Vietnamese English
Chưa đủ căn cứ sử dụng bùn đỏ Tây Nguyên

12/10/2010 11:01:00 AM

Tại nước ta chưa có tư liệu về bùn đỏ như các nước, chưa tiến hành khai thác bauxite, nên không thể biết trong thành phần bauxite có những gì. Vì thế, việc ứng dụng bùn đỏ cần phải có nghiên cứu thêm...

 

 
 

Kết hợp với chế phẩm hữu cơ cải tạo bùn đỏ…

Các nhà khoa học thuộc Sở KH&CN Lâm Đồng đã phối hợp với trường Đại học Đà Lạt lấy hai mẫu bùn đỏ ở dạng khô BĐI: ~100kg, đã trung hòa bằng axit vô cơ mạnh H2S04, độ pH đạt gần trung tính ~8.1-8.2, và dạng lỏng chưa trung hòa BĐII: ~200lit, rất kiềm, pH ~12.5, dạng bùn đỏ lỏng.
 
Cây thanh long được trồng trên bùn đỏ tại vườn thí nghiệm khoa Sinh học - Đại học Đà Lạt.
 
Bùn đỏ ở dạng khô BĐI do pH đã khá thấp nhờ trung hòa bằng axit vô cơ H2S04 mạnh. Thực nghiệm tập trung vào phối trộn than bùn để tăng hữu cơ tái tạo độ phì với tỉ lệ bùn đỏ, than bùn là 2:1, 1:1, 1:2, 1:1.5 đã làm tăng độ trung hòa, pH tương ứng giảm 8.0 - 7.9, 7.7 - 7.5, 7.3 - 7.0, 6.9 - 6.7.

Riêng xử lý bùn đỏ ở dạng lỏng, đoàn nghiên cứu dùng bã nấm bổ sung để tăng lượng mùn hữu cơ và tăng độ trung hòa, với tỷ lệ bùn đỏ và than bùn là: 2:1, 1:1, 1:2, 1:2.5, tỷ lệ bổ sung bã nấm là 1, 2, 2.5. Theo đó, độ pH tương ứng giảm 10 - 9.5, 9 - 8.5, 8 - 7.9.

Sau khi xử lý đất, đoàn tiến hành khảo nghiệm hơn 30 loài thuộc gần 20 họ như dâu tằm, lúa ngô, cỏ gấu, đậu tương, đậu cô ve... Thử nghiệm trên nền bùn đỏ đều cho thấy tác hại cực mạnh.

Hầu hết các loài cây đều rất nhạy cảm với các hỗn hợp khoáng trong bùn đỏ, bị ức chế sinh trưởng nặng, hoại tử từng phần và chết rụi khi muối N2S04 rút lên trắng hết mặt đất và cây. Rễ cây cũng chết úng và tuyệt đa số các loại chết sau 3 - 10 ngày.

Nhạy cảm nhất là lúa ngô, cà chua chỉ sau 2 - 5 ngày là chết hoàn toàn. Hạt giống cũng không thể nảy mầm trên loại bùn này. Chỉ còn 4 loại cây sống sót là nha đam, cây xương rồng Nopal, cây thuốc bỏng và cây thanh long.

Từ kết quả này, đoàn nghiên cứu triển khai trên nền bùn đỏ ở dạng lỏng theo phương pháp trung hòa bằng nguồn hữu cơ kết hợp tăng cường tái tạo độ phì và tập trung nghiên cứu sâu hơn với các loài cây sống sót trong thực nghiệm trên.

Cần phải có nghiên cứu thêm
 

"Về nguyên tắc cách pha chế trung hòa như nghiên cứu của trường Đại học Đà Lạt là đúng, tuy nhiên bài học từ Hungary chúng ta đều biết, đây là đất nước phát triển, họ có nhiều nghiên cứu về bùn đỏ, vẫn còn để xảy ra sự cố vỡ đập như vừa qua. Nếu làm được thì Hungary đã làm từ rất lâu rồi". Ông Trần Tư Hiếu

Ông Trần Tư Hiếu, Hội Khoa học Kỹ thuật Phân tích Hóa Lý và Sinh học Việt Nam cho rằng, trường hợp ở Đà Lạt mới đang tiến hành thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, áp dụng trên diện tích hẹp. Nếu đưa ra áp dụng cho số lượng bùn đỏ lên đến hàng triệu tỷ tấn có thể ngoài sự kiểm soát. Nếu thành công cũng sẽ rất tốn kém, trải qua nhiều khâu chế biến mới có thể tách các chất, nhất là kiềm, chất khiến cây cối không thể sinh trưởng được.

Mặt khác, trong bùn đỏ chứa nhiều yếu tố gây độc: Titan, oxit sắt, oxit nhôm, oxit silic, các chất này có thể khiến các sinh vật chậm phát triển, ví dụ khi đem lúa trồng trên bùn đỏ, chỉ sau một thời gian ngắn cây lúa chết, nên cần đầu tư công nghệ tiến hành biện pháp trung hòa với tỷ lệ chính xác nhất, thỏa đáng để có quy trình liên hoàn, triệt để. Đồng thời tính toán đến việc thu gom các kim loại khi tách, tránh khuếch tán ra ngoài môi trường.

Ông Vũ Năng Dũng, chủ tịch Hội Khoa học Đất cũng lưu ý, không nên vội vã đưa ra kết luận. Tại Việt Nam chưa có tư liệu về bùn đỏ như các nước, chưa tiến hành khai thác bauxite, nên không thể biết trong thành phần bauxite có những gì. Vì thế, việc ứng dụng bùn đỏ cần phải có nghiên cứu thêm. Không chỉ bài học từ Hungary, mà ngay việc "lúa cổ" Thành Dền vừa qua cũng là bài học lớn cho chúng ta.

Thực hiện: / Nguồn: Khoa Học & Đời Sống

(Docbao.com, 30/11/2010)

Lượt xem : 1382