Vietnamese English
Cây xanh và máy lạnh

7/26/2020 8:25:00 AM

Những ngày này, nắng ở quê tôi có màu xanh. Hiểu đơn giản, đó là thứ nắng đến cháy da cháy thịt.

 

5 cây thị cổ thụ gần 700 năm tuổi, nơi trú ẩn của bộ đội thời ...



Nhìn từ trong nhà ra đường bê tông, ta có thể thấy hơi nóng như ngọn lửa xanh bốc lên. "Bây giờ đang nắng xanh con ạ. Hôm qua xóm ta có người phải đi cấp cứu vì say nắng", bố tôi mới miêu tả thời tiết ở nhà qua điện thoại. Tôi thấy chính quyền tỉnh vừa 
công bố tình trạng thiên tai do nắng nóng.


Quê tôi, một làng thuộc bắc miền trung đang trải qua những ngày 
nắng nóng kỷ lục. Nắng như thiêu đốt, như hất lửa vào cơ thể con người, động vật, cây cối. Tôi nhớ những ngày người lớn từ ba, bốn giờ sáng đã phải dậy rọi đèn đi làm đồng để tránh nắng. Nhà nào khá mới có điều hòa, quạt hơi nước. Nhà nào không có điều kiện phải phun nước lên mái nhà, tưới nước ra nền nhà hoặc tìm những gốc cây to để nấp phía dưới, ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt. Có những gia đình tránh ở quê những ngày này bằng cách đi thăm người thân ở miền Nam, chờ qua mùa nắng nóng mới về. Nông dân lo lắng tìm nước cứu lúa, cứu đồng. Nhiều người phát ốm đúng nghĩa đen, gầy rộc, mệt mỏi, ngất xỉu. Không ít người bị chết trong mùa nắng nóng.


Tôi thoát ly mấy chục năm rồi, dự tính sau này nghỉ hưu sẽ về quê sinh sống. Nhưng thời tiết đôi khi trở thành vật chướng ngại dù tôi đã sinh ra, lớn lên ở đó và năm nào cũng về quê vài lần.


Tôi thử tìm nguyên nhân để lý giải tình trạng nắng nóng kinh hoàng đang gia tăng mỗi độ hè về. Ai cũng bảo, so với trước đây, nắng đã "biến thể" và "hung dữ" hơn rất nhiều. Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ toàn cầu tăng lên là điều chúng ta đã biết. Nhưng một lý do nữa, theo tôi là nguyên nhân cốt yếu và trực tiếp: diện tích, mật độ cây xanh và mặt nước ở nhiều nơi bị giảm sút trầm trọng so với năm, bảy năm trước trong khi quy mô bê tông hóa ngày càng dày đặc.


Trước kia, quê tôi nhiều cây lắm, đi đâu cũng thấy màu xanh và rất nhiều cây cổ thụ to cao. Cây xanh trong không gian sinh hoạt của con người có thể chia thành ba nhóm chính: các loài cây tâm linh mọc ở chùa, đình, đền, miếu; các loài cây phòng hộ dọc bờ sông, hồ, dọc đường làng, ngoài cánh đồng, ven đê nhằm chống bão lụt, che mưa nắng; và các loài cây gia dụng chủ yếu để ăn trái trồng bởi các gia đình. Cùng với cây cối um tùm, con sông quê, các ao, đầm, hồ luôn ăm ắp nước quanh năm.


Cây cổ thụ và những cây to giờ đây gần như đã bị triệt hạ hoàn toàn. Một phần do người dân có xu hướng chặt cây gia dụng và cây ăn trái ít hiệu quả kinh tế để trồng các loại năng suất hơn như cam, nhãn, vải. Phần khác, phong trào chơi cây cảnh như lộc vừng, lan, dừa, hoa... khiến phạm vi cây xanh trong vườn bị thu hẹp. Nhưng lượng cây bị triệt hạ nhiều nhất là do các đợt phát quang, dọn dẹp của chương trình "nông thôn mới". Không thể phủ nhận chủ trương "nông thôn mới" đã thay đổi hình ảnh những vùng quê, khiến đường sá thuận lợi, khang trang hơn. Nhưng cũng chính từ đây, hàng loạt cây xanh lâu đời đã bị chặt phá.


Chính quyền lập lộ giới đường và lấy đó làm căn cứ, cây nào có rễ, gốc, thân hay tán lá chạm vào lộ giới thì gần như bị đốn hạ hết. Người ta dựng sào từ dưới đất lên theo chiều thẳng đứng, ngắm nghía và phạt, chặt thẳng tay. Nhiều địa phương quyết liệt đến mức, sau mỗi đợt ra quân phát quang, dọn dẹp, lãnh đạo về kiểm tra từng khúc đường, ngắm từng mép cây, chỗ nào chưa thẳng thì cán bộ địa phương phải giải thích và "khắc phục ngay". Không biết bao nhiêu cơ man cây xanh, trong đó có nhiều hàng cổ thụ gắn với hồn cốt làng xóm cũng bị triệt hạ không thương tiếc dưới những cây thước ngắm theo đúng "chủ trương". Ở quê tôi, các lần phát quang luôn phát sinh cãi cự, xung đột qua lại giữa người dân và đại diện chính quyền.


Mỗi năm trở về miền trung, tôi thấy quê hương càng trơ trọi, bạc màu, cằn cỗi. Cây cũ bị chặt đi nhưng không thấy cây mới được trồng lên. Không còn cây, khả năng hấp thụ hơi nóng và điều hòa không khí giảm rõ rệt, đồng thời đất không giữ được nước, ao hồ cạn dần khiến con người ngày càng 
thất thế trong cuộc chiến với nắng nóng, bão lụt.


Khoảng giữa thế kỷ trước, độ bao phủ của rừng trên tổng diện tích cả nước ta khoảng 43%, giờ đây chỉ còn trên dưới 30%. Diện tích cây xanh trên đầu người tại các thành phố lớn của Việt Nam chỉ bằng 1/10 so với mức trung bình của thế giới. Tôi không thể tìm thấy con số nào đề cập đến hiện trạng giảm sút cây xanh ở nông thôn - có lẽ không ai làm nghiên cứu về nó. Nhưng tôi tin, chúng không khác nhiều so với thực trạng cây xanh trong rừng và thành phố.


Tôi chợt liên tưởng hình ảnh cha mẹ, hàng xóm đang vật lộn vì nắng xanh ở quê mình với các em học sinh phải ngồi trong những phòng học nóng hầm hập, sân trường bê tông khô khốc ở thành phố. Chiến dịch 
đốn hạ Phượng vĩ không thương tiếc trong sân trường sau sự cố một cây Phượng bật gốc đè học sinh khiến các trường học càng trơ trọi hơn. Một cây Phượng đổ, hàng nghìn trường học liền ra quân chặt hạ cây xanh. Đó là biện pháp nhanh, thuận tiện và dễ dàng nhất, nhưng vô cảm nhất. Trong khi chẳng khó để tham khảo cách làm lâu nay của nhiều nước, chỉ cần tỉa bớt cành, dùng dây chằng hay dùng cột đỡ ở những vị trí cần thiết để đảm bảo chúng không gãy, đổ. Và điều quan trọng hơn, đây là cơ hội để các đơn vị, nhà trường xây dựng quy trình, hướng dẫn chuẩn mực khi trồng cây xanh: chọn loại cây phù hợp và chất lượng từ ban đầu, đào hố đủ sâu, trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật.


Thống kê tại 15 trường trung học ở Hà Nội chỉ ra rằng, hầu hết các trường chưa đạt các tiêu chuẩn về diện tích trồng cây. Có 14/15 trường nơi diện tích xanh dưới 30%; 12/15 trường có tỷ lệ phủ xanh thấp hơn tiêu chuẩn hai mét vuông trên mỗi học sinh, theo tiêu chuẩn quốc gia.


Những ai từng sống ở vùng nắng nóng "như rang" giống quê tôi mới hiểu hết giá trị của một bóng cây xanh, một mặt nước quý thế nào với sinh tồn của con người. Chúng ta sinh ra từ tự nhiên, sống ắt phải nương nhờ, thuận theo và tôn trọng tự nhiên. Chúng ta chắc chắn cần cây xanh hơn máy lạnh dù có dư tiền để trả tiền điện. Những chính quyền, tổ chức, con người từ chối cây xanh là từ chối sự tồn tại của chính cộng đồng mình.

Đặng Quỳnh Giang/VnE

Lượt xem : 1795