Vietnamese English
Cây sui rất độc

4/13/2016 10:46:00 AM

(VACNE) - Ngày 18/2/2013 cây Sui ở sân trường THCS Văn Khúc, xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) được vinh danh là cây Di Sản Việt Nam. Ý nghĩa của cây Di Sản trong bảo tồn Đa dạng sinh học nói chung rất lớn, những địa phương có cây Di Sản cần duy trì và bảo vệ nguồn gen này một cách lâu dài. Để biết thêm về gía trị y học của cây Di Sản, chúng tôi xin cung cấp một số tư liệu liên quan đến cây Sui được đề cập ở đây.

Trong bài thơ ‘Việt Bắc’ (1954) của nhà thơ Tố Hữu có câu “Thương nhau, chia củ sắn lùi; Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”. Trước đây, khi đời sống ở vùng núi còn nhiều khó khăn, một số nơi người dân tộc thiểu số đã phải dùng vỏ thân cây Sui để làm chăn đắp (sau khi đã loại bỏ chất độc). Ngày nay, cái “chăn Sui” đã đi vào dĩ vãng, dù ở vùng sâu, vùng xa cũng không ai còn phải đắp chăn Sui nữa.

Cây Sui còn có tên là cây Thuốc bắn, vì nhựa mủ (sau đây gọi là nhựa) cây này rất độc, thường được dùng chế mũi tên độc để săn bắn thú rừng, kể cả thú lớn như Trâu rừng, Bò rừng cũng không thể chạy thoát nếu trúng tên độc này (thịt con vật bị trúng tên độc nhựa Sui vẫn ăn được). Người đi rừng, nếu bị nhựa Sui bắn vào mắt sẽ gây viêm sưng, có khi bị mù. Nhựa Sui dính vào vết thương hở hay chỗ trầy xước trên da cũng gây nhiễm độc, cần nhanh chóng rửa sạch và phải đưa đi cấp cứu ngay. Đặc biệt ở trường Văn Khúc, nơi học sinh thường tụ tập chơi quanh gốc cây Sui cổ thụ thì rất dễ bị dính nhựa của cây độc nguy hiểm này. Các thầy giáo, cô giáo cần hướng dẫn cho học sinh không được hái lá, bẻ cành, hoặc chặt vào thân cây Sui làm cho nhựa bắn vào mắt, vào da, gây nhiễm độc rất nguy hiểm.

Cây Sui có tên khoa học là Antiaris toxicaria (Pers.) Lesch., thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Đây là cây gỗ lớn cao đến 30-40m, thân tròn thẳng, đường kính gần gốc tới 40cm, gốc phình to, mọc nhanh. Cành non có lông tơ màu vàng nhạt. Lá xếp thành hai dãy, có lông mịn; phiến lá hình trái xoan, dài 7-19cm, rộng 3-6cm, gốc lá tròn hay hình tim, đầu lá có mũi nhọn ngắn, mép lá hơi khía răng; cuống lá dài 8-10mm, có lông ngắn. Hoa ở nách lá, đơn tính cùng gốc. Cụm hoa đực mang nhiều hoa không cuống, xếp sát nhau trên đế hoa lồi, có bao chung gồm nhiều dãy lá bắc xếp lợp. Hoa cái đơn độc, không cuống, bầu dưới, một ô, một noãn. Quả hạch, dài 18mm, dày 12mm, có  lớp vỏ quả nạc, mỏng. Hạt hình bầu dục, hơi dẹt, dài 13mm, rộng 8mm. Ra hoa tháng 2 đến tháng 4.


Cây sui (thuốc bắn): bò rừng cũng chết
Ảnh 1: Cành lá Sui mang cụm hoa đực

Hình vẽ: Cụm hoa đực và hoa cái cây Sui

(nguồn:Internet)



Ngoài Việt Nam, cây Sui còn phân bố ở Ấn Độ, Sri Lanca, Myanma, nam Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, vv. Ở nước ta, cây này mọc hoang trong rừng rậm ở vùng núi từ Bắc tới Nam.

Toàn cây Sui có nhựa mủ màu trắng rất độc. Nhựa Sui chứa các chất glycosid tim gồm a-, b-, và g-antiarin, convallatoxin và antiosid, vv. Các chất này có tác dụng lên tim mạnh hơn digitalin (một chất glycosid tim kinh điển được Tây y sử dụng). Trong vỏ cây còn có chất tanin, dùng để nhuộm.

Ở Việt Nam, Lào và Campuchia người ta không dùng cây này làm thuốc. Nhưng theo Y học cổ truyền ở nhiều nước thì cây Sui có sử dụng, nhưng phải theo chỉ định của thầy thuốc với liều lượng quy định. Ở Nhật Bản, lá và rễ Sui được dùng chữa bệnh tâm thần. Ở Châu Phi và một số nước trong khu vực Châu Á, dùng hạt, vỏ và lá Sui làm thuốc làm săn, hạt chữa kiết lỵ. Ở Ấn Độ và Philippin, người ta dùng hạt Sui với liều 1/3 hay 1/2 hạt, 3 lần một ngày, làm thuốc chữa lỵ. Lá và vỏ Sui cũng có tác dụng chữa sốt. Ở Vân Nam (Trung Quốc), dùng nhựa Sui để gây nôn.

Ở Châu Phi và Polynesia, người dân bản địa cũng dùng sợi vỏ thân cây Sui làm quần áo. Quả Sui chín ăn được. Lá Sui được dùng làm phân xanh.

Triệu chứng ngộ độc do nhựa Sui là gây giãn cơ, làm tim đập chậm dần, sau cùng ngừng tim rồi chết. Động vật ăn phải lá Sui cũng có biểu hiện như trên. Người bị ngộ độc cây Sui cần phải đưa đi cấp cứu ngay.

           TSKH. Trần Công Khánh

 

 

Ảnh 2: Cây Sui tại trường THCS xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ (nguồn: VACNE)

Lượt xem : 10068