Vietnamese English
Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường VN (VACNE) Nguyễn Ngọc Sinh: Thay đổi thói quen là cả quá trình

1/19/2010 5:47:00 PM

(LĐ) - Chủ tịch VACNE Nguyễn Ngọc Sinh đã nhận định như vậy khi đánh giá về vấn đề ô nhiễm đang diễn ra hằng ngày tại đô thị và nông thôn, gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân.

Chủ tịch VACNE Nguyễn Ngọc Sinh.
 

Chiều 18.1, PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Sinh xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về mức độ ô nhiễm môi trường tại đô thị nói chung và tại HN nói riêng hiện nay?

- Để đánh giá toàn diện mức độ ô nhiễm, cần nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau. Theo tôi, mấu chốt vấn đề là một bộ phận lớn dân cư hiện nay xem việc xả thải ra môi trường là một thói quen khó bỏ hằng ngày, chấp nhận sống chung với rác. Trung bình hằng ngày mỗi người dân thải ra khoảng 2kg rác.

Với mật độ dân cư như hiện nay thì rác thải đã trở nên quá tải tại nhiều khu vực đô thị, đặc biệt là HN. Một khi đã trở thành thói quen thì việc thay đổi hành vi nhằm cải thiện môi trường không phải là điều dễ dàng thực hiện. Dù có cấm hay phạt thì từ bỏ thói quen vẫn cần quá trình nhất định. 

Theo ông, những năm gần đây, HN đã có sự giảm thiểu ô nhiễm rõ nét hơn?

- Đối với HN, theo tôi hiện tại vẫn chưa có đột phá rõ nét về giảm ô nhiễm. Với tốc độ phát triển kinh tế hiện nay, nếu không theo kịp cải thiện môi trường thì khó lòng đáp ứng được giảm thiểu ô nhiễm. Ngân hàng Thế giới kiểm định và đánh giá nếu GDP tăng trưởng gấp đôi thì khả năng ô nhiễm tăng lên gấp 3 - 5 lần.

Chúng ta cần nhìn nhận khách quan ngay tại HN: Trong 10 năm qua, GDP HN tăng trưởng gấp đôi, thế nhưng việc cải thiện môi trường có được đầu tư gấp 4 lần so với cách đây 10 năm chưa? Rõ ràng Nhà nước vẫn chưa có đầu tư thỏa đáng cho việc cải thiện môi trường. Để nhìn thấy được hiệu quả, cần đột phá về cả tổ chức và đầu tư như đầu tư tài chính, trang thiết bị, nhân lực và hành lang pháp lý.

Thực tế nhiều năm qua, Nhà nước đã có không ít chính sách, quy định liên quan đến bảo vệ môi trường, tuy nhiên không đạt kết quả như mong đợi. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?

- Vì thay đổi thói quen là điều không hề dễ dàng nên cần có sự kiên trì, đồng thời phải có sự vào cuộc của nhiều yếu tố, chứ không chỉ đơn thuần kêu gọi ý thức người dân. Ví dụ như quy định cấm sử dụng pháo nổ, thời gian thực hiện đã hơn 15 năm rồi. Phải mất cả một quá trình để người dân nhận thấy những tác hại không nhỏ của pháo, ảnh hưởng đến sức khoẻ, gây ô nhiễm môi trường, kinh tế tổn hao...

Tôi cho rằng chính sách quy định thì nhiều, nhưng quan trọng là việc tổ chức thực hiện như thế nào mới là mấu chốt. Việc thay đổi thói quen gây ô nhiễm môi trường của người dân phải là quá trình, thực hiện liên tục, rút kinh nghiệm liên tục, kết hợp giữa các biện pháp hành chính với khuyến khích động viên.

Nếu thay đổi thói quen cần một quá trình thì liệu các chế tài xử phạt hành chính có phải là biện pháp trước mắt không, thưa ông?

- Theo tôi, nhất thiết phải có các chế tài quy định xử phạt cụ thể, trực tiếp là phạt "nóng" bằng tiền đối với các hành vi thiếu ý thức, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến môi trường sống. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp trước mắt, nếu cứ phạt vài trăm nghìn, thậm chí tiền triệu mà sạch được rác thì ta đã triển khai từ lâu.

Song song với cơ chế đó cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như truyền thông, đưa vào hành lang pháp lý, quản lý theo chính quyền... một cách tìm tòi, động não. Quan trọng là phải có đầu tư thỏa đáng. Các quy định, các cuộc vận động bảo vệ môi trường như cách làm hiện tại vẫn chỉ là hời hợt, "đánh trống bỏ dùi", tốn kém mà lại thiếu hiệu quả. 

Xin cảm ơn ông!

 
Dương Hà thực hiện
(Lao Động, 19/1/2010)

Lượt xem : 1929