Vietnamese English
Chăm lo bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp và nhu cầu chính đáng cho người lao động là chức năng, nhiệm vụ của cơ bản của Công đoàn Việt Nam

10/31/2021 12:01:00 PM

(VACNE) - Bài góp ý Luật Công đoàn sửa đổi của TS. Nhà văn Trần Văn Miều, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam)

CHĂM LO BẢO VỆ QUYỀN LỢI ÍCH HỢP PHÁP VÀ NHU CẦU CHÍNH ĐÁNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

 

 (Góp ý Luật Công đoàn sửa đổi)

TS. Nhà văn Trần Văn Miều, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam)

 

          1. Đặt vấn đề

Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, công chức, viên chức và người lao động (sau đây gọi chung là người lao động); là thành viên quan trong trong hệ thống chính trị của đất nước; là thành viên tập thể có trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ngày 12/6/2021, Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về "Ðổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới". Nghị quyết 02 nêu Mục tiêu tổng quát:Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới[1]; là cơ sở chính trị-xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước”

 

[2].

Trong Nghị quyest 02, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ quan điểm lãnh đạo Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt những chức năng, nhiệm vụ sau: (i) Cơ sở chính trị-xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước; (ii) Đại diện, chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp của giai cấp công nhân và người lao động; (iii) Là cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân và người lao động; (iv) Tập hợp và đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động.

Như vậy, sửa khái niệm về Công đoàn Việt Nam phải căn cứ vào Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.

Luật Công đoàn được kỳ họp thư 3, Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012. Đây là luật điều chỉnh những mối quan hệ về tổ chức Công đoàn với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị và mối quan hệ giữa tổ chức Công đoàn với người lao động.

Luật Công đoàn năm 2012 được hiến định bởi Hiến pháp năm 1992[3]. Hiện nay, nước ta đang thực hiện Hiến pháp năm 2013. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn năm 2012 phù hợp với điều kiện mới là yêu cầu cấp thiết.






Ảnh: Internet

 


2. Một số thuật ngữ có liên quan đến khái niệm về tổ chức Công đoàn Việt Nam

 

2.1. Về quyền con người, quyền công dân

Chế định về quyền con người, quyền công dân luôn được xem là vấn đề quan trọng trong quá trình lập pháp của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, nguyên tắc về quyền con người, quyền công dân được xem là nguyên tắc hiến định trong Hiến pháp năm 2013.

Quyền nói chung được hiểu là: “Điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho được hưởng, được làm, được đòi hỏi”[4]. Như vậy, quyền công dân là những lợi ích pháp lý được các quốc gia thừa nhận và bảo vệ cho mọi công dân của mình.

Liên hợp quốc và các tổ chức của Liên hợp quốc chia quyền con người thành ba nhóm: (i) Nhóm quyền về dân sự; (ii) Nhóm quyền về chính trị; (III) Nhóm quyền về kinh tế, văn hóa và xã hội.

Quyền công dân: “Quyền của người công dân, bao gồm những quyền tự do dân chủ và các quyền lợi cơ bản về kinh tế, văn hóa, xã hội,v.v, được hiến pháp công nhận” [5].

Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam dành Chương II quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Trong đó Khoản 1, Điều 14 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”

 

[6].

Như vậy, ở nước ta quyền con người và quyền công dân được xem là lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân nói chung và người lao động nói riêng, được thống nhất trên ba nhóm quyền cơ bản là: (i) Nhóm quyền về chính trị; (ii) Nhóm quyền về dân sự; (iii) Nhóm quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội.

 

2.2. Lợi ích của công dân

Từ điển Bách khoa Việt Nam đưa ra khái niệm đầy đủ về lợi ích: “Lợi ích là một trong những động lực quan trọng trực tiếp thúc đẩy hành động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân, gia đình, tập thể, giai cấp, dân tộc và xã hội. Một cách tương ứng, người ta phân biệt lợi ích riêng (cá nhân) và lợi ích chung (của gia đình, tập thể, tập đoàn, giai cấp, dân tộc hay xã hội). Lợi ích có thứ bậc khách quan: Lợi ích xã hội cao hơn lợi ích giai cấp, lợi ích giai cấp cao hơn lợi ích bộ phận, lợi ích tập thể cao hơn lợi ích cá nhân,…Lợi ích là nguyên nhân thật sự, căn bản của hoạt động lịch sử và hành vi xã hội của con người. Lợi ích được con người ý thức trở thành động cơ tư tưởng của hoạt động thực tiễn có mục đích”

 

[7].

Đáng lưu ý, lợi ích của công dân nói chung và người lao động nói riêng là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy hành vi của họ. Đảm bảo được lợi ích hợp pháp là giải pháp quan trọng để vận động, tập hợp, đoàn kết người lao động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam. Mặt khác, trên góc độ chuẩn mực của xã hội nước ta thì những lợi ích chung, lợi ích của xã hội, lợi ích của giai cấp được coi trọng.

 

2.3. Về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động

Nghiên cứu lý luận và thực tiễn cho thấy, công dân nói chung và người lao động ở nước ta nói riêng có nhiều quyền và lợi ích khác nhau trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có những quyền và lợi ích hợp pháp, những quyền và lợi ích không hợp pháp. Quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động là những quyền được hưởng, được làm và được đòi hỏi theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Còn những quyền và lợi ích không được pháp luật thừa nhận là không hợp pháp.

Như vậy, người lao động ở nước ta được quyền hưởng, được quyền làm theo và được đòi hỏi người khác thực hiện các quyền con người và quyền công dân đã được quy định trong Chương II, Hiến pháp năm 2013 và những quy định trong các luật được Quốc hội ban hành.

 

2.4. Nhu cầu chính đáng của người lao động

Nhu cầu nói chung được hiểu là: “Sự phản ánh một cách khách quan các đòi hỏi về vật chất, tinh thần và xã hội của đời sống con người phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội  trong từng thời kỳ... Xét về mặt chủ thể, có nhu cầu cá nhân, nhu cầu tập thể, nhu cầu xã hội; xét về mặt hoạt động, có nhu cầu lao động, nhu cầu hiểu biết, nhu cầu trao đổi, nhu cầu giải trí,…; xét về mặt đối tượng, có nhu cầu vật chất, nhu cầu tinh thần; xét về mặt chức năng, có nhu cầu chính, nhu cầu phụ; xét về mặt đạo đức, có nhu cầu hợp lí, nhu cầu không hợp lí”

 

[8].

Đáng lưu ý, nhu cầu của người lao động ở nước ta là những đòi hỏi về vật chất, tinh thần và xã hội hợp pháp; Nhu cầu của người lao động phải phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với từng đối tượng trong từng thời kỳ của đất nước; Nhu cầu của người lao động ở nước ta được phân thành các loại sau: (i) Xét về mặt chủ thể, có nhu cầu cá nhân, nhu cầu tập thể, nhu cầu xã hội; (ii) Xét về mặt hoạt động, có nhu cầu lao động, nhu cầu hiểu biết, nhu cầu trao đổi, nhu cầu giải trí, nhu cầu hạnh phúc…; (iii) Xét về mặt đối tượng, có nhu cầu vật chất, nhu cầu tinh thần; (iv) Xét về mặt chức năng, có nhu cầu chính, nhu cầu phụ; (v) Xét về mặt đạo đức, có nhu cầu hợp pháp và nhu cầu không hợp pháp.

Tóm lại, người lao động ở nước ta có các quyền về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa và có những nhu cầu về lao động, nhu cầu hiểu biết, nhu cầu trao đổi, nhu cầu giải trí,…Do đó, trong Luật Công đoàn sửa đổi cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ cơ bản của tổ chức Công đoàn là chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và nhu cầu chính đáng của người lao động. Chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp và nhu cầu chính đáng là động lực tinh thần quan trọng, là chất keo kết dính chặt chẽ giữa người lao động với tổ chức Công đoàn.

 

          3. Đề xuất sửa một số quy định trong Luật Công đoàn sửa đổi

          Nghiên cứu Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn năm 2012, chúng tôi góp ý như sau:

 

 - Thứ nhất: Cần bổ sung thêm hai chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam

Theo tinh thần Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị thì khái niệm về tổ chức Công đoàn trong Dự thảo chưa nêu đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Để đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, chúng tôi đề nghị bổ sung thêm 2 chức năng, nhiệm vụ sau:  (i) Công đoàn là cơ sở chính trị-xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước; (ii) Công đoàn là tổ chức tập hợp và đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước.

Chúng tôi đề xuất, Điều 1 sửa đầy đủ là: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước[9]; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động); chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tập hợp và đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước[10]; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”[11].

- Thứ hai: Cần bỏ cụm từ “cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội” trong khái niệm về Công đoàn Việt Nam. Bởi vì, việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng là chức năng và nhiệm vụ cơ bản của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Thêm cụm từ này làm yếu tổ chức Công đoàn; việc phối hợp với các chủ thể khác là phương thức hoạt động của Công đoàn. Mặt khác, thêm chữ cùng không phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Khoản 3, Điều 9 quy định: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp cộng nhân và của người lao động…chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động…”. Như vậy, Hiến pháp quy định tổ chức Công đoàn Việt Nam là chủ thể độc lập, trực tiếp trong chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

- Thứ ba: Đề nghị bỏ cụm từ “và quy định của cơ quan có thẩm quyền” trong Điều 4, giải thích từ ngữ “1. Quyền công đoàn là quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động, đoàn viên công đoàn và quyền của tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của cơ quan có thẩm quyền”. Bởi vì, cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào? Luật pháp phải quy định rõ rảng, chuẩn mực, chứ không thể quy định hiểu thế nào cũng được.

- Thứ 4: Đề nghị Khoản 2, Điều 4 nên quy định theo Điều 9 của Hiến pháp năm 2013, chỉ quy định ba tổ chức là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội. Chúng tôi đề nghị 2 phương án sau:

(1) Phương án 1: Khoản 2, Điều 4 sẽ là: “Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, tập hợp đoàn viên công đoàn trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quyđịnh của pháp luật về lao động, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam”.

(2) Phương án 2: Khoản 2, Điều 4 sẽ là: “Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, tập hợp đoàn viên công đoàn trong cơ quan thuộc hệ thống chính trị[12] và tổ chức xã hội, đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quyđịnh của pháp luật về lao động, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam”./.

 

 



[1] Tác giả in nghiêng để nhấn mạnh ý tưởng

[2] Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 02

[3] Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10

[4] Từ điển tiếng Việt. Nxb. Đà Nẵng, năm 2000, tr.815

[5] Sách đã dẫn, tr.815

[6] Điều 14, Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

 

[8] Từ điển Bách khoa Việt Nam, Tập 3.  Nxb. Từ điển Việt Nam, năm 2002, tr.267

[9] Bổ sung mới về chức năng, nhiệm vụ

[10] Bổ sung mới về chức năng, nhiệm vụ

[11] Dự thảo sửa đổi

[12] Hệ thống chính trị của Việt Nam, bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam)

Lượt xem : 1828