Cây xanh với môi trường đô thị - Sự kiện tôn vinh Cây di sản
7/28/2011 1:23:00 PM
Bài viết của GS. TS. Trần Hiếu Nhuệ, Trưởng Ban Môi trường và Doanh nghiệp của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đăng trong tạp chí Xây dựng và Đô thị số 23-2011
Lời Tòa soạn: Sự kiện vinh danh cây di sản Việt Nam chính thức được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động. Kết quả gần 90 cây tại các tỉnh [Hà Nội, Hà Tây cũ, Huế, Hải Dương, Hải Phòng] được công nhận cây di sản Việt Nam. Hiện nay có gần 20 tỉnh, thành gửi hồ sơ về đề nghị công nhận rừng cây đại thụ ở địa phương họ. Đây là một điều đáng mừng cho vấn đề bảo tồn cây di sản Việt Nam.
GS TS Trần Hiếu Nhuệ
1. Vai trò của cây xanh đô thị
Cây xanh, một thành phần quan trọng trong các công trình kiến trúc, có vai trò hết sức quan trọng trong việc điều hoà khí hậu, bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề môi sinh. Cùng với việc giảm thiểu nguồn ô nhiễm thì sử dụng cây xanh đang là giải pháp hiệu quả nhất trong việc bảo vệ môi trường. Vì vậy, cây xanh đô thị đã trở thành chủ đề thu hút nhiều nhà khoa học quan tâm.
Khi nghiên cứu cây xanh đô thị, các nhà nghiên cứu từng chuyên ngành đi theo nhiều hướng khác nhau:
+ Các chuyên gia nghiên cứu lâm nghiệp đã đưa ra những thuật ngữ, khái niệm như: lâm nghiệp đô thị, phức hợp rừng, lâm nghiệp vành đai xanh, kỹ nghệ xanh, lâm nghiệp tiện ích,..., trong đó nổi bật là lâm nghiệp đô thị.
Theo họ, lâm nghiệp đô thị là trồng, tạo lập, bảo vệ và quản trị cây xanh và các thực vật kết hợp dưới dạng cá thể, nhóm nhỏ hay dưới hoàn cảnh rừng trong các thành phố, ngoại ô của thành phố và nông thôn ngoại thành. Theo định nghĩa này thì phạm vi và chức năng hoạt động của lâm nghiệp đô thị khá rộng liên quan đến nhiều lĩnh vực: lâm nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, kiến trúc, dịch vụ và thương mại.
+ Các chuyên gia nghiên cứu về kiến trúc cảnh quan thì đi theo hướng như kiến trúc xanh, cảnh quan xanh.
+ Các chuyên gia quy hoạch đô thị thì đi theo hướng quy hoạch không gian cây xanh,
+ Các chuyên gia quản lý đô thị thì đi theo hướng quản lý cây xanh đô thị,
+ Các chuyên gia môi trường thì đi theo hướng cây xanh với chống ô nhiễm và bảo vệ môi trường, cây xanh trong hệ sinh thái đô thị, …
Đối với quy hoạch xây dựng đô thị Việt Nam, vấn đề cây xanh đô thị đã được dưa vào nhiều loại tiêu chuẩn và nay là quy chuẩn. Theo quy định của QCVN 01:2008/BXD, cây xanh đô thị được chia thành 3 nhóm chính :
+ Cây xanh sử dụng công công (quảng trường, công viên, vươn hoa, vườn dạo,… bao gồm cả diện tích mặt nước nằm trong trong khuôn viên các công trình này và diện tích cây xanh cảnh quan ven sông được quy hoạch xây dựng thuận lợi cho người dân đô thị tiếp cận và sử dụng cho các mục đích luyện tập TDTT, nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn,…
+ Cây xanh đường phố (cây xanh, thảm cỏ trồng trong phạm vi chỉ giới đường đỏ)
+ Cây xanh chuyên dụng (cách ly, phòng hộ, vườn ươm, nghiên cứu thực vật học,…)
-Trong quy chuẩn này đã đề cập cụ thể đến :
+ Những yêu cầu đối với quy hoạch hệ thống cây xanh trong đô thị,
+ Quy định về diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị,
Dù nghiên cứu theo hướng nào, thì moi người đều có đánh giá thống nhất về vai trò hết sức to lớn của hệ thống cây xanh trong đô thị, như :
+ Trong việc điều hoà khí hậu, bảo vệ môi trường và kiến trúc cảnh quan.
Trồng cây xanh trong đô thi hay xung quanh khu dân cư, khu công nghiệp để che nắng, giảm lượng bức xạ mặt trời, giảm tiếng ồn và bụi phát tán ra bên ngoài nhà máy, đồng thời tạo thẩm mỹ, cảnh quan môi trường trong khuôn viên các nhà máy của khu công nghiệp và tạo cảm giác êm dịu về màu sắc cho môi trường khu vực.
Ban ngày cây xanh có tác dụng hút bức xạ nhiệt, hút khí CO2 và nhả khí O2, còn ban đêm thì ngược lại, cây xanh nhả nhiệt và khí CO2, nhưng quá trình hoạt động sinh lý của cây xanh vào ban đêm rất yếu, do đó lượng nhiệt và khí CO2 do cây xanh thải ra vào ban đêm là không đáng kể. Vì vậy, nhiệt độ không khí trong các vườn cây thường thấp hơn chỗ trống trải từ 2-3oC. Không khí chứa bụi khi thổi qua các hàng cây xanh thì các hạt bụi sẽ bám vào mặt lá cây do lực ma sát và trọng lượng của bản thân hạt bụi. Các luồng không khí thổi qua tán lá cây sẽ bị lực cản làm cho tốc độ của luồng không khí giảm và loãng đi. Do đó một phần hạt bụi sẽ ngưng đọng trên lá cây, vì vậy có thể nói cây xanh có tác dụng lọc sạch bụi trong không khí.
Các dãy cây xanh trồng dọc đương phố, dọc theo khuôn viên các nhà máy của khu công nghiệp còn có tác dụng làm giảm sự nhiễu động của không khí trên đường đi, do đó sẽ giảm bớt được tình trạng bụi từ mặt đường phố bay vào khu khu dân cư, các hộ dân..
Cây xanh có tác dụng giảm tiếng ồn. Sóng âm truyền qua các dải cây xanh sẽ bị suy giảm năng lượng, mức cường độ âm thanh giảm đi nhiều hay ít phụ thuộc vào mật độ lá cây, kiểu lá và kích thước của cây xanh và chiều rộng của dải đất trồng cây. Các dải cây xanh sẽ có tác dụng làm phản xạ âm, do đó làm giảm mức ồn trong khuôn viên khu dân cư.
Độ giảm mức ồn sau các dải cây xanh được xác định bằng công thức sau :
DLcx = DLd + 1,5 Z + båBi
Trong đó :
DLd - Độ giảm mức ồn do khoảng cách chưa kể tác dụng giảm tiếng ồn do các dải cây xanh. DLd = 10 lg (r2 / r1)1+a (dB).
1,5 Z - Độ giảm mức ồn do tác dụng phản xạ của dải cây xanh.
Z - Số lượng dải cây xanh.
åBi - Tổng bề rộng của các dải cây xanh (m).
båBi - Độ giảm mức ồn do âm thanh bị hút và khuếch tán trong các dải cây.
b - Hệ số hạ thấp trung bình cho các tần số âm thanh. b = 0,10-0,20.
r1 - Khoảng cách tới nguồn ồn (m).
r2- Khoảng cách tính toán độ giảm mức ồn theo khoảng cách (m).
a - Hệ số kể đến ảnh hưởng hấp thụ tiếng ồn của địa hình mặt đất.
Do đó, để hạn chế các tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên, đồng thời làm đẹp thêm cảnh quan khu dân cư, cần quan tâm tới việc quy hoạch hàng rào cây xanh và tăng số lượng cây trồng trong khuôn viên khu dân cư. Diện tích trồng cây xanh trong dân cư đô thi phải đảm bảo 15% tổng diện tích khu đô thị.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy có nhiều lợi ích của cây xanh trong đô thị:
- Về năng lượng :
+ Cây xanh có thể giảm chi phí sử dụng năng lượng từ 20-25% hàng năm cho một gia đình.
+ Giảm chi phí điều hòa nhiệt độ từ 10-20% đối với cây xanh có độ tuổi từ 10-15 năm (Heisler 1986)
- Khả năng chắn gió và giảm tiếng ồn của cây xanh
+ Tùy thuộc vào mật độ nhà, nếu tán phủ của cây chiếm 10% có thể làm giảm tốc độ của gió từ 10 – 20%. (Heisler,1989).
+ Diện tích vành đai cây xanh rộng 29m2, cao 12 m có thể làm giảm tiếng ồn trên đường cao tốc từ 6 – 10 decibels (Akbari,1992)
- Tăng chất lượng không khí khu vực
+ Cây xanh cải thiện chất lượng không khí bằng cách hấp thu các tác nhân ô nhiễm không khí như: NO2, CO, SO2, O3, khói, bụi…(Nowark,1999), theo ước tính có thể làm giảm hàm lượng khói bụi đến 6% (Wofl,1998).
+ Cây xanh ven đường có thể làm giảm sức nóng của mặt đường trung bình từ 6 -80C(CUFR, 2001)
+ Cây xanh trong một sân rộng trứơc nhà có thể hấp thu hàng năm một lượng khoảng 4.5 kg khí ô nhiễm và ngăn chặng 150 kg CO2 từ khí quyển (CUFR,2001).
- Giảm tải cho hệ thống thoát nước mưa đô thị
+ Giảm lượng nước mưa chảy tràn hoặc làm chậm dòng chảy tập trung và hạn chế tình trạng ngập úng trong đô thị nhờ sự chắn giữ nước mưa bởi tán phủ,
+ Giảm lượng nước bốc hơi vào khí quyển,
+ Các thảm cây xanh làm tăng chất lượng nước các thủy vực do hấp thụ chất ô nhiễm từ nước chảy tràn bề mặt nhờ các chức năng như: thấm và lọc nước mưa thông qua lớp bộ rễ và lớp đất đá, lưu trữ lại trong đất. làm giảm lượng nước tập trung vào nguồn nước mặt và tăng trữ lượng nước ngầm
+ Khả năng chắn giữ và xử lý nước mưa của cây xanh
Một cây xanh phổ biến có khả năng chắn giữ một lượng nước mưa trung bình từ 200 – 290 lít trên một năm.(Envirocast,2003 và CUFR 2001)
Tán phủ của cây có khả năng chắn giữ từ 10 – 40 % lượng mưa tùy thuộc vào loại cây và kiểu mưa (Watershed science center 2000)
Khả năng thấm lọc và giữ nước mưa của cây phụ thuộc vào tính chất đất đá, loại cây tỉ lệ trung bình khoảng 11 cm/giờ (Kays, 1980)
Một cây xanh có thể hấp thụ khoảng 0.45 kg Nitơ trên một năm (Licht,1990)
- Làm giảm xói lỡ thủy vực
+ Cây trong khu vực ven thủy vực có vai trò làm giảm sự xói lở thủy vực nhờ sự ổn định đất đá bằng bộ rể của chúng.
+ Lớp phủ thực vật cũng góp phần làm giảm xói lở nhờ làm giảm tác động trực tiếp của nước mưa đến đất đá (Hartman,1987).
+ Khu vực cây phía ngoài vùng ven thủy vực cũng gián tiếp làm giảm xói lở cho thủy vực nhờ làm yếu đi dòng chảy bề mặt và giảm lượng nước mưa chảy vào thủy vực (Shields,1994).
- Về khía cạnh sinh học và thực phẩm
+ Cây xanh bảo đảm nơi sống cho động vật trên cạn và các loài thủy sinh
+ Cây xanh có thể cung cấp thực phẩm, nước, lớp phủ cho các loài chim, bò sát, động vật trên cạn…
- Về phương diện tâm sinh lý:
+ Cây xanh tạo cho tâm lý con người thoải mái hơn, giảm thiểu căng thẳng sau những giờ làm việc mệt mỏi.
+ Làm tăng nguồn thú vui của con người
Cuộc sống của con người luôn gắn bó và không thể tách rời khỏi thiên nhiên. Vì vậy khi con người đứng trước các yếu tố tạo nên thiên nhiên (nước, cỏ cây hoa lá, núi non…) đều cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng và thư thái, như tìm được chốn yên bình sau khoảng thời gian ồn ào vội vã của cuộc sống.
Tóm lại:
- Cây xanh đô thị được xem là một trong những yếu tố phản ánh trình độ văn minh đô thị.
- Có rất nhiều nghiên cứu về lợi ích của cây xanh đô thị đối với các thành phần môi trường cũng như hệ sinh thái đô thị và sức khoẻ tâm lý con người.
- Tuy nhiên, thực tế hệ thống cây xanh ở nhiều đô thị của nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu về môi trường cảnh quan. Tỷ lệ diện tích cây xanh quá ít, cơ cấu cây trồng chưa hợp lý. Chúng ta vẫn còn thiếu một giải pháp đồng bộ cho việc phát triển hệ thống cây xanh đô thị
- Vì vậy chúng ta phải đảm bảo tỷ lệ cây xanh trong đô thị , bảo vệ và gìn giữ cây xanh trong đô thị.
Ngày 11/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị. Theo đó, Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, phát triển cây xanh sử dụng công cộng đô thị nhằm mục đích phục vụ lợi ích cộng đồng; đồng thời, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia quy hoạch, trồng, chăm sóc, ươm cây, bảo vệ cây xanh đô thị.
2. Vinh danh cây di sản do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng
Với vai trò và chức năng của mình, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE),bắt đầu từ tháng 3-2010 và ngày 1-7-2010 đã phát động và được sự ủng hộ, cổ vũ của Bộ Tài nguyên và Môi trường sự kiện “Bảo tồn cây di sản Việt Nam” -Cộng đồng với Môi trường mở chuyên mục "Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam" để truyền tải các thông tin cần thiết và tôn vinh các Cây Di sản Việt Nam.
Mục đích, ý nghĩa của sự kiện là:
· Lựa chọn và vinh danh những Cây Di sản của đất nước, góp phần bảo tồn nguồn gen các cây tiêu biểu của Việt Nam.
· Góp phần nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng.
· Quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật Việt Nam rộng rãi trong nước và ngoài nước.
· Tạo nguồn du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học.
· Kỷ niệm Năm Đa dạng sinh học 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
- Đối tượngCây Di sản (Heritage trees) bao gồm những cây gỗ lớn, cây thân gỗ mọc tự nhiên hoặc được trồng, đang sống trên 100 năm tuổi đối với cây trồng và trên 200 năm tuổi đối với cây tự nhiên, có một hoặc một số giá trị về cảnh quan, môi trường, khoa học, văn hoá, lịch sử.
Cây Di sản được cộng đồng đề xuất, được chủ sở hữu cây đăng ký, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận và được bảo tồn tốt nhất theo khả năng có thể.
- VACNE đã Xây dựng tiêu chí Cây Di sản và thành lập Hội đồng tuyển chọn ( Hội đồng cây di sản Việt Nam).
- Tiêu chí Cây Di sản
A. Cây tự nhiên
1) Cây sống trên 200 năm
2) Cao to hùng vĩ:
- Cao trên 40m, chu vi trên 6m đối với cây gỗ đơn thân.
- Cao trên 25m, chu vi trên 15m đối với các cây đa, si thuộc chi Ficus.
3) Có hình dáng đặc sắc.
4) Đặc biệt ưu tiên các loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị văn hoá, lịch sử.
B. Cây trồng
1) Cây sống trên 100 năm
2) Cao to hùng vĩ:
- Cao trên 30m, chu vi trên 3,5m đối với cây gỗ đơn thân;
- Cao trên 20m, chu vi trên 10 m, đối với cây đa, si thuộc chi Ficus.
3) Có hình dáng đặc sắc.
4) Đặc biệt ưu tiên các loài có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử.
C. Các cây khác:
1) Cây không đạt các tiêu chí kỹ thuật đã nêu, nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học, hoặc lịch sử, hoặc văn hoá, hoặc mỹ quan.
2) Cây cảnh độc đáo.
3) Các cây gần đạt các tiêu chí nhóm A, B nêu trên nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học, hoặc văn hoá, hoặc lịch sử, hoặc mỹ quan.
. Kết quả chính
- Sau khi phát động cuộc vận động giới thiệu, đề cử các Cây Di sản của địa phương,
- Hội đồng Cây di sản Việt Nam của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã họp vào tháng 9 năm 2010 và quyết định chọn 59 cây cổ thụ là cây Di sản Việt Nam. Tổ chức Lễ công bố kết quả thành từng đợt, đợt I vào tháng 10 năm 2010.
- Xây dựng và định kỳ công bố Danh mục các Cây Di sản được công nhận; Tới nay danh sách cây di sản đã lên tới 90 cây.
- Tạo điều kiện và huy động cộng đồng chung sức bảo tồn Cây Di sản, chăm sóc sức khoẻ từng Cây Di sản.
- Truyền thông thường xuyên, cụ thể về từng Cây Di sản trong Danh mục được tôn vinh, tạo điều kiện nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
Sự kiện vinh danh Cây di sản Việt Nam chính thức được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động . Đến nay Hội đã tổ chức lễ công nhận cho gần 90 cây tại các tỉnh (Hà Nội, Hà Tây cũ, Huế, Hải Dương và Hải Phòng). Đến nay, có gần 20 tỉnh, thành đã gửi hồ sơ về đề nghị công nhận rừng cây đại thụ ở địa phương họ.
- Tháng 10/2010, VACNE tổ chức lễ vinh danh cây di sản đầu tiên cho chín cây muỗm 900 tuổi ở Hà Nội dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nói về những cây muỗm nằm rải rác trong và ngoài khuôn viên Đền Voi Phục, cụ Hà Văn May 90 tuổi, cụ từ ở Đền Voi Phục, kể chín cây muỗm có từ lúc xây dựng Đền Voi Phục. Đền thờ hoàng tử Linh Lang (con vua Lý Thái Tông). Trong Đền, được công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia, còn lưu giữ một số đồ thờ có niên đại 600-800 năm.
Cây thị cổ thụ 312 tuổi tại nhà thờ phái Thân Văn, làng Dương Xuân Hạ,
TP. Huế ở Huế
Rừng lộc vừng 500 tuổi ở Huế “Cả làng có tới hàng nghìn cây lộc vừng hơn 500 năm tuổi, khách tứ phương hỏi mua với giá hàng tỷ đồng, nhưng làng đã quyết không bán dù chỉ một cây”, ông trưởng hội đồng làng Siêu Quần quả quyết nói.
Cách thành phố Huế chừng 40 km về phía bắc, làng Siêu Quần, xã Phong Bình (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) được bao bọc bởi rừng lộc vừng cổ thụ (người làng gọi là cây mưng). Trên con đê, hàng nghìn cây lộc vừng xanh mướt chạy dài dọc cánh đồng.
Dẫn khách đi quanh làng với những cây lộc vừng trổ lộc xuân đỏ rực, cụ Nguyễn Văn Tám, 72 tuổi, Trưởng hội đồng làng Siêu Quần, tự hào kể, vào nửa đầu thế kỷ 15, dưới thời Lê sơ, ngài khai canh họ Trương gốc Hà Nam vào vùng Thuận Quảng đã tìm đến cồn đất nổi, xung quanh là đầm lầy làm nơi định cư, khai khẩn đất hoang, lập làng Siêu Quần.
Người xưa đã đắp đê ngăn mặn để trồng trọt và chọn cây lộc vừng trồng thành bốn vòng bao quanh làng để giữ đất, chắn sóng. Đến nay, cây lộc vừng không ngừng phát triển với diện tích 20 ha, chiếm 1/5 diện tích làng.xanh tốt như vậy.
Cây lim 700 năm tuổi ở Hải Dương
Rừng lim cổ thụ trên núi Thiên Bồng, thôn Đại, xã An Lạc, Chí Linh, Hải Dương, gắn với di tích lịch sử Đền Cao được xây dựng cách đây hơn 1000 năm để thờ năm vị tướng đồng thời là năm chị em ruột họ Vương (Vương Đức Minh, Vương Đức Xuân, Vương Đức Hồng, Vương Thị Đào, và Vương Thị Liễu) đã có công giúp Vua Lê Đại Hành đánh giặc Tống năm 981.
Cây gạo 727 năm tuổi (1284 - 2011) do Quỳnh Trân Công Chúa trồng ở đền Mõ, thôn Nghi Dương, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, được công nhận là cây di sản Việt Nam đúng ngày lễ hội đền Mõ, 16-3-2011, tưởng nhớ đến công chúa. Thân chính cây gạo cao 30 m, đường kính hơn 2 m. Thân phụ có đường kính 0,49 m mọc ra từ gốc thân chính.
Cây gạo 1000 năm tuổi do chính Quỳnh Trân Công Chúa trồng ở Đền Mõ, Hải Phòng.
Cây đa 13 rễ ở xóm Trại 1, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, sắp được vinh danh cây di sản Việt Nam.
Trưởng ban quản lý cảnh quan cây đa, cho biết cây đa có thể 600 – 700 năm tuổi. Ban quản lý cũng đã làm hồ sơ gửi lên Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam đăng ký cây di sản Việt Nam. “Đây là cây đa nổi tiếng ở Hải Phòng, thu hút khách du lịch đến tham quan mỗi khi khách thập phương đến Hải Phòng”,
Sáng 19/3/2011, đông đảo các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội và những người yêu thiên nhiên môi trường; cùng đông đảo các cơ quan Thông tấn, báo chí đã về làng cổ Mơ Chùa (nay là thôn Nhuận Trạch, xã Vạn Thắng, Huyện Ba Vì –TP. Hà Nội) chứng kiến sự kiện: Cây thị nghìn tuổi được VACNE trao bằng công nhận là cây di sản Việt Nam.
Theo các bậc cao niên ở địa phương thì cây thị có từ khi ngôi đền cổ được xây từ thời Lý, thờ Linh Lang Đại Vương.
Ngày 22/4/2011, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Liên hiệp các hội KH&KT Hà Nội, Ủy ban Nhân dân Thị xã Sơn Tây đã long trọng tổ chức Lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam rặng ruối cổ 18 cây ở Đường Lâm, TX. Sơn Tây
Theo ông Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch VACNE, 18 cây ruối ở khu vực đền - lăng Ngô Quyền, thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm có tuổi đời cỡ nghìn năm. Tương truyền đây là nơi vua Ngô Quyền từng làm chỗ buộc voi, buộc ngựa sau các cuộc tập trận cùng với nghĩa quân để chuẩn bị tiến về vùng cửa sông Bạch Đằng đánh quân Nam Hán. Việc công nhận rặng ruối là Cây di sản nhằm bảo tồn hiện vật liên quan đến công lao, sự nghiệp của vua Ngô Quyền.
Ngày 29/4/2011, tại Nghệ An, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và một số cơ quan, tổ chức phối hợp tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. và Lễ công nhận cây Sa mu dầu tại Vườn Quốc gia Pù Mát thuộc khu sinh quyển Tây Nghệ An là cây di sản Việt Nam.
Hiện nay, rất nhiều người ở nước ta đã quan tâm, hưởng ứng sự kiện vinh danh Cây Di sản Việt Nam do VACNE khởi xướng và tổ chức, đáng mừng là trong đó có khá nhiều nhà báo và các nghệ sĩ nhiếp ảnh.
- Các tỉnh, thành đã đăng ký công nhận cây di sản gồm Hà Nội mở rộng, Cao Bằng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh… Đến nay, VACNE đã công nhận cây di sản ở bốn tỉnh thành gồm Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, Hải Dương, và Hải Phòng. Tới đây VACNE tiếp tục công nhận cây di sản ở Hà Nội, tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Ninh Bình, Hải Phòng, và Quảng Ninh.
- VACNE đã tiếp nhận hơn 100 hồ sơ với vài chục loại cây như đa, thị, lim, nghiến, gạo, thông, ruối, muỗm, samu dầu, v.v…Trong số hơn 100 hồ sơ, VACNE đã công nhận 90 hồ sơ và đã trao bằng công nhận cây di sản cho gần 70 cây ở các tỉnh thành gồm Hà Nội mở rộng, Huế, Hải Dương, Hải Phòng. Sau khi tiếp nhận hồ sơ kèm theo ảnh của địa phương gửi về, hội đồng cây di sản của VACNE cùng với các chuyên gia sẽ trực tiếp đến hiện trường để khảo sát, đánh giá và xác định tuổi của cây.
- “Sau khi cây được công nhận, nếu địa phương nào gặp khó khăn trong việc chăm sóc, chữa trị cho cây thì VACNE sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ. Trong trường hợp cây bị xâm lại, VACNE sẽ đến trực tiếp để can thiệp” TS Sinh nói.
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội hào hứng với sự kiện vinh danh Cây Di sản Việt Nam do VACNE khởi xướng
Tài liệu tham khảo
1. Đặng Văn Hà (TS)- Bộ môn Lâm nghiệp Đô thị, Khoa Lâm học Trường ĐH Lâm nghiệp ,Trưởng Ban cố vấn khoa học Công ty cổ phần Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị Đô thị-
Cây xanh và sức khỏe tâm lý - Công ty CP KT cảnh quan và cây xanh đô thị
2. Nghị Định số 64/2020/NĐ-CP về Quản lý cây xanh đô thị ngày 11 tháng 6 năm 2010.
3. Nguyễn Thị Thái Thanh (KTS)- Cây xanh đô thị- Tạp chí Xây dựng Đô thị 5-2011.
4. Vườn Thang Long -Vai trò cây xanh trong hệ sinh thái đô thị -
4. www.saga.vn - TS. Phan Kế Long23/10/2007 12:10 AM – Cây xanh và môi trường đô thị
Lượt xem : 4829