Chính sách giảm thiểu ô nhiễm không khí
1/22/2022 8:44:00 AM
Dù muộn thì sự ra đời của những chính sách giảm thiểu ô nhiễm không khí hiệu quả dựa trên bằng chứng khoa học vẫn đang được cộng đồng đón chờ. Dù nghiên cứu nào rồi cũng có hàm ý chính sách nhưng không dễ để các nhà quản lý tìm thấy nó giữa rất nhiều kết quả, số liệu rồi đồng thuận đưa những khuyến nghị ấy vào các chính sách quản lý môi trường.
Hà Nội ô nhiễm nhiều trong các tháng 1, 2 và 11, 12 hằng năm. Nguồn: TTXVN.
Rải rác từ nhiều năm nay, một số kết quả rút ra từ các nghiên cứu do các nhà nghiên cứu Việt Nam thực hiện về tác động của ô nhiễm không khí, đặc biệt là hạt bụi ở các phân khúc kích thước khác nhau, lên sức khỏe con người đã được xuất bản quốc tế.
Phần lớn các nghiên cứu này đều tập trung vào đánh giá tác động của bụi PM2.5, hạt bụi có kích thước rất nhỏ mà cơ thể con người chưa có cơ chế đào thải và khi xâm nhập qua đường hô hấp, nó có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tăng áp lực lên hệ thống tim mạch…, trên những nhóm dễ bị tổn thương bởi hệ miễn dịch chưa đầy đủ hoặc đã bị suy giảm như trẻ em và người già.
“Hạt bụi càng nhỏ thì càng độc hại”, TS. Lê Hữu Tuyến, nhà nghiên cứu về các hợp chất hữu cơ trong hạt bụi ở ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, cho biết như vậy vào tháng 10/2019 khi đề cập đến nguy cơ rủi ro ung thư của các loại hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs) trong mẫu bụi PM2.5 và PM10 ở Hà Nội.
Do được công bố một cách rải rác và đơn lẻ, người ta khó hình dung ra được một bức tranh toàn cảnh về những nguy cơ rủi ro mà ô nhiễm không khí có thể gây ra cho các cá nhân và cộng đồng. “Có lẽ, đây là một phần lý do khiến các khuyến nghị về tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe ít được người dân cũng như chính quyền quan tâm”, một nhà nghiên cứu kỳ cựu ở ĐHQGHN, nhận xét.
Dường như, tình hình đã có phần thay đổi khi báo cáo “Tác động ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 đến sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019” được giới thiệu tại một hội thảo online vào tháng 8/2021. “Những việc chúng ta đang làm ngày hôm nay thì nhiều quốc gia trên thế giới họ đã làm từ mấy chục năm trước rồi. Hiện giờ, chúng ta mới bắt đầu đủ điều kiện xem xét sự ảnh hưởng để tiến tới áp dụng các biện pháp can thiệp”, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung (ĐH Y tế công cộng), một trong số các tác giả thực hiện báo cáo, cho biết như vậy sau hội thảo.
Bắt đầu từ đâu?
Để có cái nhìn tổng thể về đánh giá tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe, câu chuyện sẽ không chỉ dừng ở Hà Nội, một trong hai đô thị lớn nhất nước và không hẳn là nơi ô nhiễm bụi PM2.5 hàng đầu Việt Nam. Trong bản đồ nồng độ bụi PM2.5 mà PGS. TS Nguyễn Thị Nhật Thanh (ĐH Công nghệ, ĐHQGHN) công bố vào tháng 12/2021 thì vùng đỏ với nồng độ ô nhiễm lên tới 35,8μg/m3 tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng và vùng lân cận, ngoài Hà Nội có Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định…
Nếu nồng độ bụi PM2.5 ở các nơi đó cao hơn Hà Nội thì gánh nặng bệnh tật sẽ như thế nào? Liệu có thể ngoại suy từ kết quả của Hà Nội? Câu trả lời là không bởi điều kiện địa lý, điều kiện môi trường, tổng diện tích, dân số, mật độ dân số… của mỗi tỉnh đều rất khác nhau. Sau khi đã thực hiện báo cáo ước lượng gánh nặng bệnh tật do phơi nhiễm bụi PM2.5 cho Hà Nội, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung cho rằng “nếu như có được nhiều dữ liệu hơn thì tôi nghĩ là không chỉ đánh giá được cho Hà Nội mà còn triển khai cho tất cả các địa phương trên cả nước”.
Ở góc độ của người đã nắm chắc trong tay phương pháp và kinh nghiệm, chị còn nhìn thấy lợi ích xa hơn của một bức tranh toàn cảnh được thiết lập một cách bài bản và thống nhất: “Khi tất cả các đánh giá tác động của ô nhiễm không khí ở quy mô toàn quốc đều sử dụng cùng một phương pháp, một nguồn số liệu thống nhất và trong cùng một khoảng thời gian… để có được cả một bức tranh toàn diện về gánh nặng bệnh tật của toàn quốc và chúng ta có cơ sở để so sánh chúng với nhau”.
Theo lý giải của chị, sự thiếu đồng đẳng về số liệu và mỗi nơi làm theo một cách thì cuối cùng sẽ dẫn đến “bài toán của chúng ta không cùng một mẫu số và câu chuyện nó sẽ không đúng nữa”.
Là dự án đi tiên phong, báo cáo đánh giá tác động của bụi PM2.5 lên sức khỏe người dân Thủ đô thực hiện bằng kinh phí tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Tuy nhiên, để đánh giá cho các tỉnh thành ở Việt Nam, chúng ta không thể trông chờ sự tài trợ của quốc tế.
“Thông thường, để hoạch định chính sách thì ngay ở nước ngoài thì cơ quan quản lý sẽ đặt hàng các đơn vị nghiên cứu. Anh đã có phương pháp rồi, anh phải dùng kiến thức đó để phục vụ đời sống xã hội”, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung nói và cho biết thêm, hiện ở trong Nam ngoài Bắc đã có rất nhiều nhóm nghiên cứu đủ năng lực để có thể cùng nhau thực hiện các đánh giá như vậy.
Lợi ích lớn nhất mà một bức tranh toàn cảnh của Việt Nam với những thông tin ước tính về nguy cơ dẫn đến số ca tử vong sớm, số năm sống khỏe mạnh bị mất, nguy cơ nhập viện hằng năm về các bệnh tim mạch, viêm đường hô hấp… có thể đem lại sẽ là nguồn dữ liệu đầu vào và căn cứ để mở ra những nghiên cứu mới và gợi ý chính sách đi kèm.
Nhiều nhà nghiên cứu cùng cho rằng, nhóm nghiên cứu của mình đang mong muốn có được những thông tin hữu ích về tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe để tính toán đến rất nhiều khía cạnh khác nhau trong câu chuyện này: những lợi ích/thiệt hại về kinh tế nếu kiểm soát hay không kiểm soát được ô nhiễm không khí, những kịch bản về tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe trong tương lai, những nguy cơ rủi ro sức khỏe của các thành phần của hạt bụi hay của các chất ô nhiễm khác trong khí quyển…
Việc thực hiện những nghiên cứu như thế này cũng góp phần nâng năng lực của các nhà nghiên cứu Việt Nam. Có một điều dễ nhận thấy là lâu nay, Việt Nam vẫn kế thừa các mô hình của quốc tế. Trong trường hợp của nhóm nghiên cứu đánh giá tác động của bụi PM2.5 lên sức khỏe là mô hình ước lượng tử vong GEMM – một mô hình có các hàm về đánh giá phơi nhiễm có sự đóng góp của rất nhiều nhà khoa học thuộc nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có Trung Quốc và một phần của Ấn Độ.
“Nhưng Việt Nam chưa đóng góp gì vào mô hình GEMM bởi Việt Nam chưa thực hiện đánh giá tác động dài hạn nào để tự xây dựng hàm phơi nhiễm mang đặc thù của Việt Nam. Vì vậy, về lâu dài, Việt Nam cần xây dựng chiến lược để tiến hành các nghiên cứu đánh giá tác động dài hạn của ô nhiễm không khí lên sức khỏe để không chỉ có thông số chính xác hơn được tính toán từ hàm phơi nhiễm đặc thù mà còn có đóng góp cho cộng đồng quốc tế”, nhóm nghiên cứu đã nêu khuyến nghị như vậy trong hội thảo công bố kết quả.
Để người dân sốngkhỏe mạnh hơn
Tất cả các nghiên cứu như vậy, dù được thực hiện một cách đơn lẻ và tản mạn ở đâu đó mà chưa được phổ biến rộng rãi kết quả, cũng nhằm đến mục tiêu này. Nhiều nhà nghiên cứu không khỏi cảm thấy ưu tư khi nghĩ đến những hậu quả có thể đến trong tương lai, nếu tình trạng ô nhiễm không khí không được kiểm soát một cách rốt ráo, ít nhất là đảm bảo không vượt quá mức quy chuẩn Việt Nam.
“Báo cáo của chúng tôi về Hà Nội mới chỉ đề cập đến số năm sống khỏe mạnh bị mất mà chưa đả động đến những năm sống không khỏe mạnh”, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung cho biết.
Khi nói đến khoảng thời gian sống không khỏe mạnh với những hậu quả của ô nhiễm không khí, ắt hẳn người ta sẽ mường tượng đến một tương lai khi về già - với một cơ thể có hệ miễn dịch suy giảm, hệ hô hấp bị ảnh hưởng, nguy cơ ung thư vì sự phơi nhiễm dài hạn các thành phần mang độc tố của hạt bụi… - thì sẽ phải mất thêm tiền để chữa bệnh, nhập viện, chất lượng cuộc sống vì thế sẽ bị tác động không nhiều thì ít…
“Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam chúng ta là 75 nhưng tuổi thọ khỏe mạnh sẽ là bao nhiêu? Hãy thử tưởng tượng, nếu trong tương lai, số lượng những người về hưu chiếm 25% dân số, sức khỏe giảm sút vì nhiều nguyên nhân, trong đó có ô nhiễm không khí, và suốt ngày đi chữa bệnh thì giá trị mất đi là gì? Thuộc nhóm người không còn làm ra tiền, thậm chí phụ thuộc vào sự chăm sóc của con cháu, việc sống không khỏe mạnh lại càng thêm tốn kém tiền chữa bệnh. Đây cũng là bài toán của quốc gia vì nó gắn liền với an sinh xã hội”, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung nói.
Đặt câu chuyện ô nhiễm không khí vào bối cảnh rộng lớn hơn mà báo cáo “Thích ứng với một xã hội già hóa” (Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 10/2021) đề cập tới, khi Việt Nam chính thức ở thời kỳ dân số già, chúng ta mới thấy gánh nặng bệnh tật của người cao tuổi Việt Nam đã được dự báo và ô nhiễm không khí có thể “gia cố” thêm cho nó một khối lượng không nhỏ. Đó cũng là một thách thức với chính sách an sinh xã hội, cụ thể ở đây là sức ép lên hệ thống chi trả quỹ bảo hiểm và hưu trí vốn đã mất cân bằng cũng như chịu ảnh hưởng của lạm phát trong nhiều năm.
Trong các cuộc trao đổi với các nhà khoa học và cả Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam (VCAP) hay Live and Learn, tổ chức đã cùng các nhà khoa học nhiều năm triển khai các nghiên cứu về ô nhiễm không khí, có thể thấy mong ước lớn nhất của họ là thuyết phục được các nhà quản lý có những chính sách kiểm soát chất lượng không khí nói riêng và môi trường sống nói chung một cách quyết liệt hơn.
Việc đề ra những chính sách hiệu quả không chỉ làm giảm gánh nặng bệnh tật trong tương lai, mà còn đem lại ích lợi khác: “Việc giảm ô nhiễm không khí về lâu dài lại còn có thể giúp cho tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều công ăn việc làm mới hơn”, TS. Đặng Hoàng Hải Anh, một chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, đã từng viết như vậy trên Tia Sáng.
Làm gì để dẫn đến đổi thay?
Dù nghiên cứu nào rồi cũng có hàm ý chính sách nhưng không dễ để các nhà quản lý tìm thấy nó giữa rất nhiều kết quả, số liệu rồi đồng thuận đưa những khuyến nghị ấy vào các chính sách quản lý môi trường.
Trong một cuộc trao đổi vào năm 2017, TS. Nguyễn Anh Tuấn (Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) cho rằng “từ những công bố khoa học mang tính nhận biết và cảnh báo của các nhà khoa học đến việc xây dựng chính sách ở tầm quốc gia vẫn còn một khoảng trống ở giữa”.
Theo lý giải của anh, đó là những số liệu, bằng chứng mang tính thống kê, mang độ tin cậy cao vì “về nguyên tắc ban hành chính sách, nhà quản lý không chỉ dựa trên những số liệu được kiểm chứng mà còn tính được hiệu ứng tích cực mà các số liệu đó có thể mang lại”. Nếu sự tích cực nhiều hơn thì chính sách được ban hành mới đạt được hiệu quả.
Đó cũng là quan điểm của chị Lê Thanh Thủy, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT Hà Nội. Trong hội thảo công bố báo cáo “Tác động ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 đến sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019”, chị nhận xét, kết quả của báo cáo cần được đưa vào kế hoạch hành động để cải thiện chất lượng không khí của Thủ đô, do UBND thành phố Hà Nội giao cho Sở TN&MT phối hợp với các tổ chức xây dựng.
Tuy nhiên, chị lưu ý “cần kết hợp với sở Y tế Hà Nội đế đánh giá thêm tác động của các chất khác để đánh giá nguy hại tiềm tàng với sức khỏe, không riêng PM2.5” bởi trước khi triển khai chính sách, cần phải tính toán đến sự ủng hộ của cộng đồng, trong đó có cả việc định lượng sự ảnh hưởng đến kinh tế của ô nhiễm không khí, nhằm tăng thêm tính khả thi của chính sách ban hành.
Bản thân những người làm khoa học cũng tự hỏi chính mình “hiện kết quả nghiên cứu đã đủ để dẫn đến sự thay đổi của chính sách chưa?”. TS. Nguyễn Thị Trang Nhung thừa nhận, chị và đồng nghiệp cần có thêm nhiều kết quả nghiên cứu khác nữa. “Trong nghiên cứu này, do yêu cầu về thời gian và yêu cầu đặt hàng nên chúng tôi mới dừng lại ở đánh giá tác động của bụi PM2.5. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam cũng cần có đánh giá tác động lên sức khỏe của các chất khác nhau và theo đặc trưng ô nhiễm của từng địa phương trên toàn quốc để chúng ta có thêm bằng chứng cho việc xây dựng chính sách giảm thiểu ô nhiễm không khí một cách toàn diện hơn”, nhóm nghiên cứu nêu khuyến nghị tại hội thảo.
Tuy nhiên, khi nhìn vào bài học kiểm soát chất lượng không khí của quốc tế, những người làm nghiên cứu còn nghĩ đến cả những điều khác, ví dụ cần phải xây dựng những kịch bản đánh giá về tác động của ô nhiễm không khí với sức khỏe trong tương lai giống như các kịch bản biến đổi khí hậu.
Nếu triển khai đánh giá theo cách này cho nhiều vùng trên toàn quốc, ắt hẳn việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội của các vùng, các địa phương đó sẽ phải tính đến ô nhiễm không khí? “Lúc ấy, có thể chúng ta mới thấy được giá trị của những cánh rừng, những cây xanh hay khu vực sinh thái của nơi mình sống vì đó chính là nơi ‘gánh’ tải trọng ô nhiễm”, một nhà nghiên cứu về môi trường ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, dự báo.
Có lẽ, những nghiên cứu như vậy sẽ là cách dẫn đến những số liệu thuyết phục hơn. “Các kịch bản tương lai sẽ là cơ sở để chúng ta nhìn trước được tương lai, ví dụ Việt Nam sẽ có bao nhiêu ca bệnh, chi phí bảo hiểm khi đó có sẵn sàng? Và Việt Nam phải chuẩn bị ra sao cho tương lai đó?”, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung nói và đưa ra một viễn cảnh “Nếu chúng ta cứ tạo ra các nguồn phát thải từ công nghiệp, nhiệt điện than, giao thông… mà không có biện pháp kiểm soát hợp lý tại nguồn thì điều gì chờ đợi chúng ta ở tương lai, ngoài môi trường ô nhiễm, ca bệnh nhiều, người già bệnh tật…?”
Nếu không có sự chuẩn bị về chính sách, có lẽ, không ai muốn bước vào một tương lai như vậy.
(Theo Tiasang)
Lượt xem : 2189