắc khí nước thải tự động tại các khu, cụm công nghiệp...
Bảo vệ môi trường từ những ý tưởng đơn giản
Cuộc thi SEA Makerthon 2016 đặt ra 2 thách thức cho 11 đội tham gia (mỗi đội không quá 4 thành viên) là tìm giải pháp giảm rác thải bao bì và kéo dài
tuổi thọ của các loại bao bì đựng thực phẩm, đồ dùng gia đình. Nổi bật nhất trong 11 ý tưởng tham gia sân chơi SEA Makerthon 2016 là mô hình Module packaging for B2B với mục tiêu thay thế hộp giấy carton trong vận chuyển hàng hóa của nhóm BAMBOO – theo PcWorld.
Trong cuộc thi, các đội đã thuyết trình và dựng mô hình những ý tưởng, giải pháp khá ấn tượng, điển hình như đèn gắn trần Floor Lamp làm từ nhiều vỏ chai nhựa (đội Connect The World), quà lưu niệm Green Souvenir mô hình trồng cây trong vỏ chai (đội GREEN BRAIN), máy tạo nguyên liệu từ chuối Knetting Machine (đội Greenbag)…Sau khi tìm hiểu cụ thể, Ban giám khảo công bố mô hình “Module packaging for B2B” của đội BAMBOO đoạt giải Giám khảo bình chọn của cuộc thi SEA Makerthon 2016. Đây là mô hình thùng đóng gói lắp ghép có thể tái sử dụng nhiều lần thay thế cho hộp carton.
Australia trải qua đợt lạnh nhất trong vòng gần 20 năm qua
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, cuối tuần qua, bang New South Wales và bang Victoria của Australia đã trải qua đợt
không khí lạnh tăng cường, lạnh nhất trong vòng gần 20 năm qua. Băng tuyết đã xuất hiện ở nhiều nơi như Blue Mountains, khu vực miền Trung và Bắc New South Wales khiến một số tuyến đường ở bang này phải đóng cửa, giao thông ùn tắc cục bộ…
Tại Sydney,
nhiệt độ ban đêm xuống còn 3 độ C ở phía Tây, trong thành phố là 8 độ C; còn tại thành phố Melbourne, nhiệt độ đo được là -4 độ C và một số nơi ở bang Victoria nhiệt độ từ -5 độ C đến -7 độ C. Theo Cục khí tượng (BoM), New South Wales và Victoria vẫn đang tiếp tục hứng chịu đợt không khí lạnh từ Nam Cực quét qua Australia. Còn tại bang Nam Australia, tình trạng lụt lội đang trở nên nghiêm trọng.
Singapore bị ô nhiễm ánh sáng nặng nề nhất
Chúng ta thường biết đến những loại như
ô nhiễm không khí, nước, hay tiếng ồn, tuy nhiên, có một loại ô nhiễm mà ít người để ý đến, dù cho nó đang ngày càng tăng mạnh, đó chính là ô nhiễm ánh sáng. Singapore, một trong những nơi được cho là sạch nhất thế giới, cũng là một trong những nơi bị ô nhiễm ánh sáng nặng nề nhất. Mức độ ô nhiễm ở đảo quốc sư tử này nặng đến mức mà mắt của những người sinh sống tại đây không bao giờ có thể thích ứng với bóng tối khi nhìn lên bầu trời đêm được.
Ô nhiễm ánh sáng cũng là một vấn đề rất quan trọng. Ngoài việc cản trở nghiên cứu thiên văn, nó còn ảnh hưởng đến nhịp điệu sinh học, thay đổi hành vi của các loài chim, bò sát và thậm chí là cả con người. Một tuyên bố gần đâu của Hiệp hội Y khoa Mỹ đã cảnh báo về sự nguy hiểm của ánh sáng đèn LED, thứ đang được sử dụng ngày càng nhiều để thay thế đèn đường cũ, do nó có khả năng tiết kiệm điện cao. Lượng ánh sáng xanh tỏa ra từ đèn LED gây ảnh hưởng đến con người nhiều hơn là ánh sáng vàng từ những bóng đèn truyền thống.
Kiểm soát nước ô nhiễm bằng Internet of Things
Hãng Ericsson vừa công bố những nỗ lực triển khai Internet of Things (IoT), trong đó có giải pháp kiểm soát nước ô nhiễm Connected Water nhằm đưa các cảnh báo sớm khi phát hiện nguồn nước ô nhiễm. Hồi tháng Một năm nay tại triển lãm CES (Mỹ), Ericsson đã lần đầu tiên giới thiệu giải pháp Connected Water cho phép giám sát chất lượng nước dựa trên kết nối 4G/LTE. Ericsson và nhà mạng AT&T cùng hợp tác triển khai giải pháp này, giúp tổ chức bảo vệ dòng sông Chattahoochee ở Atlanta kiểm soát nước sông và cảnh báo kịp thời về sự ô nhiễm.
Theo Ericsson, dự án sử dụng một thiết kế dựa trên ý tưởng đoạt giải của một cuộc thi sáng tạo công nghệ do Ericsson tài trợ cho các sinh viên đại học. Connected Water đặt những cảm biến giá thành rất thấp vào dòng nước thuộc các hệ thống sông hồ. Những cảm biến này có vai trò đo và ghi nhận thời gian thực các thông số quan trọng về chất lượng nước như độ sạch, lượng kim loại nặng và liên tục chuyển những thông số này qua đám mây và mạng di động thông qua công nghệ LTE Low Power Wide Area (LSWA). Connected Water là một ví dụ của xu hướng Internet of Things, nơi mọi thứ đều có thể mang lại lợi ích lớn khi được kết nối, một xu hướng mà Ericsson dự báo trong báo cáo Ericsson Mobility Report, rằng sẽ có 28 tỉ thiết bị được kết nối vào năm 2021.