Chim và người
5/28/2010 8:14:00 AM
Rất nhiều ngườiở Thủ đô Vientiane (Lào) và ở tỉnh Hải Dương tin rằng giữa các loài chim và con người có một mối liên hệ tâm linh chưa giải thích được. Câu chuyện về chùa Simuong ở Vientiane và về đảo cò Chi Lăng Nam (Hải Dương) minh họa cho niềm tin còn chưa được khoa học kiểm chứng đó. Câu chuyện càng có ý nghĩa hơn khi năm nay (2010) là năm Quốc tế về Bảo vệ Đa dạng sinh học do Liên hợp quốc khởi xướng.
Nguyễn Đình Hòe, VACNE
1.Con vạc ở chùa Simuong, Vientiane Lào
![](/Upload/image/Anh4/Chim1.jpg) |
Chùa Simuong ở Thủ đô Vientiane-Lào (1) |
Simuong là một trong những ngôi chùa có tầm quan trọng về văn hóa và lịch sử vào bậc nhất và cũng là ngôi chùa cổ nhất ở Vientinane. Chùa được dựng vào khoảng thế kỷXII – XIII và được trùng tu vào thế kỷ XVI. Những bà mẹ trẻ có bầu lần đầu (sinh con so) đều cố đến đây làm lễ để cầu được sinh nở mẹ tròn con vuông. Ngôi chùa tọa lạc ở ngã tư các con phố Sethathirat và Samsenethai tại nơi ngày nay vẫn được người Lào theo truyền thống gọi là “bản” Simuong thuộc quận Sisattanak,Thủ đô Vientiane,Lào. Trong chùa, các bức tranh Phật hiện diện khắp nơi. Ngày nào cũng gặp người địa phương và du khách vào chùa lễ Phật với các đồ cúng là hoa, nến, quả dừa, chuối. Trước bệ thờ, có một bức tượng giống như một bào thai, sau khi lễ Phật, bà mẹ tương lai bế bức tượng lên một cách âu yếm, hôn một cách kính cẩn rồi mới đứng dậy ra về.
![](/Upload/image/Anh4/Chim2.jpg) |
Tháp đá trong vườn chùa Simuong, nơi 1 con vạc đã đậu như tượng 10 năm nay (1) |
Theo tiếng Lào, muong có nghĩa là mẹ, Si là tên riêng của một người phụ nữ đã tự hiến sinh tại nơi sau này dựng chùa. Chùa Simuong có nghĩa là chùa Mẹ Si, còn được gọi tắt là chùa Mẹ.Truyền thuyết của Lào kể rằng vào thời gian Vientiane được khởi công xây dựng, khi viên đá móng đầu tiên được đặt, để cầu mong cho thành phố mãi trường tồn, dân địa phương đào một cái giếng, nguyện sẽ cúng thần linh một người và một con ngựa bạch. Sau khi thông tin chọn người tình nguyện hiến tế được ban ra, có một người phụ nữ đã mang thai 3 tháng tên là Si sống ở bản Xai ăn mặc đẹp đẽ đến nhìn xuống giếng 2 lần, lần thứ 3 bà nhẩy xuống giếng tình nguyện quyên sinh. Dân làng sau đó chôn xuống giếng thêm 1 con ngựa trắng. Bà Si được người địa phương gọi là mẹ Si. Giếng được lấp lại và tôn thành một ngọn tháp cao khoảng 10 m. Khu đất xung quanh sau này được xây một ngôi chùa thờ Phật – đó chính là chùa Simuong (1) .
Chuyện sẽ chỉ là cổ tích nếu chỉ có vậy. Nhưng điều ký lạ là từ 10 năm nay, có một con vạc đến đậu trên đỉnh ngọn tháp đá nơi bà Si yên nghỉ. Nó đứng yên như tượng. Nó ăn rất ít bằng những chú nhái kiếm được dưới chân ngọn tháp. Sau khi ăn, nó lại bước lên đỉnh tháp đứng yên bất động như tọa thiền. Những người đến lễ chùa rất thân thiện với con vạc này và rất tự hào vì nó. Ngày 30/4/2010 vừa qua khi đoàn tham quan của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đến viếng thăm chùa Simuong, con vạc vẫn đứng trên đỉnh tháp, thỉnh thoảng nghiêng mỏ như chào du khách.
![](/Upload/image/Anh4/Chim5.jpg)
Ảnh con vạc do Đoàn du lịch-khảo sát của VACNE chụp ngày 30/4/2010
2. Đảo cò Chi Lăng Nam, tỉnh Hải Dương
![](/Upload/image/Anh4/Chim3.jpg) |
Đảo cò Chi Lăng Nam, tỉnh Hải Dương (2) |
Vào khoảng thế kỷ XV vẫn chưa có đầm và đảo cò. Vùng Chi Lăng Nam là những cánh đồng trũng, ở giữa nổi lên một gò cao trên đó tọa lạc một ngôi chùa cổ. Một năm đê sông Luộc bị vỡ, nước xoáy tạo ra một đầm nước sâu đến vài chục met. Ngôi chùa chìm xuống đáy đầm. Hiện nay chỉ còn gặp phần cổng chùa với một cây đa cổ thụ, dưới gốc cây còn hai tấm bia đá cổ đã mòn hầu như không đọc được. Nhưng sau đó chim rải rác về. Khoảng chục năm trở lại chim về các hòn đảo trong đầm dày đặc. Ngày nay với diện hơn 3000m2, đảo cò được đón đến 15000 con cò, 5000 con vạc, ngoài ra còn chim chả, bói cá, quốc, cú mèo…tạo thành một sân chim rất nhiều loài. Đã kiểm kê được có đến 32 loài chim trong đó có 7 loài cò (cò trắng, cò bợ, cò diệc, cò lửa,cò nghênh ngang, cò ruồi,…) và 10 loài vạc (vạc xám, vạc sao, vạc lưng xanh,…). Chiều cò về thì vạc bay đi kiếm mồi, sáng vạc về thì cò lại bay đi.
Hiện nay đảo cò Chi Lăng Nam đã trở thành khu bảo tồn chim của tỉnh Hải Dương, nhưng lực lượng bảo vệ cò nhiều năm nay vẫn là người dân xã Chi Lăng Nam. Ông Nguyễn Thanh Tấn người địa phương nói rất tự hào: “ Đảo cò là điềm may của dân làng, từ khi cò về đông, trẻ nhỏ học hành tấn tới, người già ít đau ốm, nhà nào cũng ăn nên làm ra. Chúng tôi kiên quyết bảo vệ đảo cò” (2) .
Người Chi Lăng Nam nhân hậu. Họ yêu quý và tự hào vì đảo cò, Nhưng hình như đàn chim cũng rất yêu quý họ, chúng rất quen và rất dạn người.
3. Vĩ thanh
Không rõ người và chim có mối liên quan tâm linh gì không, nhưng chắc chắn chim rất thích những người nhân hậu như người dân Vientiane và Chi Lăng Nam.
Chú thích
Lượt xem : 1723