Vietnamese English
Chống hạn, mặn ở ĐBSCL: “Đừng hy vọng để rồi thất vọng” (Phần cuối)

4/5/2016 9:04:00 AM

(VACNE) - Không phải cứ ký hiệp định là phải làm theo, đâu cứ nhất thiết phải trồng lúa

Không phải cứ ký hiệp định là phải làm theo

Thông tin ông vừa nêu liệu có làm cho người dân vùng khô hạn thấy buồn?

Không nên gây tâm lý trông chờ vào nguồn nước xả từ đầu nguồn, bởi trông chờ như thế là sai, không nên. Đương nhiên việc xả nước như thế là tốt cho tình hình chung ở các quốc gia hạ du khác liên quan. Hợp tác trong quản lý tổng hợp, phát triển, sử dụng hợp lý, công bằng nguồn nước quốc tế là việc làm cần thiết, nhất là trong phòng chống thiên tai. Việc xả nước của Trung Quốc sẽ đem lại hiệu quả rất khác nhau với từng quốc gia hạ du, nhưng riêng với ĐBSCL thì không nên hy vọng nhiều.

Hiện có quy định nào về việc sử dụng tài nguyên nước ở những dòng sông chảy qua nhiều nước?

Trong hiệp định Mê Kông 1995 cũng có các quy định chung về việc sử dụng nguồn nước. Tôi cho rằng, Trung Quốc xả nước là xuất phát từ việc hợp tác, giúp đỡ. Việt Nam cũng vừa mới ký Công ước về luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích giao thông thủy. Tuy nhiên, không phải cứ ký kết hiệp định là phải làm theo, việc khai thác sử dụng sao cho công bằng, bền vững cũng là những vấn đề của các nước ven sông, hơn nữa cũng không có các quy định bắt buộc.

Và như ông vừa nói việc trông chờ nguồn nước này về đến ĐBSCL cũng chẳng có nhiều ý nghĩa?

Nước có về đến nơi thì hầu hết các vùng canh tác lúa, hoa màu đã bị mặn rồi, bị thiệt hại gần hết rồi. Trước tình hình hạn hán thiếu nước và xâm nhập mặn nghiêm trọng hiện nay, rõ ràng ta cần phải tính toán đến những tác động mọi mặt của chuỗi các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông và phân tích tính hiệu quả của các công trình thủy lợi ngọt hóa vùng ven biển, việc mở rộng diện tích lúa ba vụ… cũng như các giải pháp hiệu quả để trữ nguồn nước ngọt để đủ khả năng chống hạn, giảm mặn khi xảy ra các trường hợp thời tiết - khí hậu - tài nguyên nước cực đoan ở ĐBSCL.



Đâu cứ nhất thiết phải trồng lúa

Với thực trạng nghiêm trọng như thế thì giải pháp nào cho khô hạn, mặn ở ĐBSCL hiện nay?

Trước mắt các địa phương và mỗi gia đình phải tìm cách tận dụng, khai thác, sử dụng hợp lý các nước ngọt để phục vụ đời sống, sinh hoạt cho người dân vùng nước nhiễm mặn. Nên cân nhắc việc khai thác sử dụng nguồn nước ngầm khá phong phú ở ĐBSCL để đảm bảo cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ người dân khoan giếng, tìm các nguồn nước ngọt. Đồng ruộng bị nhiễm mặn thì khó cải thiện, chỉ có thể đưa nước ngọt vào nhằm giảm độ mặn để có thể canh tác trong thời gian tới.

Về lâu dài thì có giải pháp nào?

Cần có các công trình giảm xâm nhập mặn, rà soát lại quy hoạch thủy lợi, cung cấp nước từ trước đến nay để những nơi định lấy nước cung cấp cho nông nghiệp phải chú ý đến nguồn nước ngọt. Tìm cách trữ nước ngọt vào những nơi có thể tích trữ như lu, bể, ao hồ; xây dựng những hồ chứa cỡ lớn để điều tiết nước vào mùa lũ, tích nước để sử dụng vào mùa khô; cần giải pháp hiệu quả để trữ nước ngọt trong mạng lưới sông, kênh rạch dày đặc ở phần đầu nguồn của sông Cửu Long. Rộng hơn là cần có các biện pháp công trình, xây dựng các khu chứa nước ngọt lớn đảm bảo đủ nước, không bị mất an ninh về nước khi xảy ra thiên tai hạn hán thiếu nước.

Có ý kiến cho rằng nên chăng thay vì chờ nguồn nước mỏi mòn thì thay đổi chính tập quán canh tác, nghĩ cách để sử dụng được đất khô hạn, đất xâm nhập mặn?

Đó cũng là một cách để đối phó và thích ứng với tự nhiên, hài hòa với tự nhiên, chắc chẳng ai chung sống với hạn được. Ở ĐBSCL do điều kiện tự nhiên, có vùng đất chủ yếu chịu tác động của nước mặn ven biển, vùng bị nước lợ, vùng nước ngọt. Nhưng trước tới nay, do nhiều lý do khác nhau, đã có thời kỳ dài ta luôn muốn ngọt hóa vùng mặn để trồng lúa nên luôn phải chống xâm nhập mặn, nhưng có lẽ đã đến lúc có cách nào đó cần rà soát lại quy hoạch phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL, sao cho hài hòa với điều kiện tự nhiên, nhất là điều kiện nguồn nước ở đây.

Nghĩa là có thể sẽ không trồng lúa ở ĐBSCL nữa?

Đâu phải chỗ nào cũng cần trồng lúa, có những cây, con khác cũng đem lại giá trị kinh tế cao lại cần ít nước, chúng ta nên tính đến việc chuyển đổi. Trồng lúa phải sử dụng rất nhiều nước ngọt, nếu ở vùng thiếu nước ngọt thì chắc chắn là sẽ phải đối mặt thường xuyên với thiếu nước và xâm nhập mặn. Chính cách sống, cách canh tác không hài hòa với điều kiện tự nhiên đã trói chúng ta trong vòng luẩn quẩn “hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn” hết năm này đến năm khác và ngày càng trầm trọng hơn trong điều kiện ĐBSCL chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Đó là tại chính chúng ta.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tô Hội (thực hiện)


TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu cho rằng, việc Việt Nam đề nghị Trung Quốc xả 2.300m3/s liên tục trong 7 ngày mỗi đợt là không thực tế. Bởi hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc có dung tích hoạt động tối đa là 249 triệu m3 nước. Do đó, nếu xả theo yêu cầu của Việt Nam là tối thiểu 2.300 m3/s thì chỉ sau 30 giờ là cạn hồ. Kể cả khi nước có về tới ĐBSCL thì cũng không đem lại hiệu quả bởi lẽ ở thời điểm hiện tại, các vùng canh tác lúa và màu hiện nay ở ven biển đã bị thiệt hại gần hết rồi, đưa nước vào chẳng cứu được bao nhiêu và không còn ý nghĩa nữa.


 

Lượt xem : 4830