Một vụ phá rừng
Điều đáng nói là cho đến khi hàng trăm ha rừng bị các đơn vị này san bằng, hàng nghìn cây gỗ quý gãy đổ ngổn ngang thì diện tích này vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất chuyên dùng.
Theo hồ sơ thiết kế Quốc lộ 14C, đoạn qua vùng lõi VQG Yok Đôn có tổng chiều dài 56 km nằm trên địa bàn 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp (Đắk Lắk). Về cơ bản, tuyến đường chạy theo nền đường cũ (được đầu tư xây dựng trong những năm 1986-1987), tuy nhiên đến km 265 tại các tiểu khu 253 – 408 do phải tránh đèo cao nên được thiết kế cắt ngang, tạo thành đoạn tuyến mới với chiều dài 13 km, sau đó tiếp tục nhập vào tuyến cũ tại tiểu khu 452. Để thi công đoạn tuyến mới dài 13 km này, diện tích rừng và đất rừng phải chuyển đổi thuộc VQG Yok Đôn là 172,45ha.
Ngày 18/11/2009, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 3769/BNN-KL gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng đường 14C đoạn qua VQG Yok Đôn. Và cho đến nay, Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa có bất cứ văn bản nào cho phép chuyển đổi diện tích rừng nói trên sang đất chuyên dụng, nhưng các đơn vị thi công đã “sốt sắng”, nhanh nhảu tập trung một lượng thiết bị xe máy thi công lớn vào khu vực rừng cấm để tàn phá rừng bừa bãi.
Việc các đơn vị thi công ngang nhiên đưa máy móc thiết bị vào tàn phá rừng cấm khi chưa được phép xuất phát từ ngày 24/3/2009 Ban QLDA đường bộ V (đơn vị chủ đầu tư QL 14C) có công văn số 191/BQL-KH gửi VQG Yok Đôn đề nghị Vườn tạo điều kiện cho các nhà thầu triển khai thi công trước hạng mục công trình cống trong mùa khô 2008-2009. Ngày 2/4/2009, Giám đốc VQG Yok Đôn có công văn 300/CV-VQG phúc đáp, trong đó yêu cầu Ban QLDA đường bộ V đình chỉ ngay việc thi công công trình; buộc các dơn vị thi công đưa toàn bộ máy móc thiết bị, nhân lực ra khỏi phạm vi ranh giới VQG. Lý do là, việc đầu tư QL 14C chưa thực hiện xong báo cáo đánh giá tác động môi trường; đồng thời Thủ tướng Chính phủ chưa cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Công văn cũng nêu rõ: “Các nhà thầu đã vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng; không tuân thủ nội quy, quy chế của Vườn, đã để công nhân khai thác trái phép gỗ quý hiếm thuộc nhóm IA và săn bắt động vật hoang dã trong vườn”. Mặc dù lãnh đạo VQG đã kiên quyết từ chối việc thi công QL 14C khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên do được chủ đầu tư là Ban QLDA đường bộ V “bật đèn xanh” nên các đơn vị thi công không thèm “đếm xỉa” đến công văn của VQG mà vẫn đưa thiết bị cơ giới hạng nặng vào ồ ạt thi công. Kết quả, khi lực lượng kiểm lâm của VQG Yok Đôn phát hiện ra thì đã có hàng trăm ha rừng cấm bị san phẳng.
Trước đó, VQG Yok Đôn đã tổ chức điều tra, khảo sát và đề nghị khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định chuyển đổi rừng sang đất chuyên dùng thì thực hiện tận thu khai thác 4.420 cây gỗ với khối lượng gần 3.000 m3. Tuy nhiên, hiện nay các dơn vị thi công đã tự ý dùng máy ủi san rừng nên cây gỗ bị gãy đổ ngổn ngang làm ảnh hượng nghiêm trọng đến chất lượng và khối lượng gỗ thành phẩm. Theo ước tính ban đầu khối lượng gỗ đã bị giảm khoảng 40% so với ban đầu. Không những vậy, việc thi công bừa bãi khiến cây rừng đổ ngổn ngang làm gãy đổ nhiều cây gỗ khác không thuộc diện đã được điều tra lập lý lịch khai thác tận thu.
Ngày 8/1, làm việc với phóng viên, Ông Trương Văn Trưởng, Giám đốc VQG Yok Đôn bức xúc: Vườn đã yêu cầu chủ đầu tư trước khi thi công phải hoàn tất các thủ tục pháp lý, đồng thời xây dựng 2 trạm bản vệ rừng 2 đầu tuyến để lực lượng kiểm lâm chốt chặn, kiểm soát phương tiện ra vào rừng tránh tình trạng lợi dụng thi công đường để khai thác lâm sản trái phép. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã “phớt lờ” yêu cầu này. Đây là khu vực thuộc phân khu quản lý nghiêm ngặt nhưng nằm sát biên giới nên lực lượng kiểm lâm khó tiếp cận để tuần tra bảo vệ hơn.
Đến khi sự việc được phát hiện thì tuyến đường đã gần như được thi công thông tuyến, hàng nghìn cây gỗ quý bị gãy đổ. Nguy hiểm hơn, lợi dụng việc đơn vị thi công đưa máy móc thiết bị cơ giới vào san rừng và đường được thông tuyến nên các đối tượng lâm tặc lộng hành đốn hạ và vận chuyển gỗ quý hiếm ra khỏi vườn. Một số cán bộ kiểm lâm VQG Yok Đôn cho biết, rất nhiều cây gỗ thuộc nhóm quý hiếm quanh khu vực thi công QL 14C đã bị chặt hạ chỉ còn trơ lại phần gốc, dấu vết dể lại còn rất mới.
Sau khi phát hiện vụ việc, ngày 31/12/2009, VQG Yok Đôn đã mời đại diện của 2 đơn vị thi công đến làm việc và yêu cầu các đơn vị này phải lập tức đình chỉ việc thi công. Đồng thời trục xuất toàn bộ lực lượng lao động liên quan đến công trình cùng toàn bộ máy móc, thiết bị ra khỏi Vườn. Tuy nhiên, hiện chưa biết các đơn vị thi công có chấp hành hay không, vì trước đó họ đã hơn 1 lần “phớt lờ” các yêu cầu của VQG Yok Đôn. Và cho đến nay đơn vị chủ đầu tư là Ban QLDA đường bộ V – cơ quan “hậu thuẫn” cho những sai phạm của các đơn vị thi công, vẫn chưa đến làm việc với VQG Yok Đôn để xác định phần trách nhiệm trong việc vi phạm này.