Chỉ còn 11 con sếu đầu đỏ về Tràm Chim, ít hơn trước... 100 lần
Lượng sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim ít gần 100 lần so với năm 1998. Nguyên nhân được cho là môi trường có quá nhiều thay đổi với hệ thống đê bao vây quanh làm thay đổi chế độ thủy văn tự nhiên.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc quản lý đất ngập nước như Vườn quốc gia Tràm Chim theo kiểu rừng đặc dụng đã làm thay đổi yếu tố tự nhiên khiến sếu đầu đỏ không về nhiều nữa - Ảnh: CHÍ QUỐC
Tại hội thảo "Tăng cường hiệu quả quản lý và bảo tồn đất ngập nước ở Việt Nam" tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 11-10, TS Trịnh Thị Long, đại diện Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam, đưa ra một
con số được đánh giá là "suy giảm nghiêm trọng": năm 1998 lượng
sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim 1.052 con, đến năm 2017 còn 9 con, năm 2018 và 2019 đều chỉ có
11 con.
Tuy nhiên, bà Long cho rằng nếu tính chính xác thì chỉ có… 4
con sếu đầu đỏ, bởi trong số
11 con thì chỉ có 4
con này thường xuyên sinh sống ở khu A4 của vườn quốc gia, những
con còn lại chỉ "bay qua thôi".
"Câu hỏi đặt ra là tại sao?", bà Long nêu rồi lý giải: có nhiều nguyên nhân khiến lượng sếu về ít khoảng 96 lần so với năm 1998 như phát triển dân cư quanh vùng, tác động chung của biến đổi khí hậu cũng như hoạt động phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…
Theo bà Long, việc phục hồi sinh cảnh cho
sếu đầu đỏ là niềm tự hào, là biểu tượng không chỉ của Tràm Chim mà còn của Đồng Tháp và "của tất cả chúng ta". Vì vậy, WWF đã phối hợp Trường ĐH Cần Thơ nghiên cứu môi trường
trước và sau khi đốt thực bì tại khu A5 của Tràm Chim.
Kết quả, sau 5 tháng đốt thực bì, cỏ năn (thức ăn của sếu đầu đỏ) đã mọc trở lại trên diện tích khoảng 3ha. "Đây là tín hiệu tốt. Thức ăn cho sếu đã thấy. Nếu tác động làm sao mở rộng hơn nữa diện tích này thì mùa tới có thể
sếu đầu đỏ sẽ về".
Bà Long cũng khuyến cáo việc điều tiết nước tại vườn quốc gia này cần làm sao cho phù hợp bởi hiện nay toàn bộ vườn đang bị bao vây bởi 60km đê.
Đất ngập nước đang giảm 90% so với trước đây do sự phát triển dân cư, đô thị cũng như các hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... Trong ảnh: một góc Vườn quốc gia Tràm Chim - Ảnh: NGỌC TÀI
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Cường - Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên - môi trường) - cho biết 700.000ha đất ngập nước ở vùng Đồng Tháp Mười
trước đây giờ đã giảm tới 90% (còn khoảng 70.000ha) do các vấn đề phát triển đô thị, nuôi trồng thủy sản, tác động của biến đổi khí hậu…
Tương tự, ông Cường cũng cho rằng vấn đề đảm bảo phòng cháy chữa cháy làm chế độ thủy văn thay đổi ảnh hưởng các hệ thực, động vật nên không có nguồn thức ăn cho sếu đầu đỏ.
Nói thêm vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng - nguyên giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim - bức xúc: "Tất cả ban quản lý của những khu đất ngập nước đều biết hết nhưng không làm được vì vướng từ luật phòng cháy chữa cháy nên giám đốc có giỏi cách mấy cũng bó tay.
Quản lý theo tự nhiên thì dễ xảy ra cháy rừng. Mà có cháy thì chủ tịch tỉnh, giám đốc vườn quốc gia gặp vấn đề ngay. Vì vậy, có triển khai nghị định 66 năm 2019 về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước sắp tới, tôi đề nghị Bộ Tài nguyên - môi trường tác động làm sao cởi trói từ chính luật của mình".
"Hiện nay chúng ta đang quản lý vườn quốc gia như khu rừng đặc dụng chứ không như khu đất ngập nước, khu đa dạng sinh học. Giữ nước thì cây đổ, chim bay đi", bà Long khuyến cáo.
Chúng tôi có nghiên cứu vào năm 2016 ở Láng Sen. Nếu mở đê thì chất lượng nước ở đây tốt hơn hẳn. Vì vậy, cố gắng làm sao cho trở về trạng thái tự nhiên càng nhiều càng tốt". - TS Trịnh Thị Long - đại diện WWF