Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa tại các điểm du lịch chợ nổi TP.Cần Thơ
9/10/2022 7:03:00 AM
Dự án “Vì sông Mê Kông không rác-Thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi" cùng với chính quyền cần tiếp cận sâu sát hơn với các cộng đồng dân cư, mở rộng các mô hình phân loại rác tại nguồn để giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Rác thải nhựa gia tăng tại các điểm du lịch
Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những thách thức môi trường toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa với tốc độ nhanh cùng sự thay đổi trong lối sống đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam.
Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền hàng năm ở Việt Nam. Báo cáo phân tích ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam xác định có ít nhất 10% số chất thải chưa được quản lý tốt này bị rò rỉ vào đường thủy, khiến Việt Nam trở thành một trong 5 nước gây ô nhiễm nhựa trên đại dương hàng đầu trên thế giới.
Mới đây, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh (GreenHub) phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và phát triển nông thôn (RECERD) tổ chức Hội thảo tham vấn cho Dự án “Vì sông Mê Kông không rác - thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở Cần Thơ”.
Theo đó, hiện chợ nổi Cái Răng có trên 40 hộ sinh sống cùng 250 - 300 ghe, tàu mua bán giao dịch hàng ngày. Mỗi ngày, có khoảng 1 tấn rác phát sinh từ các hoạt động buôn bán, du lịch ở chợ nổi Cái Răng. Trong khi đó, các hộ dân sinh sống, buôn bán ở chợ hiện chỉ mới trang bị khoảng 100 thùng chứa rác loại 60 lít. Còn địa phương cũng bố trí các thùng rác loại từ 120 - 260 lít ở trên bờ để đưa rác từ chợ nổi tập kết và giao rác cho đơn vị vận chuyển, xử lý nhưng không thu phí.
Kết quả kiểm toán rác của dự án tại khu vực chợ nổi Cái Răng cho thấy, có tới 37% rác thải ở khu vực chợ nổi Cái Răng là rác nhựa và hiện có khoảng 25% hộ dân sống trên sống ở khu vực chợ nổi còn thải rác trực tiếp xuống sông.
Khác với chợ nổi Cái Răng, ý thức trong việc phân loại thu gom rác của người dân cồn Sơn hiện khá tốt. Các hộ dân đều tự trang bị các thùng chứa rác thải sinh hoạt. Đồng thời thực hiện nhiều mô hình như hạn chế sử dụng túi nilon, giảm sử dụng chai nhựa, phân loại, tái chế rác thải nhựa; vận động khách du lịch giảm thiểu sử dụng đồ nhựa một lần...
Tuy nhiên, ở cồn Sơn, vẫn còn một số bất cập trong xử lý rác thải. Đặc biệt là các loại rác không tái chế được như ống hút, hộp xốp… Nhiều hộ người dân vẫn phải đốt rác. Ngoài ra, quá trình vận chuyển rác thải từ cồn Sơn vào bờ còn rơi vãi xuống sông và chưa kịp thời. Chưa kể nhiều rác nhựa theo dòng chảy từ khắp nơi tấp vào cồn Sơn cũng chưa được thu gom, xử lý kịp thời.
Theo Kế hoạch Hành động Quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Một số biện pháp sắp được áp dụng bao gồm lệnh cấm sản xuất và nhập khẩu túi ni lông sử dụng trong nước vào năm 2026 và hầu hết các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2031.
Nhân rộng các mô hình phân loại rác tại nguồn
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, chuyên gia thủy học môi trường (trường Đại học Cần Thơ), Dự án “Vì sông Mê Kông không rác - Thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở Cần Thơ cùng với chính quyền địa phương cần tiếp cận sâu và sát hơn với các cộng đồng dân cư để giúp người dân nâng cao ý thức về bỏ rác đúng chỗ, thấy rõ được tác hại của việc xả rác lên chính cuộc sống của họ. Đồng thời mở rộng các mô hình phân loại rác tại nguồn; tuyên truyền với người dân, du khách hạn chế sử dụng túi nilon; trang bị thêm thùng đựng rác, tàu thuyền thu gom rác trên sông phù hợp với thực tế từng địa phương…
Được biết, ngày 18/5, dự án “Vì sông Mê Kông không rác - Thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở Cần Thơ” đã được khởi động. Mục tiêu của dự án là góp phần cải thiện môi trường sống và bảo tồn hệ sinh thái bằng việc giảm khoảng 300 đến 400 tấn rác thải mỗi năm trên sông Mê Kông và trực tiếp giúp đỡ cuộc sống cho hơn 150.000 người sinh sống tại nơi triển khai dự án, gồm: Quận Bình Thủy và quận Cái Răng, TP.Cần Thơ.
Trước đó, Cục Bảo vệ môi trường Miền Nam (Bộ TN&MT), tổ chức The Ocean Cleanup (TOC - Hà Lan) và Công ty Coca - Cola Việt Nam tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao Dự án làm sạch sông Cần Thơ cho Sở TN&MT. Ðược biết, sông Cần Thơ là một trong 15 con sông trên thế giới được chọn để làm sạch trong khuôn khổ hợp tác triển khai toàn cầu giữa Coca - Cola và TOC nhằm thử nghiệm và đánh giá công nghệ ngăn chặn rác thải nhựa đổ ra đại dương.
Công cụ then chốt của dự án là thuyền thu gom rác nổi Interceptor 003 - rộng 8,1m, dài 24,7m và cao khoảng 4,4m, lưới chắn rác dài 100m - với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng, trong đó Hà Lan viện trợ không hoàn lại 14,6 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương. Mỗi tháng, hệ thống vận hành bằng năng lượng Mặt trời này tự động gom hơn 10 tấn rác nổi trên sông Cần Thơ, qua đó cải thiện môi trường và mỹ quan sông, góp phần quảng bá du lịch vùng sông nước và giúp Cần Thơ giữ vững danh hiệu “Thành phố bền vững môi trường ASEAN lần thứ 5” năm 2021.
Cùng với đó, thời gian qua, Sở TN&MT TP.Cần Thơ đã chủ trì tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường năm 2022 với chủ đề “Chỉ một Trái Đất”; phối hợp Ủy ban MTTQVN và Tổ chức GreenHub dọn dẹp vệ sinh môi trường tại Chợ nổi Cái Răng và Cồn Sơn; phối hợp phường An Khánh và Quận đoàn Ninh Kiều tổ chức dọn dẹp vệ sinh tại Hồ Búng Xáng; phối hợp với Trường Ðại học Nam Cần Thơ, Hội LHPN thành phố và Trường Cao đẳng Cần Thơ tổ chức 3 chương trình đổi rác lấy quà tặng…
Hiện tại, TP.Cần Thơ đang tập trung trung hoàn chỉnh kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025 và Bộ tiêu chí kêu gọi nhà đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ hợp tác quốc tế trong việc thực hiện các chương trình, dự án về môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới hiện đại tiên tiến của thế giới về xử lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại; tiếp tục triển khai dự án thu gom tự động rác nổi trên sông và mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi trên địa bàn thành phố do các tổ chức quốc tế hỗ trợ.
Lan Anh
(Kinh tế môi trường)
Lượt xem : 1186