Chiến lược 2021-2030: Không thể bỏ qua tài nguyên biển
7/23/2020 2:24:00 PM
(VACNE) - Báo Đất Việt vừa đăng tải bài viết của PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - Chủ tịch Hội Bảo Thiên nhiên và Môi trường biển, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE).
(Baodatviet.vn): Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và tài nguyên biển để phát triển đất nước bền vững, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - Chủ tịch Hội Bảo Thiên nhiên và Môi trường biển (VAMEN), Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) mới đây đã có bài viết phân tích rõ nét về những tồn tại của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, được tất cả các Quốc gia Thành viên Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2015), trong đó đặc biệt là mục tiêu số 14-Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững.
|
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường biển (VAMEN), Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE).. |
Tài liệu đã phân tích rất rõ về những sửa đổi chính sách của Việt Nam trong hơn 15 năm qua trong việc phát triển kinh tế biển.
Theo đó, năm 2004, Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam) đã nêu rõ thuỷ sản là một trong những ngành kinh tế biển được xác định cần phải ưu tiên nhằm phát triển bền vững.
Trên thực tế, thuỷ sản nước ta mang đặc tính của một ngành kinh tế có hoạt động sản xuất đa dạng, tập trung sản xuất hàng hóa xuất khẩu, phát triển dựa vào nền tảng nguồn lợi tự nhiên và một nghề cá nhân dân với tỷ trọng nghiêng về nghề cá nhỏ. Vì vậy, trong quá trình phát triển, kinh tế thuỷ sản nước ta thường chịu nhiều rủi ro cả về mặt “thị trường”, cả về “môi trường”, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và gia tăng các tác động tiêu cực từ các hoạt động của con người. Rõ ràng, để ổn định mức tăng trưởng kinh tế của ngành này trong dài hạn, không có cách nào khác là phải đảm bảo sự bền vững trong quá trình phát triển, đặc biệt trong các hoạt động sản xuất trọng yếu, như: nuôi trồng thuỷ sản, khai thác thuỷ sản, chế biến thủy sản, sản xuất giống thủy sản,...
Thêm vào đó, tính bền vững trong các hoạt động sản xuất thủy sản chính là độ đo về mức cân bằng giữa ba mảng phúc lợi: kinh tế, xã hội và môi trường; độ đo về trách nhiệm của các thế hệ hôm nay đối với các thế hệ mai sau. Có thể nói, nhìn từ giác độ môi trường, thuỷ sản “vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm”; từ giác độ kinh tế, thuỷ sản “vừa đem lại hiệu quả kinh tế lớn, vừa chịu rủi ro cao” và từ giác độ xã hội, thuỷ sản “vừa là công cụ xóa đói giảm nghèo hữu hiệu, vừa tác động phân hoá giàu nghèo nhanh”. Cho nên, để đảm bảo sự bền vững trong phát triển thuỷ sản cần phải giải quyết đồng bộ ba vấn đề: Ngư dân (xã hội), ngư nghiệp (kinh tế thủy sản) và ngư trường (môi trường và nguồn lợi thủy sản). Tiềm năng phát triển thuỷ sản có thể còn rất lớn nếu cơ sở nguồn lợi và các hoạt động sản xuất thuỷ sản được quản lý và điều hành theo hướng hiệu quả và bền vững.
Là nước thành viên của PEMSEA, Việt Nam đã có những nỗ lực ban đầu trong việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á (SDS-SEA) tại Việt Nam với sự hỗ trợ kỹ thuật và bằng các nguồn tài chính khác nhau. Trong giai đoạn 2003 - 2018, Việt Nam đã triển khai thực hiện SDS-SEA trong một số vấn đề / lĩnh vực chủ yếu sau: Tham gia tích cực cơ chế điều phối khu vực biển Đông Á; Tăng cường hệ thống thể chế và chính sách quản lý biển và vùng bờ Việt Nam; Tăng cường nhận thức và năng lực về quản lý biển và vùng bờ biển; Triển khai quản lý tổng hợp vùng bờ biển; Cải thiện môi trường và tài nguyên biển; Ứng phó thiên tai và các sự cố môi trường biển, ven biển; Phát triển kinh tế biển và vùng ven biển; Cải thiện sinh kế và xóa đói giảm nghèo; Thực thi tài chính bền vững.
Thể chế, chính sách đã thực sự hoàn thiện?
Ở nước ta hiện nay tồn tại hai hình thức quản lý biển, đảo: quản lý theo ngành và quản lý tổng hợp (liên ngành).
Quản lý theo ngành bộc lộ nhiều hạn chế, như: làm gia tăng mâu thuẫn lợi ích và tranh chấp không gian trong phát triển ở cùng một vùng biển; thường tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn, ít chú trọng đến mục tiêu bảo vệ tài nguyên và môi trường dài hạn; hiệu quả kinh tế thu được nhỏ lẻ; phân tán nguồn lực và đầu tư công, v.v.
Các cơ quan quản lý nhà nước về biển, đảo theo ngành bao gồm: Ủy ban biên giới quốc gia, Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông Vận tải (Cục Hàng hải), Bộ Công thương (Dầu khí), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng...
Cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, đảo: năm 2008, thực hiện tinh thần Nghị quyết số 09/2007/NQ-TW tháng2 năm 2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ TN&MT và có chúc năng giúp bộ này qản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất đối với biển và hải đảo.
Ở cấp địa phương, Ủy ban Nhân dân (UBND) các tỉnh có biển đã quyết định thành lập 26 Chi cục Biển, Hải đảo và 2 Phòng biển đảo trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, biên chế ban đầu ở cấp địa phương còn rất mỏng (chỉ từ 1 đến 12 cán bộ); trình độ cán bộ chưa phù hợp với nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành biển. Như vậy, lần đầu tiên hệ thống quản lý nhà nước về biển và hải đảo từ Trung ương xuống địa phương đã được thành lập để thực hiện phương thức quản lý tổng hợp, tiến tới thống nhất quản lý nhà nước về biển, đảo.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 43/2014/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 116/2008/QĐ-TTg, nhưng tiếp tục giao cho Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo.
Song đến ngày 23 tháng 1 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Quyết định số 06/2018/QĐ-TTg thay thế cho các quyết định liên quan nói trên. Theo đó, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được Thủ tướng giao chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Như vậy, chức năng và nhiệm vụ chung của Tổng cục này được điều chỉnh theo hướng “tiếp cận ngành” (sectoral approach), có lẽ chính là để phù hợp với năng lực thực tế hiện nay của Tổng cục.
Bên cạnh đó, đến nay vẫn thiếu cơ chế phối hợp liên ngành, nên tiếp cận tổng hợp trong thực hiện SDG-14 cũng gặp khó khăn.
Một trong những nhiệm vụ được Chính phủ tập trung chỉ đạo là từng bước hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách để thực hiện quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất đối với biển và đảo. Đó chính là quản trị hiệu quả các hoạt động khai thác, sử dụng biển, đảo và vùng ven biển của Việt Nam theo hướng phát triển bền vững, tiến tới “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với biển và hải đảo”.
Để hoàn thiện hệ thống luật pháp quản lý biển, tài nguyên và môi trường biển, phục vụ cho phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, ngày 21-6-2012 Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Có thể xem đây là luật cơ bản về biển của Việt Nam, được xây dựng trên cơ sở các quy định của Công ước Luật biển 1982, có tham khảo các thông lệ quốc tế, trong đó có thực tiễn của các nước và các yêu cầu về phát triển bền vững kinh tế, an ninh quốc phòng của nước ta.
Trên cơ sở Luật biển Việt Nam (2012), Việt Nam đã rà soát và điều chỉnh một loạt luật chuyên ngành liên quan đến quản lý biển, như: Luật Dầu khí, Luật Thủy sản (2017), Luật Quy hoạch (2017); Luật Tài nguyên và Môi trường biển (2015)... Những nội dung cụ thể của các ngành kinh tế biển, các vấn đề quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong thẩm quyền ngành được điều chỉnh trong các luật chuyên ngành. Các luật ngành là công cụ pháp lý cơ bản để thực hiện công tác quản lý nhà nước trong phạm vi thẩm quyền của ngành được Chính phủ giao.
Liên quan trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 14, Luật Thủy sản (sửa đổi 2017) đã lần đầu tiên bổ sung 14 quy định nhận diện đánh bắt thủy sản IUU và đồng quản lý nghề cá. Luật quy hoạch (2017) với các quy định quy hoạch không gian biển quốc gia, giúp Việt Nam quản lý tổng hợp và thống nhất quản lý nhà nước về biển, đảo dựa trên cách tiếp cận quản lý biển theo không gian và như trên đã nói, hiện đề án quy hoạch không gian biển đang bắt đầu triển khai. Luật Đa dạng sinh học (2009) đã triển khai các quy hoạch đa dạng sinh học bao gồm phần biển; Luật Bảo vệ môi trường đang trong quá trình sửa đổi chú trọng làm rõ và cụ thể hóa vấn đề quản lý chất thải rắn, bao gồm rác thải nhựa, đặc biệt lần đầu tiên đưa các quy định về bảo vệ, gìn giữ và sử dụng các cảnh quan biển-ven biển.
Năm 2015, lần đầu tiên Việt Nam thông qua Luật Tài nguyên và Môi trường biển. Theo đó, nhiều quy định lần đầu tiên đưa vào, như: nhận chìm các vật, chất nạo vét ra biển; hành lang bảo vệ bờ biển; cấp phép sử dụng biển; quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển; v.v.
Tuy nhiên, do không làm rõ nội hàm “tài nguyên biển và hải đảo” nên luật này chú trọng nhiều vào các dạng tài nguyên vật chất cụ thể, và như trên đã nói, dấu ấn “quản lý theo ngành” đã bị phê phán lại tiếp tục xuất hiện dưới một dạng mới (ngành tài nguyên và môi trường biển).
Điều này khiến cho các luật nói trên, đã chồng chéo, phân mảnh lại tiếp tục bị làm sâu sắc “yếu điểm” này khi triển khai thực hiện ở cấp địa phương; tính liên ngành vẫn mờ nhạt và biển tiếp tục bị “đầu độc”.
Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 14
Mục tiêu phát triển bền vững 14 đã được Việt Nam nỗ lực thực hiện, đặc biệt là trong công tác quản lý biển, đảo.
Theo đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, ngoài các nỗ lực trong xây dựng khung thể chế và từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quản lý biển, đảo, và tài nguyên và môi trường biển theo hướng bền vững, gần đây, để triển khai quản lý biển, đảo theo mục tiêu SDG-14, Việt Nam đã tiến hành một số hoạt động cụ thể.
Thành lập và quản lý 16 khu bảo tồn biển. Việt Nam đã quy hoạch hệ thống 16 khu bảo tồn biển đầu tiên vào năm 2010. Hệ thống 16 khu bảo tồn biển được quy hoạch chiếm 0,3% diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế. Khoảng 70.000 ha rạn san hô (RSH), 20.000 ha thảm cỏ biển (TCB), một phần rừng ngập mặn (RNM), và phần lớn các bãi giống, bãi đẻ của các loài sống ở vùng biển ven bờ, cũng như khoảng 100 loài quý hiếm sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt trong hệ thống khu bảo tồn biển này (Hình 4).
Đến năm 2020 đã có 10/16 khu bảo tồn biển (KBTB) đã thành lập được Ban quản lý riêng và đi vào hoạt động, chiếm diện tích 0,18%.
Như vậy, chưa đạt được mục tiêu đặt ra theo tinh thần của Quyết định số 622/QĐ-TTg (2017) và rất ít khu bảo tồn biển được quản lý hiệu quả (Cù Lao Chàm, Côn Đảo). Điều này đồng nghĩa với việc nguồn lợi thủy sản và giá trị bảo tồn biển vẫn tiếp tục bị phá hủy ngoài khả năng kiểm soát của Nhà nước. Đến nay vẫn chưa làm rõ vấn đề phân cấp quản lý KBTB cho địa phương, tâm lý “ôm nhiệm vụ ở Trung ương” vẫn còn nặng nề. Ở mỗi địa phương, Ban Quản lý KBTB trực thuộc một tổ chức khác nhau. Việc tổ chức triển khai quy hoạch Thủ tướng đã phê duyệt còn chậm.
Các thiếu sót cơ bản gồm: Thiếu cơ sở dữ liệu và tài liệu nền phục vụ lập kế hoạch quản lý KBTB cụ thể và quy hoạch mở rộng hệ thống KBTB quốc gia. Nguồn nhân lực quản lý KBTB vừa thiếu, vừa yếu và phương tiện quản lý và tuần tra trên biển thiếu và lạc hậu. Địa điểm các KBTB thường nằm ở ven biển, ven đảo nơi chịu tác động rất mạnh của các ngành kinh tế khác và trong khu đan xen các lợi ích khác (như khu RAMSA, Vườn Quốc gia, Khu dự trữ sinh quyển,…)
Cùng với đó, chưa có những kết quả tốt và ổn định về quản lý KBTB gắn với cải thiện sinh kế của cộng đồng sống bên trong và lân cận KBTB để có thể nhân rộng. Quản lý nhà nước đối với KBTB và công tác bảo tồn thiên nhiên biển còn chồng chéo, phân cắt, manh mún và ít phối hợp, không thống nhất cả về mặt thể chế và chính sách.
Quản lý tổng hợp biển và vùng bờ theo cách tiếp cận không gian. Việt Nam hiện đã áp dụng thử nghiệm phương thức quản lý tổng hợp vùng bờ biển (QLTHVB) ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ninh - Hải Phòng, Nam Định và Bà Rịa - Vũng Tàu, gần đây có Kiên Giang và Sóc Trăng. Các tỉnh bắc Trung bộ và duyên hải ven biển miền Trung (14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) đã thực hiện ở mức độ khác nhau kế hoạch QLTHVB bằng nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ.
Tuy nhiên, đến nay QLTHVB vẫn đang dừng ở mức độ nhận thức và tăng cường năng lực, thiết chế phối hợp liên ngành chưa được hình thành, thậm chí thiếu hiệu quả. Hiện nay, với sự hỗ trợ của Tổ chức các Đối tác môi trường biển Đông Á (PEMSEA), Việt Nam đang nhân rộng phương thức quản lý mới này và phấn đấu đến cuối năm 2020 khoảng 20% chiều dài đường bờ biển nước ta được áp dụng QLTHVB.
Phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái biển - ven biển đã bị suy thoái. Thời gian qua, nhiều dự án và chương trình trồng mới và khôi phục các khu vực rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển đã bị suy thoái nhằm tái tạo, bảo vệ khu vực sinh sản và phát triển của các loài sinh vật biển, trong đó có nhiều đặc sản, cũng như bảo tồn các giá trị tự nhiên của hệ sinh thái cho mục đích phát triển du lịch sinh thái, cho phát triển nghề cá và nuôi trồng thủy sản mặn lợ. Phát triển các mô hình sử dụng tổng hợp, đa ngành, đa mục tiêu các hệ sinh thái biển - ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội biển - ven biển bền vững, dựa vào cộng đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tăng nhanh diện tích phủ xanh của thảm rừng ngập mặn phòng hộ ven biển, bảo vệ rừng ngập mặn khỏi nạn chặt phá làm củi, gỗ, nuôi trồng thủy sản; giám sát chất lượng thảm rừng ngập mặn để kịp thời xử lý các vấn đề gây tổn thất đến tài nguyên nước, tài nguyên đất và tài nguyên sinh học, đảm bảo sự ổn định của hệ sinh thái là những việc làm quan trọng mà các địa phương thời gian qua đã bước đầu quan tâm thực hiện để giảm nhẹ thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu, biến đổi đại dương.
Khuyến khích phát triển các mô hình quản lý mới: Áp dụng các mô hình quản lý tài nguyên và môi trường biển và ven biển dựa vào cộng đồng, như đồng quản lý trong bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý các hệ sinh thái biển, ven biển, đảo. Nhân rộng các mô hình khu bảo tồn biển do cộng đồng quản lý, khuyến khích áp dụng cách tiếp cận quản lý tài nguyên biển dựa vào hệ sinh thái, lồng ghép các giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái ở vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long (Cà Mau, Bến Tre và Trà Vinh,...) vào kế hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ (mô hình xen canh và luân canh tôm - lúa, mô hình tôm - rừng ngập mặn.
Tiến hành lượng giá các giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái biển, ven biển làm cơ sở cho các quyết định phát triển và hoạch đinh chính sách bảo tồn đa dạng sinh học biển.
Tổng giá trị các sản phẩm dịch vụ của hệ sinh thái rạn san hô của Việt Nam ước tính vào khoảng 100 triệu USD/năm, trong đó 1 km2 rạn san hô có thể cung cấp lượng hải sản đánh bắt lên tới 10.000 USD. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, 1 km2 rừng ngập mặn có thể cung cấp lượng đánh bắt 450 kg hải sản. Mỗi năm thảm cỏ biển cung cấp lượng thủy sản và các dịch vụ có giá trị trên 20 triệu USD.
Còn tổng giá trị đầm phá ước tính trên 2.000 USD/ha. Về các giá trị điều tiết, có thể thấy rõ chức năng bảo vệ đường bờ biển của các rạn san hô tại một số điểm ở miền Trung như Bãi Tiên và Hòn Khói của tỉnh Khánh Hòa. Tiêu biểu như thành phố Nha Trang là một trung tâm du lịch biển của Việt Nam, đang sở hữu những rạn san hô đa dạng viền quanh các đảo gần bờ. Riêng dịch vụ lặn biển ở đây ước tính mỗi năm 400.000 USD.
Mỗi mét vuông cỏ biển có thể tạo ra 10 lít oxy hòa tan, góp phần cân bằng O2 và CO2 trong nước, làm giảm hiệu ứng nhà kính khi hấp thụ CO2 vào nước biển. Mỗi acre (tương đương 0,44 ha) cỏ biển có thể tạo ra 10 tấn lá mỗi năm. Lượng sinh khối này tạo ra nguồn thức ăn, sinh cảnh và nơi sinh đẻ của nhiều loài động vật không xương sống, có xương sống cả ở giai đoạn con non và trưởng thành. Các loài cỏ biển cũng đóng góp vào mạng lưới thức ăn, hoặc trực tiếp thông qua các động vật ăn cỏ biển, hay gián tiếp sau khi các loài thực vật cỏ biển chết đi và trở thành thức ăn mùn bã.
Nâng cao nhận thức về tài nguyên, môi trường biển, đảo. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục này được đặc biệt coi trọng sau khi Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 ban hành (2007) và đi vào thực hiện. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các khóa tập huấn, các chương trình giảng dạy trong hệ thống học đường trên cả nước; nhận thức và kiến thức của các tầng lớp xã hội về bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ quyền biển, đảo đã có những chuyển biến bước đầu quan trọng.
Gắn giáo dục tài nguyên, môi trường và chủ quyền biển đảo vào các hoạt động tuyên truyền biển đảo quốc gia nhân các sự kiện của đất nước hàng năm, như: Ngày Đa dạng sinh học quốc tế (22/5), Ngày Môi trường thế giới (5/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (1-7/6) và Ngày Đại dương thế giới (8/6), v.v. Nội dung tuyên truyền, giáo dục bước đầu được tích hợp vào các hoạt động ngoại khóa ở các cấp của hệ thống giáo dục - đào tạo toàn quốc.
Nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu và đại dương của Việt Nam. Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng về giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhấn mạnh tầm quan trọng của tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái và dịch vụ hệ sinh thái để giảm thiểu rủi ro các tổn thương do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vấn đề biến đổi đại dương hầu như chưa được nhắc đến kể cả trong tuyên truyền, trong điều tra nghiên cứu, lẫn trong kế hoạch hành động cụ thể.
Gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cho triển khai đề tài độc lập cấp nhà nước về “Đánh giá mức độ axit hóa đại dương ở vùng biển ven bờ Việt Nam” do Viện Hải dương học (Nha Trang) chủ trì với sự hỗ trợ kỹ thuật của Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ khu vực Tây Thái Bình Dương (IOC-WESPAC).
Thúc đẩy hợp tác quốc tế về quản lý biển, bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, ven biển.
Thực hiện đầy đủ các công ước, hiệp ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam ký hoặc tham gia, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982, Công ước MARPOL về ô nhiễm môi trường biển từ tàu, Công ước RAMSA về bảo tồn các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế, Công ước Đa dạng sinh học (CBD), v.v. Hợp tác quốc tế trong điều tra tài nguyên và môi trường biển, ven biển; trong ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào công tác bảo tồn và khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên từ các HST biển và ven biển. Hợp tác khoa học trong các vùng đánh cá chung, trong bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường biển xuyên biên giới trong khu vực Biển Đông, v.v. Tạo điều kiện nhiều hơn cho cán bộ khoa học, các học giả Việt Nam tham dự, tham gia trong các diễn đàn, tổ chức khu vực Biển Đông, ASEAN và Đông Á, một mặt có điều kiện chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm, các thực tiễn tốt, góp phần tuyên truyền đối ngoại về biển, đảo Việt Nam trong bạn bè thế giới gần xa.
Năm khuyến nghị chính sách và giải pháp
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi nêu một số định hướng chính sách trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2021-2030.
Trong đó, ông nêu rõ định hướng đầu tiên là thúc đẩy kinh tế biển xanh. Kinh tế xanh là phương thức hành động, mang lại ‘lợi ích kép’, vừa đóng góp cho tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và vừa thích ứng với BĐKH. Có nhiều việc phải làm để hình thành kinh tế biển xanh ở nước ta, nhưng trước hết cần nhận thức chung rằng: Kinh tế biển xanh lấy môi trường làm “chất xúc tác” cho tăng trưởng, thoát dần nền “kinh tế nâu” và tăng cường phúc lợi xã hội. Còn tăng trưởng xanh định hướng mục tiêu cần đạt cho một phương thức phát triển kinh tế mới (kinh tế xanh) trong bối cảnh biến đổi toàn cầu (global change) và trở thành nền tảng cho phát triển bền vững.
Ở Việt Nam, tái cơ cấu nền kinh tế biển gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả và bền vững hơn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Đây là cơ hội lớn để nước ta có thể hướng đến kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và PTBV. Chính vì thế, cần đánh giá và thực hiện tiếp tinh thần của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động Quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020. Đồng thời triển khai thực sự các chiến lược và kế hoạch hành động về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ hai, tăng cường ứng phó với BĐKH, nước biển dâng và các biểu hiện biến đổi đại dương khác. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng có tính toàn cầu, và đang tác động hiện hữu, ảnh hưởng đến an ninh biển (an ninh phi truyền thống). Hơn nữa, đây lại là những vấn đề mới mẻ cần phải hợp tác quốc tế để giải quyết. Chủ động thay đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng ven biển để thích ứng với kiện sinh thái mới trong bối cảnh BĐKH. Do nền nhiệt tăng, tăng bức xạ và tạo ra khoảng cách chênh lệch ngày đêm lớn, cho nên các ao đầm nuôi thủy sản phải đào sâu hơn, tạo khả năng thay nước thường xuyên hơn.
Không chỉ trồng rừng ngập mặn ven ngoài chân đê quốc gia, các địa phương ven biển cần hướng dẫn người dân trồng rừng ngập mặn quanh các khu đầm nuôi để tạo công trình che chắn trước bão lũ,... Cần nhận thức rõ thông điệp: “Đầu tư cho các HST vùng ven biển là đầu tư cho tương lai”.
Chính phủ cần ưu tiên triển khai tiếp tục Nghị quyết số 24/NQ-TW nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực để giải quyết các vấn đề liên quan đến BĐKH và biến đổi đại dương. Đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức về BĐKH và tác động đến biển, đảo và vùng ven biển, góp phần thực hiện thành công các chính sách, chiến lược của Đảng và Nhà nước nói trên.
Thứ ba, khuyến khích phát triển năng lượng biển tái tạo. Vùng biển Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng biển tái tạo, trong đó tiên phòng là năng lượng gió. Đánh giá sơ bộ cho thấy, năng lượng gió kỹ thuật rất lớn, có thể đạt 6.188 GW và chiếm 13,4 % năng lượng gió lý thuyết, đạt trên mức trung bình năng lượng gió toàn cầu.
Vùng biển ven bờ Việt Nam có thể đứng trong top 5 về năng lượng gió kỹ thuật so với các quốc gia trên thế giới. Nhiều vùng biển Việt Nam có tốc độ gió trên 7m/s, có tiềm năng gió tốt và cần được quy hoạch phát triển, đặc biệt khi thực hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia.
Cần xây dựng Cơ sở dữ liệu gió biển quốc gia, đặc biệt với các vùng trên 7m/s để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng vào đầu tư, thu gọn quá trình phải phát triển dự án điện gió ngoài khơi.
Xem xét sớm xây dựng chiến lược năng lượng gió (điện gió) ngoài khơi để phát triển điện xanh, giảm khí thải nhà kính, giảm thiểu tác động của BĐKH. Cần quy hoạch phân lô năng lượng gió và xác định định mức điện tích tối thiểu một trại gió để phát triển hợp lý và bền vững. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ năng lượng gió ngoài khơi; nghiên cứu, triển khai, dịch vụ, cơ sở hạ tầng về năng lượng gió. Xây dựng chính sách đặc thù thu hút đầu tư, nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành năng lượng gió ngoài khơi kèm các chính sách điện lực khác.
Thứ tư, phát triển bền vững kinh tế biển dựa trên cơ sở khoa học. Vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN) trong việc khớp nối và hài hòa các nhu cầu phát triển kinh tế và tính bền vững của đại dương. KH&CN cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện các dự án ở cấp cộng đồng địa phương.
Nếu các cộng đồng cứ tiếp tục các cách làm như cũ thì môi trường và kinh kế chắc chắn sẽ không bền vững. Cho nên, cần phải khuyến khích, thậm chí bắt buộc phải triển khai các quyết định có cơ sở khoa học, và xử phạt các hành vi phi khoa học.
Ví dụ, tuyên truyền phục hồi rừng ngập mặn và các rạn san hô thoạt đầu có thể dễ và đơn giản, nhưng trong thực tế đó là các biện pháp kỹ thuật và khoa học cao, bao gồm việc chọn lựa giống, vườn ươm, thời vụ và khoảng cách trồng. Hơn nữa, hiểu rõ các chức năng của hệ sinh thái, xác định các loài tiêu biểu để bảo tồn và quan trắc các loài, có thể giúp để hiểu biết các hệ sinh thái rộng lớn hơn và các mối quan hệ của chúng với các hoạt động kinh tế để bảo đảm tính bền vững.
Thứ năm, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững dựa vào cộng đồng và cải thiện mối quan hệ đối tác của các bên liên quan. Cần phát huy vai trò tham vấn địa phương, sự lãnh đạo và làm chủ của cộng đồng. Nhận thức được vai trò quan trọng của cách tiếp cận có sự tham gia rộng rãi trong bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, vừa qua nước ta đã đưa vào Luật Thủy sản (2017) vấn đề đồng quản lý nghề cá. Trên cơ sở đó, cần tổ chức triển khai thực chất và nhân rộng các mô hình tốt. Nên mở rộng không chỉ diện tích khu bảo tồn biển, mà cần có chính sách khuyến khích thành lập các loại bảo tồn biển ở quy mô cộng đồng.
Các tổ chức xã hội-dân sự, chính quyền, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác đóng một vai trò quan trọng và cần thiết phải hợp tác với họ. Cải thiện tốt các mối quan hệ này có ý nghĩa cơ bản đối với việc thực hiện thành công và có khả năng mở rộng các kết quả thực hiện SDG-14 trong thời gian tới. Trên cơ sở đó thay đổi nhận thức và tầm nhìn của các bên liên quan, giúp họ hiểu thêm các quyền và nghĩa vụ của các bên đối với sự nghiệp phát triển bền vững biển, đảo. Để thực hiện thành công và khả năng mở rộng quan hệ, những thành tố có tính quyết định là hợp tác và liên kết giữa các tổ chức quốc tế và khu vực, chính phủ các nước và chính quyền địa phương, các bên liên quan và các tổ chức cộng đồng. Thêm nữa, cộng tác với các tổ chức quốc tế và quốc gia, ở một số trường hợp, tạo ra cơ sở tiếp tục có các sáng kiến khác nhau.
Cúc Phương
(Baodatviet.vn)
Lượt xem : 1838