Chủ động đảm bảo An ninh Môi trường cho Phát triển Bền vững đất nước
10/20/2015 10:00:00 AM
(VACNE) - Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam tổ chức thu thập ý kiến góp ý cho Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XII của các chuyên gia của Hội. Xin giới thiệu ý kiến của PGS. TS Nguyễn Đình Hòe, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Phản biện xã hội, Tổng Thư ký Hội.
An ninh Môi trường (ANMT) - thuộc nhóm An ninh Phi truyền thống. Báo cáo Thiên niên kỷ của Hội đồng Châu Mỹ của LHQ xác định ngắn gọn và rõ ràng về ANMT: “ANMT là việc đảm bảo an toàn trước các mối nguy hiểm môi trường sinh ra do sự yếu kém trong quản lý hoặc thiết kế, và có nguyên nhân trong nước hay xuyên quốc gia” [i]. Thế giới đã có trên 50 năm nghiên cứu vấn đề này. ANMT ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức mặc dù nội hàm ANMT cũng đã được dưa vào Luật BVMT 2014. ANMT ở Việt Nam đang bị xâm hại do hành động bất cẩn của chính chúng ta và do các yếu tố quốc tế mà chúng ta chưa hiểu biết đủ mức. Cần phải coi xâm phạm ANMT là một kiểu diễn biến hòa bình, bởi vì trên thế giới những bất ổn và xung đột thậm chí chiến tranh ở nhiều nơi đều có thể xuất phát từ lý do suy thoái, hủy diệt, tranh chấp môi trường và tài nguyên.
Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng XII dành khoản c mục 2 phần II cho các chỉ tiêu của Bảo vệ Môi trường trong 5 năm tới, dành phần IX cho các vấn đề Tăng cường quản lý Tài nguyên, Bảo vệ Môi trường. Tuy nhiên các phân tích và định hướng này mới chỉ đề cập đến các vấn đề ứng phó với ô nhiễm và suy thoái môi trường trong nước, chua đề cập đến những vấn đề môi trường xuyên biên giới đặc biệt trên bình diện An ninh Môi trường.
1. Một số vấn đề ANMT bức xúc nhất hiện nay ở nước ta
1.1. Mất ổn định xã hội do biến đổi khí hậu
Biến động môi trường liên quan đến biến đổi khí hậu có rất nhiều khả năng dẫn đến tình trạng tị nạn môi trường.Thiên tai cùng với những đe dọa từ biến đổi khí hậu đang đẩy những người sống dựa vào thiên nhiên đến tình trạng nguy hiểm. Những người sống phụ thuộc trực tiếp vào nông nghiệp (nông dân trồng lúa) đặc biệt dễ bị tổn thương khi những trận lụt, nhiễm mặn và hạn hán liên tiếp phá hoại mùa màng. Trước nguy cơ này, người dân Đồng bằng Sông Cửu Long thích nghi bằng nhiều cách khác nhau. Một trong những cơ chế thích nghi là di cư. Có hai hướng di cư chính: di cư ra vùng đô thị đang phát triển mạnh và di cư sang Campuchia.Việc thiếu các nguồn sinh kế thay thế, việc khó kiếm sống trên mặt nước ngập, cùng với những món nợ ngày càng tăng có thể góp phần đưa đến các quyết định di cư hàng loạt ở Đồng bằng Sông Cửu Long[ii].
1.2.An ninh nguồn nước đang bị đe dọa
Lượng nước hàng năm của Việt nam có được là khoảng 850 tỷ m3, trong đó khoảng 500 tỷ m3 là nước quá cảnh từ nước ngoài chảy về. Hiện nay chúng ta đã sử dụng khoảng 400 – 450 tỷ m3 mỗi năm. Điều đó cho thấy chúng ta đang phụ thuộc vào nguồn nước chảy từ nước ngoài đến. Các nước trên thượng nguồn các dòng sông xuyên biên giới hiện đang tích cực đắp đập giữ nước thậm chí chuyển nước sang các dòng sông khác của họ. Nếu như thiếu nước, chúng ta sẽ không thể phát triển được chưa nói là phải nhượng bộ các quốc gia trên thượng nguồn về nhiều mặt để có nước. Hiện nay, lưu vực sông Mekong trên thượng nguồn đang bị các nước ven sông băm vụn. Ngoài 8 con đập thủy điện trên thượng lưu do Trung Quốc đã và đang xây dựng, còn 70 con đập lớn nhỏ đã, đang và sẽ được dựng lên trên dòng nhánh Mekong thuộc lãnh thổ Lào (chưa kể đến Thailand và Việt Nam) và 11 con đập lớn trên dòng chính đang được gấp rút triển khai. Đầu tháng 9/2015, Chính phủ Lào đã chính thức thông qua dự án thủy điện gây tranh cãi Don Sahong trên sông Mekong, gần biên giới với Campuchia. Vấn đề sẽ trở nên rất khác nếu sau Don Sahong, có thêm nhiều con đập nữa được dựng lên trên dòng chính, và vào mùa khô (theo kế hoạch là 9 con đạp nữa nằm trên lãnh thổ Lào; Campuchia cũng có kế hoạch xây dựng hai đập thủy điện trên dòng chính là Stung Treng và Sambor), nếu mỗi con đập chỉ cần tích nước trong 3 ngày thì độ trễ thủy văn có thể lên đến cả tháng trời. Khi đó rất khó có thể lường hết các tác động tiêu cực cho khu vực ĐBSCL trên nhiều phương diện [iii].
1.3. Ô nhiễm và sự cố môi trường xuyên biên giới chưa thể kiểm soát
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ 2003 đến nay, đã phát hiện gần 3.000 container chứa hàng chục nghìn tấn ắc-quy chì phế thải và chất thải công nghiệp các loại nhập trái phép vào các cảng khu vực Hải Phòng dưới danh nghĩa “phế liệu”. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc nhập khẩu phế liệu có trộn lẫn rác thải công nghiệp về các cảng diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để răn đe, phòng ngừa và xử lý.
Đông và Đông Nam Trung Quốc được xem là nguồn gây ô nhiễm khí xuyên biên giới đến Miền Bắc nước ta. Vào mùa đông, ô nhiễm không khí từ Trung Quốc ảnh hưởng đến Việt Nam có thể tới 55% đối với SO2, 48% đối với NO2 và 30% đối với CO [iv].
Sông Hồng là dòng sông xuyên biên giới lớn nhất phía Bắc, có diện tích lưu vực 169 nghìn km2, trong đó 48% diện tích ở phía Trung Quốc chiếm 39% tổng lượng nước. Phía thượng nguồn Trung Quốc có hơn 50 hồ đập, trong đó có 19 đập thủy điện lớn ví dụ Madushan (Mã Đổ Sơn) với chiều cao thân đập là 105 m và chứa khoảng 551 triệu m3 nước. Ở nhánh sông nối với sông Hồng chảy qua địa phận Lào Cai có 2 đập thủy điện lớn với dung tích khoảng 800 triệu m3. Ngoài việc thông báo lưu lượng nước theo thời gian quy ước giữa Việt Nam và Trung Quốc, phía Trung Quốc không cung cấp thông tin về xả lũ, vận hành hồ thủy điện. 7 giờ sáng ngày 11/10/2015 nước trên sông Hồng đoạn chảy TP.Lào Cai (tỉnh Lào Cai) bất ngờ cuồn cuộn dâng cao do phải tiếp nhận lượng nước xả lớn từ bên kia Trung Quốc. Đến 11 giờ cùng ngày, mực nước đo được tại TP.Lào Cai là 81,03 m, vượt mức báo động 1,03 m. Đây là trận lũ lớn nhất trên sông Hồng ở Lào Cai tính từ đầu năm 2015 khi biên độ lũ đạt mức 3,62 m và cường suất lũ đạt tới 0,85 m/giờ. Lượng nước xả được phía Trung Quốc thông báo trước lên tới 2.500 m3/giây, ở vị trí cách TP.Lào Cai khoảng 100 km. Nước lũ bất ngờ đã cuốn trôi tàu thuyền nhỏ neo đậu tại ven sông Hồng, đặc biệt là tại khu vực A Mú Sung, H.Bát Xát có một số tàu cá cỡ nhỏ của người dân bị đứt dây neo, chìm đắm. Nhiều diện tích hoa màu ven sông bị dòng nước nhấn chìm. Còn tại TP.Lào Cai, người dân vớt được một số tàu thuyền khai thác cát, chở hàng từ bên kia biên giới trôi dạt sang. Với lượng xả 2.500 m3/giây, nếu trong mùa mưa khi sông Hồng đầy nước sẽ rất nguy hiểm cho phía VN[v].
1.4. Nghèo đói do môi trường gia tăng
Suy thoái môi trường và tài nguyên là một lý do của nghèo đói. Hiện chưa có thống kê tách bạch là trong số người nghèo Việt Mam có bao nhiêu % là do môi trường suy thoái. Tuy nhiên những vấn đề về nghèo do khô hạn và lũ lụt miền Trung, do khô hạn và nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, do nông dân mất đất, do ngư trường xuống cấp,… là điều không cần bàn cãi. Chỉ tính riêng vụ đông xuân 2010 đã có đến 620.000 ha đất ở Đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn. Ngư trường xuống cấp cùng với việc mất an ninh ở Biển Đông do tranh chấp đã làm số ngư dân bỏ nghề không ít. Những người sống phụ thuộc trực tiếp vào nông nghiệp (nông dân trồng lúa) đặc biệt dễ bị tổn thương khi những trận lụt, nhiễm mặn và hạn hán liên tiếp phá hoại mùa màng. Trong tương lai, cứ mười người Việt Nam lại có một người phải đối mặt với nguy cơ mất chỗ ở khi mực nước biển dâng tại châu thổ sông Cửu Long [vi].
1.5. Các hệ sinh thái san hô ở Biển Đông đang bị Trung Quốc hủy diệt
Từ tháng 12/2013 đến nay, Trung Quốc đã xây dựng, cải tạo tổng cộng tới 1.200ha diện tích các đảo, rạn san hô ở Biển Đông và còn phá hủy nhiều ngàn hecta rạn san hô, thảm cỏ biển và các hệ sinh thái biển nông khác để lấy làm vật liệu tôn tạo các ‘đảo nhân tạo’ trên. Phần lớn các hoạt động trên diễn ra ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam (gồm Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, Đá Tư Nghĩa, bãi Gạc Ma, Cụm Đá Gaven, Đá Châu Viên và Đá Subi).. Kể từ năm 2010, trữ lượng thủy sản ở quần đảo Trường Sa và vùng phía Tây của Biển Đông đã giảm tới 16%. Các hoạt động cải tạo, bồi đắp đảo của Trung Quốc phá vỡ sự phân bố của ấu trùng hoặc trứng cá đã phát triển, không chỉ làm thay đổi cấu trúc và chức năng tự nhiên vốn có của các bãi cạn, các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa, mà còn cắt đứt mối liên kết sinh thái giữa quần đảo này với phần còn lại của Biển Đông. Điều này gây ảnh hưởng rộng hơn đến khả năng cung cấp dinh dưỡng, nguồn giống và nguồn lợi thủy sản cho phần lớn Biển Đông và các vùng biển phụ cận của các quốc gia trong khu vực. Việc làm này ban đầu đã gây thiệt hại đến 400 triệu USD cho các quốc gia ven Biển Đông, bao gồm cả Trung Quốc [vii].
Cho đến gần đây, các rạn san hô ven bờ ở các tỉnh miền Trung nước ta thường được bảo tồn nhờ nguồn giống san hô do các dòng biển từ Trường Sa mang đến. Điều đó giúp nuôi trồng và đánh bắt thủy sản ven biển phát triển mạnh và là nguồn lực xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế quan trong. Phá hủy các hệ sinh thái rạn san hô ở Trường Sa rất có thể khiến cho các rạn san hô ven biển Trung bộ và nghề thủy sản nơi đây sẽ đối mặt với sự sụp đổ.
2. Đề xuất với Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng XII
Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng không thể dành quá nhiều nội dung cho môi trường. Vì vậy trong lĩnh vực An ninh Môi trường, tác giả chỉ để nghị trong báo cáo cần đưa thêm 1 ý gồm 15 chữ : “Chủ động đảm bảo An ninh Môi trường cho Phát triển bền vững đất nước”, vào khoản 6, mục 2, phần II: như sau:
II- Mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016 - 2020
2- Mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong 5 năm tới
(6) Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, chủ động đảm bảo An ninh Môi trường cho Phát triển bền vững đất nước.
Chú thích:
[i] Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh,An ninh Môi trường . NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2012
[ii] Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh. Biến đổi khí hậu và an ninh quốc gia. Kỷ yếu Hội thảo BĐKH toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam, Hà Nội, 26-29/2/2008
[iii] Trần Văn Tuấn (16/9/2015) Đã đến lúc nước tắm cũng không còn, đừng nói lũ. http://m.vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/261840/den-luc--nuoc-tam-cung-khong-con--dung-noi-lu-.html
[iv] Dương Hồng Sơn, Lê Ngọc Cầu, Lê Văn Quy, Lê Văn Linh. Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí xyên biên giới đến miền Bắc Việt Nam. Kỷ yêu Hội nghị Môi trường toàn quốc lấn IV, Hà Nội 29 -30/9/2015
[v] Thanh niên (12/10/2015). Trung Quốc xả lũ, nước sông Hồng vượt mức báo động
http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/trung-quoc-xa-lu-nuoc-song-hong-vuot-muc-bao-dong-619440.html
[vi] Nguyễn Ngọc Sinh và Nguyễn Đình Hòe, 10 cảnh báo về An ninh Môi trường Việt Nam . Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ KH và ĐT) số 9+10/2012
[vii]Nguyễn Chu Hồi (10/8/2015). Nhiều học giả lên án Trung Quốc xâm lược môi trường.http://infonet.vn/nhieu-hoc-gia-len-an-trung-quoc-xam-luoc-moi-truong-bien-post171028.info
PGS.TS. Nguyễn Đình Hòe
Lượt xem : 2302