(VACNE) - Báo LĐO vừa đăng bài biết về hai “đại lão” vải thiều nằm trong khuôn viên chùa Svây Ta Hôn (ấp Ninh Lợi, xã An Tức, huyện Tri Tôn, An Giang) có tuổi đời hơn 300 năm, được Hội Bảo vệ TN&^MT Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam năm 2013.
Nằm trên tuyến đường từ trung tâm thị trấn Tri Tôn dẫn vào Di tích quốc gia Đồi Tức Dụp – “trung tâm” của vùng rừng núi Thất Sơn, hay còn gọi là Bảy Núi (gồm 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên), nhưng chùa Svây Ta Hôn gần như biệt lập với thế giới bên ngoài bởi “hàng rào” xanh của những rừng cây cổ thụ.
Bước vào đây du khách như lạc vào diệp đạo tươi mát với gió từ những tán lá mướt xanh trên các ngọn cây đại lão “quạt” xuống. Đặc biệt là 2 cây vải thiều đứng vững chãi như hai vị hộ pháp canh đường dẫn vào ngôi chính điện. Theo quan sát của chúng tôi, đây là hai cây “đại lão”. Cây cao, to, tán che mát cả góc sân chùa.
Cận cảnh thân đại lão vải thiều. Mỗi cây có bề hoành to cỡ 4-5 người ôm, thân cao hơn 30m, tán trải rộng, tỏa bóng mát cả một góc sân chùa.
Thân nổi nu chi chít. Ông Chau Út – 70 tuổi, một phật tử nhà gần chùa cho biết - theo truyền miệng từ nhiều đời, hai cây vải này đã trên 300 tuổi. Tức cao tuổi hơn cả cây “vải tổ” của xứ Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cả trăm năm.
Đây được xem là một bất ngờ độc lạ, vì lâu nay đất Bắc được xem là "thủ phủ" của vải thiều.
Năm 2013, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam phối hợp Chi cục Kiểm lâm An Giang tổ chức lễ công bố và trao Bằng công nhận hai cây vải đại lão này là “Cây di sản Việt Nam”, cần được bảo tồn và gìn giữ.
Rễ tỏa rộng cả một vùng. Hiện lớp vỏ bên ngoài cây đã hiện rõ dấu vết thời gian với đầy những vết nu sần chi chít từ gốc dài lên thân... nhưng cây vẫn sung sức với lá to, mượt và cho trái đều đặn hàng năm.
Đặc biệt là trái của cây vải thiều đại lão này có hình thon hơn so với vải thiều Hải Dương, nhưng vị ngọt, thịt giòn hơn.