Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức vào tuần thứ ba tháng Chín hằng năm. Chiến dịch này đã trở thành một sự kiện
môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người và hơn 130 quốc gia. Việt Nam tham gia hưởng ứng chiến dịch từ năm 1994. Đến nay đã được các Bộ ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương và đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực.
Kiến nghị đầu tư hệ thống thám sát bão bằng máy bay, tên lửa
Sau khi bị chỉ trích nặng nề vì dự báo chưa chính xác các cơn bão số 1 và 2, trao đổi với báo chí chiều 9/8, tiến sỹ Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết sẽ kiến nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường và Chính phủ quan tâm đầu tư hệ thống dự báo hiện đại, cũng như xem xét đến khả năng thám sát bão bằng máy bay hoặc tên lửa. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương sẽ rà soát, đánh giá lại công nghệ dự báo bão hiện có và nâng cao năng lực khoa học công nghệ trong dự báo bão bằng các mô hình hiện đại với hệ thống siêu máy tính để có nhiều hơn và tốt hơn các sản phẩm dự báo hiện có của Việt Nam khi
bão vào Biển Đông.
Ngoài ra, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cũng sẽ nâng cao năng lực đội ngũ dự báo viên ở Trung ương, các Đài khí tượng thủy văn khu vực và đặc biệt là ở các Đài khí tượng thủy văn tỉnh nhằm phục vụ tốt hơn cho các địa phương thường xuyên có bão và các loại thiên tai khác. “Trung tâm cũng kiến nghị
Bộ Tài nguyên & Môi trường và Chính phủ quan tâm đầu tư nhằm tăng cường số liệu bão trên biển với hệ thống hiện đại và xem xét đến khả năng bay thám sát bão bằng máy bay hoặc tên lửa nhằm xác định vị trí, cường độ, tốc độ, hướng di chuyển bão chính xác hơn,” ông Nguyễn Đức Cường được VietnamPlus dẫn lời nhấn mạnh.
Triển lãm thực phẩm-đồ uống 2016 hướng đến các dòng sản phẩm sạch
Thực phẩm sạch và quy trình sản xuất
thân thiện môi trường là chủ đề chính của Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Thực phẩm-Đồ uống-Máy móc-Bao bì đóng gói (Vietfood & Beverage-ProPack), diễn ra từ ngày 10-13/8 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Sài gòn (SECC). Triển lãm năm nay thu hút 425 công ty, đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, với quy mô 500 gian hàng – theo VietnamPlus.
Sự kiện này là nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về các dòng sản phẩm sạch, với quy trình nuôi trồng, chế biến sản xuất đạt tiêu chuẩn thân thiện môi trường và không gây độc hại. Đặc biệt, ngoài các sản phẩm nông nghiệp sạch của Việt Nam lần đầu tiên được giới thiệu đến
người tiêu dùng, khu trưng bày của các Hiệp hội chế biến gia cầm đến Ba Lan và Liên minh châu Âu (EU) sẽ là điểm hấp dẫn khách tham quan. Các doanh nghiệp là thành viên thuộc Hiệp hội Ba Lan và EU sẽ tư vấn các cách thức chăn nuôi sinh học, áp dụng các phương pháp mới trong quy trình chế biến và bảo quản thực phẩm. Điều này sẽ rất hữu ích cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gia cầm trong nước.
Mỗi năm người Italy ném 13 tỷ euro đồ ăn thừa vào sọt rác
Theo nhật báo La Repubblica, trung bình mỗi năm, người Italy vứt vào sọt rác một lượng thức ăn thừa lên đến 13 tỷ euro, tương đương với gần 1% GDP mỗi năm của đất nước hình chiếc ủng. Thăm dò cho thấy, cứ 5 người 4 người khẳng định họ không vứt đồ ăn sắp hết hạn vào thùng rác mà ăn ngay khi còn có thể, 90% tuyên bố họ rất quan tâm đến các chi tiết về dinh dưỡng được ghi trên bao bì thực phẩm và 30% nói, nếu không ăn hết trong các lần đi ăn tiệm, họ gói đồ ăn mang về - theo VietnamPlus.
Tuần trước, Thượng viện Italy cũng đã bỏ phiếu thông qua dự luật chống lãng phí lương thực. Đạo luật này lần đầu tiên quy định một cách rõ ràng hành vi lãng phí lương thực, đồng thời quy định rõ thời gian bảo quản và hết hạn tối thiểu của các sản phẩm lương thực, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc quyên góp đồ ăn cho người nghèo và người già. Italy hy vọng rằng, đạo luật này sẽ giúp giảm tình trạng lãng phí tràn lan đang xảy ra ở nước này.
Thụy Điển - 'siêu cường' tái chế rác thải của thế giới
Thụy Điển đã có những bước tiến vượt bậc trong ngành công nghiệp tái chế. Tái chế đạt 99%, quốc gia giàu có này còn phải nhập khẩu thêm cả rác thải để tăng sản lượng. Cụ thể, khoảng 50% lượng rác thải hữu cơ tại các hộ gia đình sẽ được làm nhiên liệu đốt cháy để sản sinh ra năng lượng cho các nhà máy, giúp giảm thiểu giá thành năng lượng tại nước Thụy Điển. Các loại rác không cháy được, ví dụ như kim loại, sẽ được tách ra để tái chế. Cuối cùng là các loại rác vô cơ không cháy sẽ dùng để trải đường, làm mái ngói, gạch lót sàn. Chỉ khoảng 1% số lượng rác thải ra sẽ được đem đi chôn ở bãi tập kết rác – theo Trí Thức Trẻ.
Ngoài ra, chính phủ Thụy Điển đã khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn, giúp việc tái chế rác trở nên dễ dàng hơn. Một điều rất thú vị là mặc dù đã tái chế 99% lượng rác thải, các nhà máy tái chế của Thụy Điển vẫn "khan hiếm" nhiên liệu, đến nỗi họ phải nhập khẩu 700.000 tấn rác từ các nước khác mỗi năm để tái chế. Thật đúng với câu thành ngữ tiếng Anh: One man's trash is another man's treasure (Đồ bỏ đi của người này có thể là gia tài đối với người khác). Được biết, Thụy Điển mong muốn trong tương lai trở thành quốc gia đầu tiên không sử dụng năng lượng từ dầu mỏ, thay vào đó là các năng lượng sạch như nhiệt điện, thủy điện, điện mặt trời, điện gió, v.v...