Vietnamese English
Chống hạn, mặn ở ĐBSCL: “Đừng hy vọng để rồi thất vọng”

4/4/2016 10:19:00 AM

(VACNE, 4/4/2016) - Hiện nay, dư luận xã hội đang tỏ ra lạc quan về động thái xả nước thủy điện của các nước khu vực thượng nguồn sông Mê Kông. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn báo Khoa học & Đời sống của PGS.TS Lê Bắc Huỳnh, Tổng thư ký Hội BVTN&MT Việt Nam.





 

Đừng quá trông chờ vào việc xả nước đầu nguồn

Theo TS Lê Bắc Huỳnh, tình trạng hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) một phần là do thiên tai, việc khắc phục thế nào, về lâu dài phải tính đến các giải pháp căn cơ. Việc Trung Quốc xả nước thủy điện là đáng hoan nghênh, nhưng thực tế việc xả nước này không có nhiều ý nghĩa trong việc giải quyết hạn, mặn ở ĐBSCL.

 

Khó cứu

Vùng ĐBSCL đang đối mặt với trận khô hạn nặng nề nhất trong 100 năm qua. Đã có ít nhất 8 tỉnh công bố thiên tai xâm nhập mặn, khô hạn. Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng của ĐBSCL, ngày 7/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị nước này có biện pháp hỗ trợ gia tăng lưu lượng xả nước từ Thủy điện Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc) để khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại một số tỉnh của Việt Nam. Theo ông, giải pháp này có khắc phục được tình trạng hạn, mặn ở ĐBSCL?

Việc Trung Quốc xả nước thủy điện để cứu hạn cho các quốc gia vùng hạ du là việc làm rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, ở ĐBSCL Việt Nam, nếu chỉ trông chờ vào việc xả nước này thì cũng không nên vì lượng nước xả này dù khá nhiều, nhưng khó có tác dụng bởi nước phải chảy theo hệ thống sông Mê Kông trên một đoạn khá dài, trên 2200km, phải mất 30-40 ngày mới về đến Việt Nam khi đó thì liệu có giúp ích gì không? Trong khi Thái Lan, Lào, Campuchia cũng đang phải đối mặt với hạn hán rất nghiêm trọng. Việc xả nước đó liệu có giải quyết được tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn hiện nay và trong tháng sau hay không? Tôi nghĩ là không.

Liệu diễn biến của thiên tai trong những ngày tới sẽ thế nào?

Hiện tượng El Nino sẽ có khả năng kết thúc vào tháng 6 năm 2016. Đây là hiện tượng thường gây thiên tai hạn hán thiếu nước ngọt nghiêm trọng ở vùng Đông Nam Á, trong đó có nước ta. Lượng mưa trong cuối tháng 3 và trong tháng 4, nếu có, sẽ rất không đáng kể và không đủ bù vào lượng bốc thoát hơi do trời tiếp tục nắng nóng. Các đợt triều cường trong tháng này và tháng sau sẽ làm tình trạng xâm nhập mặn càng nghiêm trọng hơn, mặn sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ nhất.

Lượng nước mà Trung Quốc xả từ nhà máy thủy điện cũng khá lớn liệu có khắc phục được phần nào?

Theo thông báo từ phía nước Trung Quốc thì lượng nước xả là 2190 mét khối/giây, lượng nước xả như vậy, nếu đúng thực tế thì là lượng nước khá lớn, nhưng ta thì không có thông tin dữ liệu để giám sát. Với khoảng gần 5 tỉ mét khối, tôi cũng không hiểu người ta lấy lượng nước ấy ở đâu vì hồ chứa Cảnh Hồng, điểm cuối cùng trong chuỗi hồ chứa của Trung Quốc trên sông Lan Thương (đầu nguồn sông Mê Kông) là không đủ để xả. Rồi nước trong Biển Hồ ở Campuchia hiện nay đang ở mức rất thấp, nước sông Mê Kông nếu có nhiều thì cũng chủ yếu phải chảy trước hết vào Biển Hồ, chỉ còn một phần nhỏ sẽ chảy về ĐBSCL.

 
(Còn nữa)

Lượt xem : 4759