Vietnamese English
Cha đẻ của “Cuộc cách mạng xanh”

11/6/2014 10:24:00 AM

Tiến sĩ Norman Ernest Borlaug (25/3/1914 - 12/9/2009) là một nhà nông học và tiến sĩ di truyền tài năng, người đã tạo nên cuộc "Cách mạng xanh", đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp vì lợi ích của những người nông dân ở các nước đang phát triển và nghèo tài nguyên.


Nhà nông học tài năng này đã dành cả cuộc đời âm thầm nghiên cứu để cải thiện đời sống cũng như cứu đói hàng trăm triệu nông dân khắp các vùng xa xôi, nghèo đói trên toàn thế giới. Có lẽ vì thế mà tên tuổi của ông được biết đến nhiều hơn ở nước ngoài, so với ở Mỹ.

Borlaug cũng là nhà nông học duy nhất cho đến nay được trao tặng Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1970, từng được tạp chí Time (Mỹ) ghi tên vào danh sách 100 nhà trí tuệ lớn nhất thế kỷ XX.

Đứa con của đất đai

Sinh ra và lớn lên trên cánh đồng Iowa (Mỹ), từ thời thơ ấu, Norman Borlaug đã đam mê với nghề nông. Những người thầy từng dạy ông đều nhận định rằng ở Norman Borlaug ẩn chứa những bí ẩn của đất đai, của đồng cỏ và điều đó dường như là định mệnh của người đàn ông đặc biệt này. Norman Borlaug bắt đầu cắp sách đi học tại ngôi trường làng chỉ có một lớp duy nhất. Từ thuở thiếu thời, cậu bé Norman đã thích tìm hiểu về các loại cây, và thường thắc mắc vì sao một số cây trồng lại phát triển tốt hơn nếu được trồng tại một địa điểm khác trong nông trại.

Vào thời kỳ mà nhiều thanh niên thôn quê được khuyến khích đi tìm việc, Norman được ông nội khuyến khích nên tiếp tục theo đuổi con đường học vấn. Trong cuộc đại suy thoái kinh tế, Norman làm việc ngoài đồng để kiếm 50 cent một ngày, vừa đủ để cậu có thể trang trải học phí.

Khoảng những năm 30-40 thế kỷ trước, nạn hạn hán trong vùng đồng cỏ tại Mỹ gây khốn đốn cho không biết bao nhiêu nông dân. Hồi tưởng lại kinh nghiệm này, tiến sĩ Borlaug nói: "Hầu hết những người sống ở nước Mỹ ngày nay chưa hề phải trải qua thời kỳ khó khăn đó. Và đây cũng chính là lý do thúc đẩy tôi theo đuổi việc nghiên cứu, phát triển canh nông trên thế giới".

Norman Borlaug theo học ngành thực vật tại Trường đại học Minnesota và lấy bằng tiến sĩ về di truyền - bệnh học thực vật năm 1941. Từ năm 1944 - 1960, ông làm việc như một nhà nghiên cứu khoa học về thuốc bảo vệ và bảo quản thực vật tại Tập đoàn Du Pont de Nemours ở Mexico. Một trong những phát minh sớm nhất của ông là tìm ra cách gây đột biến gen thực vật. Phương pháp này đã mở đường cho việc tạo ra những giống cây trồng mới, với những kết quả hết sức quan trọng, bao gồm tạo ra các giống cây trồng cho những vùng có khí hậu khắc nghiệt.


Norman Borlaug cùng trẻ em và nông dân ở châu Phi.

Tại một trạm nghiên cứu ở Campo Atizapan, ông đã phát triển một loại hạt giống làm tăng lên đáng kể năng suất của cây trồng. Một trong những phát minh quan trọng của ông là nghiên cứu chọn giống lúa mì tại Mexico và giới thiệu phát triển những giống lúa mì thấp cây, năng suất cao, kháng sâu bệnh nổi tiếng khắp thế giới.

Norman Borlaug luôn bị ám ảnh bởi cái đói. Vào nửa cuối thế kỷ XX, các nước kém phát triển đứng trước nguy cơ thiếu ăn trầm trọng, do dân số bùng nổ mạnh trong khi hệ thống nông nghiệp lạc hậu không đáp ứng được nhu cầu tăng cao về lương thực. Điều đó đã để lại những vết sẹo trong tâm hồn và suy nghĩ của nhà khoa học trẻ.

Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử phát triển xã hội loài người. Cũng trong cuộc cách mạng vĩ đại đó, một chân lý được đưa ra: Bánh mì và Hòa bình. Với tâm niệm thành phần thiết yếu làm nên công bằng xã hội chính là việc cung cấp đầy đủ lương thực cho tất cả mọi người, chàng trai Norman bắt đầu lao vào nghiên cứu ngày đêm để tạo ra những thành công ngoài sự mong đợi.

Ông bắt đầu với Mexico - một nước nghèo của châu Mỹ Latinh. Norman mô tả các điều kiện nông nghiệp ở Mexico là rất tồi tệ. Đất đai không đủ màu mỡ để trồng cây nông nghiệp, trong khi sâu bệnh phá hủy các loại cây trồng. Trong suốt nhiều năm ông ra sức làm việc với các nhà khoa học Mexico để phát triển những cây nông nghiệp có khả năng kháng bệnh, bằng cách pha giống các loại cây khác nhau để phát triển những giống lúa mì khỏe và có sức đề kháng cao hơn.

Năm 1944, sau 10 năm nghiên cứu đầy gian khổ và vất vả với hơn 6.000 lần lai giống thử nghiệm, Norman Ernest Borlaug đã thành công trong việc cải tiến giống lúa mì thân lùn - một giống lúa mì có khả năng phòng ngừa sâu bệnh tốt, khắc phục nhược điểm dễ gãy khi trổ bông của giống lúa mì thân cao và đặc biệt cho sản lượng cao vượt trội.


Ông Borlaug cho rằng, tất cả những gì ông làm chỉ là để giúp đỡ đồng loại và lúa mì chỉ là phương tiện chuyển tải mối quan tâm của ông tới việc cải thiện cuộc sống của con người.

Công trình nghiên cứu này là bước khởi đầu của một công việc cao cả: nuôi sống cả thế giới. Norman đã kéo người dân Mexico ra khỏi nạn đói và biến đất nước Mỹ Latinh nghèo đói này thành một đất nước xuất khẩu lúa mì. Người dân Mexico tôn vinh ông là "nhà trồng trọt thiên tài". Để ghi nhận đóng góp của Norman Ernest Borlaug, năm 1968, người dân thành phố Sonora đã lấy tên của ông để đặt cho một con đường.

Năm 1959, nhận lời mời của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Norman đã sang Pakistan và năm 1963 tới Ấn Độ. Bằng nỗ lực và ảnh hưởng của mình, Norman Ernest Borlaug đã tác động để chính phủ hai nước này chấp nhận nhập khẩu và sử dụng trên diện rộng giống lúa mì thân lùn Mexico. Kết quả là, lần đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ, sản lượng lúa mì vụ mùa 1968 đạt đến 17 triệu tấn.

Tiếp sau Pakistan và Ấn Độ, một loạt quốc gia trên thế giới như Thái Lan, Philippines hay Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập khẩu và sử dụng giống lúa mì kèm theo những thay đổi về sự quan tâm cũng như đầu tư của chính phủ cho sản xuất nông nghiệp. Norman đã cùng nhiều nhà khoa học thực hiện nhiều nghiên cứu để cải tiến các giống lúa và ngô giúp đẩy mạnh sản xuất lương thực của nhiều nước ở châu Á, Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi.

Nhờ cuộc "Cách mạng xanh", từ năm 1960 đến năm 1990, sản lượng nông nghiệp trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi và đã cứu sống khoảng 1 tỉ người tại những nước đang phát triển khỏi nguy cơ chết đói. Năm 2006, một cuốn sách viết về Norman Ernest Borlaug đã được xuất bản với tiêu đề "Người nuôi sống cả thế giới". Một cuộc cách mạng màu xanh lá cây đã thành công vang dội trên toàn cầu tới mức người ta gọi ông với cái tên đầy kính trọng: Cha đẻ của Cách mạng xanh.

Ngọn lửa đam mê còn mãi

Norman Ernest Borlaug đã cống hiến suốt đời để cải thiện đời sống và thu nhập cho hàng trăm triệu nông dân nghèo trên toàn cầu. Không những thế, ông còn dành nhiều thời gian giảng dạy, nghiên cứu, làm việc tại nhiều trường đại học và các trung tâm nghiên cứu lớn. Đứng trên bục của một hội trường ở Đại học Oslo, nhà khoa học được vinh danh như một "người bất khuất không ngừng đấu tranh với các thủ tục hành chính cồng kềnh và các bệnh nơi các loài cây công nghiệp để theo đuổi mục tiêu tăng sản lượng lương thực, giúp nuôi sống những thành phần nghèo đói trên thế giới".

Ngày 10/12/1970, nhà nông học Norman Borlaug - con của một gia đình di dân đã rời Na Uy để tránh tình trạng khan hiếm lương thực - trở về quê cha để nhận vinh dự cao quý nhất - Giải Nobel Hòa bình - sau những cố gắng của ông nhằm tạo ra các loại giống lúa tốt và tạo ra cuộc cách mạng nông nghiệp ở các nước đang phát triển. Bà Aase Lionaes, Chủ tịch Ủy ban Nobel, cho biết: "Tiến sĩ Norman Ernest Borlaug đã mang bánh mì đến cho một thế giới đói. Chúng tôi lựa chọn ông với hy vọng bánh mì cũng mang lại hòa bình cho nhân loại".

Nhưng Norman là người luôn ẩn mình và không bao giờ đề cao những đóng góp của cá nhân. Ông cho rằng, tất cả những gì ông làm chỉ là để giúp đỡ đồng loại và lúa mì chỉ là phương tiện chuyển tải mối quan tâm của ông tới việc cải thiện cuộc sống của con người. Năm 1986, Norman sáng lập "Giải thưởng Lương thực thế giới", được coi là "Nobel trong lĩnh vực nghiên cứu lương thực", nhằm tôn vinh những cá nhân đã góp phần nâng cao giá trị và chất lượng của lương thực trên toàn thế giới. Đây được coi là cuộc cách mạng thứ hai của ông.


Tiến sĩ Norman đã được dựng tượng tại bang Iowa, như nhắc nhở về những thành tựu to lớn trong nông nghiệp cùng khát vọng xóa nghèo vẫn còn cháy mãi cho tới ngày nay.

Báo giới ca ngợi tiến sĩ Norman là một trong những nhà nhân bản vĩ đại nhất. Ông không chỉ là nhà khoa học, mà còn là nhà tranh đấu tích cực tin vào sức mạnh của khoa học để cải thiện đời sống cho nhân loại ở khắp nơi, nhất là những quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Nhìn lại cuộc đời mình, ông không thể ngờ rằng cậu học trò nhỏ trong ngôi trường làng có mỗi một lớp học đó lại có được kinh nghiệm làm việc ở  60, 70 quốc gia trên khắp thế giới như vậy.

Chính niềm đam mê đã thúc đẩy Norman Borlaug làm việc không ngừng nghỉ, theo đuổi "nghiệp nông" đến tận cuối đời vì một nhân loại không còn thiếu lương thực trong tương lai. Ông trở thành nguồn cảm hứng cho tất cả những nhà khoa học trên thế giới, nhất là những người trẻ tuổi đang thực hiện những bước đi đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp và chống đói nghèo.

Cho đến năm 90 tuổi, nhà nông học nhân ái này vẫn không ngừng nghĩ về việc chống lại nạn đói trên thế giới. Ông bắt tay vào thực hiện dự án phổ biến kỹ thuật sinh học trong trồng trọt tại châu Phi và đã nghiên cứu thành công một giống lúa mì chịu hạn cho vùng đất Phi châu cằn cỗi. Ghi nhận những cống hiến đặc biệt cao quý cho nhân loại, ông đã được trao tặng Huân chương Tự do của Tổng thống Mỹ năm 1977, Huân chương Vàng của Quốc hội Mỹ năm 2007 cùng nhiều giải thưởng danh dự, cao quý của nhiều nước, tổ chức và trường đại học trên thế giới.

Hiện nay, thế giới đang diễn ra cuộc Cách mạng xanh lần hai trong khuôn khổ cách mạng công nghệ sinh học với việc tạo ra và đưa vào sử dụng nhiều giống cây lương thực và cây công nghiệp có khả năng chống sâu bệnh tốt và năng suất cao trên cơ sở áp dụng kỹ thuật di truyền và sinh học phân tử. Cùng với đó, sự nghiệp của nhà nông học Norman Ernest Borlaug vẫn được duy trì tích cực qua "Chương trình Học bổng Borlaug" do Bộ Nông nghiệp Mỹ cai quản. Chương trình này đưa các nhà khoa học nông nghiệp nước ngoài đến Mỹ mỗi năm, để cùng làm việc với các nhà khoa học Mỹ và tìm ra các giải pháp mới với tính thực tiễn cao, tiếp nối những thành tựu ông Norman Borlaug để lại nhằm hiện thực hóa giấc mơ "xã hội ai cũng có bánh mì" của tiến sĩ tài năng này.

Không lâu sau khi tiến sĩ Norman Ernest Borlaug qua đời vào tháng 9/2009, nhà tỉ phú Bill Gates đã ngỏ lời tại Hội nghị Lương thực Thế giới ở bang Iowa. Ông Bill Gates chia sẻ: "Vào giữa thế kỷ XX, các chuyên gia tiên đoán nạn đói kém và thảm cảnh chết đói sẽ xảy ra. Những gì họ tiên liệu đã không thành sự thật, bởi vì họ không thể ngờ rằng một thiên tài như Norman Borlaug bỗng dưng lại xuất hiện".

Rõ ràng, Norman Ernest Borlaug không những đã chỉ dẫn cho thế giới cách tạo ra thêm lương thực từ đất đai, mà còn chứng tỏ rằng: người làm nông có quyền hạn nâng cao cuộc sống của chính họ - những thành phần nghèo khó, cùng cực của xã hội. Dù đã ra đi vĩnh viễn, nhưng ngọn lửa chống nghèo đói thế giới do ông thắp lên chắc chắn vẫn mãi tỏa sáng…

 Theo  Trần Quân - Anh Doãn (An Ninh Thế Giới)

Lượt xem : 3326