Chuyển đổi xanh và xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược
10/29/2024 9:24:00 AM
"Kỷ nguyên mới", "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" đang "ăn sâu" vào tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có môi trường. Việt Nam đang thể hiện quyết tâm thực hiện phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nhận định "kỷ nguyên mới", "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" đã và đang dần "ăn sâu" vào tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có môi trường.
Chủ trì phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 (Ban Chỉ đạo COP26) vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng ban chỉ đạo, nhấn mạnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, diễn biến ngày càng phức tạp, hậu quả ngày càng lớn, khắc phục mất nhiều công sức, tiền của. Ứng phó biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách mà không nước nào có thể tự làm một mình.
Thủ tướng nêu rõ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược. Do đó, cần nỗ lực lớn hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa để làm tốt hơn việc ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng sạch, thực hiện các cam kết COP26.
"Các chiến lược của quốc gia và của doanh nghiệp, nhà đầu tư phải cùng hướng thì mới tạo ra xung lực phát triển", Thủ tướng nói và nhấn mạnh cơ chế phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, quản lý phải thông minh.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội, toàn dân vào cuộc, trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư là rất quan trọng.
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy những chuyển động tích cực, mạnh mẽ để thực hiện cam kết COP26 đang lan tỏa từ Trung ương tới các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp.
Thời gian qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam; Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Kế hoạch hành động quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất; Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Đề án phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP tại COP28; Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai; Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng,… cũng đã được ban hành.
Các Bộ, ngành cũng tích cực vào cuộc, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp từ hoàn thiện thể chế, chính sách đến triển khai thực hiện các đề án, dự án cụ thể và đạt được nhiều kết quả.
Điển hình như Bộ Công Thương đã hoàn thiện được nhiều cơ chế cho ngành điện và phát triển năng lượng tái tạo, tích cực triển khai Quy hoạch điện VIII. Bộ đã chỉ đạo các nhà máy điện than xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi sang nhiên liệu sạch; làm việc với các đối tác quốc tế để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng công bằng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai tích cực hoạt động tăng trưởng xanh, xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thu hút kêu gọi đầu tư cho chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo.
Đề án phát triển thị trường carbon, đàm phán các khoản vay, đầu tư thực hiện các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng đã được Bộ Tài chính hoàn thiện. Bộ này cũng ký Bản ghi nhớ khoản vay ưu đãi 500 triệu Euro với Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cho chuyển đổi năng lượng.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì triển khai các Tuyên bố quốc tế về lĩnh vực nông nghiệp; triển khai thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; xây dựng các đề án phát thải thấp và tăng hấp thụ carbon rừng.
Còn Bộ Giao thông vận tải đang triển khai Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải ngành giao thông vận tải đối với từng lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không; xây dựng cơ chế, lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và trình ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật thực hiện chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý tín chỉ carbon…
Hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp, ngân hàng lớn trên cả nước đang đi đầu trong nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng mới, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.
"Các tỉnh, thành phố đang tiếp tục tổ chức triển khai, quán triệt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, từng bước thực hiện cam kết phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Các địa phương đã đôn đốc doanh nghiệp thực hiện kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải, phát triển các nhà máy điện rác (Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Bình Thuận, Phú Thọ); phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng tiết kiệm năng lượng (Hà Nội, Thanh Hóa, Huế, TPHCM, Quảng Ninh, Bến Tre).
Một số thành phố lớn đã phát triển rộng rãi hệ thống tuyến xe buýt điện, mạng lưới xe đạp công cộng", Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, tổ chức thị trường carbon, quản lý tín chỉ carbon… đều là những vấn đề được cả thế giới quan tâm. Đây cũng là những vấn đề vừa mới, vừa khó trong các nội dung về xây dựng thị trường, quản lý tín chỉ carbon.
Ông Duy nhấn mạnh sẽ tập trung phát triển lực lượng sản xuất mới trong đó có chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. "Tất cả sẽ hướng tới giảm phát thải khí nhà kính và phát thải ròng bằng 0", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện các dự thảo Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cả, Trà Khúc, Vu Gia - Thu Bồn, Kôn - Hà Thanh và sông Ba. Đề án thí điểm phục hồi "các dòng sông chết" nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái hay Đề án điều tra, đánh giá và đề xuất phương án thí điểm phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm các sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ - Đáy, Ngũ Huyện Khê cũng đang được tích cực xây dựng, triển khai.
Cả nước hiện có 117 cơ sở xử lý chất thải công nghiệp, nguy hại. Báo cáo từ các địa phương cho thấy đến nay tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải nguy hại đạt khoảng 90%. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành môi trường đến năm 2030. Quản lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại sẽ được thực hiện thông qua kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý.
Trong đó sẽ tập trung giám sát các cơ sở có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Đơn cử như ở khu vực miền Bắc gồm các cơ sở thuộc Khu Kinh tế Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formos Hà Tĩnh, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (Thái Nguyên), các cơ sở ở Khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai), Cụm công nghiệp Phú Lâm, tỉnh Bắc Ninh; các cơ sở ở Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá - Văn Môn, tỉnh Bắc Ninh.
Ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ chú ý tới Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường 86 cơ sở theo quy định; hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; triển khai xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.
Mục tiêu hướng tới bảo đảm tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tại khu vực đô thị đạt 95%; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp.
Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Kim Chi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, đánh giá các hoạt động bảo vệ môi trường những năm qua đã tạo ra những thay đổi rất rõ rệt từ vùng nông thôn, miền núi tới các đô thị lớn trên cả nước.
"Điều đó cho thấy chúng ta đã có những chính sách, chủ trương đúng đắn và phù hợp để kiểm soát ngày càng tốt hơn các nguồn gây ô nhiễm môi trường và có những hướng dẫn, biện pháp giảm thiểu ô nhiễm", bà Chi nói.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường) cũng chung quan điểm khi nhìn nhận "những năm qua đi đâu cũng nói về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh".
"Cam kết Net Zero vào năm 2050 thể hiện rất rõ quyết tâm của Việt Nam phải chuyển mình, không còn cách nào khác. Muốn tồn tại, phát triển trong kỷ nguyên này phải chuyển mình, rõ nhất là chuyển đổi xanh", ông Tùng nêu quan điểm.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra rất nhiều định hướng, tăng cường bảo vệ môi trường, thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Để chính sách vĩ mô đến thực tế đạt hiệu quả cao nhất, ông Tùng mong muốn có thêm những hướng dẫn chi tiết, cụ thể để địa phương dễ dàng thực hiện.
Nhận định những khó khăn sắp tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặt ra yêu cầu phải thực hiện các cam kết về môi trường. Do đó cần có lộ trình để nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường; lộ trình chuyển đổi công nghệ các cơ sở sản xuất lạc hậu gây nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Đó là chưa kể sự gia tăng của chất thải, khí thải, nước thải tạo ra áp lực lớn lên vấn đề môi trường sẽ chưa giảm trong thời gian ngắn. "Các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu được cộng đồng quốc tế đánh giá cao nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn đối với ngành tài nguyên và môi trường trong thời gian tới, đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động hỗ trợ của quốc tế về nguồn lực tài chính, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản trị", Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo.
Bộ sẽ tiếp tục giám sát, kiểm soát các nguồn thải từ các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, khu vực tập trung nhiều nguồn thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông. Chất lượng môi trường không khí, đặc biệt tại các đô thị lớn cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Chuyên gia môi trường Đặng Thị Kim Chi bày tỏ các chủ trương, chính sách đều đã đề cập, cập nhật kịp thời với yêu cầu phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, bà Chi đề xuất phải chú ý nhiều hơn tới đặc thù của từng địa phương, vùng miền.
"Ở vùng núi, rác thải không giống rác thải của đô thị lớn, chúng ta phát triển công nghệ xử lý rác sẽ phải khác nhau, phải phù hợp với phong tục tập quán, thực tế thì mới đảm bảo hiệu quả. Chính sách không nên chung chung quá", bà Chi phân tích.
Quan trọng hơn, theo bà Chi, vẫn là yếu tố con người. Việc nâng cao nhận thức của cộng đồng, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân về bảo vệ môi trường tại các đô thị sẽ đóng vai trò rất lớn vào góp phần giảm thiểu ô nhiễm.
Chung quan điểm, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng đề cao việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quản lý trong lĩnh vực môi trường.
"Chuyển đổi xanh, Net Zero là những điều rất mới, nếu không có sự chuyển đổi trong nhận thức, suy nghĩ của đội ngũ cán bộ thực hiện từ Trung ương tới địa phương thì sẽ còn lấn cấn, vẫn muốn giữ lại những cái cũ. Chúng ta phải tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ trực tiếp thực hiện. Đó là những điều cần phải làm ngay trong những năm tới. Một khi nhận thức được chuyển đổi thì chúng ta sẽ thành công", ông Tùng bày tỏ.
Ông dẫn ví dụ thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) từng trở thành tâm điểm của ô nhiễm không khí, nhưng nhờ quyết tâm của lãnh đạo các cấp với những chính sách, chương trình hành động đúng đắn, sự tham gia nhiệt tình của doanh nghiệp, cộng đồng nên chất lượng không khí đã từng bước cải thiện.
"Liệu có thể có không khí trong lành khi nhiều cơ sở sản xuất coi thường pháp luật, liên tục nhả khói bụi?", ông đặt vấn đề và đánh giá việc Hà Nội, TPHCM đang quyết tâm thực hiện giao thông xanh, chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon, khí metan của ngành giao thông vận tải là chủ trương đúng đắn.
Hà Nội đang có 17 khu công nghiệp, trên 1.300 làng nghề, hơn 8 triệu phương tiện. Mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ 8 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu - trở thành một trong nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.
Để cải thiện môi trường nói chung và không khí nói riêng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam nói thành phố đang triển khai nhiều giải pháp cải tạo và xử lý ô nhiễm các hồ, sông ngòi; chuyển đổi năng lượng sang năng lượng sạch và phát triển đô thị thông minh.
Hà Nội cũng phát triển giao thông xanh, thông minh, đầu tư hạ tầng giao thông hiện đại; phát triển không gian công cộng, không gian xanh theo mô hình đô thị vệ tinh và phát triển hạ tầng giao thông, xử lý chất thải rắn.
Các cơ chế ưu đãi sẽ được Hà Nội áp dụng để khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao, giảm diện tích chôn lấp và ô nhiễm môi trường.
"Cơ bản đến năm 2025, 100% rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố được đốt phát điện theo công nghệ mới. Việc phát triển các tuyến đường dành riêng cho xe buýt điện và các loại xe có phát thải thấp, kết hợp với hệ thống giao thông công cộng là yếu tố chính giúp điều tiết lưu lượng phương tiện và giảm khí thải", ông Nam kỳ vọng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh phát triển kinh tế nhanh, bền vững là phải gắn chặt với bảo vệ môi trường.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta phải đầu tư, phát triển công nghệ số song song, song hành với các nước trên thế giới. Bây giờ đang mở ra những thời cơ mới về phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật - những cái làm thay đổi phương thức sản xuất.
Chúng ta cần đưa công nghệ số vào tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có môi trường, để nâng cao năng suất lao động lên vượt bậc. Dựa vào nền tảng công nghệ số thì mới có những bước nhảy vọt, "vươn mình" nhanh hơn, bắt kịp với thế giới", ông Huân dự báo.
Ảnh: Nhật Bắc - Khương Trung - Hữu Nghị - Trịnh Nguyễn
Nội dung: Thế Kha
Thiết kế: Tuấn Huy
Lượt xem : 403