Vietnamese English
Cây Muỗm gần hai thế kỷ tỉnh Hưng Yên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

1/5/2017 8:05:00 PM

(VACNE) -Ngày 5/1/2017, chính quyền và nhân dân Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận cây Muỗm gần hai thế kỷ tại miếu Cụ Thiện – thôn Thông Quan Hạ, thị trấn Khoái Châu là Cây Di sản Việt Nam

 

 

 

Đây là cây cổ thụ thứ ba của tỉnh Hưng Yên được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao tặng danh hiệu cao quý này, sau sự kiện Cây Đa đền Vân, xã Liên Phương, TP Hưng Yên và Cây Bồ Đề tại thôn Dung, xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ được vinh danh Cây Di sản Việt Nam vào tháng 4/2014 và tháng 10/2016.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Duy Thanh, phó Chủ tịch UBND thị trấn Khoái Châu trình bày tại buổi lễ trọng thể này: cây Muỗm cổ thụ gắn liền với miếu Cụ Thiện - một vị đại thần có công đánh giặc Minh phương Bắc, bảo vệ nhân dân.

Khu di tích  Đình, Đền, Chùa và Miếu ở Trang Thông Quan xưa đều được  xây dựng vào triều nhà Lê, trong đó có miếu Cụ Thiện. Ngồi miếu được xây trên thế đất “đắc địa”, quy, xà (rùa và rắn) hợp thành. Miếu nằm  trên thế đất cao, ẩn mình dưới những cây cổ thụ xanh mát quanh năm, cạnh đường rùa giữa hai thôn Thông Quan (thôn Thượng và thôn Hạ), mang nét cổ kính, trầm tích. Hiện nay, đôi câu đối ở miếu  vẫn còn ghi: “Hình hợp quy, xà khai thắng địa, lũng đề ngung đống khởi thần cao”.

Miếu thờ Cụ Thiện, lúc đầu chỉ là một am miếu nhỏ,  tới cuối triều Minh Mạng (1820 – 1840)  được tôn tạo, xây mới và từ đó đến nay được trùng tu nhiều lần, lần gần đây vào mùa thu tháng tám năm Giáp Tuất 1994. Hầu hết những cây: Nhãn, Ruổi và Muỗm trồng từ thời Minh Mạng đã già cỗi, ngày nay chỉ còn cây Muỗm gần 200 năm vẫn tỏa bóng mát cho toàn bộ ngôi Miếu. Những năm 70 của thế kỷ trước, người dân địa phowng đã trồng lại một số cây như: Nhãn, Ruối, Muỗn và cây Vạn tuế.

Thay mặt chính quyền và nhân dân địa phương, ông Vũ Văn Đại, Bí thư Đảng ủy thị trấn Khoái Châu đã phát biểu cảm ơn sự quan tâm của các cơ quan chức năng, trong đó có Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; đồng thời bày tỏ quyết tâm cùng toàn thể cán bộ và dân địa phương chăm sóc, bảo vệ tốt hơn những di sản của cha ông để lại.


Nhận  thức  rõ hơn về  ý nghĩa của việc bảo vệ Cây Di Sản, bà Lê Thị Ngọc Luyến, Trường phòng Văn Hóa & Thông tin huyện Khoái Châu đã giới thiệu  với lãnh đạo Hội về hàng cây cổ thụ (hơn 200 năm) bao quanh đền Cót, thôn Cúc Phong, xã Tri Tân, huyện Khoái Châu và bày tỏ tâm nguyện được Hội đồng Cây Di sản sớm xem xét, công nhận là Cây Di Sản Việt Nam. GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di Sản Việt Nam đã lắng nghe và hứa sẽ cử Đoàn cán bộ về khảo sát hàng cây sau khi nhận được Bản Đăng ký của địa phương và sẽ đưa ra Hội đồng Cây Di sản VN xét duyêt để công nhận.

Tới chia vui với bà con địa phương, có đoàn đại biểu của Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam, các vị lãnh đạo và đại diện chính quyền, các  đoàn thể của huyện và thị trấn  Khoái Châu, cùng nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn, trong bầu không khí lễ  hội.

 

GS.TS. Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp KH&KT Hà Nội và GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ  tịch Hội đồng CDS VN trao Quyết định và Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho đại diện địa phương. GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh đã phát biểu ý kiến và giao lưu với địa phương bằng một bài hát sôi nổi, hào hùng được bà con đón nhận nồng nhiệt./. 

 

 

Phạm Đức Thi (VACNE)

Lượt xem : 3507