Vietnamese English
Chiến lược và quy hoạch phát triển Hà Nội: Cần thực tế nhưng phải lãng mạn

4/3/2010 8:13:00 AM

(HNM) - Xem xét bối cảnh chưa toàn diện, đề cập một số vấn đề còn mỏng, chưa có điểm nhấn, giải pháp chưa thuyết phục là một số những nhận định của các nhà khoa học về dự thảo Chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội tại hội nghị góp ý kiến diễn ra hôm qua 2-4. Lần đầu tiên, các nhà khoa học bày tỏ mong muốn các nhà hoạch định có đủ sự lãng mạn để định hướng phát triển cho Hà Nội.

 


 
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh phát biểu tại hội nghị.
Ảnh: Linh Tâm

Hà Nội phải có bản sắc riêng
Đây là hội nghị xin ý kiến các nhà khoa học về “Chiến lược phát triển KINH TẾ-XH Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050” (gọi tắt là Chiến lược) và “Quy hoạch tổng thể phát triển KINH TẾ-XH TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030” (gọi tắt là Quy hoạch) do Thường trực HĐND TP tổ chức, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh. Hai văn kiện này do Sở KH-ĐT TP phối hợp với Viện Chiến lược Bộ KH-ĐT thực hiện. Gần 30 nhà khoa học, nhà văn hóa và các chuyên gia quản lý các ngành nghề đã tới dự.

Định vị Hà Nội là nội dung nổi bật được các nhà khoa học đề cập. Hầu hết các ý kiến chưa hài lòng về cách thức định vị của cả Chiến lược và Quy hoạch. PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt vấn đề, TP cần phải được thể hiện có tầm văn hóa trong định hướng, phải có bản sắc riêng, trong khi dự thảo Chiến lược và Quy hoạch chưa có được điều này, thậm chí chưa có điểm nhấn.

GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP nhận định, “Hà Nội vừa mở rộng” và “khủng hoảng kinh tế, cần cơ cấu lại nền kinh tế” là hai vấn đề thời sự tác động mạnh vào Chiến lược và Quy hoạch, nên cần có một chương riêng đánh giá về hai vấn đề này. GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phân tích: “Phần trên Chiến lược không hề nói xuất phát từ quan điểm phát triển Thủ đô như thế nào, nhưng phần dưới lại “dám” nhận xét là “mô hình phát triển Thủ đô dựa vào bên ngoài”. Nếu không làm rõ được định hướng thì Chiến lược sẽ không khả thi”. Cũng bàn về định vị, ông cho rằng, phải đánh giá cho rõ liệu nhiệm vụ phát triển kinh tế đối với Hà Nội có quan trọng như đối với TP Hồ Chí Minh, nhiệm vụ nào là trọng tâm của Thủ đô. Theo GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Chiến lược và Quy hoạch cũng chưa làm được việc quan trọng là dự báo sự thay đổi của quốc gia và quốc tế sẽ tác động như thế nào đối với Hà Nội. Đó là chưa kể một phát hiện “rất lạ” của ông về hai văn kiện này: Tầm nhìn trong Chiến lược lại rõ hơn Quy hoạch, trong khi thực tế cần ngược lại. TS Trần Đình Thiên rất đồng tình với GS-TS Trần Đình Thắng và nhấn mạnh: “Phải rất lãng mạn chứ chỉ đo đếm không thì không thể ra được định hướng tương lai cho Hà Nội”. Các nhà khoa học cho rằng phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa định tính và định lượng khi xây dựng hai văn kiện quan trọng này.

Không thể… “lơ mơ” với dự báo dân cư
PGS-TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đánh giá thấp phần dự báo về dân cư. Theo ông, cần làm rõ sự gia tăng dân số cả cơ học và tự nhiên ở khu vực thành thị và nông thôn Hà Nội. Ông nhận định, có 4 nguồn lực cho phát triển gồm con người, đất đai, vốn và công nghệ, nhưng cả 4 được đề cập chưa thấu đáo, đầy đủ trong Chiến lược và Quy hoạch, thậm chí nguồn lực về đất và con người vẫn còn “lơ mơ”.
 
Thủ đô Hà Nội cần có một chiến lược quy hoạch tổng thể để ngày càng phát triển, xứng đáng là trái tim của cả nước. Ảnh: Nhật Nam

Hầu hết các nhà khoa học đều chung quan điểm cho rằng, Hà Nội cần phải tập trung cho phát triển văn hóa, xây dựng con người Thủ đô xứng đáng là tấm gương cho cả nước về lối sống. GS-TSKH Lê Du Phong khẳng định: “Chúng ta cần định hướng tập trung giáo dục người dân về văn hóa ứng xử, có tác phong công nghiệp, lối sống đô thị. Nếu không tập trung ngay thì có khi vài thế hệ trôi qua, lối sống người dân cũng không thay đổi”...

Hàng loạt hạn chế, yếu kém, thiếu sót trong các dự thảo cũng đã được chỉ ra. GS-TSKH Lê Du Phong cho rằng, quy hoạch về đất đai là cực kỳ quan trọng nhưng chỉ được đề cập sơ sài với 15 dòng trong Quy hoạch. Các nhà khoa học cũng bày tỏ quan ngại khi không thể hiểu được sự liên hệ giữa chung và riêng của Chiến lược và Quy hoạch. GS-TSKH Nguyễn Mại cho rằng, dự thảo hai văn kiện này “rưa rứa” nhau.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh khẳng định, Thường trực HĐND TP tiếp thu tất cả những đóng góp quý giá của các nhà khoa học và các chuyên gia. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để HĐND TP thẩm định chất lượng Chiến lược và Quy hoạch một cách khách quan, nghiêm túc tại kỳ họp sắp tới.
 
GS-TSKH Đặng Hùng Võ:
Điều quan trọng nhất đối với Hà Nội hiện nay là phải tìm ra được các giải pháp hữu hiệu để tạo ra động lực cho phát triển và bảo đảm được bền vững, trên cơ sở phát hiện thật đúng những bất cập, những nguyên nhân của các bất cập, từ đó sẽ có cách chủ động để đạt các chỉ tiêu ở mức cao nhất.

GS-TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới:
Báo cáo gồm 64 trang, nhưng phần giải pháp là quan trọng nhất, quyết định nhất cho sự thành công của quy hoạch chỉ vẻn vẹn 5 trang và phần lớn là chung chung, không cụ thể, không có gì mới so với hiện nay, đó là sự bất cập lớn nhất của bản quy hoạch này.

PGS-TS Trần Trọng Hanh:
Mô hình cấu trúc chùm đô thị cũ, lạc hậu và rất bất cập về mặt xã hội. Với một đô thị trung tâm có quy mô 4,8 triệu dân (như đề cập trong Quy hoạch phát triển Hà Nội - PV) tất sẽ dẫn đến muôn vàn căn bệnh và người dân sẽ bị "nuốt chửng". Các đô thị lớn như Pari, Luân Đôn, San Fransisco, Los Angeles… quy mô đô thị trung tâm cũng chỉ khống chế trên dưới 2 triệu người.

TS Nghiêm Xuân Đạt:

Hà Nội phải chuyển từ phát triển chủ yếu dựa vào vốn đầu tư và lao động sang phát triển chủ yếu vào sáng tạo và tạo ra sự khác biệt trong giai đoạn sau năm 2020; giai đoạn 2011-2020 là giai đoạn chuyển hóa của sự phát triển này.

Quốc Bình 

(Hà Nội Mới, 3/4/2010)

Lượt xem : 2075