Vietnamese English
Chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện

8/7/2013 2:48:00 PM

(VACNE)- Ngày 7/8, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học Công nghệ&Môi trường của Quốc hội tổ chức hội thảo “Chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện”

 
 
 
PGS.TS Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng kiêm Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên&Môi trường), nhận xét giai đoạn 2005 – 2013 được coi là giai đoạn thành công trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, được đánh dấu đầu tiên bằng việc Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ Môi trường 2005, thay thế Luật 1993 với rất nhiều quy định mới được bổ sung. Song song đó là quá trình xây dựng và ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật, tạo nên một hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng toàn diện và đồng bộ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước.
 
“Về cơ bản đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tương đối đầy đủ và đồng bộ, có những quy định cụ thể, chi tiết đối với từng ngành, từng lĩnh vực, địa bàn, khu vực, tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho công tác quản lý của nhà nước về bảo vệ môi trường trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế”, ông Tuyến đánh giá.
 
Tuy nhiên, qua triển khai trong thực tế, một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi tường 2005 đã bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn đòi hỏi phải sớm có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời; tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ hoặc ban hành theo thẩm quyền còn chậm. Việc áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường chưa được đặt ra một cách tích cực.
 
Từ những yêu cầu thực tiễn, Quốc hội lập kế hoạch xây dựng Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi nhằm từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
 
Theo GS.TS Nguyễn Đình Tấn, Chủ tịch Hội Xã hội Học Việt Nam, quản lý nhà nước về môi trường đòi hỏi nhà nước phải đóng vai trò của “người nhạc trưởng”; phải xây dựng, nắm vững và sử dụng một cách linh hoạt, hiệu quả hệ thống các công cụ chính sách, bao gồm các văn bản pháp luật, các kế hoạch hành động, hướng tới phát triển bền vững.
 
Tin và ảnh: Mai Anh
 
 

Lượt xem : 6752