Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Lợi ích kép.
12/10/2019 8:52:00 AM
Có thể khẳng định, đây là một trong những yếu tố góp phần quan trọng để chấm dứt tình trạng phá rừng và góp phần cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Được hưởng quyền lợi từ rừng, người dân tự giác chăm sóc, bảo vệ, rừng ngày càng phát triển tốt hơn
Đến nay, tỉnh Bình Phước đã hơn 4 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Có thể khẳng định, đây là một trong những yếu tố góp phần quan trọng để chấm dứt tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép, góp phần cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Bảo vệ rừng và môi trường
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước, toàn tỉnh có hơn 178.400ha đất lâm nghiệp, phần lớn nằm trên lưu vực các sông Đồng Nai, Sài Gòn, Sông Bé. Hầu hết diện tích này được giao cho các chủ rừng là vườn quốc gia, khu di tích, các nông lâm trường trực thuộc công ty Nhà nước, ban quản lý rừng, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức nghiên cứu ứng dụng khoa học lâm nghiệp... Với diện tích, hiện trạng, quy hoạch, được giao và cho thuê như trên thì rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước có khả năng cung ứng được cả 5 loại DVMTR (theo Nghị định số 99 của Chính phủ về chính sách chi trả DVMTR).
Theo Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Phước, đến nay đã xác định được 9 đơn vị chủ rừng đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng gồm 2 VQG là Bù Gia Mập và Cát Tiên, BQL rừng phòng hộ Bù Gia Phúc, Hạt Kiểm lâm Phước Long, các công ty cao su: Sông Bé, Phước Long, Bình Phước, Phú Riềng, Trung tâm Ứng dụng khoa học lâm nghiệp Nam Bộ. Các đơn vị chủ rừng này là tổ chức được Nhà nước giao rừng để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp với tổng diện tích rừng cung cấp DVMTR trên 68.700ha.
Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Phước cho biết, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR có những thuận lợi, đó là toàn bộ diện tích tự nhiên của tỉnh phân bố trên ba lưu vực lớn là sông Đồng Nai, Sài Gòn, Sông Bé. Đây là những lưu vực có tiềm năng cho sản xuất thủy điện, nước sản xuất và nước sinh hoạt ở khu vực miền Đông Nam Bộ. Phần lớn diện tích rừng phân bổ ở những khu vực phát huy được giá trị DVMTR, đặc biệt là điều tiết và duy trì nguồn nước.
Bên cạnh đó, rừng trên địa bàn tỉnh có khả năng cung ứng cả 5 loại DVMTR. Mặt khác, các chủ rừng và các cơ quản lý Nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp có đội ngũ cán bộ kỹ thuật ngành lâm nghiệp đủ năng lực để thực hiện việc chi trả DVMTR. Ngoài ra, góp phần cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Cải thiện đời sống người dân
“Từ đầu năm 2013, tỉnh Bình Phước bắt đầu triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Chi trả tiền DVMTR là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khi sử dụng cả nguồn nước và lưu vực sông. Thực tế mức phí hiện áp dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất thủy điện là rất thấp. Để kế hoạch thu, chi được đảm bảo, thời gian qua Quỹ thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp.
Ðồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thẩm định các chương trình, dự án, phi dự án để hỗ trợ đầu tư khi có nguồn vốn thu được. Ngoài ra, tổ chức kiểm tra, nghiệm thu, giám sát các đối tượng cung ứng DVMTR theo đúng quy định và thực hiện việc chi trả DVMTR đến các chủ rừng”, ông Lộc nói. “Thực hiện chính sách chi trả DVMTR không những tạo nguồn tài chính góp phần đầu tư trực tiếp vào việc bảo vệ và phát triển rừng, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nghề rừng mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát triển tài nguyên rừng, cải thiện môi trường sống, hạn chế các hành vi gây tổn hại đến rừng, góp phần nâng cao chất lượng DVMTR”, ông Lộc cho biết thêm.
Đồng bào S’tiêng ở Bù Gia Mập, Bình Phước đang phát quang, làm sạch, phòng cháy rừng
Hiện nay, toàn bộ diện tích VQG Bù Gia Mập đã được giao khoán cho 13 cộng đồng thôn bản gồm 150 hộ với hơn 240 người là đồng bào thiểu số S’tiêng ở hai xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập. Theo tính toán của Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, với mức chi trả DVMTR 180 ngàn đồng/ha/năm thì một hộ dân nhận khoán bình quân 40ha rừng, mỗi năm sẽ nhận được hơn 11 triệu đồng. Số tiền DVMTR được nhận chiếm khoảng 15 -20% trong cơ cấu thu nhập của một hộ dân. Nếu xét về giá trị sử dụng thì nguồn thu nhập này thấp so với mức biến động giá cả thị trường nhưng thật sự có ý nghĩa với người dân nghèo ở đây.
Anh Điểu Phong, 33 tuổi, một hộ nhận khoán bảo vệ rừng thôn 3, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập nói: “Tôi rất vui vì được Nhà nước nhận vào làm bảo vệ rừng. Hai vợ chồng tôi có 3 đứa con. Trước đây nhà tôi rất nghèo nhưng từ khi được làm bảo vệ rừng đã tốt hơn, không còn nghèo đói nữa.
Không chỉ được trả tiền, các cán bộ còn cho anh em lấy của rừng những thứ được cho lấy như măng, rau rừng, hoa quả của rừng để cho thêm vào bữa ăn, vì vậy nay đã có cuộc sống ấm no hơn trước. Đi rừng nhiều nay đã thành quen rồi, không đi lại nhớ. Trước đây rừng bị người ta phá dữ lắm nhưng mấy năm nay do có anh em bảo vệ nên rừng không còn bị phá nữa”.
Theo ông Lộc, chính sách chi trả DVMTR đã đi vào cuộc sống, các đối tượng được hưởng lợi từ DVMTR đã chi trả tiền DVMTR ủy thác qua Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng các cấp. Thực hiện chính sách này phản ánh mối liên kết kinh tế mang tính bền vững giữa bên sử dụng và bên cung ứng DVMTR. Mặt khác, rừng trong vùng được hưởng chính sách chi trả DVMTR được bảo vệ tốt hơn, đời sống người lao động nghề rừng được cải thiện, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị tại địa phương.
Ngoài ra, bên sử dụng DVMTR (nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất nước sạch) có nguồn nước đảm bảo cho việc sản xuất điện năng, nước sạch phục vụ cho đời sống nhân dân, tạo ra giá trị kinh tế lớn cho doanh nghiệp. Bên cung ứng DVMTR (các chủ rừng, hộ, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng, cộng đồng…) được trả tiền bằng chính kết quả lao động của mình, giá trị lao động của người lao động làm nghề rừng đã trở thành hàng hóa
Ánh Ngọc (Theo nongnghiep.vn)
Lượt xem : 1932