Vietnamese English
Chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho Cây Di sản Việt Nam

4/17/2015 11:33:00 AM

(VACNE) - Bảo cáo tại Hội nghị Tổng kết 5 năm Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam của KS. Vũ Văn Dũng, TS. Paul Barber, PGS.TS. Phạm Quang Thu

CHĂM SÓC, PHÒNG VÀ CHỮA BỆNH CHO CÂY DI SẢN VIỆT NAM

KS. Vũ Văn Dũng1, TS. Paul Barber2, PGS.TS. Phạm Quang Thu3

 

1 Phó Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam

2 Đại học Murdoch, Úc

3 Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ Rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

    

I. Khái niệm và giá trị cây Di sản Việt Nam

 

1. Khái niệm

Cây Di sản (Heritage Trees) là cây gỗ hay cây thân gỗ, sống lâu năm, mọc tự nhiên hay được trồng,  và có giá trị đặc biệt về cảnh quan môi trường, văn hóa - lịch sử, khoa học,…

Cây Di sản được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận và vinh danh cho từng cá thể (từng cây riêng rẽ), cụm cây (nhiều cây khác loài trên cùng một địa điểm) hoặc quần thể (nhiều cây cùng loài trên cùng một địa điểm).

 

2. Giá trị cây Di sản

Cây di sản có các giá trị sau:

-         Tạo không gian xanh cho khu vực

-         Tăng giá trị các công trình văn hoá, kiến trúc (đền chùa, di tích lịch sử - văn hoá, lâu đài).

-         Tạo chỗ nghỉ ngơi, giải trí.

-         Là cầu nối quá khứ và hiện tại.

-         Là địa điểm tâm linh, văn hoá của cộng đồng.

-         Là điểm tham quan, du lịch hấp dẫn.

-         Bảo tồn nguồn gen quý hiếm cho nhiều loài cây.

-         Nơi sống của các loài chim và các loài động vật nhỏ khác.

 

 

 

II. Một số đặc điểm của cây Di sản Việt Nam

1. Tuổi cây Di sản rất cao: Một trong các tiêu chí để công nhận cây Di sản Việt nam là  phải trên 100 tuổi đối với cây trồng và trên 200 tuổi đối với cây mọc tự nhiên. Nhưng trên thực tế tuổi trung bình của cây Di sản đã được công nhận là từ 200 - 300 tuổi. Nhiều cây có tuổi rất cao như: Cây Trôi ở xã Nguyệt Đức huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, 700 tuổi; Cây Dã hương xã Tiên Lục huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang trên 700 tuổi, Cây Đa bán đảo Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng, 800 tuổi; nhiều cây Di sản đạt trên 1000 tuổi như: Cây Nghiến xã Kim Loan, huyện Hạ Lang, Cao Bằng; cây Táu Miếu Thiên Cổ, thuộc Thành phố Việt Trì,tỉnh Phú Thọ; cây Thị xã Vạn Thắng huyện Ba Vì, Hà Nội …

2. Đa số cây Di sản  bị nhiều loại tật bệnh: Do tuổi cao, sức đề kháng kém nên một số cây Di sản đã có hiện  tượng mục thân, gẫy, cành. Một số cây còn xuất hiện các loại cây phụ sinh, cây thắt nghẹt hoặc bị cây và nấm ký sinh hoặc dây leo cuốn  làm ảnh hưởng đến sức sống và tuổi thọ của cây..

 

 

 

III. Các nguyên nhân làm suy giảm Cây Di sản

Nhiều cây Di sản Việt nam đã được công nhận nhưng đang bị suy giảm sức sống do các nguyên nhân sau :

-         Do các nhân tố nội tại

+       Bản chất  di truyền của cây:

+       Tuổi cây 

-         Các tác động bên ngoài

+               Tỉa cây không đúng quy trình

+               Chăm sóc cây không đúng kỹ thuật: Xây bồn , bó vỉa cao

+       Ảnh hưởng các công trình xây dựng

+                Các tác động cơ giới (đóng đinh, róc vỏ, dẫm đạp...)

+               Các tác động hoá học đến cây (Chất độc hoá học, thuốc trừ sâu, ô nhiễm môi trường)

+               Sâu/ bệnh (nguy hiểm nhất là ấu trùng  các loài cánh cứng, mối và nấm)

+               Thay đổi khí hậu (Gió bão, lũ lụt, hạn hán...)

Về mặt chuyên môn, một số tác giả đã chia các nguyên nhân suy giảm cây Di sản theo 2 nhóm: 1. Các nguyên dưới mặt đất và 2. Nhóm nguyên nhân trên mặt đất

-         Các nguyên nhân dưới mặt đất:

+       Đất thường bị lẫn tạp chất, chất phế thải xây dựng, bị nén chặt dẫn đến thiếu khí, thiếu nước, đất không còn phù hợp cho sự sinh trưởng bình thường của cây.

+       Do bị tác động, đất có thể thoát nước kém, dẫn đến úng ngập, rễ cây bị yếu, khả năng hút nước và dinh dưỡng kém, dẫn đến cây suy yếu.

+       Đất nghèo dinh dưỡng, nồng độ muối natri hay các chất hóa học quá cao dẫn đến cây suy yếu và thường bị nhiễm nấm, gây mục, rỗng ruột

+       Cây Di sản thường bị sống trong không gian dinh dưỡng đất hạn chế nên rễ cây buộc phải mọc nổi lên trên mặt đất và theo hướng không bị chèn ép, dẫn đến thiếu dinh dưỡng

+       Đường và các công trình được xây dựng gần sát với cây, một phần rễ cây bị cắt bỏ dẫn đến tình trạng sức khỏe của cây bị giảm sút.

-         Các nguyên nhân trên mặt đất:

+       Các công trình xây dựng sát cây dẫn đến không gian dinh dưỡng hạn chế. Cành cây bị  khô héo và chết.

+       Con người đã làm tổn thương vỏ cây trong quá trình chăm sóc, cắt xén cỏ làm gián  đoạn sản phẩm quang hợp được dẫn truyền từ lá cây xuống nuôi bộ rễ, làm rễ bị thiếu dinh dưỡng, dẫn đến cây bị suy yếu.

+       Xe cộ, phương tiện giao thông va đập vào cây, con người khắc đẽo vào vỏ, lột vỏ làm lộ phần gỗ và hậu quả bị xâm nhiễm các nấm gây mục và rỗng ruột.

+       Do xây dựng các công trình, nhà ở, đường đi, tường bao ngay sát gốc cây, làm cây không đủ ánh sáng, dinh dưỡng dẫn đến suy yếu và sâu, bệnh xuất hiện. Cuối cùng cây sẽ bị chết sau 2-3 năm.

 

IV. Các biện pháp chăm sóc, phòng và chữa bênh cho cây Di sản

Cần chú ý:

-         Chăm sóc cây Di sản không phải là một công việc dễ dàng.

-         Bản thân cây có khả năng chống chịu và tự phục hồi với  các tác động bất lợi từ bên ngoài.

-         Cũng cần chú ý : Hàng trăm năm qua, các cây Di sản đã và đang sinh trưởng và phát triển bình thường không cần hoặc cần rất ít bất cứ sự chăm sóc, giúp đỡ của con người ! Vì vậy bất cứ một tác động hoặc sự chăm sóc bất hợp lý đều dẫn đến thay đổi tình trạng của cây!!!

-         Tuy nhiên, việc chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ  giúp cây khỏe mạnh và chống chịu được sâu bệnh, kéo dài tuổi thọ.

 Các biện pháp chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho cây Di sản cần theo 6 yêu  cầu sau:

-         Tạo không gian thích hợp cho cây sinh sống,

-         Tưới nước khi cây bị thiếu nước, hạn hán

-         Phủ bổi cho cây để tránh thoát hơi nước.

-         Tỉa cành khi cần thiết.

-         Bón phân hợp lý.

-         Theo rõi thường xuyên để sớm phát hiện sâu, bệnh và có biện pháp Phòng trừ thích hợp.

    Chi tiết của các yêu cầu như sau :

 

1. Tạo không gian thích hợp cho cây sinh sống

-         Xác định vùng rễ tới hạn của cây: rễ của cây thành thục thường vươn xa hơn đường kính tán lá.

-         Trong điều kiện bình thường rễ của cây có thể vươn xa gấp 2.5 lần đường kính tán lá.

-         Dinh dưỡng mà rễ cây hút được chỉ ở tầng đất mặt đến độ sâu 30 – 40 cm.

-         Khi xây dựng công trình gần cây đảm bảo vùng rễ tới hạn không bị mất quá 30%.

 

 2. Tưới nước khi cây bị thiếu nước, hạn hán

-         Nước là yếu tố cơ bản nhất đảm bảo cho cây sống và phát triển

-         Khi cây bị thiếu nước dẫn đến cây chết, sâu, bệnh xuất hiện.-

-         Dấu hiệu nhận biết cây bị thiếu nước, rễ cây bị khô là lá chuyển màu, héo, rụng và cành nhỏ khô.

-         Không được tỉa cành tạo tán cây vào lúc cây có dấu hiệu bị thiếu nước vì cây bị mất năng lượng để hàn gắn viết thương do cắt tỉa cành.

-         Không bón phân cho cây ở giai đoạn này vì phân sẽ lấy nước từ rễ cây.

-         Không được đào, xới xáo dưới tán cây ở giai đoạn này.

 

 3. Phủ bổi cho cây để tránh thoát hơi nước.

-         Phủ bổi cho gốc cây là một biện pháp tiên tiến nhất giúp cây không bị thiếu nước và cải thiện lý hóa tính đất.

-         Phủ bổi là đặt vật liệu lên trên bề mặt đất nơi vùng rễ của cây để duy trì độ ẩm, và cải thiện hóa lý tính của đất.

-         Phủ bổi là biện pháp kỹ thuật quan trọng và hiệu quả giúp cây trồng sinh trưởng tốt và khỏe mạnh.

-         Lớp phủ dày từ 5-10cm, không dày quá 10cm

-         Vật liệu làm bổi phủ tốt nhất là dăm gỗ ủ compost ít nhất 4 tháng, lá thông, vỏ cây, lá mục, compost rơm rạ

-          Phủ bổi bằng với hình chiếu tán lá.

-         Không phủ bổi vào thân cây

 

 4. Biện pháp tỉa cành

-         Các cành nào được cắt

+       Đối với cây chưa già thì chỉ cắt các cành bị gãy, bị bệnh, bị chết

+       Chỉ cắt các cành ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt.

+       Khi cây còn non, cắt cành tạo thành góc nhọn để cây phát triển chiều cao.

+       Cắt các chồi mọc từ rễ, gốc cây và trong tán cây.

-           Khi nào thì tỉa cành ?

+       Thường tiến hành cắt cành vào cuối mùa đồng, đầu mùa xuân khi cây chuẩn bị ra lá mới.

+       Các cành gãy, cành bị bệnh, cành chết được cắt ngay sau khi phát hiện

+       Không được cắt quá 25% số cành hoặc tán lá  trong 1 năm.

-         Biện pháp kỹ thuật khi cắt tỉa cành

+       Khử trùng bằng cồn 70 độ đối với dụng cụ cắt cành trước và sau mỗi lần cắt.

+       Không cần thiết phải bôi hóa chất vào vết cắt, cây tự lành và liền vết cắt.

+       Cắt các cành lớn cần có kỹ thuật và dụng cụ chuyên dùng

+       Cắt cành cần theo 3 bước sau :

a/ Cắt từ dưới lên vào giữa cành tại vị trí cách thân khoảng 30cm.

b/ Cắt rời cành cách vị trí A từ 5-10cm

c/ Cắt cành ở vị trí gần sát thân, cắt xuống và hơi vát ra ngoài.

 

5. Bón phân hợp lý

-           Cần xác định nhu cầu bón phân?

+       Việc xác định có cần bón phân hay không thông qua kết quả phân tích đất.

+       Nếu không có kết quả phân tích đất, chỉ thị tốt nhất dựa vào sinh trưởng của chồi mới. Nếu sinh trưởng của chồi mới có chiều dài trên 15cm thì không cần thiết phải bón phân. Nếu chiều dài chồi mới trong khoảng 5-15cm thì có thể bón phân.

+       Việc bón phân cũng phải tuân thủ hướng dẫn và có quy trình bón phân.

+       Màu của lá cũng là một chỉ thị cho việc bón phân. Lá có màu vàng hoặc lá bị mất màu xanh thường là chỉ thị cho việc cần bón phân.

+       Triệu chứng này cũng thường gặp khi cây thiếu các yếu tố vi lượng như sắt và mangan, pH đất cao. Khi đất có pH quá cao cần điều chỉnh bằng Sulphate amon.

-           Bón phân thời điểm nào?

+       Cần bón phân cho cây vào mùa sinh trưởng.

+       Khi bón phân cần tưới nước để hòa tan và cây dễ hấp thụ.

+       Không bón phân cho cây vào mùa nóng, mùa khô.

-         Bón phân nào?

+       Từ triệu chứng trên lá chỉ ra cây thiếu vi lượng cần bón phân vi lượng.

+       Bón phân có lượng đạm cao.

+       Không được bón phân có hàm lượng lân cao (trừ khi kết quả phân tích đất chỉ ra đất thiếu lân), thường dùng 24-0-15, 30-0-10. 32-3-10 (cao N và thấp P). Nếu hàm lượng lân cao, tốt cho cỏ và độc đối với cây.

 

 6. Phòng trừ sâu, bệnh

-         Sâu, bệnh thường xuất hiện khi cây bị yếu, hạn hán, chăm sóc không đúng kỹ thuật, đất bị xáo trộn do đào bới, cắt rễ đã làm cho cây mất sức đề kháng.

-         Các loài cánh cứng thường đẻ trứng vào vỏ các cây đã bị suy yếu. cần quan sát khi thấy phân của ấu trùng thải ra, phải bắt được ấu trùng đưa các nhà chuyên môn để xác định đúng loài cánh cứng và có biện pháp phòng trừ thích hợp.

 

 Kết luận và đề nghị

 

Do tuổi cao, sức đề kháng kém lại gặp các tác động tiêu cực từ thiên nhiên và con người nên các cây Di sản rất dễ bị sâu bệnh nặng và dẫn đến tử vong. Vì vậy, việc chăm sóc, phòng và chống bệnh cho các cây Di sản Việt nam là một nhiệm vụ rất quan trọng.Thời gian tới, Hội đồng cây Di sản sẽ có những tài liệu cụ thể hướng dẫn việc chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho cây Di sản gửi tới các địa phương và tổ chức đã đang quản lý cây Di sản. Các đơn vị này cũng cần thường xuyên chăm sóc cây Di sản. Khi phát hiện cây bị sâu bệnh phải thông báo sớm cho bộ phận chuyên môn của Hội đồng cây Di sản để có kế hoạch chữa trị kịp thời.            

 

 DSC_0997.jpg

Các chuyên gia VACNE khảo sát bệnh của Cây táu - Cây Di sản Việt Nam ở Miếu Thiên Cổ, Việt Trì

 

Lượt xem : 1646