Chung tay vì những “lá phổi xanh”
3/13/2020 2:53:00 PM
Thời gian qua, nhiều ao hồ trên địa bàn Thủ đô đã bị san lấp, thậm chí bị lấn chiếm để xây dựng hạ tầng, nhà cửa. Do đó, việc bảo vệ, cải tạo, giữ gìn môi trường, cảnh quan ao hồ - những "lá phổi xanh" là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi cả chính quyền, xã hội và người dân chung tay, góp sức.
Sau khi được cải tạo, hồ Rùa (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Ảnh: Phạm Hùng
Những ao, hồ được hồi sinh
Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR), tính đến năm 2010, trong các quận của Hà Nội có 120 ao hồ (ao Hòa Mục và Ngọc Quán Tự là ao kép nên tổng số đúng phải là 122). Đến năm 2015, thêm 7 hồ được đào mới nhưng lại có đến 17 hồ bị lấp hoàn toàn (quận Đống Đa 4, quận Hai Bà Trưng 3, quận Cầu Giấy 8, quận Tây Hồ 2). So với năm 2010, diện tích ao hồ năm 2015 giảm 72.540m2. Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tính từ năm 1990 trở lại đây, Hà Nội có tới 21 hồ bị “xóa sổ”, nhiều ao nằm xen kẹt trong khu dân cư cũng bị lấp.
Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay cơ bản các “điểm nóng” đã được khống chế. Theo đó, 86 ao hồ trên địa bàn thành phố được xây kè hoàn toàn hoặc một phần, tạo cảnh quan đẹp cho cả thành phố nói chung và cho từng khu vực dân cư nói riêng.
Đến hồ Rùa, còn gọi là hồ Phương Liệt 1 (nằm trên phố Nguyễn Lân, thuộc phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) thời điểm này, mọi người sẽ thấy nơi đây đã đổi khác nhiều. Người dân đã có thể thưởng lãm cảnh quan, dạo bộ xung quanh con hồ từng là “điểm nóng” về tình trạng lấn chiếm, đổ trộm rác và phế thải. Có được kết quả đó là nhờ cuối năm 2012, UBND thành phố Hà Nội đã đầu tư cải tạo, chỉnh trang khu vực hồ. Ngoài nạo vét, xây kè, dự án còn xây dựng đường dạo xung quanh, trồng cây xanh, đồng thời tách hoàn toàn hệ thống nước thải không chảy vào hồ mà chảy ra sông Sét. Hồ Rùa được hồi sinh sau đó hơn một năm, trở thành không gian xanh lý tưởng cho người dân.
Ông Trần Văn Hiển ở tổ dân phố 17 chia sẻ: “Việc cải tạo hồ Rùa là việc làm thiết thực và nhân văn, nhờ vậy hồ được hồi sinh. Chúng tôi có chốn để thư giãn sau mỗi ngày làm việc. Hơn thế, hồ Rùa cũng tạo nên diện mạo đô thị đẹp cho cả khu vực dân cư”. Chung tâm sự ấy, ông Nguyễn Gia Long, Tổ trưởng tổ dân phố 17 phường Phương Liệt, cho biết: “Giá trị của ao hồ là không phải bàn cãi, đó là tài sản không chỉ của khu vực mà còn của cả thành phố và mỗi người đều phải có trách nhiệm gìn giữ”.
Cách hồ Rùa không xa, hồ Định Công trải dài từ phường Đại Kim đến phường Định Công cũng là điểm đến thú vị của người dân. Để có cảnh quan hồ như hôm nay là nhờ sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành chức năng. Suốt hàng chục năm trời hồ Định Công bị ô nhiễm nặng, xung quanh hồ thành điểm tập kết rác thải. Dự án cải tạo hồ được khởi công cuối năm 2011 nhưng thi công chậm trễ nên đến cuối năm 2017 mới hoàn thành. Nhưng, nói như nhiều người dân trong khu vực thì “chậm còn hơn không”, hồ giờ đây như chiếc gương soi in bóng mây trời lung linh, cùng những cao ốc sừng sững…
Hồ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa) chỉ cách những con phố sầm uất vài trăm mét, nằm ở một quận trung tâm Thủ đô nhưng nhiều năm bị lấn chiếm, đổ phế thải, trở thành “ổ ô nhiễm”. Sau nhiều năm chậm triển khai, đến nay Dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật hồ Linh Quang đã thực hiện được hơn một nửa số hạng mục. Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội, các hạng mục đường xung quanh và kè hồ sẽ hoàn thành trong năm 2020. Chị Nguyễn Vân Anh, người dân ở ngõ Linh Quang không giấu được niềm vui: “Hy vọng khi dự án xong, chúng tôi có thể thoải mái dạo chơi, thư giãn với cảnh quan môi trường của hồ...”.
Cần nhiều cách làm hay
Công nhân Công ty cổ phần Môi trường Quang Minh tham gia cải tạo môi trường hồ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa).
Trên thực tế, một vài năm gần đây, một số cá nhân, đoàn thể ở địa phương đã cùng hợp sức với chính quyền, không để tình trạng nhếch nhác, lấn chiếm ao hồ tái diễn.
Giải thích lý do sáng lập Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR), bà Nguyễn Ngọc Lý - giám đốc trung tâm bộc bạch: "Những năm gần đây, tốc độ phát triển đô thị của Hà Nội nhanh một cách chóng mặt, nhiều diện tích mặt nước bị ô nhiễm nặng và thu hẹp. Do đó, tôi thành lập Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng với mong muốn kêu gọi, gắn kết các tổ chức, các cá nhân cũng như cộng đồng cùng tham gia bảo vệ các ao hồ ở Hà Nội”.
Trong khi đó, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng: “Chúng ta phải "mặc lại áo" cho ao, hồ. Nói cụ thể hơn là phải quan tâm, bảo vệ ao hồ hơn và phải đề xuất, nhân rộng được những cách làm hay trong công tác này”. Về phần mình, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam trăn trở: “Ao hồ là những chiếc gương thẩm mỹ, là giá trị độc đáo và là tài sản vĩ đại mà thiên nhiên ban cho Thủ đô. Điều đó khiến chúng ta tự hào. Song tự hào phải đi đôi với bảo vệ. Việc giữ gìn, bảo vệ những di sản đó là trách nhiệm chung của tất cả mọi người, để thành phố nghìn năm tuổi ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh”.
Cùng chung tay bảo vệ hồ, từ năm 2010, Hội Phụ nữ phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), Hội Phụ nữ phường Ngọc Khánh (quận Đống Đa), Hội Phụ nữ phường Quảng An (quận Tây Hồ)… đã tích cực thực hiện phong trào bảo vệ môi trường, dọn rác thải, tuyên truyền để các hộ dân sống ven hồ không đổ phế thải xuống hồ. Hội Phụ nữ phường Hoàng Văn Thụ còn tổ chức giám sát chéo, trồng hoa ven hồ Đền Lừ, bố trí thêm các thùng rác ven hồ và giao cho từng hộ quản lý khuôn viên hồ trước nhà mình.
Ao Dài (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm), trước năm 2016 bị ô nhiễm rất nặng. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nước ao bằng chế phẩm sinh học Redoxy-3C và thả bè thủy sinh, ao đã trong lành trở lại. Để giữ được thành quả này, UBND phường Mễ Trì đã thành lập Tổ giám sát ô nhiễm môi trường nước, gồm các thành viên là đại diện Thanh tra nhân dân, bảo vệ tổ dân phố, Hội Phụ nữ… nhằm giữ môi trường trong lành cho ao. Cùng với đó, mỗi sáng thứ bảy hằng tuần người dân nơi đây đều tham gia dọn vệ sinh, vớt rác, cam kết không xâm phạm không gian hồ.
Hà Nội đang phát triển từng ngày, hướng đến xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững. Bởi thế, môi trường nói chung và ao hồ nói riêng cần được chính quyền, xã hội và người dân bảo vệ, giữ gìn để không bị ô nhiễm, lấn chiếm... Khi đó, các ao hồ sẽ được trả lại cảnh quan, góp phần điều hòa không khí, nâng cao chất lượng sống của người dân, đồng thời giúp hệ thống ao hồ của Thủ đô trở thành những điểm nghỉ ngơi, vui chơi thú vị của thành phố nghìn năm tuổi.
Nguyễn Văn Học/HNM
Lượt xem : 2237