Cây xanh hồ Gươm - chuyện cũ kể lại
4/4/2010 5:59:00 PM
(ANTĐ) - Giữa thế kỷ 18, các làng quanh hồ Gươm vẫn là các làng nhỏ. Ngoài đa, cây trong làng chủ yếu là cây bóng mát, phía Tây Bắc hồ có một vài cây muỗm. Nối làng nọ với làng kia vẫn là những con đường đất và các cầu ao con con bắc ra hồ để rửa rau, vo gạo hay tắm về mùa hè. Song, quanh hồ Gươm có 1 cây đa tính đến nay đã sống gần 200 năm. Đó là cây đa nằm trong khuôn viên của Báo Nhân Dân hiện nay. Khi Tiến sỹ Vũ Tông Phan lập trường Hồ Đình năm 1835 thì cây đa này đã vững chắc, nghĩa là nó đã được trồng trước đó. Kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật lúc còn sống đã xếp cây đa này vào loại số 1 Đông Dương.
|
Cây đa nằm trong khuôn viên Báo Nhân dân |
Sau khi chiếm được Hà Nội năm 1882, Công sứ Pháp có kế hoạch làm đường chạy quanh hồ Gươm. Con đường hoàn thành vào năm 1893 (phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ ngày nay). Cây ở các làng đã bị chặt hạ và chính quyền thành phố đã cho trồng mới các loại cây quanh hồ để lấy bóng mát và làm cho hồ Gươm thêm thơ mộng. Phần lớn cây được lấy từ vườn thực vật, người dân gọi là vườn Bách Thảo. Vườn này thành lập năm 1888, được lập ra để trồng thí điểm các loại cây và hoa đưa từ nước ngoài vào.
Một cây đa khác cũng có tuổi đời không thua kém cây đa số 1 Đông Dương là cây đa ở đền Ngọc Sơn. Trận bão năm 1977 đã làm bật rễ. Ngay sau đó người ta đã dùng tời kéo thân nó đứng dậy rồi chống cột và cho đến hôm nay, cây đa vẫn sống và toả bóng. Một cây đa nữa cũng vào hàng cao niên là cây đa ở 87 phố Hàng Gai . Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc cho rằng đó là cây đa Cô Quyền vì cạnh cây đa có quán nước của một người đàn bà tên Quyền. Theo cuốn “Nhớ gì ghi nấy” của nhà văn Nguyễn Công Hoan thì cây đa này gọi là cây đa Cu Quyền vì Quyền chuyên làm thuê. Còn Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn gọi là cây đa Cửa Quyền vì có cây đa, có quán nước lại gần Phủ Doãn (chỗ dân nghỉ ngơi khi vào cửa quan).
Có một điều rất thú vị về 2 cây gạo phía đông hồ Gươm (một cây trước vườn hoa Lý Thái Tổ và một cây trước đền Ngọc Sơn đã bị chết). Cây gạo có đặc điểm sinh học là vào cuối mùa xuân, lá rụng hết và trên cành khẳng khiu hoa bắt đầu nở đỏ ối khiến cho hoa càng nổi bật trên nền trời. Tuy nhiên, cây gạo không cho bóng mát, thậm chí còn gây nguy hiểm vào mùa mưa bão vì cành rất dễ gẫy. Dân gian có câu “Thần cây đa, ma cây gạo”, ban ngày ma quỉ thường trú ngụ ở cây này, do vậy để “dồn ma” ra khỏi làng nên ở các vùng quê, người ta hay trồng cây gạo ở đầu làng hay ngoài cánh đồng. Khi chính quyền Pháp xây dựng công sở, dinh thự ở phía đông hồ Gươm có người mách nên trồng cây gạo để tránh ma quỉ quấy nhiễu. Thế là chính quyền cho trồng ngay.
Đối diện với siêu thị Intimex có một cây muỗm, khi người ta làm đường quanh hồ cuối thế kỷ XIX đã giữ lại cây này. Năm 1954, muỗm chín rụng đầy gốc cây. Song từ đó đến nay, năm nào cây cũng ra hoa nhưng không có quả. Nói đến cây quanh hồ Gươm không thể không nói đến cây Lộc Vừng. Khi các cánh hoa đỏ rụng xuống mặt hồ, gió dồn lại một chỗ tạo ra tấm thảm bập bềnh trên mặt nước khiến hồ Gươm ngày càng thêm duyên dáng. Ở gốc cây Lộc Vừng này thường có một ông già tóc trắng như cước ngồi thổi tiêu. Nhưng chỉ đúng ngày 19-12 ông mới thổi bài Hồn tử sĩ. Sở dĩ ông chỉ thổi Hồn tử sĩ vào ngày đó vì người bạn thân cùng phố Hàng Gai của ông khi đó mới 13 tuổi làm liên lạc ở Trung đoàn Thủ đô đã hy sinh ở chính gốc cây Lộc Vừng trong những ngày Thủ đô quyết tử chống Pháp.
Người Pháp quy hoạch đến đâu thì cho trồng cây đến đó. Cây trên các phố tính đến năm 2010 thì cây cao tuổi nhất cũng chỉ khoảng 100 năm. Năm 1969, vì quanh hồ không có kè nên trận bão lớn năm này làm nhiều cây ven hồ bị đổ. Sau đó, người ta mới cho kè bê tông xung quanh. Năm 1997, một trận bão lớn tràn qua Hà Nội làm đổ tới gần 5.000 cây lớn nhỏ các loại. Tuy nhiên các cây lớn quanh hồ Gươm không bị đổ.
Theo Giáo sư Vũ Văn Chuyên người rành rẽ cây xanh Hà Nội thì trước số nhà 71 phố Hàng Trống trước kia có cây hoa chuông đỏ duy nhất của Hà Nội nhưng nay cây này đã bị chặt hạ. Cũng theo Giáo sư Chuyên, Hà Nội có khoảng 700 loài trong đó có 148 loài cây bóng mát; 62 loài cây cỏ; 76 loài cây ăn quả, hoa và 217 loài cây cảnh với khoảng 30.000 cây to nhỏ các loại. Hà Nội thời bao cấp từng đạt tới 9m2 cây xanh/người nhưng bây giờ thấp hơn nhiều. Cây xanh không chỉ là lá phổi của thành phố mà còn tạo cho Hà Nội nét riêng so với đô thị khác trong khu vực. Hà Nội xanh là cái đích cần phải đạt tới trong tương lai gần.
Nguyễn Ngọc
(ANTĐ, 2/3/2010)
Lượt xem : 6323